Pháp hỗ trợ Thiền Định

Pháp hỗ trợ Thiền Định

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    SƠ THIỀN TÂM
    (PATHAMAJHĀNACITTA)

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    PHÁP HỘ TRỢ THIỀN ĐỊNH

    Trích trong kinh vua Milañdā vấn đạo

    ‒5 chi(13) của loài gà:1) giờ còn tối, nó chưa đi kiếm ăn; 2) vừa sáng nó mới đi tìm thực phẩm; 3) khi đi kiếm, nó dùng chân bươi trước, rồi mới ăn; 4) ban ngày mắt nó sáng, thấy rõ những gì được phân minh, song ban đêm, mắt lại tối, như mù; 5) khi bị người đánh đuổi, không cho vào chuồng, nó không bỏ chuồng nó. Trên đó là 5 chi của gà.

    Bậc tu hành mong đắc đạo quả phải thực hành theo 5 đức tính là: 1) sáng sớm quét chỗ ngụ và sắp đặt các vật dụng theo thứ tự, đi tắm cho sạch, lễ bái Tam bảo và các bậc trưởng thượng; 2) sáng bạch mới đi khất thực; 3) trước khi ăn, nên quán tưởng theo Phật ngôn đã dạy người thọ thực, nên quán tưởng cho thấy như người ăn thịt con, trong khi lỡ đường thiếu vật thực; 4) mắt không mù, làm như mù, là không nên thương, ghét, như lời đại đức Mahākaccāyana đã nói: Có mắt sáng, làm như mù. Có tai nghe rõ, làm như điếc. Có lưỡi nói được, làm như câm. Có sức khoẻ, làm như mệt mỏi. Khi hữu sự thì im lặng, làm như người chết; 5) khi làm hoặc nói, không nên bỏ trí nhớ, và sự biết mình: như gà không bỏ chỗ ở vậy. Người hành đạo, cần phải thực hành như trên, mới có thể đắc đạo quả được.

    ‒ 2 chi của loài cọp: 1) hằng ẩn trong nơi thanh vắng, chờ bắt thú làm thực phẩm; 2) thú bị nó chụp, nếu sa bên trái, nó không ăn.

    Người hành đạo cũng phải có 2 chi như loài cọp là: 1) khi ngụ trong nơi thanh vắng, tham thiền, quán tưởng cho đắc lục thông, cũng như lời các thánh nhân đã nói: cọp hằng núp để chờ chụp thú ăn thịt, thế nào, hàng Phật tử cũng nên hành như vậy, là vào ngụ trong thanh vắng, bổ khuyết pháp thiền định và thông tuệ, để đạt đạo quả cuối cùng; 2) không thọ thực phát sanh theo tà mạng, như cọp không ăn thịt thú sa bên tả, như lời của đức Xá Lợi Phất rằng: nếu tôi thọ cơm sữa mà tôi xin sái phép, tôi sẽ bị các bậc hiền minh chê trách; dù ruột tôi có tuôn ra đến chết, tôi cũng vui lòng chịu, tốt hơn.

    ‒ 5 chi của loài rùa: 1) hằng ngụ và phiêu lưu trong nước; 2) chìm trong nước, ló đầu ra thấy vật chi, liền đắm xuống nước, không cho ai thấy; 3) khi lên khỏi nước, không thấy chi, thì phơi mình nơi bờ sông, bãi biển; 4) bươi đất ẩn mình ở nơi vắng; 5) khi bò đi, nếu thấy người hoặc thú, hay được nghe tiếng thì rút ngũ chi (chân, tay, đầu) vào mai để giữ mình.

