Sự cân bằng của ngũ căn

Sự cân bằng của ngũ căn

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

       15. SỰ CÂN BẰNG CỦA NGŨ CĂN

    Lúc chúng ta đang hành thiền, có nhiều tâm sở hay yếu tố của tâm cùng hoạt động chung với nhau, những tâm sở hay những yếu tố của tâm này có những chức năng khác nhau. Nếu chúng làm nhiệm vụ của mình một cách hài hòa thì việc hành thiền của chúng ta tốt đẹp. Nếu chúng không làm nhiệm vụ đúng đắn, hoạt động không hài hòa; nếu một yếu tố vượt trội các yếu tố kia thì việc hành thiền của chúng ta sẽ mất quân bình. Những tâm sở hay yếu tố của tâm hoạt động một cách hài hòa là điều rất quan trọng. Chúng phải làm công việc của mình không quá nhiều cũng không quá ít. Khi ta hành thiền có nhiều tâm sở cùng hoạt động, nhưng những tâm sở trong nhóm “ngũ quyền” là những tâm sở quan trọng nhất. Chúng được gọi là ngũ quyền hay các yếu tố điều khiển. Chúng là những tâm sở chiếm ưu thế hay vượt trội. Ngũ quyền là tín, tấn, niệm, định, huệ. Lúc nào chúng ta hành thiền tốt đẹp thì năm quyền này hài hòa.

    1. Đức tin: “Tín” hay đức tin ở đây không phải là sự tin tưởng mù quáng mà là đức tin đi kèm với trí tuệ.

    Đức tin là tin tưởng vào Phật, tin rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử, đã sống và dạy đạo tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm.

    Đức tin vào Pháp hay những lời dạy của Đức Phật là tin vào chân lý, vào những lời giảng dạy của Đức Phật, về sự thật của cuộc đời, về con đường thóat khổ.

    Đức tin vào Tăng là tin tưởng vào những thánh đệ tử của Đức Phật, những vị đã nương theo lời dạy của Đức Phật, và thực hành đạt đạo quả giải thóat.

    Đức tin vào pháp hành là tin vào pháp hành. Tin vào pháp hành là một điều rất quan trọng, quan trọng hơn mọi sự tin tưởng khác. Bởi vì nếu bạn không tin vào những gì mình đang làm, không tin vào việc hành thiền mà bạn đang thực hành thì bạn không thể nào thành công. Như vậy, có đức tin vào sự thực hành, tin vào phương pháp hành thiền, tin vào những lời hướng dẫn hay tin tưởng thiền sư cũng là yếu tố quan trọng.

    2. Tinh tấn: Muốn cho chánh niệm tốt đẹp, bạn phải tinh tấn. Tinh tấn ở đây không phải là tinh tấn vật chất mà là tinh tấn tinh thần. Không có tinh tấn thì bạn không thành công việc gì cả, dầu đó là công việc ở đời hay việc phát triển tinh thần. Bởi vậy, trong lúc hành thiền bạn cần phải nỗ lực tinh tấn, duy trì chánh niệm lâu dài. Nhưng tinh tấn cũng không được quá nhiều hay quá ít. Tinh tấn quá nhiều sẽ làm cho tâm giao động, tinh tấn quá ít làm cho chúng ta lười biếng, buồn ngủ. Như vậy, tinh tấn phải vừa đủ để chúng ta luôn luôn duy trì chánh niệm hay giữ tâm an trú trên đề mục.

    3. Chánh niệm: Chánh niệm là theo dõi, ý thức đối tượng một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, trọn vẹn, hoàn toàn ý thức đối tượng. Chánh niệm không phải chỉ nỗi trôi trên bề mặt, chánh niệm phải chìm sâu vào trong đề mục, vì thế chánh niệm phải trọn vẹn hay xuyên thấu vào đối tượng theo dõi. Khi chúng ta cố gắng chánh niệm vào đề mục thì tâm chúng ta dính chặt vào đề mục. Sự dính chặt vào đề mục đó là ý nghĩa của chánh niệm. Khi dính chặt vào đề mục thì phải dính chặt bằng một sức lực mạnh mẽ.

