HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
08. NHỮNG HẠT CHÂU NGỌC
TRONG TƯ TƯỞNG NGÀI MAHASI
Tôi muốn đọc một số những bài tuyển chọn trong cuốn sách này. Đây là cuốn sách tuyển lựa từ những bài giảng của Ngài Mahasi. Có rất nhiều sách của Ngài Mahasi. Phần lớn những cuốn sách của Ngài là những bài thuyết pháp mà Ngài đã dạy trong nhiều trường hợp khác nhau. Phần lớn những bài giảng của Ngài được viết ra, sửa sang lại, xuất bản thành sách vì thế mà sách của Ngài rất dễ đọc.
Đây là phần tuyển lựa từ cuốn sách bằng tiếng Anh được xuất bản ở Srilanka, “Con Đường Duy Nhất”. Cuốn sách này ghi lại những lời dạy của Ngài Mahasi dưới nhiều đề tài khác nhau. Thật ra, những bài giảng dạy của Ngài Mahasi căn cứ trên Giáo Pháp của Đức Phật và được Ngài Mahasi giảng giải rộng hơn, chi tiết hơn với những dẫn chứng về sự thực hành. Đó là lý do tại sao những bài giảng của Ngài Mahasi là những bài giảng đặc biệt liên quan đến sự thực hành. Sau đây là một số trích dẫn lời dạy của Ngài mà chúng ta tạm gọi là “Những Hạt Châu Ngọc trong Tư Tưởng Ngài Mahasi”.
Trước tiên, tôi muốn đọc cho các bạn nghe phần gọi là “Đem hiểu biết vào thực hành”.
HIỂU BIẾT VÀ THỰC HÀNH
Đối với người Phật Tử, thực hành là điều quan trọng nhất, bởi vì lời dạy của Đức Phật giống như thuốc. Chúng ta phải uống thuốc nếu chúng ta muốn hưởng lợi ích từ thuốc. Chỉ có thuốc, hay chỉ có sự hiểu biết về thuốc không giúp chúng ta thóat khỏi bệnh. Cũng vậy, những lời dạy của Đức Phật là để thực hành, chỉ khi thực hành những lời dạy của Đức Phật chúng ta mới hưởng được lợi ích từ sự thực hành này. Ở đây Ngài Mahasi đã nói về việc đem hiểu biết ra thực hành như sau:
“Theo lời dạy của Đức Phật, sự hiểu biết liên quan đến thánh đạo, đưa chúng ta đến chỗ chấm dứt tất cả đau khổ. Nhưng chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng đạo giải thóat chỉ có được đối với người thực sự thực hành".
Khi đi từ nơi này đến nơi khác bạn dùng xe, xe chở bạn đến nơi bạn muốn, người nào không lên xe sẽ bị bỏ lại đằng sau. Hiểu biết đạo cao thượng giống như chiếc xe. Nếu bạn ngồi lên xe thì bạn sẽ được chở đến đích. Nếu bạn chỉ đứng nhìn xe thì bạn sẽ bị bỏ lại đằng sau. Người nào muốn thóat khỏi đau khổ thì phải lên xe. Điều này có nghĩa là phải đem sự hiểu biết của mình ra thực hành để đạt đến mục tiêu. Bạn đã được diễm phúc sinh ra trong Giáo Pháp của Đức Phật, điều quan trọng nhất bạn cần phải làm là: "thực hành Giáo Pháp để đạt đến Niết Bàn, nơi đó tất cả mọi khổ đau đều chấm dứt.”
Những lời dạy của Đức Phật luôn luôn giúp chúng sinh thóat khỏi đau khổ. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi đau khổ, chúng ta phải thực hành những lời dạy của Đức Phật. Có thực hành giáo huấn của Đức Phật chúng ta mới gặt hái lợi ích thực sự.
