HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
22. SỰ HIỂU BIẾT CỦA THIỀN SINH
Trong khoá thiền trước, tôi có nói về sự thành tựu của những thiền sinh, hay sự thành tựu của những người hành Thiền Minh Sát. Và tôi nhấn mạnh rằng: Nhiệm vụ của thiền sinh là "không thêm cái gì không thật vào đối tượng, và không lấy ra cái gì có thật từ đối tượng." Có nghĩa là thấy đối tượng như thật, không thêm gì vào cả. Hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn về sự hiểu biết của thiền sinh và sự hiểu biết của người không hành Thiền Minh Sát về vấn đề "đi".
Có một số người nói rằng: "Khi đi tôi biết tôi đi" đó là chuyện thông thường, ai mà không biết. Mọi người đều biết khi đi thì họ biết họ đi. Ngay cả con thú khi đi chúng cũng biết rằng chúng đi. Mặc dầu tôi không hành thiền như thiền sinh, nhưng tôi vẫn có thể làm được điều này: "Khi đi, tôi biết tôi đang đi".
Câu trả lời cho những người này là: Có một sự khác biệt giữa sự biết của người không hành thiền và sự biết của người hành Thiền Minh Sát.
Trong chú giải có giải thích về vấn đề này, nhưng muốn hiểu rõ chú giải, trước tiên chúng ta cần phải biết "Đi" là thế nào và di chuyển là thế nào? Cái gì bao gồm trong sự di chuyển. Theo Vi Diệu Pháp chẳng có gì di chuyển cả. Như vậy chẳng có gì di chuyển dầu đó là vật chất hay tâm, chúng hoại diệt ngay khi chúng khởi sinh. Nhưng trên thực tế chúng ta thấy chúng đang di chuyển, cơ thể của chúng ta, tay chân chúng ta đang di chuyển. Khó có thể chấp nhận rằng, không có sự di chuyển; bởi vì chúng ta thấy nó di chuyển. Nhưng phân tích một cách tuyệt đối thì chẳng có gì di chuyển cả. Tất cả vật chất và tâm đều đứng yên, nhưng chúng khởi sinh và hoại diệt quá nhanh chóng, cái này tiếp liền với cái kia nên ta nghĩ rằng có một sự di chuyển. Chúng ta hãy tìm hiểu xem một hình ảnh di chuyển trong phim chiếu bóng. Khi bạn xem một cuốn phim, bạn có thấy hình ảnh trên màn ảnh di chuyển không? Nếu bạn nghĩ rằng hình ảnh trên màn bạc di chuyển thì bạn hãy nhìn vào cuộn phim chiếu. Trong cuộn phim chiếu bóng có những tấm phim nhỏ riêng biệt, mỗi phim nhỏ là một hình ảnh. Giữa phim nhỏ này và phim nhỏ kia có một chút thay đổi, và sự thay đổi này rất nhỏ. Nhưng khi đưa cuộn phim vào trong máy chiếu phim, và khi phim chạy qua máy chiếu ba mươi sáu tấm hình trong một giây thì bạn có ảo giác là chúng đang di chuyển. Thật ra hình ảnh thứ nhất được chiếu lên chính nó không di chuyển, nhưng nó biến mất ngay sau khi được chiếu. Hình ảnh thứ hai được chiếu lên. Ảnh này cũng không di chuyển, rồi lại biến mất đi, cứ thế ảnh thứ ba, thứ tư v.v... Nhưng mắt chúng ta không đủ nhanh để có thể thấy từng bức ảnh một đến và đi, những gì chúng ta thấy chỉ là những ảo ảnh bởi thế ta thấy chúng di chuyển. Bởi vì sự lưu giữ hình ảnh mà ta đã thấy trong thời điểm qua dính liền với hình ảnh mà ta thấy bây giờ nên ta có cảm tưởng nó di chuyển.
