Phần kết luận Triết Lý về Nghiệp

Phần kết luận Triết Lý về Nghiệp

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    TRIẾT LÝ VỀ NGHIỆP

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    PHẦN KẾT LUẬN

    Vấn đề nghiệp đã giải vừa thích đáng rồi. Đây là phần kết luận để chư độc giả được xét nghiệm cho vừa với sự phán đoán của mình.

    Triết lý về “nghiệp” đây có xứng đáng đến sự tín ngưỡng chăng?

    Điều khuyên để tự mình xét ấy là căn bản của Phật giáo. Bởi Phật giáo dành phần cho ta chủ quyền ngẫm nghĩ kỹ càng vấn đề nghiệp bằng cách sáng trí rồi nhận thức theo chân lý, không cho kẻ khác chi phối trong sự quyết định.

    Nghiệp là căn bản, là giai đoạn đầu tiên có quan hệ trọng yếu đến sự tồn tại của sinh mệnh. Nếu ta hiểu lầm và không tin tưởng thì là mối hại vô cùng nguy hiểm, khiến ta thực hành theo sở kiến ái dục rồi phải trầm luân khổ hãi.

    Phật giáo dạy nghiệp hướng về nhân quả, căn cứ vào: “Có nhân tất có quả”; “Hết nhân cũng dứt quả” và biểu thị rằng: “Nghiệp tức là sự hành vi, động tác của chính mình nghĩa là không thừa nhận có kẻ khác xen vào trong sự tạo nghiệp của người. (Như những quan niệm có giảng chung để trong Thiên II và III).

    Phật giáo cũng có phân nghiệp một cách tinh tế thành 12 thứ (xem Thiên IV).

    Để điều tra cho thấy rằng: Nghiệp cho quả hiển nhiên. Ta hiểu được bằng cách thí dụ theo điều chế định, là có sự động tác tất có sự phản ứng tương phản nhau (xem Thiên V). Nên điều tra sự tác nghiệp xem: Ta căn cứ vào cái chi mới biết được thế nào là lành nên hành sao là dữ phải lánh? Điều này rất quan trọng. Vì thế thường, hay hành theo sự hiểu riêng của mình, nên chi đời mới băn khoăn, lo sợ mỗi ngày. Trong thiên VI có dạy, phải tra xét tìm tòi sự thật rằng nghiệp như thế này có hại đến mình chăng? Hoặc có hại đến kẻ khác chăng?

    Sự tạo nghiệp trong các tôn giáo khác phần nhiều sai hẳn với luật nhân quả (xem thiên VII). Trong thiên VIII có chỉ dẫn rằng: người như thế nào cũng do là nghiệp, không phải vì dòng dõi huyết thống.

    Phần đông mong tạo nghiệp lành, hy vọng được lên nhàn cảnh, không ai cầu xuống ác đạo. Nhưng có phương pháp nào hộ trợ, nâng đỡ cho chừa bỏ được nghiệp ác và chỉ tạo việc lành mãi mãi chăng? Đức Thế Tôn có thuyết về phương pháp đó trong thiên IX và X.

    Chúng sinh hằng tìm hạnh phúc theo lòng băn khoăn, lo lắng mới chịu những phiền não khó khăn liên tiếp. Đức Chánh đẳng Chánh giác mới phát biểu sự tạo “4 nghiệp” như vầy: có nghiệp cho vui trong hiện tại song cho khổ tiếp theo; có nghiệp cho khổ trong hiện tại, cho khổ liên tiếp; có nghiệp cho khổ trong hiện tại, nhưng cho vui về sau; có nghiệp cho vui cả trong hiện tại và trong tương lai.

    Nền tảng này là trọng yếu cho sự tạo nghiệp bằng nước tâm nhẫn nại, và từ bi để hưởng hạnh phúc về sau. (xem thiên XI và XII). Khi đã tạo nghiệp nào, nghiệp ấy sẽ cho quả đến ta. Nghiệp lành có danh rõ rệt là người tốt; nghiệp dữ cũng có danh rõ rệt là kẻ hạ tiện.

    Quả của pháp và bất hợp pháp chẳng đồng. Ta phải chọn lấy bằng cách nào? Trong nơi cuối, giải về dây xích của nhân và quả cho hiểu rõ pháp xoay tròn trong nẻo luân hồi, gồm có tâm sở, vực (cõi tái sinh). Theo ý nghĩa đây mong rằng vấn đề “triết lý về nghiệp” sẽ đem lại nhiều lợi ích đến chư quý độc giả. Muốn tu dưỡng102 và tiến hành vững bước trên đường giải thoát, điều cần thiết trước tiên, phải tin tưởng, đem lòng chắc đặt vào nghiệp là có sự ngưỡng mộ, kiên cố trong lý nhân quả103 như thế mới mau đạt đến mục đích cứu cánh, thoát ly được sinh tử luân hồi, theo 12 năng lực dưới đây:

    Sự tín ngưỡng thuyết nhân quả là phần đầu tiên của 12 năng lực là:

    1. Saddhā jāto upasaṇkamati: Người có đức tin hằng vào tìm bậc trí tuệ.

    2. Upasaṇkamitvā payirūpāsati: Đã vào tìm rồi hằng ngồi gần.

    3. Payirūkāsanto sotaṃodahati: Khi được ngồi gần hằng lóng tai.

    4. Ohitasoto dhammaṃ suṇāti: Đã lóng tai rồi hằng nghe pháp.

    5. Sutvā dhammaṃ dhāreti: Nghe rồi hằng ghi nhớ pháp.

    6. Dhatanaṃ dhammānaṃ upapararikkati: Khi đã ghi nhớ pháp rồi hằng xác định ý nghĩa.

    7. Atthaṃ upaparikkhato nijjānaṃ khamanti: Khi đã xác định ý nghĩa rồi, các pháp hằng đáng đến sự điều tra.

    8. Dhammanijjhānakkhantiyā dhantojāyatido: Sự điều tra pháp ấy, tâm thỏa mãn sẽ phát sinh.

    9. Chanda jāte ussāhati: Khi đã phát sinh sự thỏa mãn thì chăm chỉ, cần mẫn.

    10. Ussahitvā tulayati: Khi đã chuyên cần rồi hằng đắn đo cân nhắc.

    11. Tulayitvā padahati: Đã cân nhắc rồi hằng cố gắng để đạt mục đích.

    12. Pahitatto samāno kāyena ceva paramatthasaccaṃ sacchikaroti paññāya taṃ pativijjha passati: Khi đã cố gắng đạt mục đích rồi hằng làm cho thấy rõ pháp diệu đế bằng thân, hằng quán triệt, pháp diệu đế bằng trí tuệ.

    ‒ Dứt tác phẩm Triết lý về nghiệp (Pl.2518 ‒ Dl. 1974) ‒

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.