Như thế nào mới được gọi là hàng Sa-Môn? Người tu hành không chơn chánh có quả tái sanh ra sao?

Như thế nào mới được gọi là hàng Sa-Môn? Người tu hành không chơn chánh có quả tái sanh ra sao?

    NHƯ THẾ NÀO LÀ BẬC SA-MÔN?

    Ðức Chánh Biến Tri có giảng thuyết về danh hiệu và cái pháp của Sa-môn rằng:

    “Samanā samanāti vo bhikkhave jano jano sañjānāti”

    ‒ Này các tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các ngươi rằng là Sa-môn. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: “Ông là chi?” Các ngươi cũng nhận rằng: “Chúng tôi là Sa-môn”.

    Như vậy, nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình đúng như vậy rồi biết rằng:

    Ye dhammā samaṇakarāṇā brahmana karaṇā

    ‒ Các pháp nào làm cho thành Sa-môn và Bà- la-môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật.

    Lại nữa, chúng ta đã thọ dụng y, bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào thì cái nghiệp lành của họ sẽ sanh phước lớn, có nhiều quả báo chẳng sai vậy, vì họ nương nhờ nơi chúng ta. Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả dầu là pháp để tu hành được nhiều phước báu thật. Này các tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.

    Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu nhất là: hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, rồi giải rằng:

    Parisuddhi kāyasamācāra, parisuddhi vacīsamā cāra, parisuddhi manosamācāra, parisuddha ājīva, indriyasamvara bhojanamattaññūjāgariyānuyoga, satisampajañña

    - Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (nīvaranadhamma) rồi tập trung tinh thần cho trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu đế. Tất cả pháp đó là pháp của Sa-môn.

    1) Hổ thẹn (hiri) về sự xấu hổ đối với các pháp ác.

    2) Ghê sợ (ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi. Cả hai pháp trên đây là quan trọng đặc biệt của Sa-môn, bằng không cũng chẳng gọi là Sa-môn được. Có 2 pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được.

    3) Thân trong sạch đầy đủ (parisuddhi kāyāsamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của thân.

    4) Khẩu trong sạch đầy đủ (parisuddhivacīsamācāra) chỉ về 4 nghiệp lành của miệng.

    5) Tâm trong sạch đầy đủ (parisuddhimanosamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của ý.

    6) Sự nuôi mạng trong sạch (parisuddha ājīva) tức là sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong Chánh mạng Thanh tịnh giới).

    7) Lục căn thu thúc (indriyasaṃvara) (xem trong Lục căn Thanh tịnh giới).

    8) Biết tiết chế trong thực phẩm (bhojanamataññū) chỉ về biết tiết độ trong sự thọ thực (xem trong phép Quán tưởng thọ vật dụng Thanh tịnh giới).

    9) Tỉnh thức thường thường (jāgariyānuyoga) là dạy phải thức nhiều ngủ ít.

    10) Trí nhớ biết mình (satisampajañña).

    11) Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, nghĩa là sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ.

    12) Sự trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp triền cái, rồi chú tâm tham thiền.

    13) Làm cho trí tuệ thấy rõ pháp Tứ điệu đế là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt cái khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế).

    Tất cả các pháp đó là pháp của Sa-môn cần phải có, bằng không ắt sẽ sa vào trong 4 ác đạo chẳng sai.

    Ðức Thế Tôn giảng thuyết về hàng Sa-môn và cái pháp của hàng Sa-môn như thế.

    ÁC ĐẠO MÀ SA-MÔN KHÔNG CHƠN CHÁNH PHẢI SA VÀO LÀ ĐÂU?

    Người mặc y vàng, song không thu thúc theo pháp của Sa-môn, cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng:

    Kāvāvakanthā bahavo pāpadhammā asannatā pāpā papehi kammehi nirayaṃ te upapajjare

    ‒ Phần đông người có áo cà sa dính cổ, tức là mặc y vàng, song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo pháp của Sa-môn, thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.

    Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ dâng cúng bằng đức tin không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng:

    Seyyo ayogulo bhutto tatto aggisikhū pamo yañce bhuñjeyya dussilo raṭṭha piṇḍaṃ asaññato.

    ‒ Người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt đương nóng còn hơn.

    Ðức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và Sa-môn không trú trong pháp của họ, như những qui tắc đã giải.

    Trích: Pháp làm cho trở nên Sa-môn, Luật Xuất Gia (Quyển Thượng), Soạn dịch Tỳ Khưu Hộ Tông

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.