Trong khi thực hành, đôi lúc chúng ta có sự phân vân nghi ngờ: “Không biết có phải chỉ cần chú tâm vào đối tượng trong hiện tại là chúng ta có thể thấy rõ hay xuyên thấu vào bản chất của sự vật v.v...” Tôi nghĩ rằng mọi người đều có sự nghi ngờ như vậy. Trong một bài pháp, Hòa Thượng Mahasi nói rằng: trước đây, chính Ngài cũng có nhiều nghi ngờ về sự thực hành. Ngài nói:
“Một số người chưa bao giờ hành thiền nên thường có những sự nghi ngờ như vậy. Bởi vì chỉ khi nào thấy mới tin... và sự nghi ngờ của họ còn tồn tại vì họ chưa gặt hái được kinh nghiệm trong lúc hành thiền”.
Khi chính bạn chưa đạt được kinh nghiệm thì bạn có thể nghi ngờ về sự thực hành.
Hoà Thượng đã nói:
“Một dạo, chính tôi cũng có nhiều nghi ngờ, bởi vì tôi hiểu lầm rằng sự thực hành mà thầy tôi dạy chẳng đề cập gì đến vật chất và tâm, vô ngã... (nāma, rūpa, anatta...) Nhưng tôi biết thầy tôi là một vị Sư uyên thâm Giáo Pháp nên tôi quyết định đi thử xem sao? Lúc đầu tôi ít tiến bộ, bởi vì tôi vẫn còn nghi ngờ vào phương pháp. Theo tôi phương pháp này chẳng nói gì đến "chân đế"". Chỉ sau này, khi tôi tuân theo phương pháp hành thiền một cách nghiêm túc, tôi mới hiểu được đây là phương pháp thực hành tốt nhất bởi vì phương pháp này buộc chúng ta phải chú tâm vào tất cả những gì cần phải biết, không bao giờ để tâm rỗng không, không đề mục, thiếu chánh niệm. Bởi vậy, Đức Phật đã mô tả chánh niệm là con đường duy nhất (Ekāyano Maggo)”.
Vào thời bấy giờ mọi người nghĩ rằng: Khi nói về Giáo Pháp hay khi dạy Giáo Pháp thì phải dùng từ chuyên môn thật cao thâm trong sách, nếu bạn dùng ngôn ngữ thông thường thì người ta ít quan tâm đến những điều bạn nói. Trong việc thực hành cũng vậy, người ta thích nghe những chữ dùng trong sách như như danh, sắc hay vật chất và tâm, vô thường v.v... (nāma-rūpa, anicca...) Nhưng vị thầy của Ngài Mahasi dường như không đề cập đến những chữ này. Ngài dùng ngôn ngữ thông thường để giảng dạy. Thoạt đầu, người ta không thích Ngài bởi vì họ nghĩ rằng: Vị thầy đã giảng giải Giáo Pháp rẻ tiền. Về sau, khi họ thực hành theo những điều Ngài hướng dẫn và đạt kết quả nên họ theo Ngài.
Thoạt đầu Hòa Thượng Mahasi cũng nghi ngờ phương pháp hành thiền này, bởi vì vị thầy Ngài không dùng ngôn từ kinh điển, nhưng vị thầy của Ngài Mahasi là một Nhà Sư thông thái và nổi tiếng. Bởi thế Ngài cố gắng thực hành thử. Như Ngài đã nói, thoạt đầu Ngài ít tiến bộ, bởi vì sự nghi ngờ về phương pháp hành thiền chưa được giải tỏa. Nhưng về sau Ngài thực hành theo phương pháp của thầy một cách nghiêm túc và tích cực nên Ngài đã thấy phương pháp của thầy dạy có hiệu quả lớn lao.
Điều quan trọng trong khi thực hành là chúng ta đừng nghi ngờ về phương pháp. Nếu có sự nghi ngờ về phương pháp, chúng ta cần phải loại trừ sự nghi ngờ này bằng cách đọc sách, bàn luận với thiền Sư hay những người hiểu biết pháp học, pháp hành.
