Niết bàn vấn đáp

Niết bàn vấn đáp

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    VI DIỆU PHÁP VẤN ĐÁP TÓM TẮT
    (PRASNĀ ABHIDHAMMA)

    Dịch giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    NIẾT-BÀN VẤN ĐÁP

    Vấn: Niết-bàn (nibbāna) dịch như thế nào?

    Đáp: Trạng thái ra khỏi phiền não là lợi khí kết buộc chúng sanh, hoặc tình hình lìa khỏi rừng già tức là ái dục (tanhā), hoặc trạng thái dập tắt lửa khổ và lửa phiền não.

    Vấn: Phiền não (kilesa), dịch như thế nào, có mấy, là cái chi?

    Đáp: Dịch là sự “dơ nhớp của tâm”. Phiền não là lợi khí buộc rịt chúng sanh, có nhiều loại, nhưng hợp chung lại cho vắn chỉ có 3, là: tham xan (lobha), sân hận (dosa), si mê (moha). Cả 3 phiền não này là mẹ sanh ra tất cả phiền não khác.

    Vấn: Ái dục dịch như thế nào? Có mấy?

    Đáp: Dịch là ham muốn, hoặc thèm khát hay buộc trói. Nếu giải tóm tắt có 3, là: ham muốn trong cõi dục (kāmātaṇhā), ham muốn trong cõi sắc (bhavataṇhā), ham muốn trong cõi vô sắc (vibhavataṇhā). Nếu nói rộng thì có 108.

    Vấn: Như thế nào gọi là lửa khổ, lửa phiền não?

    Đáp: Lửa khổ, nói về: sanh, già, bịnh, chết, thương tiếc, than van, khổ thân, khổ tâm, buồn rầu, vì là nhân của sự khổ hằng hầm chúng sanh cho nóng nảy như đống lửa. Lửa phiền não là tham, sân, si, vì sanh lên chung với tâm, làm cho tâm mờ, đục, nóng nảy, bận rộn. Chỉ có Niết-bàn mới có thể dập tắt lửa đó được, vì lửa đó không có ở trong Niết-bàn. Niết-bàn có lợi khí làm cho yên lặng sắc tướng, không có phiền não, là nơi dứt trừ ái dục. Niết-bàn chẳng phải là đất, chẳng phải là lửa, chẳng phải là gió, chẳng phải là không vô biên thiên, chẳng phải là thức vô biên thiên, chẳng phải là vô hữu sở thiên, chẳng phải là phi phi tưởng thiên, chẳng phải là thế gian này, chẳng phải là thế gian tương lai, chẳng phải là mặt trăng, mặt trời. Niết-bàn chẳng phải sự đi từ giới hạn này đến giới hạn kia, chẳng phải sự đi từ cõi này đến cõi khác, chẳng có cử chỉ ngừng ở, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải an trú trong nơi nào cả.

    Vấn: Tất cả trạng thái đã giải rồi toàn chẳng phải là Niết-bàn, như thế, thì Niết-bàn là không không chăng?

    Đáp: Chẳng phải không không đâu. Niết-bàn có thật, nhưng là trạng thái rất tinh vi, các bậc Thánh nhơn thường thấy rõ bằng tuệ nhãn (paññacakkhu) tức là thánh đạo tuệ (ariyamaggaññāna), nhân đó, Niết-bàn mới là không phổ thông, nghĩa là không rõ rệt đến phàm nhơn.

    Vấn: Do nhân nào mà phàm nhơn không có thể biết Niết-bàn được?

    Đáp: Vì tâm chia ra làm 4: tâm trải đi trong cõi dục (kāmāvacaracitta), tâm trải đi trong cõi sắc (rūpāvacaracitta), tâm trải đi trong cõi vô sắc (arūpāvaracitta), tâm xuất thế (lokuttaracitta). Cả 4 loại tâm này có cảnh giới khác nhau, là: tâm trải đi trong cõi dục có 6 cảnh giới (sắc cảnh, thinh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, pháp cảnh); tâm trải đi trong cõi dục chỉ đi được trong 11 cõi (4 ác đạo, người và 6 dục giới thiên); tâm trải đi trong cõi sắc nhứt là sơ thiền; tâm trải đi trong cõi vô sắc có thiền vô sắc là cảnh giới; tâm xuất thế có Niết-bàn là cảnh giới.