    Người hành đạo nên có 5 đức tính như rùa là: 1) nên rãi tâm bác ái, mong cho chúng sanh, được nhiều lợi ích không làm khổ, không làm hại, không gây oán thù, chú tâm trong tứ vô lượng tâm; 2) khi phiền não phát sanh, nên đè nén, nhận chìm trong thiền, để niệm đề mục khắng khít, không cho phiền não quấy nhiễu được; 3) dẫn tâm ra khỏi sự đứng, đi, ngồi, nằm nên chôn trong đề thiền, pháp tứ chánh cần; 4) không mong lợi và lời ca tụng, rồi ngụ trong chỗ vắng, như lời của đại đức Upasana Vangantaputta rằng: Tỳ khưu nên ngụ trong chỗ xa sự huyên náo; 5) khi lục căn hướng về ngũ dục nên đóng cửa, tức là chế ngự lục căn, là người có trí nhớ và biết mình; toạ thiền, như Phật ngôn rằng: tỳ khưu nên chế dục không cho tham, sân, tà kiến phát sanh, có tâm yên lặng, như rùa rút tay, chân, đầu vào mai nó vậy.

    ‒ 2 chi của loài quạ: 1) quạ là loài hay sợ điều nguy hiểm, hằng phòng giữ mình trong khi phiêu lưu, thế nào, người hành đạo cũng phải lo sợ điều tội lỗi, có trí nhớ kiên cố, chế ngự lục căn trong 4 oai nghi, như thế ấy; 2) khi quạ được thực phẩm chi cũng kêu gọi bọn nó đến cùng ăn với nhau.

    Bậc hành đạo cũng nên thực hành như thế.

    ‒ 2 chi của loài khỉ: 1) khỉ thường ngụ trong nơi thích đáng, trên nhánh cây to, có cành nhỏ và lá sum sê, để ngăn ngừa tai hại; 2) khỉ nương nơi cây nào; thì ngụ trong nơi cây ấy cho đến sáng.

    Người hành đạo nên có 2 đức tính: 1) người tinh tấn tu hành, cũng thế, phải nương tựa với chân sư, bạn lành, bậc có hổ thẹn tội ác, và có giới đức tôn kính, thương yêu, có đủ thiện pháp; 2) người hành đạo, cũng phải thoả thích trong nơi rừng vắng, đi, đứng, ngồi, nằm trong rừng ấy, thường niệm đề thiền và minh sát, như đức Xá Lợi Phất có nói: Tỳ khưu kinh hành đi, đứng, ngồi, nằm trong rừng thanh vắng như vậy đáng cho Đức Phật ngợi khen.

    ‒ 3 chi của hoa sen: 1) hoa sen hằng sanh và nở nảy trong nước; 2) khi lên khỏi nước thì nổi trên mặt nước; 3) dù bị gió thổi chút ít, cũng đu đưa, lung lay.

    Người hành đạo cũng phải có 3 đức tính là: 1) người không quyến luyến thân nhân, lợi quyền, lời ca tụng v.v...; 2) phải đè nén pháp thế gian, rồi nổi trên pháp xuất thế; 3) phải trừ khử các phiền não, dù là chút ít, như Phật ngôn rằng: tỳ khưu có sự lo sợ trong những tội lỗi, phải thọ trì giới luật cho chơn chánh.

    ‒ 2 chi của hạt giống:

    1) dù là ít, nhưng khi gieo trong ruộng phì nhiêu và thường có nước xuống, hạt giống ấy sẽ đâm mộng, nảy nở nhiều hoa, sai quả; 2) khi gieo xuống ruộng, rồi năng vun quét, thì hằng nở nang mau chóng.

    Hành giả phải có 2 đức tính là: 1) phải có giới cho thân và khẩu được chân chánh là nhân đem đến nhiều kết quả, sẽ được thọ sanh làm người cao sang, hoặc lên cõi trời, để gieo duyên lành trong Niết-bàn; 2) hãy chú tâm hành “tứ niệm xứ” quán tưởng cho thấu chân lý, cho tâm yên lặng và phát sanh trí tuệ, là nhân sanh quả thanh cao mau chóng, như đức Anurudha có nói rằng: hạt giống đã gieo trong ruộng phì nhiêu, hằng nảy nở nhiều hoa sai trái, thế nào, tâm hành giả đã luyện tập chân chánh rồi, tâm thường phát triển như thế ấy, tức là tứ niệm xứ.

