Đức Tăng suy đồi
Sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, trải qua thời gian lâu dài về sau theo tuần tự thời gian tuổi thọ của Phật- giáo 5.000 năm, pháp-thành Phật-giáo dần dần bị mai một, bị suy đồi, pháp-hành Phật-giáo cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi, cuối cùng pháp-học Phật-giáo cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi. Cho nên, trải qua thời gian lâu dài về sau, Đức-Tăng cũng dần dần bị mai một, bị suy đồi.
Theo lịch sử Phật-giáo Theravāda, kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ tư tại đảo quốc Srilankā, Phật-lịch 450 năm sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni-Tăng vẫn còn đông đủ. Theo bản dịch tiếng Myanmar Theragāthā và Therī-gāthā, phần nói đầu, mục tỳ-khưu-ni bắt đầu và kết thúc được tóm lược như sau:
Tỳ-khưu-ni bắt đầu từ hạ thứ 5 của Đức-Phật tại giảng đường Kuṭāgāra, gần kinh thành Vesālī, bà Mahā-pajāpatigotamī là vị tỳ-khưu-ni đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama cùng với 500 cận-sự-nữ dòng Sakya xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni. Từ đó, chư tỳ-khưu-ni-Tăng càng ngày càng được phát triển đông thêm ở trong nước.
Đến thời-kỳ Đức-vua Asoka lên ngôi khoảng 218 năm sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, Đức-vua là Đấng Minh-quân trị vì cõi Nam-thiện-bộ-châu, cũng là người cận-sự-nam (upāsaka) có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, nên Phật-giáo được phát triển mạnh, chư tỳ-khưu và chư tỳ-khưu-ni rất đông. Đức-vua Asoka không chỉ hộ độ chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni tăng trong nước, mà còn hộ độ gửi các phái đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đi sang truyền bá Phật-giáo các nước lân cận.
Phật lịch năm 236, Đức-vua Asoka gửi phái đoàn gồm có 5 Ngài Trưởng-lão có Ngài Trưởng-lão Mahinda(1) làm trưởng đoàn sang đảo quốc Srilankā để truyền bá Phật-giáo. Vào thời-kỳ ấy, Đức-vua Devanampiyatissa trị vì đảo quốc Srilankā này là bạn thân của Đức-vua Asoka, nên Phật-giáo được phát triển tốt, có nhiều người cận-sự-nam (upāsaka) xuất gia trở thành tỳ-khưu, cũng có những cận-sự-nữ (upāsikā) có ý nguyện muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni. Đức-vua Asoka gửi phái đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu- ni-Tăng do Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Saṃghamittā (2) làm trưởng đoàn sang đảo quốc Srilankā, để làm lễ xuất-gia trở thành tỳ-khưu-ni cho những cận-sự-nữ (upāsikā) trong hoàng tộc và dân chúng.
Ghi chú:
1 Ngài vốn là Thái-tử và Đức-vua Asoka, nay là bậc Thánh A-ra-hán.
2 Ngài vốn là Công-chúa của Đức-vua Asoka, nay là bậc Thánh A-ra-hán.
Trên đảo quốc Srilankā, Phật-giáo được thịnh hành và phát triển tốt, từ Đức-vua cùng các quan trong triều cho đến dân chúng có đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có nhiều người xuất gia trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni rất đông.
Đến thời-kỳ Đức-vua V aṭṭagāmani là cận-sự-nam (upāsaka) có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật- bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, hộ độ chư Ngài Đại-Trưởng-lão trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi tại đảo quốc Srilankā vào khoảng thời gian 450 năm sau khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn. Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ tư này, trọn bộ Tam- tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được ghi chép bằng chữ viết trên lá buông, suốt 1 năm mới hoàn tất, rồi chư Ngài Đại-Trưởng-lão kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi bằng khẩu một lần nữa.
Trong khoảng thời gian ấy, trên đảo quốc Srilankā, chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni-Tăng vẫn còn.
