PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
PHẬT NGÔN TRÍCH DỊCH
---
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
PHẬT GIÁO LƯỢC LUẬN
Quyển kinh này, trích ở các chơn kinh phiên dịch ra, kể từ Thái tử Sĩ-Đạt-Ta xuất gia tu hành, cho đến khi Ngài đắc quả Phật hiệu là Thích-Ca-Mâu-Ni, rồi Ngài trở về mở đạo, thuyết pháp 45 năm, dạy chúng sanh tu hành vô số kể.
Diệu lý của Phật gồm trong Tứ Diệu Đế, nên Phật Thích Ca có giải như vầy:
1) Đây là cái khổ, cái khổ này ta phải hiểu, ta đã hiểu rồi.
2) Đây là nguồn cội cái khổ, nguồn cội cái khổ này ta phải diệt, ta đã diệt rồi.
3) Đây là cái lòng ham muốn, diệt cái lòng ham muốn này, ta phải dứt, ta đã dứt rồi.
a. Đây là con đàng đi, để diệt cái lòng ham muốn, con đàng đi để diệt cái lòng ham muốn ấy ta phải hành, ta đã hành rồi, nên ta mới thành Phật.
Trong mỗi đề, Ngài đã dạy phân minh. Đề nào Ngài cũng đã cùng cứu nên Ngài mới được chứng quả.
Phật lại có giải rằng: “Này các thầy tỳ-khưu! Có một người kia đang đi vào vào rừng gặp một con đàng mòn, người theo con đàng mòn ấy thấy một nơi có cả thành thị, mà đã hư nát; người mới thầm nghĩ: để ta về tâu đức vua để tu bổ lại. Thật vậy, người về tâu, vua nghe theo, bèn chỉnh đốn nơi ấy lại trở nên nguy nga đẹp đẽ”. “Này các thầy tỳ-khưu! Cũng như Như Lai đã tìm được một con đàng, nhờ đó nên Như Lai mới được thành Phật, mà chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, cũng nhờ con đàng ấy mà chứng quả. Vậy, nay Như Lai đem ra chỉ cho chúng sanh đặng biết, nếu ai muốn thành Phật thì cứ noi theo con đàng ấy mà đi, bằng không Như Lai cũng chẳng biết làm sao. Các thầy tỳ-khưu này! Con đàng ấy tức là đạo Bát Chánh vậy”.
Vậy mình hãy suy xét lấy.
Làm Phật ai cũng muốn nhưng biết muốn là không chịu noi theo con đàng Phật đã chỉ cho, chẳng khác nào mình biết đói, khi thấy cơm mà không chịu ăn biết bao giờ mới no được.
Lời tục thường nói: “Lánh tục tầm tiên”. Còn mình muốn tìm tiên, mà không chịu lánh tục, thì tìm sao cho được. Trần tục là bụi nhơ mà đêm ngày mình vẫn sa mê theo nó, ắt mình bị vướng nhơ, vướng nhơ tất phải mê muội, nếu đã mê muội chắc phải luân hồi.
Có nhiều người ít suy xét cho kỹ hai câu Nho rằng:
“Dục tu tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo”
“Nhơn đạo bất tu, tiên đạo viển hỉ”.
Xin giải: Thích có Tam quy, đối với Nho có Tam húy: quy y Phật...đối với Nho...húy thiên; quy y Pháp... húy thánh nhân; quy y Tăng... húy thánh nhơn chi ngôn. Ngũ giới... ngũ thường: bất sát sanh... nhơn; bất du đạo... nghĩa; bất tà dâm... lễ; bất ẩm tửu... trí; bất vọng ngữ... tín.
Dường ấy, mình suy đi xét lại, coi có khác nhau đâu, nào phải tu Phật đạo mà bỏ Nhơn đạo sao? Theo Thích, tu Phật đạo mà hàm xúc cả nhơn đạo nữa, có phải là: nhất cử lưỡng tiện chăng? Chớ nói để làm người cho trọn, thì biết bao giờ mới được vẹn, lật bật cái chết nó đến, rồi ăn năn sao kịp. Trong sách Nho có nói rằng:
Vạn kiếp thiên sanh đắc cá nhơn
Tu tri tiền thế, chưỡng lai nhơn
Thử thân bất hướng kim sanh độ
Cánh hướng hà thời độ thử thân.
Thích nôm:
Muôn kiếp ngàn sanh đặng phẩm người
Cho hay đời trước giống gieo tươi
Mình này chẳng tới đời này độ
Còn đợi buổi nào độ lấy người.
Vậy tại sao? Tại, con người linh hơn muôn vật, nhờ có trí bát nhã, tức trí huệ mới có phân biệt phải quấy, bỏ tà theo chánh, lánh dữ làm lành, thành Phật nên tổ đặng. Bằng không có trí tuệ dường như kẻ dại, khờ, mờ, điếc, hắc bạch nan phân, làm sao mà tu hành được.