Nếu sự nghi ngờ khởi sinh trong lúc bạn đang hành thiền thì bạn phải làm thế nào?
Phải lấy sự nghi ngờ làm đối tượng hành thiền, có nghĩa lấy sự nghi ngờ này làm đề mục và chánh niệm trên nó, hoặc có thể vừa chánh niệm vừa niệm thầm: nghi ngờ, nghi ngờ... đây là cách duy nhất để đối trị với hoài nghi chứ không còn cách nào khác. Nhưng nếu trước khi hành thiền mà bạn có sự nghi ngờ về phương pháp thì bạn có thể đọc sách hay hỏi những người hiểu biết để loại trừ hoài nghi.
Một phần khác trong những lời dạy của Ngài Mahasi nói đến sự đau của thân. Ngài dạy rằng: Thực hành chánh niệm là phương thuốc có hiệu quả để điều trị khổ thân. Ngài nói:
“Nếu bạn đau khổ vì sức khoẻ yếu hay bệnh tật, và nếu bạn không có phương thuốc nào để trị liệu được nữa thì sự hành thiền chánh niệm trên sự đau hay trên bịnh hoạn là điều thích nghi, bệnh tật nếu không chữa trị hoàn toàn, thì ít nhất cũng giảm được phần nào. Nếu cái đau và sự khổ vẫn còn trên cơ thể thì sự hành thiền cũng làm giảm phần nào cái đau của tâm. Nếu bạn giận dữ hay tức bực về sự đau khổ của thân, thì tâm của bạn cũng đau khổ theo. Đức Phật so sánh sự đau khổ về tâm khi đau thân chẳng khác nào bị đâm bởi hai gai nhọn cùng lúc. Giống như trường hợp một người bị gai đâm vào thịt và anh ta muốn lấy gai ra bằng cách chọt vào đó thêm một cây gai nữa, cây gai sau gảy trong thịt mà cây gai trước không thể lấy ra được. Cũng vậy, nếu không thể ghi nhận được sự đau của thân trong lúc hành thiền thì sẽ bị đau cả thân lẫn tâm. Nhưng nếu thiền sinh có thái độ đúng đắn về sự đau thân, có nghĩa là thiền sinh có thể thực tập chánh niệm trên sự đau thân thì thiền sinh chỉ chịu đau thân mà thôi."
“Giống như sự đau thân của Đức Phật và vị A La Hán. Các Ngài cũng còn đau thân, các Ngài cũng bị ảnh hưởng bởi nóng lạnh, côn trùng cắn và những loại khó chịu khác. Dù cho các Ngài bị đau về thân nhưng tâm các Ngài vẫn ổn cố, các Ngài không bị khổ về tâm. Phương pháp hành thiền là một phương pháp rất hiệu quả để chữa trị thân đau mà tâm không đau.”
Ở đây Ngài Mahasi nói:
“Khi bạn đau mà không có thuốc nào để chữa (Ngài không muốn phải thay thế thuốc men thông thường bằng việc hành thiền) thì hãy cố gắng thực tập chánh niệm.”
Như vậy, bạn bị đau thân thì bạn phải dùng thuốc, đó là phương pháp chữa trị thông thường, nhưng nếu đau mà không còn thuốc chữa thì hãy cố gắng thực tập chánh niệm. Nhờ thực tập chánh niệm trên sự đau, cái đau có thể biến mất. Nếu bạn tinh tấn kiên trì ghi nhận sự đau và khi định tâm của bạn đạt được mạnh mẽ hơn, sự đau có thể sẽ biến mất, ngay cả những bệnh kinh niên cũng có thể chữa trị được bởi việc hành Thiền Minh Sát.