    4. Định: Tâm chuyên chú vào đề mục, chú tâm hay gom tâm vào đề mục một cách trọn vẹn. Định là một yếu tố của tâm hay tâm sở giữ những tâm sở khác trên đề mục. Định giữ tâm trên đề mục, có nghĩa là không để tâm trượt khỏi đề mục, đồng thời giữ các thành phần của tâm gom tụ và liên kết lại. Nhưng Định tâm chỉ có kết quả tốt đẹp nhờ ở chánh niệm. Và chánh niệm chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình nhờ ở tinh tấn. Như vậy, những yếu tố này hỗ trợ lẫn nhau. Chánh niệm hỗ trợ cho định tâm. Và chánh niệm cùng định tâm hỗ trợ cho trí tuệ. Khi có định tâm tốt đẹp, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được chân tướng hay bản chất thật sự của đối tượng. Cho nên Định tâm chẳng khác nào sự ổn định hay đứng yên, không lay động của hai ống kính trong một ống nhòm. Khi chúng ta chú ý vào ống nhòm, nếu sức khuyếch đại của ống nhòm lớn, chúng ta có thể thấy sự vật một cách rõ ràng. Nhưng dầu ống kính có độ khuyếch đại lớn, nếu lúc nhìn chúng ta không giữ yên ống nhòm thì chúng ta cũng sẽ không thấy rõ sự vật. Chúng ta phải giữ ống nhòm đứng yên không lay động thì mới thấy sự vật một cách rõ ràng. Cũng vậy, trước khi bạn có đủ định tâm thì tâm bạn cũng lay động hay nhúc nhích như ống nhòm. Khi tâm còn lay động, chưa an định một cách tốt đẹp, đi từ đề mục này đến đề mục khác thì ta sẽ không thấy được đối tượng một cách rõ ràng. Nhưng khi tâm đã được ổn định, đứng yên và thóat khỏi phiền não thì tâm sẽ bắt đầu thấy rõ đối tượng và bản chất thật sự của đối tượng.

    5. Huệ: Huệ là sự hiểu biết hay thấy được bản chất thật sự của đối tượng. Khi có trí tuệ thì chúng ta sẽ thấy đối tượng đúng thực. Sự hiểu biết hay thấy đúng thực bản chất của sự vật có nghĩa là thấy rõ sự vật là vô thường, khổ, vô ngã (không có linh hồn hay tự ngã), nhưng trước khi đạt được kết quả tốt đẹp thì chúng phải hoạt động một cách hài hòa.

    Khi chúng hoạt động không quân bình hài hòa thì chuyện gì sẽ xảy ra ?

    Sự quân bình giữa đức tin và trí tuệ:

    Một thiền sinh có nhiều đức tin nhưng thiếu trí tuệ thì thấy cái gì cũng đúng. Do đó, họ có thể không nhận ra được phương pháp hành thiền đúng đắn, và sẽ hành thiền sai lầm. Thêm vào đó, khi đức tin quá trội khiến cho tâm lay động. Tại sao vậy? Khi thiền sinh bắt đầu thấy đối tượng một cách rõ ràng, bắt đầu phân biệt được thế nào là vật chất thế nào là tâm hay khi đến giai đoạn thấy rõ sự sinh diệt của đối tượng, thiền sinh có nhiều đức tin sẽ cảm thấy hân hoan, vui vẻ và trở nên phấn khích. Thiền sinh có nhiều đức tin cũng rất hài lòng với chính mình và có thể biểu hiện bằng cách cám ơn Phật đã giúp cho mình có kinh nghiệm này, thiền sinh cũng có thể cám ơn thiền sư về những kinh nghiệm mà mình đã đạt được này. Thiền sinh có tâm quá nhiệt thành đối với Đức Phật vào lúc hành thiền nên tâm trở nên giao động. Khi tâm trở nên giao động thiền sinh mất sự định tâm. Do mất tâm định nên thiền sinh không thấy rõ đề mục. Không thấy rõ đề mục ở đây có nghĩa là thiền sinh không thấy rõ đề mục trong tâm mình. Thiền sinh không thấy đề mục một cách rõ ràng, đề mục hành thiền sẽ mờ dần và thiền sinh mất luôn đề mục chánh niệm. Trong những trường hợp này, thiền sinh cần phải hiểu rằng mình có quá nhiều đức tin, và nên làm lắng dịu việc hành thiền của mình lại bằng cách ghi nhận tình trạng có quá nhiều đức tin của mình hoặc là vừa ghi nhận, vừa niệm thầm: đức tin, đức tin, đức tin. Một lát sau tâm sẽ ổn định trở lại, và thiền sinh sẽ đạt được định tâm.