    ‒ 1 chi của người lao động: người lao động tốt, hằng nghĩ rằng người đời làm công việc chi mong được nhiều của, như vậy, ta không nên cẩu thả, không nên lười biếng.

    Hành giả cũng vậy, phải xét rằng: khi ta quán tưởng thân tứ đại, thì không nên bơ phờ, phải có trí nhớ mãi mãi, có tâm kiên cố, ta chắc sẽ được thoát ly khổ não, như đức Xá Lợi Phất có nói rằng: các ông hãy phân biệt thân tứ đại cho thường, khi đã nhận rõ rồi, sẽ đoạn tuyệt thống khổ được.

    ‒ 5 chi của biển: 1) hằng không lẫn lộn với thây thi; 2) hằng duy trì các bảo vật; 3) hằng chung lộn với các thuỷ tộc to, lớn; 4) dù nước chảy đến bao nhiêu, biển cũng không tràn ngập; 5) không bao giờ đầy tràn, bằng nước chảy đến từ tứ phương.

    Người hành đạo nên bổ khuyết 5 đức tính là: 1) không trộn lộn với tội lỗi; 2) đắc đạo quả cao quý và Niết-bàn rồi giấu kín; 3) phải nương theo bậc phạm hạnh, có nhiều đức tính; 4) không phạm giới và tiếp xúc các vật vừa lòng như Phật ngôn rằng: đại hải hằng gần đầy tràn nước, dù Thinh văn đệ tử của Như Lai cũng không vi phạm điều học, dù là bị hại; 5) dù là thính pháp cũng chẳng biết no như Phật ngôn rằng: bậc hiền minh nghe thiện ngôn không biết thoả mãn, ví như lửa cháy cỏ hoặc cây vậy.

    ‒ 5 chi của địa cầu: 1) kẻ nào lấy vật thơm hay thối, liệng xuống đất, đất vẫn lãnh đạm; 2) không trang sức mà nó vẫn có mùi; 3) vật không có lỗ, không có hố, đầy đặc, rộng lớn; 4) dù chịu đựng cây núi, cũng không ngã lòng phản đối; 5) không thương ghét cái chi tất cả.

    Hành giả phải có đủ 5 chi, giống như địa cầu là: 1) không nên quan tâm đến vật vừa lòng và không ưa thích; 2) không trang sức nhưng vẫn có mùi thơm, tức là giới hương của mình; 3) phải trì giới cho tinh khiết, không có giới vá, giới rổ; 4) không chán nản trong sự bổ khuyết các thiện pháp; 5) không thương, không ghét, có tâm vô tư trong 4 oai nghi.

    ‒ 5 chi của nước: 1) là vật trong sạch; 2) là vật mát mẻ; 3) làm đồ dơ trở nên sạch; 4) là vật mà phần đông cần dùng; 5) không đành để vật vô ích.

    Người hành đạo cũng phải có 5 đức tính như nước là: 1) người có hạnh kiểm tốt; 2) gồm có tâm nhẫn nại và bác ái; 3) nên là người không tranh biện; 4) nên là người ít mong muốn, là người mà quần chúng ao ước; 5) người không làm nghiệp dữ bằng thân, khẩu, ý.

    ‒ 5 chi của lửa: 1) hằng thiêu huỷ cỏ, cây, nhánh, lá; 2) không thương xót vật nhiên liệu; 3) hằng trừ sự lạnh; 4) hằng không có sự vui thích; 5) hằng diệt cảnh tối tăm.

