Pháp Vô Ngã (Anattā)
Pháp-vô-ngã không chỉ là ngũ-uẩn, mà còn các pháp- hữu-vi và pháp-vô-vi cũng đều là pháp-vô-ngã nữa. Đức-Phật dạy: “Sabbe dhammā anattā: Tất cả các pháp-hữu-vi, pháp-vô-vi đều là pháp-vô-ngã.”
Pháp-hữu-vi (saṅkhatadhamma) đó là ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự-tánh (dhātu), … sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là pháp bị cấu tạo do bởi 4 nhân-duyên: nghiệp (kamma), tâm (citta), thời-tiết (utu), vật-thực (āhāra), nên gọi là pháp-hữu-vi đều là pháp-vô-ngã.
Pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma) đó là Niết-bàn, là pháp không bị cấu tạo do bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời-tiết, vật-thực, và các chế-định-pháp (paññatti-dhamma) cũng là pháp-vô-ngã, bởi vì các pháp này không có ai là chủ, không chiều theo ý muốn của ai.
Như Đức-Phật dạy trong Tạng-Luật, bộ Parivārapāḷi: “Aniccā sabbe saṅkhārā, dukkhānattā ca saṅkhatā. Nibbānañceva paññatti, anattā iti vinicchayā.”(1)
Ghi chú 1 Vinayapiṭaka, bộ Parivāra, phần Samuṭṭhānasīsasaṅkhepa.
Tất cả các pháp-hữu-vi,
Là sắc-pháp và danh-pháp,
đều có đủ ba trạng-thái,
vô-thường, khổ, vô-ngã.
Niết-bàn và chế-định-pháp,
cũng thuộc về pháp-vô-ngã.
Pháp-Vô-Ngã là những pháp nào?
Sắc-uẩn là pháp-vô-ngã, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn đều là pháp-vô-ngã, hay tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp là pháp-vô-ngã, bởi vì các pháp này không chiều theo ý muốn của ai, không có ai là chủ, không phải là ta và không phải của ta. Cho nên, các pháp ấy đều là pháp-vô-ngã.
Sự thật, pháp-vô-ngã chỉ có trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama mà thôi. Ngoài Phật-giáo ra, không ai biết về pháp-vô-ngã.
Cái ta, cái ngã có thật hay không?
Đức-Phật dạy: Tất cả các pháp-hữu-vi, pháp-vô-vi đều là pháp-vô-ngã. Như vậy, sự thật cái ta, cái ngã không có thật. Vậy, do đâu mà có cái ta, cái ngã? Cái ta, cái ngã vốn không có thật. Sở dĩ có cái ta, cái ngã là vì tà-kiến (diṭṭhi) thấy sai, chấp lầm từ sắc-pháp cho là ta, từ danh-pháp cho là ta.
Thật ra, đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) thì chỉ có 4 pháp là tâm, tâm-sở, sắc-pháp, Niết-bàn mà thôi.
Sắc-pháp đó là 28 sắc-pháp, danh-pháp đó là 89 hoặc 121 tâm và 52 tâm-sở, Niết-bàn cũng thuộc về danh-pháp, nhưng do tà-kiến (diṭṭhi) thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp cho là ta, nơi danh-pháp cho là ta như sau: Tà-kiến đó là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến thấy sai chấp lầm trong đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp cho là ta, là ngã.
Tà-kiến thấy sai, chấp làm nơi sắc-pháp
– Khi thân đi hay sắc đi, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân đi hay sắc đi ấy cho là ta đi.
– Khi thân đứng hay sắc đứng, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân đứng hay sắc đứng ấy cho là ta đứng.
– Khi thân ngồi hay sắc ngồi, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân ngồi hay sắc ngồi ấy cho là ta ngồi.
– Khi thân nằm hay sắc nằm, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân nằm hay sắc nằm ấy cho là ta nằm.