Trong mỗi phút giây có hàng tỷ sát na tâm khởi sinh và hoại diệt. Giả sử chúng ta muốn thực hiện một sự di chuyển. Trước tiên phải có ý muốn tạo một sự di chuyển. Bởi vì ta muốn di chuyển nên có sự di chuyển. Trước tiên là có hoạt động của tâm. Đó là tâm mong muốn hay tâm cố ý. Tâm cố ý này hoạt động và tạo ra những hạt tử vật chất. Khi có ý muốn chuyển động thì ý muốn này chỉ kéo dài một hay hai giây. Trong một hay hai giây này có bao nhiêu sát na tâm khởi sinh và hoại diệt? Hàng tỉ sát na tâm khởi sinh và hoại diệt trong một giây. Hàng tỉ sát na tâm khởi sinh và hoại diệt tạo nên hàng tỉ hạt tử vật chất. Chúng ta gọi đó là yếu tố gió. Có bốn yếu tố chính trong vật chất. Đó là các yếu tố đất, nước, gió, lửa.
Cái gì tạo ra khi chúng ta có ý muốn di chuyển. Đó là yếu tố gió. Hàng tỉ thành phần vật chất của yếu tố gió được tạo ra, và hàng tỉ thành phần vật chất của yếu tố gió đã già đi và biến mất. Như vậy, một số biến mất và một số mới sinh ra. Điều này tạo ra ảo tưởng trong tâm chúng ta rằng: Chúng ta di chuyển hay chúng ta đang di chuyển. Nhưng thật ra sự chuyển động chỉ là sự gia tăng các hạt tử của yếu tố gió trong cơ thể. Đó là cái mà ta gọi là di chuyển. Trong sự chuyển động này, chúng ta không tìm ra cái gì gọi là người hay chúng sinh hay thực thể hằng cửu.
Như vậy, đầu tiên chúng ta phải hiểu điều này, chúng ta gọi chúng là gì, cơ chế chuyển động? Trước tiên là có ý muốn, ý muốn tạo ra gió, hay tạo ra lực, ý muốn tạo ra cái mà ta gọi là "gợi ý cơ thể". Có thể hơi khó hiểu một chút. Sự biểu hiện của cơ thể là chuyển động. Sự chuyển động về phía trước của toàn cơ thể được tạo ra bởi sự bành trướng của yếu tố gió, và sự bành trướng của yếu tố gió được khởi sinh bởi tâm. Khi người ta nói rằng: "Khi đang đi tôi biết tôi đang đi". Bạn có nghĩ rằng họ thật sự biết không?
Bây giờ chúng ta thử xét xem khi đi họ có biết họ đi không. Có thể đôi lúc khi đi họ biết họ đi. Nhưng ngay cả khi họ biết họ đi thì sự biết đó cũng chỉ là sự hiểu biết hời hợt thôi. Nếu chúng ta chặn một người đi bộ lại và hỏi họ rằng: Họ nghĩ gìvàolúchọđangđi. Có thể họ trả lời họ nghĩ đến gì đó chứ không phải là nghĩ đến sự đi. Có thể, họ nghĩ đến việc nhà, việc sở hay những dự định của họ. Hiếm khi bạn tìm thấy người nghĩ đến sự đi của họ hay đang ý thức sự đi của họ. Như vậy, sự hiểu biết của người không hành thiền rất cạn cợt.
Sự hiểu biết của họ kèm theo ý niệm: "họ là những con người và những con người đó cũng giống với những con người trong khoảnh khắc trước đây." Vậy sự hiểu biết của họ không thể gọi là sự hiểu biết của một thiền sinh. Bởi vì hiểu biết của thiền sinh được định nghĩa: "Sự phát triển này sẽ là nguyên nhân cho sự phát triển về sau". Nhưng sự hiểu biết của họ không phải là nguyên nhân của sự phát triển về sau. Như vậy sự hiểu biết của họ không thể là sự hiểu biết của người hành thiền.
Khi họ nói rằng: "Họ biết" nhưng họ không biết rằng mỗi khi có ý định "đi" thì những hiện tượng vật chất về "sự đi" khởi sinh. Vậy mỗi khi có ý định thì có hiện tượng vật chất khởi sinh. Nhưng thỉnh thoảng họ mới biết điều này. Họ không biết rằng ý muốn và vật chất là hai chuyện khác nhau. Khi họ nói họ hiểu rằng: "Khi đi tôi biết tôi đi". Họ nghĩ rằng vật chất và tâm nằm chung với nhau. Họ không biết rằng vật chất và tâm là hai cái hoàn toàn tách rời. Họ không phân biệt giữa vật chất và tâm, mà họ nghĩ rằng nó là một khối duy nhất. Họ không hiểu rằng ý muốn là tâm, và sự di chuyển là vật chất.