    Phàm nhơn dùng tâm trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, nhưng tâm trải đi trong cõi dục đã quen hành 12 ác tâm (akusalacitta) thì chỉ biết được ác tâm thôi, không biết đến tâm trải đi trong điều thiện. Nếu hành tâm trải đi trong việc thiện mới biết được cả 2 phần là thiện và ác, song không có thế lực biết đến tâm trải đi trong cõi Sắc, trừ khi đã được tham thiền đắc tâm trải đi trong cõi sắc và thấy rõ đến tâm trong cõi sắc nữa, nhưng không biết tâm trải đi trong cõi Vô sắc, trừ khi đã đắc thiền vô sắc rồi, mới thấu đến tâm trong cõi Sắc và tâm trong cõi Dục. Nếu đắc tâm xuất thế thì thấu rõ đến tất cả loại tâm trong 4 cõi.

    Lại nữa, đức Tu-đà-huờn (sotāpañña) đắc tha tâm thông(39) (paracittavijjā) ngài chỉ biết được tâm của hàng Tu-đà-huờn với nhau và phàm nhơn, không rõ tâm của bậc Tư-đà-hàm (sakadāgāmi). Đức Tư-đà-hàm đắc tha tâm thông chỉ biết tâm của bậc Tư-đà-hàm với nhau và rõ thấu tâm của hàng Tu-đà-huờn và phàm nhơn. Bậc A-na-hàm (anāgāmi) có tha tâm thông biết được tâm của hàng: A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn cho đến phàm nhơn. Về phần đức A-la-hán (arahanta) đắc tha tâm thông biết được tâm của hàng: A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn và phàm nhơn. Thí dụ: Như người ở trên mặt đất chỉ xem thấy những hạng người ở trên mặt đất như nhau, nhưng không có thể xem người ở trên chân núi được. Người ở trên chân núi chỉ thấy người ở trên chân núi cùng nhau và người ở trên mặt đất, song không có thể thấy người ở trên hông núi được. Người ở hong núi chỉ thấy được người ở hông núi như nhau và những người ở phía dưới, nhưng không xem được người ở trên giữa núi được. Người ở giữa núi chỉ thấy được người ở nơi giữa núi như nhau và những người ở phía dưới, nhưng không xem được người ở trên đảnh núi được. Người trên đảnh núi thấy tất cả người ở phía dưới, không chi chướng ngại thế nào thì phàm nhơn như người ở trên mặt đất, đức Tu-đà-huờn như người lên trên chân núi, đức Tư-đà-hàm như người lên trên hông núi, đức A-na-hàm như người ở giữa núi, đức A-la-hán như người lên trên đảnh núi vậy.

    Hơn nữa, người ở trong xứ nào chỉ biết người trong xứ đó, không rõ biết người trong xứ khác trừ khi đi đến khắp xứ mới có thể biết đều đủ được.

    Theo như đã giải trên đây, nên nói Niết-bàn không rõ rệt đến phàm nhơn.

    Vấn: Niết-bàn trú trong nơi nào (nếu có thật), gần hay xa?

    Đáp: Niết-bàn là vô sắc pháp, không có chỗ trú như các sắc tướng đâu. Nói Niết-bàn trú gần cũng đuợc, trú xa cũng được. Nói trú xa thì Niết-bàn trú trong nơi cuối cùng tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Trú gần, là nói về hết tham, sân, si. Niết-bàn có thật, như xứ có đường đi, ở nơi cuối cùng con đường đó, hằng có xứ; Niết-bàn có bát thánh đạo là đường, ở nơi cuối cùng đường đó là Niết-bàn vậy.

    Vấn: Niết-bàn còn dư sót cái chi chăng?

    Đáp: Chỉ còn dư quả tuệ (phalaññāṇa).

    Vấn: Quả tuệ đó, do đâu mà được?