– Hoặc khi thân cử động, các oai nghi phụ hay sắc cử động, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân cử động
ấy hay sắc cử động ấy cho là ta cử động, v.v…
Tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi danh-pháp
– Khi nhãn-thức-tâm nhìn thấy đối-tượng sắc, hình dáng, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi nhãn-thức-tâm thấy cho là ta thấy.
– Khi nhĩ-thức-tâm nghe các đối-tượng âm thanh, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi nhĩ-thức-tâm nghe ấy cho là ta nghe.
– Khi tỷ-thức-tâm ngửi các đối-tượng hương, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi tỷ-thức-tâm ngửi ấy cho là ta ngửi.
– Khi thiệt-thức-tâm nếm các đối-tượng vị, thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thiệt-thức-tâm nếm ấy cho là ta nếm.
– Khi thân-thức-tâm xúc giác cứng mềm, nóng lạnh… thì tâm tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi thân-thức-tâm xúc-giác ấy cho là ta xúc-giác.
– Khi ý-thức-tâm biết các đối-tượng pháp, thì tâm tà- kiến thấy sai, chấp lầm nơi ý-thức-tâm biết, tâm suy nghĩ ấy cho là ta biết, ta suy nghĩ, v.v…
Như vậy, cái ta, cái ngã không có thật, mà chỉ có tâm tà-kiến là có thật mà thôi. Cho nên, không có pháp-hành diệt ngã, mà chỉ có pháp-hành diệt tâm tà-kiến chấp ngã mà thôi.
Pháp-hành diệt tâm tà-kiến chấp ngã như thế nào?
Hành-giả phàm-nhân là hạng người tam-nhân thực- hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự trải qua 16 trí-tuệ-thiền-tuệ từ trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới.
Bắt đầu từ trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpa-paricchedañāṇa: trí-tuệ phân-tích thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp hiện-tại ấy là pháp-vô-ngã (anattā) đúng theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu- tam-giới thứ 14 gọi là Sotāpattimaggañāṇa: Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, nên diệt tận được hai loại phiền-não là tà-kiến chấp-ngã trong ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn dư sót, liền tiếp theo trí-tuệ-thiền-tuệ siêu- tam-giới thứ 15 gọi là Sotāpattiphalañāṇa: Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ trong cùng Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Và tiếp theo trí-tuệ-thiền-tuệ thứ 16 cuối cùng gọi là paccavekkhaṇañāṇa: trí-tuệ quán-triệt Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả đã chứng đắc, Niết-bàn đã chứng ngộ; trí-tuệ quán-triệt phiền-não nào đã diệt tận được và phiền-não nào còn lại chưa diệt tận được.
Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tà-kiến theo chấp ngã trong ngũ-uẩn, trong kiếp hiện-tại, cho đến kiếp vị-lai nhiều nhất 7 kiếp nữa. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Chấp ngã có ba loại
1- Tà-kiến theo chấp ngã.
2- Tham-ái theo chấp ngã.
3- Ngã-mạn theo chấp ngã.
1- Tà-kiến theo chấp ngã là tà-kiến theo chấp ngã nơi sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, hay chấp ngã nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là tự ngã của ta do năng lực của tà-kiến (eso me attā). Bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được tà-kiến theo chấp ngã này vĩnh viễn không còn nữa, nhưng chỉ còn tham-ái theo chấp ngã và ngã-mạn theo chấp ngã mà thôi.
2- Tham-ái theo chấp ngã là tham-ái theo chấp ngã nơi sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, hay sắc-pháp, danh-pháp cho là của ta do năng lực của tham-ái (etaṃ mama). Bậc Thánh Nhất-lai đã diệt tận được tham-ái theo chấp ngã phần thô trong cõi dục-giới, còn phần vi-tế thì chưa diệt được. Bậc Thánh Bất-lai đã diệt tận được tham-ái theo chấp ngã phần vi-tế trong cõi dục-giới, còn tham-ái phần vi-tế trong 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô- sắc-giới trong cõi trời sắc-giới phạm-thiên, cõi trời vô-sắc-giới phạm-thiên thì chưa diệt được.