    Người hành đạo, nên có 5 đức tính như lửa là: 1) phải cố gắng thiêu hủy phiền não bằng lửa, tức là trí tuệ; 2) không nên thương hại phiền não; 3) phải nhúm lửa, tức là sự tinh tấn để khử trừ cho tuyệt phiền não; 4) không nên có sự thương, ghét, thường hay chế ngự trong 4 oai nghi; 5) phải diệt tối tăm, tức là vô minh, như Phật ngôn dạy đức Rāhulā rằng: người hãy niệm luôn đề mục lửa, thì các pháp ác chưa sanh sẽ không có, đã sanh rồi cũng sẽ không đè nén tâm ngươi được.

    ‒ 5 chi của gió: 1) hằng thổi rung hoa, cây, cho thơm quay trở lại trong rừng; 2) hằng thổi cho cây trốc gốc; 3) hằng thổi trên không gian; 4) hằng vuốt ve mùi thơm; 5) không rõ rệt có trong nơi nào.

    Người hành đạo phải có 5 đức tính, như gió là: 1) hoan hỷ trong cảnh giới có hoa, cây, tức là sự giải thoát; 2) quán tưởng ngũ uẩn, bứng nguồn gốc các phiền não; 3) phóng tâm cho thấm trong xuất thế pháp; 4) vuốt ve mùi, tức là giới đức của mình; 5) phải là người không thương tiếc, không quyến luyến, như có Phật ngôn rằng: sự sợ sanh từ nơi thương yêu, bụi sanh từ chỗ ở, người không có chỗ ở, thương tiếc, là nhân chỉ cho biết đó là bậc trí tuệ.

    ‒ 5 chi của vầng trăng: 1) hằng chiếu sáng từ trăng lưỡi liềm; 2) là tinh tú rất to lớn; 3) hằng tủa hào quang trong ban đêm; 4) có dinh thự là cờ hiệu; 5) dân gian hằng mong mặt trăng tủa hào quang thường thường.

    Hành giả cũng phải có 5 đức tính như mặt trăng là: 1) phải có sự tăng gia trong các thiện pháp; 2) phải có sự vừa lòng là trọng yếu; 3) phải là người vắng lặng; 4) phải là người có giới đức là cờ hiệu; 5) khi có ai thỉnh, thì đến nhà họ, theo ý muốn, như Phật ngôn rằng: tỳ khưu vào nhà người, như mặt trăng, đừng dạn dĩ, là người khách mới trong nhà họ.

    ‒ 7 chi của mặt trời: 1) hằng đốt nước cho khô cạn; 2) hằng trừ vẹt tối tăm; 3) hằng soi đời mỗi ngày; 4) có ánh sáng quy định; 5) đốt chúng sanh cho kiệt sức; 6) sợ A-tu-la vương (nhựt thực, nguyệt thực); 7) chiếu cho thấy rõ chỗ dơ, nơi sạch.

    Người hành đạo phải có 7 đức tính như mặt trời là: 1) phải đốt phiền não cho khô cạn, chớ để dư sót; 2) phải trừ tối tăm, tức là tình dục, sân hận, si mê, ngã mạng, tà kiến; 3) phải thường quan sát kỹ càng; 4) phải có cảnh giới quy định; 5) phải làm cho chúng sanh được tiến triển bằng thiện pháp; 6) thấy người mắc trong lưới, tức là phiền não, thì thương hại, xót dạ vì lo sợ, tức là phiền não; 7) phải thuyết 37 phần pháp bồ đề, (bodhipakkhiya dhamma) cho thấy rõ, như đại đức Vaṇgisa thera có giảng rằng: Tỳ khưu pháp sư hằng khiến quần chúng bị vô minh che án, cho thấy các pháp, như đường đi mà được mặt trời soi sáng vậy.

    ‒ 3 chi của đức Đế Thích: 1) ngài chỉ no lòng bằng hạnh phúc; 2) ngài là chúa của Chư thiên và ca tụng Chư thiên, cho phát tâm hoan hỷ; 3) ngài không có sự chán nản.