    Đáp: Do sự quán tưởng ngũ uẩn, theo 10 pháp minh sát vipassanāññāna. Thí dụ như giống dừa khô, nếu để lâu nó thối, đem trồng nó mọc nữa. Ví bằng người không muốn cho thối, không muốn cho mọc nữa, họ đem đi thắng thành dầu thì trồng không mọc, để lâu cũng không thối, thế nào, Niết-bàn đã thắng từ pháp minh sát cũng chẳng phải là hư vô, và chẳng còn giống sanh diệt nữa, như thế đó.

    Vấn: Vì sao hàng phàm nhơn xem không thấy Niết-bàn?

    Đáp: Vì tham, sân, si che án, như người có bụi trong mắt thường không thấy các vật trắng, đen, v.v... như thế đó.

    Vấn: Niết-bàn, chỉ có vui, hay lẫn lộn với khổ? Đáp: Chỉ có vui thôi, gọi là cực lạc(40) (ekantaparamasukha) không hỗn hợp với khổ đâu.

    Vấn: Nếu Niết-bàn có thật, là cực lạc đích xác, vậy hình trạng và trình độ của Niết-bàn, người có thể giải thích bằng cách thí dụ được chăng?

    Đáp: Niết-bàn có thật, nhưng không có thể đem ra thí dụ bằng cách nào được cả, vì là rất tinh vi, quá sức tưởng tượng, như biển to trong đời, có thật, mà chẳng có ai đo lường cho biết là như vầy hoặc như kia.

    Vấn: Không có thể miêu tả Niết-bàn cho biết rằng có màu sắc, có trình độ có hình trạng như thế nào được, vậy có thể giải đức của Niết-bàn bằng cách thí dụ được chăng?

    Đáp: Nếu chỉ giải bằng cách thí dụ thì được. Ví như giọt nước ở trên lá sen không được, thế nào, cái phiền não cũng không trú trong Niết-bàn được, như thế ấy; nước là vật mát để khử trừ sự bực bội thế nào, Niết-bàn là pháp an tĩnh bận rộn, tức là phiền não, cũng như thế ấy, nước là vật diệt trừ sự khó chịu, tức là sự khát của loài người và thú, đi trong nơi nóng nực thế nào, Niết-bàn cũng trừ khử điều khó khăn, tức là lòng khao khát, háo sanh trong các cõi, như thế đó.

    Vấn: Niết-bàn có tướng (lakkhana) như thế nào?

    Đáp: Niết-bàn có tướng yên lặng: xan tham, sân hận, si mê, diệt trừ vô minh và ái dục, an tĩnh tất cả phiền não, làm cho dơ nhớp, luân hồi sanh tử trong các cõi.

    Vấn: Niết-bàn có sự (kicca) như thế nào?

    Đáp: Có sự không sanh, diệt, không ở trong quyền thế của các hữu vi pháp (sankhatadharmo) tức là danh, sắc, do thiện và ác cấu tạo, sanh ra rồi tan rã. Niết-bàn là pháp thường tồn, bất sanh bất diệt, vì đã thoát ly quyền lực của hữu vi pháp. Nhân đó, cử chỉ chẳng sanh chẳng diệt là phận sự của Niết-bàn.

    Lại nữa, Niết-bàn có phận sự làm cho tâm của bậc thánh nhơn thơ thới. Giải rằng: Niết- bàn có đặc tính dường như an ủi tâm của bậc thánh nhơn có sự chán nản, lìa những thống khổ luân hồi, cho sanh sự an vui, xa điều bực bội, cho mát mẻ tinh thần.

    Vấn: Niết-bàn có chi là quả (phala)?

    Đáp: Niết-bàn có cử chỉ thoát ly hữu vi pháp là quả.

    Giải: Hữu vi pháp triệu(41) (sankhatadharmanimitta) tức là thiện và ác, là nhân duyên hội hợp cấu tạo danh và sắc cho luân chuyển, sanh lên trong 3 cõi (tam giới) và các chướng ngại pháp (papañcadharma) nhứt tham dục (rāga) làm cho chúng sanh trở ngại, lâu dài ở trong biển khổ, chẳng có trong Niết-bàn. Niết-bàn là duyên dập tắt tham dục chướng ngại pháp được. Cho nên gọi Niết-bàn là pháp lìa khỏi hữu vi triệu là quả, hoặc có trạng thái diệt trừ chướng ngại pháp nhứt là tham dục là quả.