3- Ngã-mạn theo chấp ngã là ngã-mạn theo chấp ngã nơi sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, hay sắc-pháp, danh-pháp cho là ta do năng lực của ngã- mạn (eso hamasmi). Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tham-ái theo chấp ngã phần vi-tế trong cõi trời sắc-giới và ngã-mạn theo chấp ngã này không còn dư sót nữa. Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Chấp ngã – Không chấp ngã
Tất cả chúng-sinh nói chung, con người nói riêng, hễ còn là phàm-nhân, chưa phải Thánh-nhân thì vẫn còn chấp ngã do các phiền-não, nhất là tà-kiến, tham-ái, ngã-mạn.
Hạng thiểu-trí phàm-nhân (andhaputhujjana) trong đời không đến gần gũi, thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không lắng nghe chánh-pháp, không thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không hiểu biết thật-tánh của ngũ-uẩn sắc-pháp, danh-pháp, nên tà-kiến, tham-ái, ngã-mạn theo chấp ngã nơi ngũ-uẩn rằng:
Tà-kiến theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là tự ngã của ta (eso me attā).
Tham-ái theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là của ta (etaṃ mama).
Ngã-mạn theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là ta (eso hamasmi).
Hạng thiểu trí phàm-nhân ấy tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai.
Hạng thiện-trí phàm-nhân (kalyāṇaputhujjana) trong đời thường đến gần gũi thân cận với bậc thiện-trí trong Phật-giáo, thường lắng nghe chánh-pháp, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc- pháp, danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, nên không còn tà-kiến, tham-ái, ngã-mạn theo chấp ngã nơi ngũ-uẩn nữa.
Không còn tà-kiến theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là tự ngã của ta (na meso attā).
Không còn tham-ái theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là của ta (netaṃ mama).
Không còn ngã-mạn theo chấp ngã trong ngũ-uẩn ấy cho là ta (neso hamasmi).
Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn người trong kiếp hiện-tại.
Thật ra, tà-kiến theo chấp ngã, tham-ái theo chấp ngã, ngã-mạn theo chấp ngã này chỉ làm trở ngại cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không thể dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi. Tà-kiến theo chấp ngã, tham-ái theo chấp ngã, ngã-mạn theo chấp ngã này không làm trở ngại cho bậc thiện-trí phàm-nhân tạo 10 loại phước-thiện (puññakriyā- vatthu), tạo 10 đại-thiện-nghiệp như sau:
Phước-thiện có 10 pháp:
1- Phước-thiện bố-thí (dānakusala).
2- Phước-thiện giữ-giới (sīlakusala).
3- Phước-thiện hành-thiền (bhāvanākusala).
4- Phước-thiện cung-kính (apacāyanakusala).
5- Phước-thiện hỗ-trợ (veyyāvaccakusala).
6- Phước-thiện hồi-hướng (pattidānakusala).
7- Phước-thiện hoan-hỷ (pattānumodanākusala).
8- Phước-thiện nghe-pháp (dhammassavanākusala).
9- Phước-thiện thuyết-pháp (dhammadesanākusala).
10- Phước-thiện chánh-kiến (diṭṭhijukammakusala).
Thân thiện-nghiệp có 3 loại:
Thiện nghiệp có 10 loại theo 3 môn:
1. Thân không sát-sinh,
2. Thân không trộm-cắp,
3. Thân không tà-dâm.
Khẩu thiện-nghiệp có 4 loại:
1. Khẩu không nói-dối,
2. Khẩu không nói lời chia rẽ,
3. Khẩu không nói lời thô tục,
4. Khẩu không nói lời vô ích.
Ý thiện-nghiệp có 3 loại:
1. Ý không tham lam tài sản của người khác,
2. Ý không thù hận người khác,
3. Ý có chánh-kiến.
Sau khi bậc thiện-trí phàm-nhân chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.
Tà-kiến theo chấp ngã, tham-ái theo chấp ngã, ngã-mạn theo chấp ngã này cũng không làm trở ngại cho hành-giả là hạng người tam-nhân thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.