Khi bạn cố gắng chánh niệm vào chỗ đau, bạn sẽ bắt đầu thấy cái đau một cách rõ ràng, biết nó là thế nào, và bạn cũng thấy được chúng sinh diệt, thấy chúng vô thường v.v... Nhờ quán sát như vậy nên tâm bạn không đau. Bạn quán sát ghi nhận, kinh nghiệm sự đau trong cơ thể nhưng tâm không ảnh hưởng, không bị rối loạn, xáo trộn... Khi tâm bạn không bị quấy động thì bạn chỉ bị đau bởi một cây gai thôi. Nếu tâm bạn bị rối loạn, lay động, phiền muộn, xuống tinh thần thì bạn đã đau gấp đôi. Bởi vậy, Đức Phật so sánh những người thân đau mà để tâm đau giống như bị hai cây gai cùng đâm vào một chỗ.
Khi bạn đau khổ bởi một loại bệnh nào đó mà không còn thuốc chữa, bạn hãy cố gắng hành Thiền Minh Sát. Các bác sĩ ngày nay đã thấy rõ lợi ích của việc hành thiền đối với bệnh nhân. Họ đã khuyên những người bệnh kinh niên, những người bị xuống tinh thần và ngay cả những người bị ung thư v.v...đi hành thiền. Họ đã thấy phương pháp chánh niệm là đường lối hay nhất để chữa trị bịnh kinh niên. Hiện nay một số bịnh viện đã tổ chức các lớp hay các khóa thiền dạy cho bệnh nhân.
BUỒN CHÁN
“Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến luật nghiệp báo hay những lời dạy của Đức Phật là: Mọi sự vật xảy ra tùy thuộc vào nghiệp mà ta đã tạo. Nhớ đến luật nghiệp báo giúp chúng ta bình thản trước nghịch cảnh. Phương thuốc để đối trị nghịch cảnh là hành Thiền Minh Sát hoặc hành Thiền Vắng Lặng. Nếu lo âu, phiền muộn, buồn chán, xuống tinh thần kéo đến trong những giờ hành thiền thì phải ghi nhận trạng thái tâm này để loại trừ. Đức Phật đã dạy rằng: “Thiền Minh Sát là con đường duy nhất để chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân khổ tâm, chấm dứt mọi đau khổ”. Bao lâu chúng ta chánh niệm trên đề mục đúng theo kinh Đại Niệm Xứ đã dạy thì chúng ta sẽ không buồn chán, xuống tinh thần. Nếu buồn chán, xuống tinh thần khởi sinh, chúng ta chú tâm chánh niệm thì chúng sẽ ra đi.”
Đó là cách thức để đương đầu với mọi xúc cảm, với tất cả các loại khổ tâm, chứ không phải chỉ với buồn chán, xuống tinh thần, nhưng nơi đây Hòa Thượng chỉ nhắc tới sự đương đầu với buồn chán, xuống tinh thần mà thôi.
Khi bạn cảm thấy lo âu, phiền muộn hay xuống tinh thần thì điều bạn cần làm là biến chúng thành đề mục hành thiền và chú tâm chánh niệm ghi nhận trạng thái tâm này, hoặc vừa chánh niệm ghi nhận vừa niệm thầm: lo âu, lo âu, phiền muộn, phiền muộn, xuống tinh thần, xuống tinh thần... Khi tâm định của bạn trở nên mạnh mẽ, buồn chán sẽ biến mất. Thật ra, khi bạn ghi nhận buồn chán thì buồn chán đã biến mất rồi, nhưng chúng dường như kéo dài bởi vì sự buồn chán này được lập đi lập lại. Khi buồn chán trở lại lần nữa, bạn tiếp tục ghi nhận thì buồn chán sẽ ra đi. Nhưng buồn chán lại đến nhiều lần nữa. Bạn lại tiếp tục chú tâm ghi nhận nữa khi nó trở lại. Cuối cùng, khi tâm định trở nên mạnh mẽ, bạn có thể loại trừ được chúng. Như vậy, mỗi khi bạn cảm thầy buồn chán hay những cảm giác khác như lo âu, phiền muộn, uất ức than khóc thì hãy cố gắng thực hành chánh niệm trên trạng thái tâm này.