    Đôi lúc thiền sinh thấy đối tượng một cách rõ ràng, bắt đầu thấy sự sinh diệt của vật chất và tâm. Nếu thiền sinh là loại có nhiều trí tuệ thì thiền sinh có thể nghĩ rằng: không biết đối tượng này là vật chất hay tâm. Hoặc là thiền sinh cố gắng phân tích tìm xem đối tượng này như thế nào đối tượng kia như thế nào v.v... Bởi vì thiền sinh biết quá rõ về đề mục, nhiều trí tuệ khiến sự suy tư phân tích đến làm cho tâm trở nên giao động. Lúc tâm đang định tốt đẹp, thiền sinh bắt đầu suy tư, phân tích nên mất tâm định. Khi tâm lay động thiền sinh không thể thấy đề mục, mất đề mục, mất định tâm và mất luôn cả trí tuệ. Gặp trường hợp này thiền sinh cũng phải chánh niệm, và ý thức rằng mình đã có nhiều trí tuệ, tâm đã hoạt động quá nhiều, nên phải hạ giảm trí tuệ xuống. Khi thiền sinh hạ giảm trí tuệ xuống thì tâm của thiền sinh sẽ ổn cố trở lại. Lúc bấy giờ thiền sinh có thể chánh niệm tốt đẹp trên đề mục hay có thể thấy rõ đề mục trở lại.

    Đức tin và trí tuệ phải được cân bằng. Sự cân bằng này phải được áp dụng trong lúc hành thiền và trong đời sống hằng ngày.

    Lúc không hành thiền hay trong đời sống hằng ngày cũng phải có sự cân bằng giữa đức tin và trí tuệ. Nếu bạn có quá nhiều đức tin và ít trí tuệ thì bạn trở thành cả tin, cái gì cũng tin. Nếu bạn có quá nhiều trí tuệ mà ít đức tin thì bạn dễ trở nên giảo hoạt, mưu mẹo, luồn lách, dễ trở nên dối trá, lừa lọc.

    Trong lúc hành thiền nếu đức tin hay trí tuệ quá trội thì tâm bạn cũng đều bị giao động và mất định tâm. Do đó, cần phải quân bình hai yếu tố này.

    Sự quân bình giữa định tâm và tinh tấn: Đôi khi việc hành thiền tốt đẹp, bạn có thể chánh niệm khắn khít trên đề mục, và bạn muốn tốt đẹp hơn nữa nên bạn cố gắng tinh tấn nhiều hơn với mục đích để việc hành thiền càng tốt đẹp hơn nữa. Nhưng lúc bạn cố gắng làm cho việc hành thiền tốt đẹp hơn thì bạn mất định tâm. Lúc bấy giờ bạn không thể ghi nhận đối tượng, không thể thấy đối tượng một cách rõ ràng. Đó là bạn đã có tinh tấn quá mức cần thiết. Như vậy, khi có quá nhiều tinh tấn sẽ khiến cho tâm giao động phát sinh. Tâm giao động là tâm lay động, rung chuyển và lơ lững bên trên đề mục mà không thấy rõ đề mục. Rung động trên đề mục là không thật sự ở trên đề mục, không dính chặt vào đề mục như nó cần phải dính chặt. Tâm lay động lơ lửng trên đề mục có nghĩa là tâm không dán sát vào đề mục, không ở trên đề mục mà chạy ra khỏi đề mục, chuyển động lơ lửng bên trên đề mục. Khi tâm lay động, nhúc nhích, lơ lửng trên đề mục thì sẽ không thấy đề mục rõ ràng. Như vậy, có quá nhiều tinh tấn thì tâm trở nên giao động mất đề mục, mất định tâm. Một người có quá nhiều tinh tấn thì mức độ tập trung tâm ý bị xuống thấp. Lúc bấy giờ sự định tâm sẽ yếu, không đủ mạnh. Trong những trường hợp như vậy thì thiền sinh phải thư giản việc hành thiền của mình, đồng thời chánh niệm ghi nhận tình trạng tinh tấn quá nhiều của mình và điều hòa cho thích hợp để có thể thấy đề mục rõ ràng trở lại.