Tu là gì? Tu là sửa lòng, bỏ tà theo chánh, lánh giả tìm chơn. Giả là: “Thế sự vạn ban đô thị giả”. Chơn là: “Thiên địa hoại Niết-bàn bất hoại”.
Tu phải lấy chi làm căn bổn? Phải quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Phật là: kính tin theo lời Phật, học theo tánh Phật là từ, bi, hỷ, xả. Quy y Pháp là: thực hành theo kinh, luật, luận của Phật đã giáo truyền, nhưng mình phải nhớ, Phật có dạy A-Nan-Đa Tôn giả rằng: “A-Nan-Đa này! Khi Như Lai diệt độ rồi, ngươi chớ nên tưởng, không còn ai là thầy của các ngươi nữa. Tuy Như Lai nhập Niết-bàn nhưng Như Lai còn để Pháp lại, Pháp ấy tức là thầy của các ngươi đó. Nhưng các ngươi phải nhớ lời Như Lai dặn: Dầu ngày sau, có ai nói rằng: Ta có nghe Phật giảng dạy cách này, hoặc cách kia, ngươi cũng khoan tin vội, mà cũng đừng bỏ vội. Nghe rồi hợp phải xét lại nếu đúng theo chơn lý, ấy là lời của Như Lai giáo hóa, bằng không là lời bịa đặt, các ngươi phải dè dặt lấy.” Quy y Tăng là: Phải mặc theo Phật, giữ giới luật cho chín chắn, tu hành theo con đàng của Phật tổ Thích Ca đã giáo truyền.
Vậy, nay được sớm thức tỉnh biết tu là cội phước, mình tu, cũng khuyên cha mẹ, vợ con, bậu bạn cùng tu theo. Bằng thân quyến chưa chịu, mình phải ráng chí tu, khi đã thành công trở về độ cho phụ mẫu, thê nhi, hoàn viên phước quả rồi thì được an vui đời đời kiếp kiếp. Dường ấy đối với cha mẹ mới thật là người đại hiếu, với vợ con mới gọi là chỗ thậm tình cho.
- Song dễ gì mà tu cho thành Phật!
- Thật không dễ gì, nhưng có chí thì nên. Phật có nói: tu đắc, bất tu bất đắc, nghĩa là: tu thì thành, không tu không thành. Mình tu theo đạo Phật phải tin theo lời Phật. Ngài là đấng Chí Tôn nói đâu có đó. Mình phải quyết chí tu cho tới cùng (nhất tâm bất nhị, chí tử bất thối) rồi sẽ rõ. Chớ chưa tu mà sợ không thành, nói như vậy đâu phải gọi là người tu Phật.
- Nếu nói tu không thành sao lại có Phật?
- Mình sánh với Phật sao được?
- Sao lại không được, Phật trước kia cũng có cha mẹ, vợ con như mình, vì Ngài xuất
gia tu hành nên mới được thành Phật. Chớ nay, mình mới tu, mà muốn thành như Ngài vậy sao được?
- Sao biết rằng mình nay mới tu? Nếu kiếp trước mình không tu sao nay được làm người, đã làm người, có đủ ngũ quan lại còn thêm gặp Phật Pháp nữa. Đó là bằng cớ rõ ràng cho biết rằng trước kia mình đã có tu nhiều kiếp rồi vậy.
- Vậy, tại sao chưa nghe nói có người tu thành Phật?
- Là tại mình không tu theo Phật tổ Thích Ca, khi còn làm Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, Ngài bỏ ngôi, trốn cha, lánh vợ, lìa con vào non Tuyết Lãnh tu khổ hạnh sáu năm, chịu những màn trời chiếu đất, hành khất xin ăn. Nhờ đó, Ngài tìm được cái đạo Chánh Giác. Còn như mình, ngày chí đêm cứ chen lấn theo vòng trần tục, ảo mộng đảo điên, chẳng hề tỉnh ngộ, có tu đâu mà thành Phật.
Tại nơi cảnh trần là bụi nhơ mà mình phải vướng lấy, là lẽ tự nhiên, nếu chẳng lánh bụi nhơ mà muốn trong sạch, không sao được trong sạch.
Tây có nói: “ll ne saurait y avoir des lotus au milieu du feu, ni de dhayana au sein des plaisir”. Nghĩa là: không thể nào có Bạch Liên ở giữa lửa, cũng không thể nào có Đại định ở giữa chốn dục tình. Cũng như mình mê sa theo thế tục, ngày chí đêm cứ toan tính việc giàu sang, túi tham không đáy, nên mình phải mắc chốn tối tăm mờ ám. Nếu mình phủi sạch nợ thế, để cho tâm an tịnh, lâu ngày tâm được sáng suốt, tức là được minh tâm kiến tánh, là thành Phật vậy.