THẤT VỌNG
Một số thiền sinh cảm thấy khó chịu, xuống tinh thần, thất vọng khi thấy sự tập trung tâm ý của mình quá yếu. Nhưng một số đã nhân cơ hội này mà tăng cường thêm sự tinh tấn và đã đạt được những tuệ giác phi thường. Như vậy, một số thiền sinh có thể hưởng lợi ích khi có sự thất vọng, xuống tinh thần. Dùng sự thất vọng làm đà nhún chứ không phải vì sự thất vọng mà thối chí. Khi lấy sự thất vọng làm đà nhún thì thiền sinh sẽ tinh tấn nhiều hơn, nhờ thế đạt được các tiến bộ về tinh thần, đạt các tuệ giác. Vậy thiền sinh có thể đạt lợi ích bởi sự thất vọng có thể tha thứ này. Theo chú giải, đừng trách cứ mà hãy thản nhiên ghi nhận, chào đón sự thất vọng này. Lý do có sự thất vọng này là thiền sinh muốn tiến bộ trong việc hành thiền, muốn hoàn thành sự ly dục, sự quán tưởng, sự nhập các tầng thiền, nhưng bị thất bại nên sinh ra thất vọng. Sự thất bại này đáng được tha thứ và chào đón vì nó thúc đẩy thiền sinh hành thiền đúng đắn. Đôi khi trong lúc hành thiền chúng ta không được tiến bộ, chúng ta cảm thấy buồn chán hay thất vọng thì chúng ta có thể dùng thất vọng này làm động cơ thúc đẩy chúng ta hành thiền. Bởi vậy Đức phật dạy đây là tâm thất vọng buồn chán đáng tha thứ.
“Lo âu phiền muộn là một tâm thiện khi nó khởi sinh do kết quả của sự thất bại trong tiến bộ tinh thần, chẳng hạn như muốn xuất gia, nỗ lực tinh tấn trong sự thóat ly, nỗ lực tinh tấn trong hành Thiền Minh Sát, nỗ lực tinh tấn để đạt tới tuệ giác v.v... Chúng ta hãy hân hoan đón nhận những loại phiền muộn như thế này, vì chúng khích lệ sự tinh tấn của chúng ta và giúp chúng ta đạt tiến bộ trên đường đạo. Nhưng sự buồn chán này cũng phải được xét lại. Chúng ta cũng không nên mong mỏi những tâm này đến bởi vì trong lúc hành thiền, điều tốt đẹp nhất là có niềm vui, có hỷ lạc trên đường giác ngộ. Trong khi hành thiền hỷ lạc rất quan trọng, giúp cho chúng ta phát triển trên đường giải thoát.”
Đôi khi thất vọng buồn chán khởi sinh trong tâm chúng ta. Khi có thất vọng hay buồn chán vì không thể tập trung tâm ý được thì hãy lấy sự thất vọng hay buồn chán này làm đề mục hành thiền. Sự thất vọng ở đây đáng được tha thứ, không đáng trách, có thể chấp nhận hay tiếp đón được. Như vậy, không phải mọi sự thất vọng, mọi khổ thọ đều xấu. Bản chất của chúng là xấu, nhưng có thể dùng chúng để khích lệ, kích thích chúng ta nỗ lực tinh tấn để loại trừ chúng.
NỖ LỰC TINH TẤN
“Nỗ lực tinh tấn, không ngừng nghỉ hành thiền để đạt được định tâm và trí tuệ, không thể xem như một sự khổ hạnh, ép xác. Không những lúc hành thiền mà cả lúc giữ giới cũng có khi gặp đau khổ về thân, nhưng đó không phải là khổ hạnh, ép xác.”