Họ không hiểu rằng những sự di chuyển liên tiếp khởi sinh do sự liên tiếp của ý định. Như tôi đã nói trước đây, mặc dầu ý muốn chỉ kéo dài từ một đến hai giây, nhưng trong thời gian đó có hàng tỉ sát na ý muốn khởi sinh. Hàng tỉ sát na ý muốn này khởi sinh, cái này liên tiếp cái kia. Chúng khởi sinh một cách nhanh chóng và liên tục. Do có sự khởi sinh liên tiếp của "ý muốn" nên có sự khởi sinh liên tiếp của "chuyển động". Họ không hiểu rằng chỉ có hai sự kiện xảy ra là sự liên tiếp của ý định và sự liên tiếp của sự chuyển động. Họ không hiểu rằng chỉ có ý định và sự chuyển động thôi mà chẳng có gì cả.
Họ nghĩ rằng có một cái gì đó vĩnh viễn, một linh hồn hay một cá nhân vĩnh viễn. Chính họ không thấy được những ý định liên tiếp và những chuyển động liên tiếp khởi sinh và hoại diệt trong từng sát na. Chính ngay sát na nó khởi sinh, nó hoại diệt. Sát na sau lại có một cặp ý định và chuyển động xảy ra. Sát na kế tiếp lại có một cặp khác xảy ra. Họ không biết rằng sự kế tiếp của ý định, và sự kế tiếp của chuyển động khởi sinh và chấm dứt trong từng sát na, từng phần, từng đoạn, từng nối tiếp này qua nối tiếp khác; và chúng khởi sinh và hoại diệt trong chính sát na đó mà không qua sát na khác. Như vậy, cặp vật chất và tâm này luôn luôn khởi sinh và hoại diệt. Chúng khởi sinh và hoại diệt trong từng sát na không sang sát na khác. Từ sát na này chúng khởi sinh và chính sát na này chúng hoại diệt. Họ hoàn toàn không hiểu như vậy. Những gì họ nói họ hiểu thì sự hiểu biết của họ là sự hiểu biết hời hợt giả tạo. Một đôi lúc họ biết nhưng sự biết của họ chỉ đôi lần thoáng qua thôi. Như vậy sự hiểu biết của người không hành thiền rất là hời hợt và khác biệt với sự hiểu biết của người hành Thiền Minh Sát.
Khi hành Thiền Minh Sát bạn chú tâm khắng khít vào những gì đang xảy ra trong từng sát na hiện tại. Khi đi bạn chú tâm vào giở, bước, đạp và ấn. Bạn nhận thấy có một sự di chuyển cơ thể về phía trước. Khi bạn phát triển chánh niệm vào những tác động này và khi định tâm của bạn mạnh mẽ thì bạn sẽ thấy chuyển động trong khi "đi" và những động tác khác của thân đúng theo chân tướng của chúng. Điều này có nghĩa là người hành thiền trong mọi lúc, biết được ý định đi và biết được những hiện tượng vật chất của sự đi. Họ biết được như vậy nhờ họ chú ý theo dõi. Khi thiền sinh chú ý theo dõi, chú tâm ghi nhận thiền sinh thấy được ý định khởi sinh và mỗi lần có ý định "đi" khởi sinh thì có vật chất "đi" khởi sinh. Mỗi khi chúng khởi sinh thì thiền sinh biết được ý định và vật chất là hai cái gì riêng biệt nhau.
Những người hành Thiền Minh Sát biết được rằng ý định và sự chuyển động tách rời nhau. Họ phân biệt được giữa sự chuyển động và ý định là hai sự kiện tách rời không trộn chung lẫn nhau. Thiền sinh thấy được những điều trên khi thiền sinh có chánh niệm và định tâm tốt đẹp. Khi có định tâm tốt đẹp thì họ sẽ thấy những chuyển động nối tiếp nhau khởi sinh do sự liên tục của ý muốn, hay nói cách khác: Sự chuyển động khởi sinh tùy thuộc vào những sát na của ý muốn. Do có những sát na liên tiếp của ý muốn nên mới có những chuyển động liên tiếp khởi sinh. Nếu những sát na của ý muốn không còn khởi sinh thì cũng không có chuyển động.
