Phật ngôn quyển Nhật hành của người tại gia Tu Phật

Phật ngôn quyển Nhật hành của người tại gia Tu Phật

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA

    -----

    NHỰT HÀNH CỦA NGƯỜI TẠI GIA TU PHẬT
    (TRAYAPRANĀMA SAṂKHEPA GIHIVANAYA SAṂKHEPA)

    Dịch giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

    Pl.2497 – Dl.1954

     

    PHẬT NGÔN

    (Phiên dịch và trích các kinh Pāli)

    1) Tất cả chúng sanh, chẳng có một ai là tay đối thủ của Ma vương (tử thần). Mặc dầu mãnh lực của các con voi, mãnh lực của các thứ xe, mãnh lực của quân binh, hoặc các phép thần thông cùng của cải, cũng không chiến thắng nổi Ma vương.

    Nên chi các bậc trí tuệ, khi đã xét thấy rõ rệt như thế, cần phải gieo sâu đức tin trong Đức Phật, Đức Pháp, và Đức Tăng, nguyện không thối chuyển. Cho nên hành giả khi đã trau dồi thân, khẩu, ý, ở theo thập thiện thì được các bậc hiền triết ngợi khen, và đến ngày mạng chung chắc sẽ phi thăng nhàn cảnh.

    2) Tất cả chúng sanh, chẳng sót một ai, đều ở trong tay của vị tử thần, vì sang mạng của loài hữu hình đều có sự chết là nơi cuối cùng.

    Chúng sanh phải thọ quả phước hoặc quả tội theo cái nghiệp mà tự mình đã gây ra. Sau khi chết, tùy nghiệp lực mà phải luân hồi; chúng sanh nào đã tạo nhân dữ, thì phải mang quả khổ ở địa ngục; chúng sanh nào đã tạo nhân lành thì được hưởng quả vui ở thiên đàng.

    Chúng sanh nên sớm mau hồi đầu hướng thiện làm những việc lành mà các bậc tiên hiền hằng hoan hỉ, vì sau khi chết chỉ có cái quả phước nó tiếp dẫn chúng sanh đến cảnh vui, trong kiếp vị lai.

    3) Tuổi thọ của chúng sanh rất ngắn ngủi, sự già hằng dắt dẫn tìm đến sự chết. Chúng sanh mà bị sự già dắt dẫn tìm sự chết rồi, thì nào có chi làm chỗ nương nhờ được. Cho nên chúng sanh khi đã xem thấy điều lo sợ trong sự chết như thế, phải cần tìm tu tập các việc lành, nó sẽ đem đến sự yên vui.

    4) Ngày giờ qua mau thấm thoát, mặt nhựt mọc hướng đông, chỉ lặn về hướng tây. Tuổi thọ chúng sanh ngày càng hao mòn. Nếu chúng sanh xem thấy có điều lo sợ trong sự chết như thế rồi, phải nên tinh tấn làm những việc lành, nó sẽ tiếp độ đến nơi nhàn cảnh.

    5) Tuổi thọ, hơi nóng (chất lửa) và thần thức khi đã lìa bỏ xác thân giờ nào, thì người đem dập dưới đất giờ nấy, cũng như đóng tro tàn chẳng có sự lợi ích chi cả.

    6) Chúng sanh trong tam giới không thường trú lâu dài. Sự già hằng dắt dẫn tìm sự bịnh, sự bịnh hằng dắt dẫn tìm sự chết, mà trong thế gian chẳng một ai tự ngăn ngừa được, chẳng một ai trốn lánh được.

    Chúng sanh chẳng có vật chi gọi là của mình được, đều phải dứt bỏ của cải, chia lìa thân quyến, trong khi chết.

    7) Chúng sanh thọ mạng trong thế gian này, dầu cố gắng tìm phương pháp để ngăn ngừa sự chết, cố gắng tìm đến đâu cũng luống công. Dầu có van vái cho khỏi chết, hoặc cho chết già, cầu khẩn như thế nào có được.

    Bởi chúng sanh phải chịu sự già, sự bịnh và sự chết theo luật thiên nhiên. Tất cả chúng sanh, hoặc trẻ hoặc già, hoặc ngu hoặc trí, đều phải chịu dưới quyền của sự chết, hằng bị sự chết đón ngăn phía trước.

    8) Sự khổ chẳng phải phát sanh ngoài lòng ái dục. Sự khổ chỉ phát sanh nơi lòng ái dục. Lòng ái dục là nhân sanh khổ vậy.

    9) Nếu chúng sanh dùng trí tuệ suy xét thấy rõ vạn vật là vô thường trong giờ nào, thì ắt chán nản sự khổ trong giờ ấy. Đó là con đường thanh bạch cao thượng.