Các bạn đã biết Đức Phật dạy chúng ta đi trên Trung Đạo, tránh hai thái cực lợi dưỡng (tham đắm trong dục lạc thế gian) và ép xác, khổ hạnh. Một số người cho rằng: "Nếu chúng ta làm một điều gì đó, phải hy sinh một số điều kiện hưởng thụ thì chúng ta đã hành hạ chính mình. Như khi chúng ta giữ giới là chúng ta đã hành hạ chính mình, và đó là khổ hạnh. Khi bạn hành thiền là bạn hành hạ chính mình, đó là khổ hạnh." Ngài Mahasi nói rằng: "đừng có suy nghĩ như vậy, đó không phải là khổ hạnh đâu".
“Trong khi thực hành Thiền Định hay Thiền Minh Sát, sự nhẫn nhục tự kiểm (Khanti-samvara) đóng vai trò quan trọng. (Thiền sinh phải kiên nhẫn với mọi thứ). Kiên nhẫn là một yếu tố rất quan trọng trong việc thành tựu Thiền Định cũng như Thiền Minh Sát. Bởi vậy, những khổ thọ trong thân phải được đối xử một cách kiên nhẫn. Thực hành tự kiểm không phải là khổ hạnh, ép xác. Bởi vì, sự kiên nhẫn này không phải nhằm mục đích làm cơ thể đau khổ, hành hạ thân xác mà nhằm mục đích là đạt sự tiến bộ trong việc thực hành giới, định, huệ.”
Một số người nói rằng: Khi bạn bị đau mà bạn cố gắng chịu đựng là bạn đã hành hạ chính mình. Đó là khổ hạnh chứ không phải là hành thiền. Nhưng thật ra, chúng ta phải thực tập kiên nhẫn chịu đựng. Khi ngồi thiền bị đau, chúng ta cố gắng chịu đựng, không thay đổi tư thế, như vậy là chúng ta đã tạo được định tâm tốt đẹp, và chúng ta sẽ đạt được định tâm. Nếu chúng ta luôn luôn thay đổi tư thế thì chúng ta sẽ không thể đạt được định tâm. Như vậy, kiên nhẫn rất quan trọng trong việc hành thiền. Kiên nhẫn giúp cho chúng ta đạt được định tâm. Vì vậy, kiên nhẫn được thực hành với ý nghĩa là tự đào luyện, tự kiểm soát. Lúc nào và ở đâu ta cũng phải thực hành pháp nhẫn nhục, đặc biệt là lúc chúng ta hành thiền. Mặc dầu chúng ta không cố gắng thái quá nhưng ít nhất chúng ta cũng phải nỗ lực tinh tấn một cách mạnh mẽ để đạt định tâm.
CÁC TUỆ MINH SÁT
“Tuệ giác Minh Sát sẽ đạt được bằng cách chánh niệm vào các hoạt động thâm tâm để thấy chúng là vô thường, khổ, vô ngã. Sự thành tựu này không phải do quán sát một cách hời hợt, khi có khi không, mà phải chú tâm quán sát sâu xa những gì đang xảy ra không bỏ sót. Như vậy, sự quán sát phải thực hành trên tất cả mọi tác động như nghe, thấy, ngửi, nếm, đụng... khi chúng đang diễn ra, không bỏ sót bất kỳ một tác động nhỏ nào”.
Đó là lý do tại sao chúng ta phải ý thức sáng suốt và chánh niệm theo dõi, quán sát mọi tác động dầu nhỏ nhặt, bởi vì trong Thiền Minh Sát, không có đối tượng nào là không quan trọng. Tất cả mọi đối tượng đều quan trọng. Bởi vậy, chúng ta phải chánh niệm trên mọi tác động dù lớn nhỏ.