Giả sử bạn có ý định di chuyển và bạn ghi nhận ý định này. Nếu ý định biến mất bạn sẽ không di chuyển. Như vậy khi không có ý định thì cũng không có chuyển động. Điều này thiền sinh có thể nhận ra được khi có định tâm, và thiền sinh biết rằng có hai sự kiện là ý định liên tiếp và sự chuyển động liên tiếp mà không có cái gì khác. Khi bạn chú tâm khắng khít vào "sự đi" thì bạn sẽ thấy rằng có hai sự vật xảy ra vào lúc đi: Ý định sản sinh ra vật chất và sự liên tục chuyển động. Chỉ có hai sự vật đó diễn ra vào lúc đi. Chẳng có cái gì gọi là con người, chúng ta, đàn ông, đàn bà, linh hồn, tự ngã...
Khi bạn chú tâm vào ý muốn và chuyển động thì bạn sẽ thấy chúng khởi sinh và hoại diệt trong từng sát na. Chúng khởi sinh từ sát na này qua sát na khác, giây này liên tiếp đến giây kia. Mặc dầu chúng dường như dính liền nhưng thật ra chẳng dính liền. Chúng chỉ là những thành phần riêng biệt, cái này liền với cái kia. Chúng ta có thể lấy ví dụ về một đường kiến trên tường để thấy rõ hơn về điều này. Khi bạn thấy một đàn kiến đang bò trên tường, từ xa bạn nghĩ đó là những sợi dây tạo bởi những con kiến nhưng thật ra không có sợi dây mà chỉ có những con kiến thôi. Khi bạn đến gần sẽ thấy đàn kiến hay dây kiến chỉ là những con kiến. Khi bạn đến gần hơn, nhìn từng con kiến một thì bạn sẽ mất đi ý niệm về một đàn kiến hay một dây kiến. Thật ra chúng chỉ là những con kiến riêng lẻ tại từng điểm một. Tại từng điểm có sự khác nhau của các con kiến riêng rẻ. Cũng vậy, tại mỗi điểm trong mỗi sát na có một cặp thân tâm mới khởi sinh và biến mất từng cái một. Khi thiền sinh chăm chú hành thiền thì thiền sinh cũng đạt sự hiểu biết trên.
Khi thiền sinh cố gắng hành thiền, chú tâm khắn khít vào những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, thiền sinh sẽ đạt được định tâm tốt, sẽ thấy được những dẫn chứng về ba câu này:
"Ai đi"
"Sự đi này của ai" "Cái gì gây nên sự đi"
"Ai đi". Phải chăng có người đi?
Không có người hay chúng sinh nào đi cả, chỉ có vật chất và tâm khởi sinh và hoại diệt. Phân tích một cách tuyệt đối, chúng ta không tìm ra một chúng sinh nào; chỉ có vật chất và tâm khởi sinh rồi hoại diệt biểu hiện chức năng của chúng. Như vậy đối với câu hỏi "Ai đi?" thiền sinh có thể trả lời: "Không có ai đi, không có người hay chúng sinh nào đi cả."
Câu thứ hai thật là dễ dàng: "Cái đi này thuộc về của ai?" Không của ai cả, bởi vì khôngcócáigìchúngtacóthểgọilàngười. Sựđikhôngcóailàsởhữucả. Như vậy, sự đi này của ai? Sự đi này không phải là của ai cả, không có con người, không có tự ngã.
"Cái gì gây ra sự đi hay tại sao nó đi?".
Sự đi có được là do sự bành trướng của yếu tố gió. Sự bành trướng của yếu tố gió có nguyên nhân là tâm có ý định đi.
Như vậy trả lời cho câu:"Cái gì gây ra sự đi?". Ta có thể trả lời là:"Do yếu tố gió hay lực cho nên có sự đi".