Theo sự nhận định của chư Đại-Trưởng-lão dịch bộ Theragāthā và Therīgāthā, phần nói đầu bằng tiếng Myanmar. Về sau thời gian đến khoảng sau Phật-lịch 500 năm tỳ-khưu-ni không còn nữa, chỉ còn chư tỳ-khưu-Tăng trên đảo quốc Srilankā mà thôi.
Hiện nay, chư tỳ-khưu-Tăng theo truyền thống Phật-giáo nguyên-thuỷ Theravāda đang hiện hữu trong các nước Tích Lan (Srilankā), nước Miến Điện (Myanmar), nước Thái Lan, nước Lào, nước Campuchia, v.v… rất đông.
Trong thời vị-lai, theo diễn tiến thời gian về sau, chư tỳ-khưu càng ngày càng dần dần giảm đức-tin nơi Tam-bảo, dần dần giảm trí-tuệ hiểu biết đúng đắn trong pháp-học Phật-giáo.
Đó là nguyên-nhân làm cho pháp-thành Phật-giáo dần dần bị mai một, bị suy thoái; pháp-hành Phật-giáo dần dần bị mai một, bị suy thoái; và pháp-học Phật-giáo dần dần bị mai một, bị suy thoái theo thời gian theo tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm.
Mặc dù Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi và Tạng Kinh Pāḷi bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn, chỉ còn Tạng Luật Pāḷi, thì Phật-giáo vẫn chưa bị mai một, chưa bị suy đồi.
Đến khi Tạng Luật Pāḷi bắt đầu dần dần bị mai một, bị suy thoái, mà chư tỳ-khưu-Tăng vẫn còn hành-tăng-sự (Saṃghakamma) trong những ngày giới uposathakamma hằng tháng, và hành-tăng-sự lễ thọ tỳ-khưu, v.v… thì Đức-Tăng vẫn chưa bị mai một, chưa bị suy đồi.
Theo quá trình diễn tiến của thời gian về sau, tỳ-khưu càng ngày càng dần dần giảm đức-tin nơi Tam Bảo, cho nên có số tỳ-khưu không tôn trọng nghiêm chỉnh giữ gìn tất cả mọi điều-giới luật mà Đức-Phật đã chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu. Số tỳ-khưu ấy coi thường, nên phạm các điều-giới nhẹ (lahuka āpatti), phạm giới nói bậy (dubbhāsita āpatti), phạm giới hành bậy (dukkaṭa āpatti) rồi dần dần phạm giới pācittiya (pācittiya āpatti), cho đến phạm giới trọng (thullaccaya āpatti).
Những giới điều này thuộc về giới nhẹ (lahuka āpatti), vị tỳ-khưu nào đã phạm những giới nhẹ này, nếu biết tôn trọng giới thì vị tỳ-khưu ấy có thể làm lễ sám hối những giới ấy với một vị tỳ-khưu khác không phạm giới ấy. Sau khi đã sám hối xong, vị tỳ-khưu ấy có giới trong sạch trở lại.
Theo tuần tự thời gian lâu dài về sau, tỳ-khưu phạm giới nặng (garuka āpatti). Giới nặng có hai loại giới là điều-giới saṃghādisesa (giới xin hành phạt) và điều-giới pārājika (giới bại hoại phẩm hạnh tỳ-khưu).
Nếu vị tỳ-khưu nào đã phạm giới saṃghādisesa (Saṃghādisesa āpatti) nào thì vị tỳ-khưu ấy vẫn còn phẩm hạnh tỳ-khưu, nhưng vị tỳ-khưu ấy đã phạm giới mà không thể sám hối được, bởi vì giới saṃghādisesa này thuộc về giới nặng, nên vị tỳ-khưu ấy phải xin chịu hành phạt và trải qua 3 giai đoạn hành parivāsakamma, mānattakamma, abbhānakamma để cho giới được trong sạch trở lại, theo luật mà Đức-Phật đã chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu.