    Vấn: Niết-bàn có mấy? Là cái chi?

    Đáp: Niết-bàn có 2 là: hữu dư Niết-bàn(42) (sanpādissesanibbāna) và vô dư Niết-bàn(43) (anupādisesanibbāna).

    Hữu dư Niết-bàn nói về cử chỉ khô héo phiền não, chỉ còn ngũ uẩn. Như khi đức Bồ tát tọa trên bồ đoàn thảo, dưới bóng cây bồ đề quí báu, Ngài đắc thắng Ma vương và cả quân ma, rồi Ngài suy xét đến chư Phật quá khứ bằng pháp thiền định diệt trừ tham, sân, si, ngã chấp, tà kiến, cả 1.500 phiền não và 108 ái dục lìa khỏi tâm Ngài, như giọt nước rơi khỏi lá sen, như thế gọi là hữu dư Niết-bàn. Khi đắc hữu dư Niết-bàn Ngài có tuyên ngôn rằng:

    Anekajāti sansāraṃ sandhāvissaṃ anibbisam, gahakāraṃ, gavesanto dukkhājāti punappunaṃ, gahakārakā diṭṭhosi puna gehaṃ nakāhasi, sabbā te phasukā bhaggā gahakutaṃ visankhataṃ, visankhāragataṃ cittaṃ tanhānaṃ khayamajajhagāti.

    Nghĩa: Khi Như Lai đang tìm chưa gặp người thợ mộc, tức là ái dục, người làm là tức là thân ngũ uẩn của Như Lai, Như Lai thường trãi đi luân hồi vô lượng kiếp, sự sanh hằng đem thống khổ đến Như Lai không ngừng nghỉ. Này người thợ mộc! Nay Như Lai đã tìm thấy ngươi rồi nghe! Từ đây, ngươi hết cất nhà, tức là thân ngũ uẩn cho Như Lai nữa được, kèo tức các phiền não của ngươi, Như Lai đã bẻ gãy hết rồi, cả nóc nhà tức là vô minh, mà ngươi đã làm rồi đó, Như Lai cũng đã diệt trừ rồi. Nay tâm của Như Lai đắc Niết-bàn lìa khỏi cả sắc tướng rồi, Như Lai đã giác ngộ A-la-hán là pháp tiêu diệt tất cả ái dục.

    Vô dư Niết-bàn là sau khi Đức Phật thành bực Toàn giác rồi đi tế độ chúng sanh đủ 45 hạ, Ngài ngự dưới hai cây song long thọ gần kinh đô Kusinārā, nhập thiền rồi vào Niết-bàn tịch diệt: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng còn dư sót, như thế gọi là vô dư Niết-bàn.

    Vấn: Niết-bàn chỉ có hai chăng?

    Đáp: Có ba thêm nữa là:

    suññatannibbāna, animittatanibbāna, appanihitanibbāna, suññatannibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng vô ngã làm cảnh giới. Animittanibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng vô thường làm cảnh giới. Appanihitanibbāna là cảnh giới của thánh đạo dùng khổ não làm cảnh giới.

    Vấn: Đức của Niết-bàn có mấy, là cái chi?