    Hành giả phải có 3 đức tính như đức Đế Thích là: 1) phải no lòng bằng sự vui phát sanh từ sự yên lặng của thân và khẩu; 2) không cho ngã lòng thất vọng; 3) không nên chán nản trong nhà thanh vắng, như đức Subhūti Thera có nói: bạch Phật tôi xuất gia theo Phật, tôi không biết quyến luyến ai cả.

    ‒ 4 chi của đức Chuyển luân vương: 1) ngài hằng tế độ quần chúng bằng 4 pháp tế độ (saṅgahavatthu); 2) bọn cướp không sao ẩn núp trong lãnh thổ của ngài được; 3) ngài kiểm soát việc lành, dữ và dẫn dắt nhân dân theo dấu chân ngài; 4) ngài là giám đốc, chỉnh đốn chánh trị vương quốc, có sự chế độ, bảo vệ cả phía trong và phía ngoài.

    Hành giả cũng phải như vậy, là: 1) phải làm cho phấn khởi tâm của tứ chúng khuyến khích họ cho hoan hỷ trong thiện pháp; 2) không cho 3 tà tư duy ẩn náu trong tâm, như Phật ngôn rằng: người ưa thích trong pháp yên lặng, là người có trí nhớ, niệm đề thiền bất tịnh (tử thi) bằng được trừ diệt thống khổ; 3) phải kiểm soát luôn thân, khẩu, ý, như Phật ngôn rằng: nên quán tưởng thường thường rằng: ngày đêm hằng qua khỏi, vậy ta sinh tồn thế nào?; 4) phải ngăn ngừa các phiền não bên trong, bên ngoài, như Phật ngôn rằng: này các thầy tỳ khưu chư Thánh Thinh văn, là hàng có trí nhớ, như người giữ cửa, dứt ác pháp, khiến thiện pháp được tăng gia.

    ‒ Chi của loài mối: Mối hằng tha đất làm gò, rồi ẩn mình trong gò mối, phiêu lưu đi tìm ăn.

    Người hành đạo cũng vậy: Phải làm vật che đậy, tức là chế ngự giới và che tâm đừng cho phóng túng, phải đi khất thực như Phật ngôn rằng: người tinh tấn hằng hạn chế tâm, thì thường khỏi điều lo sợ.

    ‒ 2 chi của loài mèo: 1) khi ngụ trong nhà hoặc đi đến bộng cây v.v... hằng chỉ mong tìm chuột, mà thôi; 2) thường tìm ăn nơi kế cận.

    Người hành đạo cũng phải có 2 đức tính, giống như mèo là: 1) khi vào rừng hoặc dưới bóng cây, hay trong nhà thanh vắng, phải là người không cẩu thả, phải tìm thực phẩm, tức là đề mục niệm Phật mà thôi; 2) thấy sự sanh diệt của ngũ uẩn trong 4 oai nghi, như Phật ngôn rằng: khi người quán tưởng ngũ uẩn hiện tại, thì hằng chán nản thân ngũ uẩn của mình được.

    ‒ Chi của loài chuột: lệ thường loài chuột đi đến nơi đây, nơi kia cũng vì tìm thực phẩm. Người hành giả tinh tấn cũng vậy. Khi đi đến đây, đến kia, cũng phải quan sát kỹ càng,

    nhứt là tìm thiện pháp, có thân, khẩu, ý yên lặng, có trí nhớ luôn khi.

    ‒ 5 chi của loài voi: 1) khi phiêu lưu trong rừng, hằng phá hoại đất; 2) không xoay mình, chỉ xem ngay phía trước; 3) không ở yên một chỗ, đi tìm ăn ở nơi nào, ngủ ở nơi ấy; 4) xuống thì mong xuống dưới nơi hồ sen to lớn; 5) dỡ chân lên cũng có trí nhớ, để chân xuống cũng có trí nhớ.