Nếu vị tỳ-khưu nào phạm giới Pārājika (Pārājika āpatti: Phạm giới bại hoại phẩm hạnh tỳ-khưu) thì vị tỳ-khưu ấy mất phẩm-hạnh tỳ-khưu, phải hoàn tục trở lại người cận-sự-nam tại gia, hoặc có thể xuống bậc thấp, trở thành vị sa-di suốt đời, không bao giờ thọ tỳ-khưu được nữa.
Trong thời vị-lai, Tạng Luật Pāḷi bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn, do tỳ-khưu phàm-nhân không còn hiểu biết về giới luật, về cách hành-tăng-sự, …Chư tỳ-khưu ấy có những hành vi cử chỉ, nói năng biểu hiện ra nơi thân và khẩu không làm cho người khác phát sinh đức-tin. Tỳ-khưu ấy không hành thiện-pháp mà hành ác-pháp do bởi phiền-não, tham-ái, tạo nên ác-nghiệp do thân, khẩu, ý, tự làm khổ mình, làm khổ người.
Trong thời vị-lai, gần mãn tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm, tỳ-khưu chỉ còn là cái tên gọi “bhikkhu: tỳ-khưu” mà không có giới của tỳ-khưu, mặc y nhuộm không đúng màu theo Đức-Phật đã chế định.
Trải qua thời gian sau nữa, tỳ-khưu may y vai trái mặc choàng phần trên thân, y nội mặc che phần dưới thân, không còn cắt ra thành 5 hoặc 7 điều như luật Đức-Phật đã chế định, chỉ may tấm vải dính lại để mặc. Khi chư tỳ-khưu đi khất thực, không ôm bát đàng hoàng, mà chỉ cầm cái bát bằng bàn tay, giống như nhóm ngoại đạo hành khất xin ăn.
Thời gian sau nữa, tỳ-khưu ấy nghĩ: “Lợi ích gì chúng ta mặc tấm vải y lớn này, ta chỉ cần cắt một mảnh y nhỏ quấn vào cổ, hoặc cột vào cổ tay, hoặc quấn trên đầu để thuận tiện làm công việc nuôi sống gia đình.” Tuy vậy, Đức-Phật dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Trong thời vị-lai, có hạng người tên gọi là tỳ-khưu “bhikkhu” chỉ còn mảnh y nhỏ quấn cổ, hoặc cột ở cổ tay là người phạm giới, hành ác-pháp, nhưng thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có tác-ý thiện-tâm làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, trong số tỳ-khưu không có giới ấy.
– Này Ānanda! Người thí-chủ làm phước-thiện bố-thí, sự cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng trong thời vị-lai ấy, Như-Lai dạy rằng:
“Phước-thiện bố-thí ấy vẫn có quả-báu vô lượng không sao kể xiết được.”
Như-Lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng:
“Thí chủ làm phước-thiện bố-thí đến cá nhân thọ-thí, được quả báu nhiều hơn là làm phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu-Tăng-thí.”(1)
Ghi chú: 1 Maj. Uparipaṇṇāsa. Kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta.
Qua đoạn kinh trên, Đức-Phật dạy những thí chủ làm phước-thiện bố-thí cúng dường, với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hướng tâm đến chư tỳ-khưu-Tăng, nên thí-chủ có được phước-thiện bố-thí vô lượng. Thật ra, chỉ có cá nhân tỳ-khưu phạm giới (bhikkhu dussīla) mà thôi.
Tiếp theo qua thời gian về sau nữa, tỳ-khưu ấy nghĩ rằng: “Lợi ích gì mảnh y nhỏ quấn vào cổ, hoặc cột vào cổ tay này.”
Chư tỳ-khưu ấy cởi vất bỏ mảnh y nhỏ kia, mặc bộ đồ màu trắng “setavatthaṃ” của người tại gia. Khi ấy, hình tướng của tỳ-khưu hoàn toàn bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn (liṅga antaradhāna).