    Đáp: Có 32 là: Niết-bàn không có sự sanh (ajātiṇ), Niết-bàn không có sự già yếu (ajaraṃ), Niết-bàn không có sự bịnh hoạn (abyādhiṇ), Niết-bàn không có sự kinh sợ (nibbhayaṃ), Niết-bàn không có duyên cấu tạo (asankhatam), Niết-bàn phá tan tam giới (bhavabhandam), Niết-bàn là cực lạc (sukhaṃ), Niết-bàn là mát mẽ (sitaṃ), Niết-bàn có sự yên lặng (khemaṃ), Niết-bàn là nơi nương dựa của bậc thánh nhơn (tāṇaṃ), Niết-bàn là nơi ẩn náu khỏi tử thần (lenaṃ), Niết-bàn là thường tồn không biến đổi (niccaṃ), Niết-bàn không lay chuyển (acalaṃ), Niết-bàn kiên cố thật (duvassasaṃ), Niết-bàn tinh túy không luân chuyển (avaṭṭasāraṃ), Niết-bàn nghiền nát sự vui trong cõi người và cõi trời (sukhamaddanaṃ), Niết-bàn nghiền nát sự đói cơm (khuddamaddanaṃ), Niết-bàn trừ diệt sự khát nước (pipāsañcanayaṃ), Niết-bàn không có sự thương tiếc (analayaṃ), Niết-bàn rút tội lỗi như nọc rắn đã đọng trong tâm (samugyātavattaṃ daṭṭhesaṃ), Niết-bàn lìa sắc tướng tức là danh và sắc (visankhāraṃ), Niết-bàn xa khỏi các tội (vivajjaṃ), Niết-bàn là nơi diệt ái dục (tanhakkhayaṃ), Niết-bàn thoát ly tam giới (vibhavaṃ), Niết-bàn lìa tham dục (virāgaṃ), Niết-bàn dứt si mê (vitaṇhaṃ), Niết-bàn diệt tất cả khổ não (nirodhaṃ), Niết-bàn không có triệu chứng (animittaṃ), Niết-bàn là trạng thái diệt trừ phiền não (santabhāvaṃ), Niết-bàn không có vị, tức là ái dục (arasārakaṃ), Niết-bàn lìa khỏi sự ưa thích của tâm (appasāsañca), Niết-bàn bất diệt (amotaṃ). Tổng cộng đức Niết-bàn thành 32.

    Vấn: Chỗ nào chính là Niết-bàn, vì có nhiều người hiểu khác nhau: kẻ cho ngũ uẩn quá khứ và vị lai không có trong hiện tại này là Niết-bàn; người lại tưởng không có ngũ uẩn hiện tại là Niết-bàn; một ít vừa lòng rằng trạng thái không có phiền não trong thời thánh đạo sanh lên là Niết-bàn; một vài tin rằng trạng thái hết tham, sân, si là Niết-bàn; kẻ khác định rằng người chết là Niết-bàn?

    Đáp: Những lời nói đó, toàn không phải là Niết-bàn. Vì sao ngũ uẩn quá khứ, không có trong hiện tại, không phải là Niết-bàn, vì Niết-bàn từ ngũ uẩn mà đắc, như thức uẩn thuộc về tốc lực tâm(44) gọi là cận tốc lực(45) (upacārajavana), chiều theo thuận sát tốc lực(46) (anulomajavana), phá hoại dòng phàm tốc lực(47) (gotrabhūjavana), thánh đạo mới phát sanh theo sau, cho nên nói ngũ uẩn quá khứ, vị lai và hiện tại đó là duyên sanh Niết-bàn, tỷ như dầu dừa từ trái dừa mà sanh, thế nào Niết-bàn như dầu, ngũ uẩn như dừa, dầu từ trái dừa mà được, nếu không có dừa cũng không có dầu, cũng như thế đó.

    Vấn: Cớ nào trạng thái hết tham, sân, si, không phải là Niết-bàn, như trong kinh Jambūkhādakasūtra, đức Xá Lợi Phất có thuyết rằng:

    Yo kho āvuso rāgakkayo dosakkayo, mohakkhayo idaṃ vuccati nibbānaṃ

    Này bạn! Trạng thái hết tham, sân, si đó gọi là Niết- bàn. Hơn nữa đức Giáo chủ chúng ta có thuyết đề trong Dhammāyatahavibhaṅga rằng katamā asaṅkhatadhātu: vô vi tuyệt đối tức là Niết-bàn, như thế nào? Rồi Ngài tự đáp rằng: rāgakkhayo, dosakkhayo, mohakkayo: trạng thái hết tham, sân, si gọi là vô vi tuyệt đối tức là Niết-bàn?