    Người hành đạo, phải có 5 chi như voi là: 1) phải quán tưởng thân thể để phá hoại các phiền não; 2) không liếc xem phía sau, không chọn phương hướng, chỉ xem chung quanh mình một tầm cây ách (2 thước); 3) không có chỗ ở nhất định, không thương tiếc, trãi đi đến nơi nào vừa lòng thì ngụ nơi ấy, không mến tiếc chỗ ở; 4) niệm tứ niệm xứ, có trạng thái như ao sen đầy nước, tức là pháp thanh cao, tinh khiết, chan chứa hoa sen, tức là sự giải thoát, thấm tháp bằng tứ niệm xứ; 5) có trí nhớ và biết mình trong 4 oai nghi, như Phật ngôn rằng: sự chế ngự thân, khẩu, ý là chân chánh, chế ngự được chu đáo là chân chánh; người có sự hổ thẹn, được chế ngự như thế, Như Lai gọi là người đã huấn luyện mình được.

    ‒ 7 chi của loài sư tử: 1) là thú đúng đắn sạch sẽ, không ô uế; 2) trãi đi cách khoan thai; 3) thân hình có vẽ ngay thẳng, tốt đẹp; 4) không cúi chào thú nào, dù là phải chết; 5) tìm thực phẩm theo thời, gặp thịt ở nơi nào, thì ăn cho no ở nơi đó, không chọn ngon, dở; 6) không tích trữ thực phẩm; 7) không được ăn cũng không phiền não, được cũng không mừng quýnh và không ăn quá no.

    Người hành đạo cũng phải có 7 chi như loài sư tử: 1) phải có tâm tinh khiết, không buồn bã vì cảnh giới bất hợp; 2) có tứ như ý túc là pháp trãi đi; 3) có hình thể ngay, tức là giới tinh khiết; 4) không cúi chào ai, vì bị mất hoặc hư hỏng 4 vật dụng; 5) được thực phẩm tuỳ thời, không chọn vật ăn, được nơi nào, thọ thực nơi đó, chỉ dùng để duy trì sinh mệnh mà thôi; 6) không tích trữ vật dụng để dành; 7) không được thực phẩm cũng không lo sợ, được cũng không vui mừng, quán tưởng rồi mới thọ thực, như có Phật ngôn rằng: thầy Kassappa là bậc có tri túc trong 4 vật dụng, không tìm vật không thích đáng, không được cũng không lo, được cũng không mừng, thấy tội trong sự thọ tứ vật dụng.

    ‒ 5 chi của rừng già: 1) hằng che đậy những kẻ xấu xa tội lỗi được; 2) là nơi rỗng không, khỏi quần chúng; 3) là nơi vắng lặng; 4) là nơi tinh khiết; 5) là nơi cư trú của hàng thánh nhơn.

    Người hành đạo phải có 5 đức tính như rừng già là: 1) phải giữ kín; không nên thố lộ việc sai lầm của kẻ khác; 2) là người rỗng không khỏi lưới, tức là tình dục, sân hận, si mê, ngã mạng, tà kiến và tất cả phiền não; 3) là người vắng lặng đối với tất cả ác pháp; 4) là người đứng đắn, lìa xa tất cả ô uế; 5) là người thân cận của bậc thánh nhân, như có Phật ngôn rằng: người có trí tuệ nên thân mật cùng bậc hiền minh.

    ‒ 3 chi của loài cây: 1) hằng trổ bông, sanh trái; 2) có bóng mát cho người nương; 3) không chọn người nhờ cậy, ai vào nương tựa cũng được.

    Người hành đạo cũng vậy, nghĩa là: 1) phải là người duy trì hoa, tức là sự giải thoát; 2) phải thiết đãi người thăm viếng, bằng vật dụng và bằng pháp; 3) phải rãi tâm bác ái đến chúng sanh (bằng cách vô tư) như đức Xá Lợi Phất ca tụng Đức Phật rằng: đức Giáo chủ hằng có tâm bình đẳng trong tất cả chúng sanh, như trong Devadatta và Angulimāla v.v...