    10) Nếu chúng sanh dùng trí tuệ suy xét thấy rõ vạn vật là khổ não trong giờ nào, thì ắt chán nản sự khổ trong giờ ấy. Đó là con đường thanh bạch cao thượng vậy.

    11) Nếu chúng sanh dùng trí tuệ suy xét thấy rõ vạn vật là vô ngã trong giờ nào, thì ắt chán nản sự khổ trong giờ ấy. Đó là con đường thanh bạch cao thượng vậy.

    12) Tất cả vạn vật là vô thường biến đổi, có tánh cách sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, vì cái nhân sanh diệt, diệt sanh ấy, mới có khổ não hằng ngày. Chỉ có Niết-bàn là nơi tịch tịnh, thoát ly cái nhân sanh diệt, ấy mới có sự yên vui tuyệt đối.

    Con người thường bị lòng tham nó dục, nên chạy chỗ này, chỗ kia, như con dê, bị chúng rượt. Một phen đã bị cái tham nó buộc rồi, thì nạn khổ nó dồn dập trên mình mãi lâu. Nhà học đạo, muốn giữ mình trong sạch, phải đuổi xa sự tham.

    Ở đâu có ngay thật là có đạo đức, ở đâu có đạo đức là có ngay thật, và đạo đức của người ngay thật với sự ngay thật của người đạo đức đều là sự ngay thật và đạo đức quí báu hơn hết ở đời này.

    Không nên dòm lỗi người, không nên xem họ làm cái chi hay họ quên cái chi, mình hãy lấy mắt dòm lại lỗi mình, dòm coi mình làm những việc gì và quên những điều gì.

    Phật dạy: Này các tỳ khưu! Dầu các trò vì lẽ gì mà khổ, các trò cũng chẳng nên làm khổ kẻ khác.

    Bước từng bước, làm từng việc, giữ từng giờ, đấng hiền nhân hằng dọn mình cho thật trong sạch, dứt bỏ sự dơ bẩn (tội lỗi) cũng như người thợ bạc thếp vàng vậy.

    Nhà học đạo, giờ khắc nào cũng phải dè dặt, cẩn thận và để ý coi chừng lời nói, việc làm và tư tưởng mình luôn. Dầu cho là ngày chót của kiếp mình, mình cũng giữ làm tròn phận sự.

    Lời nói ngay thật là điều cần yếu thứ nhứt, lời nói hòa nhã là điều cần yếu thứ nhì, lời nói hiền lành là điều cần yếu thứ ba, lời nói hữu ích là điều cần yếu thứ tư.

    Sự ham muốn và lòng luyến ái nó nảy sanh ra nơi mình và toan lấn lướt mình, mình phải đánh ngã nó ngay, lúc nó mới phát sanh lên.

    Nghĩ đến cái chết, đến cái đời mơ hồ, không biết mình sống bao lâu và không biết thời thế nó xảy ra cho mình thế nào, nghĩ như vậy, khiến mình ở theo chân lý. Nghĩ rằng: nhân quả liên tiếp nhau không bao giờ sai chạy, nghĩ như vậy khiến mình lánh xa những điều tội lỗi. Nghĩ đến chỗ giả dối, đến sự ngắn ngủi của đời, mình đem so với các đời sau, khiến mình lo mà giải thoát. Nghĩ rằng: chúng sanh chất chứa trong lòng những mối dục vọng xấu xa, những sự bất công giả trá. Nghĩ rằng: rất khó mà chặt đứt tình dục, nghĩ rằng như vậy, khiến mình tham thiền nhập định để đạt đến chân lý.

    Tánh nết có chỗ chê, mà mình không chịu sửa, thì mình rất lỗi lầm.
    Nhìn chúng sanh bằng cặp mắt vô tư tỏ ra người cao thượng.
    Bao giờ mình bỏ nơi ở chung chạ với đời, đi ở yên trong nơi êm tịnh thì mình nên mừng.

    Không thật có ý chỉ thì gây thêm nhiều điều lầm lạc và làm cho sự đã lầm lạc từ trước trở lại; còn thật có ý chí thỉ chẳng những khỏi lầm lạc thêm mà còn dứt được các lầm lạc từ trước nữa.

    Giữa cơn dông tố, mấy hòn núi cao vẫn đứng vững; người hiền cũng thế, mặc ai khen chê, mình vẫn tự nhiên.

    ‒ Dứt tác phẩm Nhựt hành của người tại gia tu Phật (Pl. 2497 – Dl.1954) ‒

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.