    Đáp: Trong hai bộ kinh Pāli có giải thật như vậy, nhưng trong các kinh khác chỉ rõ đó là tên của A-la-hán quả rằng: “Yo kha āvuso rāgakkhaya, dosakkayo, mohakkhayo, idaṃ vuccati arahattaṃ”, Pāli đó là tên của A-la-hán, nếu xem xét theo câu Pāli đó thì thấy chắc như thế, song không nên nhận thức như vậy. Phải hiểu rằng: A-la-hán đạo tuệ (arahattamaggannaṇā), đó, lấy Niết-bàn làm cảnh giới, diệt trừ thụy miên(48) (anusaga) là nguồn gốc phiền não cho tuyệt diệt(49) không còn sư sót trong tâm, khi nào rồi A-la-hán quả lấy Niết-bàn làm cảnh giới mới phát trong tâm trong thời đó, cho nên gọi A- la hán quả sanh trong thời cuối cùng của cử chỉ hết phiền não. Nhân đó câu Pāli đã giải trên không phải chính là Niết-bàn, chỉ là tên của Niết-bàn. Tham, sân, si thí như đống lửa, Niết-bàn như nước để tắt lửa, thánh đạo như người đem đồ đi múc nước, vật mà người đem đi múc nước để tắt lửa mà gọi là nước cũng không được, cử chỉ lửa tắt gọi là nước cũng không được, thế nào, khi phiền não yên lặng do thế lực thánh đạo, lấy Niết-bàn làm cảnh giới như thế đó; tin rằng: Pháp là cảnh giới mà thánh đạo là căn bản làm cho yên lặng phiền não bằng cách tuyệt trừ(50) mà gọi là Niết-bàn cũng không được. Trạng thái hết tham, sân, si mà gọi là Niết-bàn cũng không được, có thí dụ như người tắt lửa vậy.

    Vấn: Tất cả tiếng đã giải đó, toàn không phải là Niết-bàn, vậy Niết-bàn chính là cái chi?

    Đáp: Chỗ bất sanh, bất diệt chính là Niết-bàn

    Vấn: Chúng sanh đi đến Niết-bàn, phải đi theo đường nào? Cái chi là lối đi?

    Đáp: Chúng sanh đi đến Niết-bàn phải đi bằng lối đi mà Phật đã giảng thuyết để trong kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkavattanasūtra) theo kệ ngôn rằng:

    Nemiyaṃ catussaccañca ārānaṃpaccayataṃ motaṃ nābhi ceva saddhammaṃ añña maññaṃ pavattenno dhammackkanti pavuccati.

    Nghĩa: Pháp luân kinh này, đức Đại giác dạy dùng Tứ diệu đế làm vành xe, Thập nhị duyên khởi làm căm, dùng 37 bồ đề phần pháp (sattattinsa bodhipakkhiyadharma) làm dùm. Ngài giảng giải các pháp đó có ý nghĩa quan hệ nhau, nghĩa là Tứ diệu đế có ý nghĩa liên lạc đến Thập nhị duyên khởi chỉ 37 bồ đề phần pháp. Khi thuyết 37 bồ đề phần pháp, Ngài giải cho có ý nghĩa thấu Thập nhị duyên khởi và Tứ diệu đế, khi thuyết Thập nhị duyên khởi cũng thuyết cho có ý nghĩa suốt Tứ diệu đế, và 37 bồ đề phần pháp.