    ‒ 5 chi của mưa: 1) hằng tẩy bụi, mồ hôi được; 2) hằng dập tắt sự nóng của đất được; 3) hằng làm cho hạt giống được đâm mộng; 4) hằng duy trì thảo mộc v.v... cho nở nang được; 5) hằng làm cho sông, rạch, bưng, hào, đầy nước được.

    Hành giả cũng phải có 5 đức tính như mưa là: 1) phải tẩy bụi, tức là phiền não; 2) phải dập tắt sự nóng của thế gian, bằng pháp bác ái; 3) phải làm cho đức tin của người được nảy nở, tăng gia; 4) phải gìn giữ thiền định đã sanh, cho càng tiến triển; 5) làm cho mưa, tức là: pháp học, pháp hành, pháp thành và người mong pháp hành cho đầy đủ, như đức Xá Lợi Phất có giảng rằng: đức Chánh Biến Tri, Ngài thấy đáng giác ngộ, dù là đường xa muôn dặm, ngài cũng ngự đến để giác ngộ họ.

    ‒ 4 chi của người đi săn: 1) ngủ ít; 2) chỉ chú tâm đến thịt; 3) biết thì giờ nên đi săn; 4) thấy thú thì định rằng sẽ săn được.

    Hành giả cũng như thế, nghĩa là: 1) phải ngủ ít; 2) chỉ chú tâm trong một đề mục; 3) biết thì giở nên hành thiền, quán tưởng; 4) phải để tâm trong thiền định, vui thích trong đề thiền rằng: ta sẽ đạt quả tối thượng như thế.

    ‒ 2 chi của thợ mộc: 1) hằng đẽo cây theo đường mực; 2) hằng đẽo bỏ cây dác, chỉ để dành cây lõi.

    Hành giả phải có 2 chi như vậy, nghĩa là: 1) nên đứng trên đất, tức là giới, cầm rìu, tức là trí tuệ, bằng tay, tức là đức tin, đẽo cho hết phiền não; 2) nên đẽo bỏ sự tà kiến, chỉ để dành chánh pháp, như có Phật ngôn rằng: các thầy nên đào bứng bỏ tà kiến và phiền não, đoạn tuyệt phiền não nhỏ, lớn cho tận gốc, là người có trí nhớ kiên cố.

    ‒ 4 chi của người bắn cung: 1) khi bắn thì đứng vững hai chân trên đất, kéo cung cho ngay thẳng, giữ mình cho vững, hai tay cầm cung kiên cố, lấy tên để vào cung, nhắm cho ngay, định rằng sẽ bắn trúng; 2) tìm cây tốt để dành vót tên cho ngay; 3) nhắm bắn cho trúng, chỗ đã định; 4) tập bắn thường trong buổi sáng.

    Hành giả phải có 4 đức tính như thế là: 1) để chân, tức là sự tinh tấn, trên đất, tức là giới, cho vững chắc, trì sự nhẫn nại và sự ôn hoà cho kiên cố, chế ngự lục căn, trừ sự thương và ghét, nên khảo sát kỹ càng trong tâm, đóng chặt lục căn, có trí nhớ, khiến sự ưa thích cho phát sanh rằng: ta sẽ bắn hạ phiền não bằng tên tức là trí tuệ; 2) niệm tứ niệm xứ, cố gắng luyện tâm cho ngay; 3) quán tưởng cho thấy rõ thân thể là vô thường, khổ não và vô ngã; 4) chú tâm quán tưởng mỗi buổi sáng và tối, như đức Xá Lợi Phất có giảng rằng: Người bắn tên, hằng tập bắn trong buổi sáng và chiều, thế nào, hàng Phật tử nên cố gắng tập luyện thân, khẩu, ý, thì sẽ chứng A-la-hán quả.

    -oo0oo-

    (13) Chi: là cái nguyên ở một vật thể chia ra.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.