    Đôi lúc sự tập trung tâm ý của bạn tốt, bạn có thể ghi nhận đề mục một cách dễ dàng, tâm bạn có thể chánh niệm khắn khít với đề mục. Do việc ghi nhận chánh niệm trở nên dễ dàng nên bạn có khuynh hướng ỷ lại, không chịu cố gắng nhiều khiến sự tinh tấn của bạn giảm thiểu. Như vậy, khi thấy đề mục một cách rõ ràng, thì hãy tiếp tục cố gắng, đừng giảm thiểu sự tinh tấn; bởi vì khi tinh tấn giảm thiểu thì định tâm sẽ vượt trội khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Đôi lúc thiền sinh cảm thấy buồn ngủ, nhưng không phải thiền sinh buồn ngủ vì có quá nhiều định tâm mà vì thiếu tinh tấn. Gặp trường hợp này, bạn phải gia tăng tinh tấn để chánh niệm, phải chú tâm khắn khít hơn vào đề mục hoặc phải tăng thêm một số đề mục ghi nhận để gia tăng tinh tấn. Giả sử bạn chỉ ghi nhận hai đề mục “vào” và “ra” hay “phồng” và “xẹp”. Bây giờ bạn phải thêm vào một hay hai điểm ghi nhận nữa như "tư thế ngồi" hay "điểm tiếp xúc" để cho mức độ tinh tấn tăng lên. Bạn có thể ghi nhận như sau: Phồng, ngồi..., xẹp, ngồi... (ngồi ở đây là tư thế ngồi) hay phồng, mông... phồng, mông... (mông ở đây là điểm tiếp xúc của mông với sàn nhà).

    Tại sao không chỉ chú tâm vào một hay ba đề mục mà lại chú tâm vào hai đề mục. Chú tâm vào hai đề mục nhằm quân bình tinh tấn và định tâm. Nếu chỉ chú tâm vào một đề mục thì quá dễ dàng, nhưng vì quá dễ dàng nên khiến bạn ngày càng mất tinh tấn bởi vì chú tâm vào một đề mục định tâm của bạn rất mạnh đưa đến kết quả là bạn cảm thấy buồn ngủ và không thể hành thiền được. Nếu bạn ghi nhận ba hay bốn đề mục, vào lúc định tâm và tinh tấn của bạn chưa mạnh, thì tâm bạn sẽ trở nên giao động vì bạn đã làm quá nhiều công việc, khi tâm còn giao động thì bạn sẽ mất định tâm. Để cho hai yếu tố tinh tấn và định tâm quân bình nên bạn được hướng dẫn chú tâm vào hai đề mục: vào ra, vào ra hay phồng xẹp, phồng xẹp.

    Thêm vào đó, để cho tinh tấn và định tâm được quân bình, bạn phải thực hành việc ngồi thiền và kinh hành xen kẽ nhau. Nếu đi kinh hành nhiều quá thì bạn đã làm cho tinh tấn quá trội, nếu ngồi thiền nhiều quá thì khiến định tâm quá trội. Do đó; hãy đi kinh hành một tiếng, ngồi thiền một tiếng. Đi kinh hành còn làm cho cơ thể bạn hoạt động, giúp cho sức khoẻ của bạn gia tăng. Như vậy, trong khi hành thiền sự cân bằng các yếu tố đóng vai trò rất quan trọng.

    Đối với chánh niệm thì sao? Chánh niệm luôn luôn cần thiết trong mọi nơi. Chánh niệm không bao giờ quá trội, chánh niệm có thể ít nhưng chẳng bao giờ có việc chánh niệm quá nhiều. Một điều cần nhớ là chánh niệm rất cần thiết để giữ cho các yếu tố khác cân bằng. Như các bạn biết, khi có nhiều tinh tấn quá thì ghi nhận vừa ghi nhận vừa niệm thầm: quá nhiều tinh tấn, quá nhiều tinh tấn. Nếu nhiều định tâm quá thì ghi nhận hay vừa ghi nhận vừa niệm thầm quá nhiều định tâm, quá nhiều định tâm. Khi ghi nhận chánh niệm như vậy thì các yếu tố sẽ quân bình hài hòa. Vậy chánh niệm đã điều hòa sự quân bình các yếu tố. Chánh niệm là yếu tố điều hòa sự cân bằng của ngũ quyền. Chánh niệm chẳng khác nào muối được thêm vào trong thức ăn, bởi vì chánh niệm cần khắp mọi nơi. Chánh niệm cũng ví như một vị tể tướng làm tất cả công việc mà nhà vua giao phó. Như vậy, chánh niệm lúc nào cũng tốt và chẳng bao giờ quá trội cả. Phải luôn luôn nhớ kỷ: Chánh niệm điều hòa tất cả yếu tố trong ngũ quyền.

