Sức mạnh có 2 loại:
1- Sức mạnh của thân: Nếu khi con người khoẻ mạnh, không có bệnh hoạn ốm đau thì thân này có sức mạnh. Sức mạnh của thân này tuỳ thuộc vào vật thực, nước uống, thuốc men trị bệnh, v.v... nếu thân này bị đói, bị khát, ... thì thân này bị yếu đuối, mệt lử người có thể dẫn đến chết như chết đói, chết khát, ...
Thân (kāya) thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma) đó là tứ đại hoàn toàn vô tri vô giác. Con người còn sống, thân và tâm nương nhờ lẫn nhau, nếu khi tâm rời khỏi thân thì thân này trở thành tử thi.
Đức-Phật ví thân này như chiếc xe, còn tâm như người tài xế. Chiếc xe chạy tới, chạy lui, quẹo trái, quẹo phải, ... do người tài xế điều khiển. Cũng như vậy, thân này có thể đi, đứng, ngồi, nằm, thở ra, hít vào, nói năng, ... đều do tâm điều khiển, sai khiến.
Tâm (citta) thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) không có hình dáng, màu sắc. Tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm chia làm 4 loại tâm:
1- Bất-thiện-tâm (ác-tâm) gồm có 12 tâm.
2- Thiện-tâm gồm có 21 hoặc 37 tâm.
3- Quả-tâm gồm có 36 hoặc 52 tâm.
4- Duy-tác-tâm gồm có 20 tâm.
Tâm có chức năng đặc biệt là tích luỹ đầy đủ tất cả mọi thiện-nghiệp, mọi ác-nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh.
2- Sức mạnh của tâm: Mỗi tâm có sức mạnh của nó.
- Sức mạnh của ác-tâm:
Ví dụ: khi tâm-sân phát sinh khiến cho thân có sức mạnh phá hoại đối tượng không hài lòng, nhưng cũng có khi tâm-sân phát sinh làm cho khổ tâm sầu não, khóc than thảm thiết khiến cho thân trở nên yếu đuối, thoái chí nản lòng, tuyệt vọng.
- Sức mạnh của thiện-tâm:
Khi đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ sáng suốt phát sinh, có đức-tin hy vọng, tinh-tấn không ngừng, có đức tính nhẫn-nại chịu đựng, khiến cho thân có sức mạnh phi thường bền bỉ kiên trì theo đuổi đến mục đích cuối cùng.
Phàm làm việc gì cũng nên có đức-tin, hy vọng trong công việc của mình, có sự tinh-tấn không ngừng và có đức tính nhẫn-nại chịu đựng chờ đợi.
Đức-Phật dạy: “Vīriyena dukkhamacceti.” “Hành-giả giải thoát khỏi khổ sinh tử luân-hồi trong tam-giới do nhờ pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.”
Thật vậy, để thành-tựu mỗi pháp-hạnh ba-la-mật nào đều nhờ đến pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật kiên trì tinh- tấn không ngừng hỗ-trợ mới thành-tựu pháp-hạnh ba-la- mật ấy được như ý.
Ví dụ: Như người nào cần lửa, người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau liên tục không ngừng để phát sinh sức nóng, rồi mới phát ra lửa được.
Nếu người ấy đem 2 que củi khô cọ vào nhau một lát rồi nghỉ, thì không phát sinh sức nóng, nên không thể phát ra lửa được.
Phàm người nào muốn đạt đến sự thành công về lĩnh vực nào trong đời, người ấy cần phải cố gắng tinh-tấn không ngừng trong suốt thời gian dài hoặc ngắn tuỳ theo lĩnh vực ấy.
Nếu người nào vốn có trí-tuệ, có đức tính nhẫn-nại, kiên trì tinh-tấn không ngừng học hành thì người ấy chắc chắn sẽ có sự hiểu biết nhiều, chắc chắn sẽ được thành- tựu những công việc lớn nhỏ.
Dù người nào vốn có trí-tuệ đặc biệt nhưng biếng nhát trong công việc, ham chơi bời không chịu học hành thì người ấy cũng không có sự hiểu biết rộng, không thành- tựu được những công việc lớn.
Trích: Pháp Hạnh Tinh Tấn Ba-La-Mật (Vīriyapāramī), Pháp hạnh Ba-la-mật (Phần 3), Soạn giả tỳ khưu Hộ Pháp.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.