Như vậy, Ngài Mahasi nói Tuệ Minh Sát đạt được khi chúng ta quán sát những tác động của thân và tâm để thấy chúng vô thường, khổ, vô ngã. Chỉ khi nào bạn quán sát đối tượng, quán sát vật chất và tâm khi chúng khởi sinh, và khi chúng đang hiện hữu, bạn mới thấy chúng một cách rõ ràng, và mới thấy rõ bản chất thật sự của chúng. Như vậy, phải quán sát tất cả mọi tác động thấy, nghe, ngữi, nếm, đụng... khi chúng đang hiện hữu, không bỏ sót một tác động nào. Chúng ta phải chánh niệm trên mọi tác động dầu nhỏ nhặt nhất. Thỉnh thoảng có lúc chúng ta quên chánh niệm, sau ba mươi giây hay một phút chúng ta mới nhớ lại (điều này không có gì sai). Lúc đó, chúng ta ghi nhận hay vừa ghi nhận vừa niệm thầm: suy nghĩ, suy nghĩ, rồi quay về đề mục chính. Hãy nhớ rằng “quên” hay “phóng tâm”, “vọng tâm” cũng là đề mục hành thiền Vipassanā. Phóng tâm là một trạng thái tâm hay một tâm sở, vì thế chúng ta phải chánh niệm trên trạng thái tâm này.
KẾT LUẬN
Tôi định đọc tiếp nhưng đã hết giờ pháp thoại rồi. Nếu bạn có cuốn sách này thì bạn hãy đọc. Tôi nghĩ, đây là cuốn sách rất quí bạn cần phải đọc. (Cuốn sách này đã được Sư Khánh Hỷ và Sư Pháp Luân dịch ra tiếng Việt với tựa đề là “Con đường duy nhất”).
Hôm nay, chúng ta đã hành thiền từ tám giờ sáng cho đến hơn sáu giờ chiều. Chúng ta có được nhiều phước báu trong việc hành thiền. Đức Phật đã nói rằng, hành thiền là tạo một khối phước báu to lớn. Nếu mỗi sát na chánh niệm là một phước báu, vậy chúng ta có bao nhiêu phước báu đây? Không ai biết được. Có hàng tỷ, hàng tỷ sát na tâm khởi sinh và hoại diệt trong mỗi giây. Hôm nay chúng ta đã hành thiền hơn mười tiếng, vậy chúng ta có rất nhiều phước báu. Đó là điều tốt đẹp. Chúng ta nên chia phước báu này cho tất cả chúng sinh khác. Chia phước là làm cho người khác có phước bằng cách tạo cơ hội cho họ hoan hỉ phước báu của chúng ta. Khi chia phước báu đến chúng sinh các bạn hãy nói:
“Xin tất cả hãy hoan hỉ chia xẻ phước báu với chúng tôi”.
Ai chấp nhận phước báu của bạn, hoan hỉ phước báu của bạn thì người đó sẽ đạt được nhiều phước báu. Và họ sẽ hưởng được lợi ích của phước báu này. Mỗi khi chia phước cho người khác về những việc lành của mình đã làm như: giữ giới, bố thí hay hành thiền, nhất là hành thiền, bạn cũng có thêm phước báu cao thượng. Bây giờ chúng ta hãy chia phước cho tất cả chúng sinh. Quý vị hãy đọc bài:
Chư thiên ngự trên hư không
Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều Long Vương thần lực có nhiều
Đồng xin hoan hỉ phước đều chúng tôi Hộ trì Phật Pháp tăng bồi
Các bậc thầy tổ an vui lâu dài Quyến thuộc tránh khỏi nạn tai Chúng sinh được hưởng phước dài bền lâu Chúng con vui thú đạo mầu
Tu hành tinh tấn ngõ hầu vô sinh.
Do phước báu mà chúng tôi đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành để dứt khỏi những điều ô nhiểm ngũ ngầm trong tâm, và sớm thấy rõ Đạo, Quả, Niết Bàn.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.