    Do nguyên nhân mà Đức Phật thuyết cho có ý nghĩa liên lạc nhau như thế, mới chỉ danh là chuyển pháp luân (dhammacakka), thí dụ như thế nào, tỷ như bánh xem nếu chỉ có đùm không có vành, không có căm, hoặc có căm mà không có vành, không có đùm, hoặc chỉ có vành mà không đùm và căm, cũng không gọi là bánh xe được, trừ ra khi có đùm, vành và căm đều đủ mới gọi là bánh xe, nếu ở riêng, chưa ráp vào với nhau cũng chưa gọi là bánh xe, ngoài ra khi người thợ lành nghề lấy đùm ráp vào với nhau. Lấy căm tra trong đùm, lấy vành trồng trên căm, làm cho dính chung lại xong xuôi giờ nào, mới có tên rõ rệt là xa luân trong giờ đó, thế nào, pháp Tứ diệu đế là: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế, khi Phật chỉ thuyết ngay theo pháp Tứ diệu đế thì gọi là thuyết Tứ diệu đế, không gọi là pháp luân. Về 37 bồ đề phần pháp và thập nhị duyên khởi cũng vậy, nếu thuyết riêng mỗi pháp thì không gọi là pháp luân, trừ khi Phật đều đủ cả 3 là 37 bồ đề phần pháp, Thập nhị duyên khởi và Tứ diệu đế có sự liên lạc với nhau, mới gọi là pháp luân, ví như vành, căm và đùm mà người thợ ráp chung vào với nhau mới gọi xa luân hoặc bánh xe. Nếu chỉ thuyết 1 hoặc 2 diệu đế, không đủ cả 4, thì không có thể thành tựu phận sự là vành xe của pháp luân được, thế nào, như người thợ chỉ làm có 1 hoặc 2 đoạn vành thì cũng gọi là vành xe được, trừ ra khi đủ 4 đoạn lưng vành mới thành vành xe, thí dụ thế nào, nếu đủ cả 4 diệu đế mới gọi là Tứ diệu đế được, dùng Thập nhị duyên khởi, làm căm của pháp luân tức là: (1 căm) vô minh (avijja), (1 căm) hành (saṅkhāra), (1 căm) thức (viññāṇa), (1 căm) danh sắc (nāmarūpa), (1 căm) lục nhập (salāyatana), (1 căm) xúc (phassa), (1 căm) thọ (vedanā), (1 căm) ái (taṅhā), (1 căm) thủ (upadāna), (1 căm) hữu (bhaba), (1 căm) sanh (jāti), (1 căm) lão tử (jārāmaraṅa) hợp lại thành 12 thứ căm.

    37 bồ đề phần pháp (bodhipakkhiyadharma) là: Tứ niệm xứ(51) (satipatthana): 4, Tứ chánh cần(52) (sammapadhāna): 4, Tứ như ý túc(53) (iddhipāda): 4, Ngũ căn (indriya): 5, Ngũ lực(54) (bala): 5, Thất giác chi(55) (bojhaṅga): 7, Bát thánh đạo (atthaṅgikamagga): 8. Cộng thành: 37.

    37 bồ đề phần pháp là dùm của pháp luân, vì là nơi hội hợp Thập nhị duyên khởi pháp (paticcasamuppādadharma) ví như đùm xoay tròn đính theo đùm xe, là nơi hợp lại của tất cả căm. Lẽ thường căm mà xoay đi hằng nhóm lại trong đùm không lìa khỏi đùm: đùm là nơi tụ tập của căm, thế nào, 37 bồ đề phần pháp cũng là nơi sum họp của Thập nhị duyên khởi pháp như thế đó. Hành giả niệm bồ đề phần pháp, cũng không lìa sự quán tưởng Thập nhị duyên khởi, phải quán tưởng bắt đầu từ vô minh, hành... luôn luôn đến lão, tử là pháp cuối cùng.

    Nhân đó, bậc trí tuệ nên vừa lòng rằng: Pháp mà Đức Chánh Biến Tri đã thuyết đó có bồ đề phần pháp là đùm, Thập nhị duyên khởi là căm, Tứ diệu đế là vành xe cho có ý nghĩa quan hệ nhau, rồi chở các ngọc kim cương đó tức là: 1) giới bảo (silaratanaṃ) (ngọc tức là giới); 2) tuệ bảo (paññāratanaṃ) (ngọc tức là trí tuệ); 3) giải thoát bảo (vimuttiratanaṃ) (ngọc tức là A-la-hán quả); 4) giải thoát tuệ kiến bảo (vimuttiñānadassanaratanaṃ) (ngọc tức là quán tưởng tuệ); 5) thất giác chỉ bảo (bojjhangaratanaṃ) (ngọc tức là 7 chi bồ đề); 6) giác phân tích bảo (patisambhidāratanaṃ) (ngọc tức là sự chia từ phần để xem xét cho rõ), rồi Phật dùng pháp vương xa chạm trổ, trang điểm bằng sáu thứ ngọc như đã giải. Đức Toàn giác quán tưởng thấy ý nghĩa của Tứ diệu đế, Ngài buộc 4 ngựa báu vào xe, tứ là tứ chánh cần, Ngài móng cầm lái pháp vương xa chở đầy chúng sanh hữu duyên đến nơi an tỉnh (khemaṃ) tức là Bất diệt Đại Niết-bàn (amatamahānibbāna), hy vọng tránh đường bùn lầy tức là sự sa mê ngũ dục, lánh đường cát nóng tức là sự khổ hạnh, theo đường ngay thẳng tức là Bát thánh đạo, qua khỏi ba khoảng đường to lớn tức là tam giới, đến xứ an lạc tức là Niết-bàn.