    Thật ra còn có một yếu tố nữa cũng giúp cho sự điều hòa ngũ quyền là “tâm xả”. Xả là một trong bảy yếu tố giác ngộ. Khi bạn đạt đến mức độ xả thì năm yếu tố tín, tấn, niệm, định, huệ cũng hoạt động hài hòa. Bao lâu năm yếu tố này còn hoạt động hài hòa thì việc hành thiền của các bạn còn tốt đẹp. Bạn sẽ có định tâm và trí tuệ xuyên thấu vào bản chất sự vật. Khi hành thiền, bạn cần để ý đến sự thiếu cân bằng giữa đức tin và trí tuệ, giữa tinh tấn và định tâm. Nếu chúng không quân bình, bạn sẽ không hành thiền tốt đẹp hay không có định tâm tốt. Không có định tâm, do đó sẽ không có đủ trí tuệ để xuyên thấu vào bản chất của sự vật. Như vậy, năm yếu tố, đặc biệt là bốn yếu tố hay hai cặp "tín, huệ' và, "tấn, định" cần phải được quân bình trong khi hành thiền. Và để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải ghi nhận hai đối tượng thôi, mỗi lần một đối tượng. Đồng thời cũng phải thực hành việc đi và ngồi xen kẻ nhau để tránh trường hợp có quá nhiều tinh tấn, hay có quá nhiều định tâm.

    Nhờ sự quân bình hài hòa năm yếu tố, chúng ta sẽ sớm có được định tâm tốt. Với sự giúp đỡ của định tâm, chúng ta có thể thấy rõ bản chất của sự vật mà chúng ta đang quán sát. Bản chất thật sự của sự vật là vô thường, khổ, vô ngã (không có linh hồn). Ba bản chất trên gọi là tính chất phổ thông của các pháp hữu vi hay các pháp có điều kiện. Tất cả các pháp trên thế gian là pháp có điều kiện. Bởi vậy, tất cả pháp trên thế gian đều chịu ba điều kiện hay có ba đặc tính này: Mọi sự vật đều vô thường, mọi sự vật đều bất toại nguyện, mọi sự vật đều vô ngã (không có bản chất hay linh hồn).

    Thấy bản chất vô thường qua việc hành Thiền Minh Sát là một sự thấy rõ, một sự hiểu biết sâu xa về vô thường. Đây không phải là sự hiểu biết cạn cợt và bề mặt. Khi bạn đánh rơi một cái ly, cái ly bể và bạn nói: “vô thường”. Sự hiểu biết về vô thường như vậy rất là cạn cợt, hiểu biết này không thể giúp bạn ý thức sự vật thật là đáng chán, thấy rõ ngũ uẩn là đáng chán. Sự hiểu biết cạn cợt không dẫn ta đến giải thóat. Cái chúng ta cần thấy là từ sát na này đến sát na kia là vô thường. Bây giờ chúng ta trở về với cái ly bị rơi lúc nãy.

    Bạn có nghĩ rằng:

    “Trước khi cái ly bị bể, bạn có nghĩ rằng nó thường còn không?”

    Dầu nó bị bể hay không bị bể, cái ly cũng vô thường. Thật ra mỗi sát na, những hạt tử bên trong cái ly đang thay đổi. Khi ta nói rằng: “thay đổi” điều đó không có nghĩa là có một sự chuyển đổi, một sự dời chỗ, một sự thay đổi từ cái này sang cái khác. Thật ra chẳng có gì thay đổi cả. Đó chỉ là những hạt tử cũ biến mất, rồi các hạt tử mới khởi sinh tại chỗ đó. Có thể đó là những hạt tử cùng loại hay những hạt tử đồng dạng với nhau, nhưng cái này mất đi và cái kia thế chỗ, ta gọi chúng là vô thường. Như vậy, phải thấy rõ loại vô thường này thì chúng ta mới thấy chán ngán ngũ uẩn hay giác ngộ sự thật qua việc hành Thiền Minh Sát. Chỉ nhờ ở sự quán sát các đối tượng trong lúc hành thiền, chúng ta mới thấy được sự vô thường. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hành thiền.

