Quả báu của quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới

Quả báu của quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới

    NỀN-TẢNG-PHẬT-GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA)

    QUYỂN II

    QUY-Y TAM-BẢO (TISARAṆA)

    Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

     

    Quả báu của quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới rất phi thường, thật vô cùng phong phú. Những người thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trước khi lâm chung, sau khi chết, cận tử thiện-nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

    Như tích Satullapakāyikā trong Chú-giải Devatā- saṃyutta (Chương chư-thiên), Kinh Sabbhisutta được tóm lược như sau:

    Một chiếc thuyền buôn có số đông thương gia trên thuyền, chiếc thuyền ra biển khơi đến ngày thứ bảy thì gặp sóng to gió lớn, thuyền bị hư, nước tràn vào thuyền sắp chìm giữa biển khơi. Mọi người trên thuyền đều sợ hãi, cầu khẩn chư-thiên hộ trì, khóc than van vái.

    Trong số người đó, một người cận-sự-nam thấy tai họa sự chết sắp đến, người cận-sự-nam ấy ngồi niệm tưởng đến pháp mà mình đã thọ trì, đó là quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trong sạch của mình, rồi ngồi kiết già an nhiên tự tại như một hành-giả, không hề tỏ vẻ sợ hãi chút nào. Mọi người đến hỏi:

    - Này ông, do nguyên nhân nào mà ông không sợ hãi?

    Người cận-sự-nam ấy thưa rằng:

    - Thưa quý ông, tôi không sợ hãi vì trước ngày đi xuống thuyền, tôi có đến hầu chư tỳ-khưu-Tăng, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, đã làm phước- thiện bố-thí đến quý Ngài. Tôi có quy-y Tam-bảo và có ngũ-giới trong sạch, để làm nơi nương nhờ cho tôi.

    Vì vậy, tôi không sợ hãi. Mọi người thưa rằng:

    - Kính thưa Ngài, phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới ấy, bây giờ chúng tôi có thể thọ trì được hay không?

    Người cận-sự-nam ấy thưa rằng:

    - Sādhu! Tốt lành thay! Phép quy-y Tam-bảo và ngũ- giới này, mọi người đều nên thọ trì, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

    Mọi người thưa:

    - Kính thưa Ngài, như vậy, xin Ngài hướng dẫn chúng tôi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.

    Người cận-sự-nam thiện-trí ấy chia mọi người ra thành 7 nhóm, mỗi nhóm 100 người:

    * Đầu tiên, người cận-sự-nam thiện-trí hướng dẫn nhóm thứ nhất thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ- giới. Khi nhóm thứ nhất thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến mắt cá.

    * Tiếp tục, nhóm thứ nhì thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến đầu gối.

    * Nhóm thứ ba thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến mông.

    * Nhóm thứ tư thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến lỗ rún.

    * Nhóm thứ năm thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến ngực.

    * Nhóm thứ sáu thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập gần đến cổ.

    * Nhóm thứ bảy thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập gần đến miệng.

    Sau khi hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới cho 7 nhóm gồm có 700 người xong rồi, người cận-sự-nam thiện trí khuyên dạy rằng:

    - Này quý vị! Xin quý vị nương nhờ nơi Tam-bảo và ngũ-giới của mình. Ngoài ra, không còn nương nhờ nơi nào khác nữa.

    Sau đó, chiếc thuyền bị chìm đắm, tất cả mọi người trên thuyền đều bị chết cả thảy. Sau khi chết, nhờ phước- thiện thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới lúc sắp chết, chính cận-tử thiện-nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, làm chư-thiên-nam, mỗi vị có một lâu đài nguy nga tráng lệ. Trong số những lâu đài ấy, lâu đài của vị Thầy nằm ở trung tâm cao 100 do tuần, còn 700 lâu đài của 700 vị thiên-nam đệ-tử xung quanh, mỗi lâu đài cao 12 do tuần.

    Nhóm chư-thiên ấy suy xét: “Do thiện-nghiệp nào của mình, mà cho quả tái-sinh lên cõi trời này, có được quả báu tốt lành đáng hài lòng như thế này?” Họ thấy rõ, biết rõ rằng họ có được quả báu tốt lành đáng hài lòng này là do nương nhờ vị Thầy của họ, hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, nên bàn bạc với nhau rằng: “Chúng ta mời vị Thầy cùng hiện xuống cõi người đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, đồng thời tán dương ca tụng ân-đức Thầy trước sự hiện diện của Đức-Phật.”

    Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika, gần kinh-thành Sāvatthī. Vào canh giữa, nhóm chư-thiên hiện xuống, hào quang sáng ngời khắp cả ngôi chùa Jetavana. Họ đảnh lễ Đức- Thế-Tôn xong, đứng một nơi hợp lẽ.

    * Một vị thiên nam tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Sẽ là người cao thượng, không thấp hèn.

    * Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Có được trí-tuệ từ bậc thiện-trí.
    Không phải có từ hạng người si-mê.

    * Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Không sầu não giữa đám người sầu-não.

    * Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Được vinh hiển giữa các hàng thân-quyến.

    * Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Những chúng-sinh ấy sẽ sinh cõi trời.

    * Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe biết pháp của bậc thiện-trí,
    Những chúng-sinh ấy thường được an-lạc.

    * Một vị thiên nam bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, những lời lẽ ấy, lời vị thiên nam nào gọi là thiện ngôn.

    Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

    - Này chư-thiên! Những lời của các con đều là thiện ngôn (subhāsita). Nay, các con nghe lời của Như-Lai.

    - Này chư-thiên!
    Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
    Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
    Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
    Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ,
    Tử sinh luân-hồi trong tam-giới này.

    Nhóm chư-thiên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, đảnh lễ Ngài rồi xin phép trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên, an hưởng mọi sự an-lạc nơi cõi ấy.

    Điều nhận xét:

    Sáu vị thiên nam, trong mỗi bài kệ tán dương ca tụng ân-đức Thầy của mình đều có câu: “Sataṃ saddhamma- maññāya: Để nghe chánh-pháp của bậc thiện trí.”

    Danh từ Saddhamma: Chánh-pháp trong 6 bài kệ chỉ đề cập đến phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới mà thôi. Bởi vì, các vị thiên nam chỉ có trình độ hiểu biết được quả báu an-lạc mà quý vị chư-thiên đang thọ hưởng trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đó là quả báu của dục-giới thiện-nghiệp thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới từ vị Thầy.

    * Trong bài kệ của Đức-Phật có câu:

    “Sataṃ saddhammamaññāya: Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí.”

    Danh từ Saddhamma: Chánh-pháp mà Đức-Phật truyền dạy trong bài kệ không chỉ là thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, mà còn có bát-giới, cửu- giới, thập-giới, 227 giới của tỳ-khưu; pháp-hành thiền- định, để chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô- sắc-giới; pháp-hành thiền-tuệ, 37 pháp (1) để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn.

    Cho nên, câu cuối của bài kệ Đức-Phật:

    “Sabbadukkhā pamuccati: Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.”

    -oo0oo-

    (1) 37 pháp: 4 pháp-niệm-xứ, 4 pháp-tinh-tấn, 4 pháp-thành-tựu, 5 pháp- chủ, 5 pháp-lực, 7 pháp-giác-chi, 8 pháp-chánh-đạo.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.