    Giải về Bát thánh đạo có sự liên lạc với nhau như vầy: 1) chánh tư duy (sammāsankappa) liên lạc đến chánh kiến (sammādiṭṭhi) ví như người dung tay cầm vàng nghiêng qua lật lại để quan sát, chánh tư duy như tay, chánh kiến như mắt để xem cho biết rằng tốt hay xấu; 2) chánh ngữ, chánh nghiệp liên lạc đến chánh mạng, khi có thân, khẩu trong sạch rồi, sự nuôi mạng cũng được trong sạch; 3) chánh tinh tấn, chánh niệm liên lạc đến chánh định, tỷ như 3 người bạn lành đi đến trong vườn hoa rủ nhau hái hoa trên một cây cao; người bạn thứ nhất nghiêng vai cho bạn ba nhì đứng, rồi ráng đứng cho ngay thẳng, bạn thứ nhì đứng ép không cho xiêu ngã, mới vói hái hoa được, thí dụ thế nào, phần chánh tinh tấn như người bạn thứ nhất, chánh định như người bạn thứ ba lên đứng trên vai, chánh niệm như người thứ nhì đứng ép cho vững, hoa như thánh đạo, cũng như thế đó.

    Nếu dung theo minh (vijjā) và hành (carana) thì như vầy: chánh kiến, chánh tư duy là minh, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định là hành. Minh như 2 mắt, hành như hai chân. Giải rằng: người bộ hành, nếu có mắt tỏ mới xem thấy rõ đường có sự nguy hiểm hoặc không nguy hiểm, có hai chân mới đi theo đường được dễ dàng, thí dụ thế nào, hành giả tu bát thánh đạo thấy nhân quả rằng: tu như vầy là nhân sanh sự khổ, hành như vầy là nhân sanh sự vui, cũng như thế đó.

    Vấn đáp trong Niết-bàn cả và điều thí dụ như bánh xe và con đường đi đến Niết-bàn cho có điều lợi ích đến hàng học Phật cho dễ hiểu, tóm tắt bấy nhiêu.

    ‒ Dứt “Vi diệu pháp” vấn đáp tóm tắt ‒

    -oo0oo-

    (39) Hiểu thấu tâm kẻ khác.
    (40) Vui tột bực.
    (41) Triệu là điềm của pháp hữu vi.
    (42) Dứt phiền não mà còn ngũ uẩn.
    (43) Không còn ngũ uẩn.
    (44) Sức đi mau của tâm.
    (45) Tốc lực gần nhập định.
    (46) Tốc lực tâm quán tưởng theo chi thiền tộc lực tâm trước.
    (47) Tốc lực tâm phá hoại dòng phàm.
    (48) Thụy miên là phiền não ngụ ngầm trong tâm.
    (49) Là mất tuyệt không còn gì.
    (50) Tuyệt trừ là dứt hết không còn dấu vết.
    (51) Xem trong kinh Đại niệm xứ.
    (52) Pháp tinh tấn: tinh tấn gìn giữ không cho tội chưa sanh phát sanh lên; tội đã sanh, không cho sanh thêm; phước chưa sanh, tinh tấn cho sanh lên; phước đã có ráng gìn giữ đừng cho mất và cho thêm tăng trưởng.
    (53) Là mong mỏi cho việc lành; ráng làm cho được không thối chuyển; chú tâm không lay chuyển trong việc lành ấy; trí tuệ suy xét cho việc lành ấy và nguyện là cho được kết quả.
    (54) 5 căn, 5 lực: tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.
    (55) Niệm, trạch pháp, tinh tấn, phỉ lạc, an, định, tuệ.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.