    Nếu chúng ta có đủ định tâm, chúng ta sẽ thấy sự vật từ sát na này qua sát na khác là vô thường. Khi thấy được như vậy, chúng ta cũng thấy được sự bất toại nguyện của sự vật. Sự vật luôn luôn bị áp chế bởi sinh diệt. Khi bạn thấy sự vật vô thường, bạn không thể thay đổi chúng thành thường còn được. Bạn không thể thay đổi chúng từ bất toại nguyện thành toại nguyện. Đó là hiểu biết về vô ngã. Vô ngã có nghĩa là không thể kiểm soát được. Chúng ta không thể kiểm soát được vật chất và tâm. Chỉ có hành Thiền Minh Sát, chúng ta mới có thể thật sự thấy được ba đặc tính của sự vật một cách sâu xa, thấy rằng vật chất và tâm thật đáng chán thật đau khổ. Không thể nào nhờ đọc sách hay nghe giảng mà thấy rõ được thực tánh của sự vật được một cách sâu xa. Và khi thấy được thực tánh của sự vật: sự đáng chán, sự đau khổ của vật chất và tâm lúc đó ta mới đạt tầng mức đầu tiên của sự thanh tịnh trong Thanh Tịnh Đạo.

    Đó là lý do tại sao khi hành Thiền Minh Sát ta cố gắng phát triển những yếu tố trong tầng mức thế tục. Những yếu tố mà chúng ta xử dụng trong lúc hành Thiền Minh Sát được gọi là những yếu tố tiên khởi hay những tầng mức đầu tiên. Không có những tầng mức đầu tiên thì bạn không thể đi đến sự giác ngộ được. Trong việc hành thiền chúng ta cần phải quan tâm đến năm yếu tố, xem chúng có hài hoà trong từng sát na của việc hành thiền hay không? Những yếu tố này cần phải hài hòa với nhau không để một yếu tố nào trội hơn, giống như trong một cái máy có nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận làm công việc riêng của mình. Nếu có bộ phận nào làm việc nhiều quá cái máy sẽ không chạy. Cũng vậy, các yếu tố của ngũ quyền giống như những bộ phận của một máy, mỗi bộ phận có một nhiệm vụ riêng, mỗi bộ phận làm công việc riêng của mình một cách đúng đắn. Trong khi hành Thiền Minh Sát các yếu tố của ngũ quyền phải hoạt động đúng đắn. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ khác nhau nhưng phải làm tròn bổn phận của mình, đồng thời phải hài hòa với các yếu tố khác. Phải vừa đủ, không nhiều cũng không ít. Khi những yếu tố này hoạt động một cách hài hòa thì thiền sinh sẽ thành công. Tất cả yếu tố đều quan trọng, nhưng Đức Phật đã chỉ dạy hay đã khích lệ các thầy Tỳ Khưu định tâm là yếu tố quan trọng nhất, Ngài Mahasi đã nói về định tâm rất nhiều lần trong các bài pháp của Ngài cũng như trong sách của Ngài. Thật vậy, mỗi thiền sư đều không đánh giá thấp tầm quan trọng của chánh định.

    Chánh định là gì?

    Cận định, an chỉ định và sát na định. Cận định và an chỉ định được xử dụng trong thiền Định. Sát na định dành cho Thiền Minh Sát bởi vì có nhiều người chỉ hành Thiền Minh Sát thôi mà không hành thiền Định. Vào thời kỳ của Đức Phật và một số thế kỷ sau này, người ta hành cả hai loại thiền: thiền Định và Thiền Minh Sát. Họ hành thiền Định trước rồi chuyển sang hành Thiền Minh Sát.

    Bạn có thể đi theo một trong hai lối đó. Một lối là hành thiền Định trước rồi chuyển sang minh sát. Một lối khác là đi thẳng vào Thiền Minh Sát và chỉ hành Thiền Minh Sát thôi bằng cách phát triển định tâm. Khi định tâm đủ mạnh trở thành sát na định thì bạn có thể thấy bản chất thật sự của sự vật.

    Chánh định là yếu tố quan trọng trong việc hành thiền. Không có thiền sinh nào đánh giá thấp hay ít chú tâm đến tầm quan trọng của chánh định. Nhờ định tâm đúng đắn, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết đúng đắn. Sự hiểu biết đúng đắn bản chất như thực của sự vật dẫn chúng ta đến sự hiểu biết đúng đắn về bốn chân lý cao thượng hay Tứ Diệu Đế.

     

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.