Tu có phải tụng kinh niệm Phật không? Trước cũng phải tụng kinh hoặc xem kinh cho thông nghĩa lý trong kinh mà hành, nhưng thành hay không là tại cái sở hành, chẳng phải nhờ tụng khống mà gọi là đủ.
Trong Minh Tâm có mấy câu như vầy, mình nên suy ngẫm, lưu ý đến:
Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân
Khán kinh giả, minh Phật chi lý
Tọa thiền giả, đăng Phật chi cảnh.
Nghĩa là:
Lạy Phật ấy, kính đức của Phật
Tưởng Phật ấy, cám ơn của Phật
Xem kinh ấy, cho rõ lẽ của Phật
Ngồi thiền ấy, đặng lên cõi Phật
Kinh chú bổn Từ Bi, oan kết như hà cứu, nghĩa là: lời kinh, chú vốn dạy hiền lành, còn điều oan kết đường nào cứu đặng.
Kinh Kim Cang có nói:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm minh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Bằng dùng sắc tướng mà thấy ta
Dùng tiếng tăm mà tìm ta
Người đó là làm đạo tà
Không khi nào thấy ta được.
Vậy mà mình cũng cứ ham mê theo sắc tướng, âm thinh. Tu hành như vậy có phải nghịch hẳn với đạo lý của Phật Thích Ca chăng, tức bất năng kiến Như Lai, nghĩa là không khi nào được chứng quả Phật là vậy.
Phần đông cứ lo làm cho có của cải, quên rằng hễ được giàu sang thì sanh lòng kiêu hãnh, tật đố, lầm tưởng cho mình là hay, giỏi, khôn lanh hơn người, những kẻ yếu thế hơn, ít ai dám làm nghịch ý mình, dầu phải dầu quấy họ cũng dằn lòng chịu ép, làm cho mình tự tôn, tự trọng, nói càng, làm bướng, không còn biết kiêng nể ai. Vì thế mình tạo nghiệp nhân càng dày, biết bao giờ mới trả rồi nợ thế, nợ thế chưa xong mong gì thoát ly khổ ải.
Bằng nói, làm để lại cho con cháu, thì mình nên nhớ trong sách có nói rằng:
Uổng tác thiên niên kế
Nhi tôn tự hữu nhi tôn phước.
Nghĩa là:
Uổng làm kế ngàn năm
Con cháu vẫn có phước con cháu.
Phước ai nấy gặp, nợ ai nấy mang, chẳng có một ai làm thế cho ai được. Nhưng nay có dư tiền bạc, mình nên bỏ ra cứu giúp kẻ cơ hàn tật bệnh, in kinh, khuyến thiện, trai tăng, bố thí cho các bậc tu hành chơn chính. Đã nhiều kiếp luân hồi, chúng sanh cũng từng làm cha mẹ bà con nhau, nay tuy đối với mình là người dưng kẻ lạ, nhưng mình cũng phải tưởng tới mấy kiếp trước kia mà hết lòng bác ái để cứu vớt nhau mới phải.
Xin chư thiện nam, tín nữ hãy suy xét cho cùng. Con người, đến khi mạng chung rồi, chẳng đem một vật chi theo mình được. Chỉ có tội và phước, nó theo mình như bóng tùy hình. Vậy lúc mình còn sinh tiền nêu mau mau tỉnh ngộ, tu hành vì cái chết nó đến không chừng rủi nó đến sớm, ăn năn rất muộn.
Tôi nay là người đang học Phật, thấy có điều hữu ích nên đem ra tỏ bày, để nhắc nhở bà con, chẳng nệ tài hèn đức kém, nếu có sai lầm, xin nhờ các bậc thiện trí thức hảo tâm chỉ bảo cho, ân ấy rất nên thậm trọng.
Thi rằng:
ĐƯỜNG đời lắm nỗi, cuộc bi ai
THẾ sự khác gì, chốn gốc gai
MỊT mịt hơi sầu, vòng các tía
MÙ mù gió thảm, chốn cân đai
TRĂM lo ngàn liệu, gây oan trái
NĂM mỏi tháng mòn vướng nghiệt tai
ĐẦY đủ phước hồng, rồi cũng bỏ
TỘI trường oan báo, khổ liền tay.
CỬA Phật tháng ngày chẳng thảm, ai
THIỀN môn nào phải chốn chông gai
THANH sơn đâu quản, khanh cùng tướng
TỊNH thất nào hay, mão với đai
MUÔN thuở an vui, hành Bát Chánh
KIẾP trần thông thả, lánh tam tai
NÊN chăng hởi khác, công hầu gẫm
DUYÊN kết Niết-bàn, được rảnh tai.
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.