Nhưng thật ra "nó có đi không?". Theo tục đế thì nó đi, nhưng theo chân đế thì nó không đi. Bởi vì ngay cả "nó" cũng không có mà chỉ có vật chất và tâm thôi. Khi thiền sinh biết và trả lời một cách đúng đắn ba câu hỏi này, thì thiền sinh hiểu được rằng những tác động đi là chân đế. Khi thiền sinh thấy được bằng cách này thì thiền sinh sẽ hiểu rằng: Khi chúng ta nói "Tôi đi hay anh đi" chỉ là để cho thích nghi với đời sống tục đế thôi. Lúc dùng từ "tôi đi", "nó đi" chỉ là để dễ dàng nói chuyện với nhau. Chúng ta không thể nói vật chất và tâm đi, vật chất và tâm ngồi v.v... Chúng ta phải nói "tôi", "ông ta", hay "anh" để dễ truyền thông cho nhau, nhưng trong thực tế, không có người, không có đàn ông, đàn bà chỉ có vật chất và tâm. Trong tác động đi có ý muốn đi hay sự bành trướng, sự gia tăng của yếu tố gió. Trong chú giải cũng có những câu thơ được dịch như sau:
Giống như một chiếc thuyền đi được nhờ gió thổi. Giống như mũi tên bay được nhờ sức mạnh của dây cung. Cũng vậy, cơ thể này di chuyển đó đây được là nhờ sự bành trướng của yếu tố gió. Như vậy, con thuyền đi được nhờ sức đẩy của gió. Mũi tên bay được nhờ sức mạnh của dây cung. Cơ thể này di chuyển bởi sức gió, kiểm soát bởi hoạt động của tâm. Giống như con rối đi, đứng, ngồi, nằm, nhảy nhót do lực của dây kéo (sợi dây kéo dính vào nó). Cũng vậy, cơ thể này di chuyển đi, đứng, ngồi, nằm được do dây tâm. Con rối có sợi dây dính vào nó, người ta điều khiển sợi dây nên nó đi, đứng, ngồi, nằm, nhảy nhót được. Cũng vậy, chúng ta di chuyển cơ thể của chúng ta được cũng do sợi dây tâm điều khiển. Khi chúng ta không muốn đi thì chúng ta không đi được. Khi chúng ta không muốn bước thì chúng ta không bước được.
Có ai trên thế gian này có thể ngồi hay đi bằng chính năng lực mình mà không nhờ một nguyên nhân hay điều kiện nào cả. Cũng vậy, bạn có thể ngồi mà không có ý định được không? Bạn có thể đi mà không có ý định được không? Đó là cách mà một thiền sinh hiểu biết về sự đi và mọi hoạt động của thân thể mình, có nghĩa là khi thiền sinh hành thiền, khi thiền sinh áp dụng chánh niệm vào những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại.
Ngay cả khi thiền sinh không hành thiền một thời gian lâu thì sự hiểu biết của thiền sinh và sự hiểu biết của người không hành thiền vẫn hoàn toàn khác biệt. Người không hành thiền nghĩ rằng có một con người đang làm một tác động. Người hành thiền biết rằng không có một con người tác động mà chỉ có vật chất và tâm tiếp tục làm nhiệm vụ thích nghi của chúng.
Sự hiểu biết đúng đắn và thâm sâu này chỉ có được khi bạn chú tâm chánh niệm vào những gì đang xảy ra trong hiện tại. Chẳng cần có bộ máy đắt tiền và phương pháp đặc biệt nào để khám phá ra điều này. Bạn chỉ cần chú tâm chánh niệm, chỉ cần dùng chánh niệm làm công cụ khám phá ra sự bí mật của cái gọi là "đi, đứng, ngồi, nằm hay tất cả các tác động khác". Theo Vi Diệu Pháp, chẳng có gì di chuyển và chúng ta có thể minh chứng được điều này bằng kinh nghiệm và tuệ giác của chính mình.
Muốn có được tuệ giác hay sự hiểu biết này chúng ta cần phải hành Thiền Minh Sát.
Tôi rất vui mừng vì các bạn đã hành Thiền Minh Sát và các bạn có thể có được kiến thức này ngay bây giờ. Nếu các bạn chưa có kiến thức này, hy vọng các bạn sẽ có trong tương lai.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.