SỬ TÍCH CỦA PHẬT TỔ GOTAMA
Trước hết nên nhắc sơ qua các vị Phật Tổ ba đời.
Theo kinh điển Pāḷī, trãi qua tuổi thọ của quả địa cầu này, nghĩa là từ khi hợp thành đến ngày tan rã, chỉ có năm vị Phật Tổ ra đời: Phật Tổ quá khứ: Kukkasantho (Tàu âm là Cừu- Lưu-Tôn), Gonagamano (Tàu âm là Câu-Na HàmMa-Ni), Kassapa (Tàu âm là Ma Ha Ca-Diếp); Phật Tổ hiện tại:1 Gotama (Tàu âm là Cồ-Đàm hay Thích-Ca MâuNi); Phật Tổ vị lai: Ariya Metri (Tàu âm là Di-Lạc). Ba vị Phật Tổ quá khứ, một vị hiện tại và một vị vị lai, gọi là Tam thế Phật. Ngoài ra không còn vị nào là Phật Tổ trong cõi Diêm-phù-đề này2. Nếu từ thời gian vô thỉ trong vũ trụ bao la, hẳn thật có hằng hà sa số quả địa cầu khác thì cũng có hằng hà sa số vị Phật Tổ quá khứ, giáng sinh trong các nơi ấy, nhưng các vị Phật Tổ nói trên, cũng như ba vị quá khứ và một vị vị lai trong cõi Diêm-phù-đề này, đều cách biệt xa vời với chúng ta, chúng ta chẳng biết đâu mà tin tưởng. Chỉ có Phật Tổ hiện tại là vị Giáo chủ duy nhất của Phật giáo.
Bổn phận đầu tiên của tín đồ là phải tham cứu các kinh điển kết tập3 sau khi Phật Tổ Gotama vừa nhập Niết-bàn và các tài liệu khảo cổ để tìm hiểu cho xác thật giáo lý và sử tích của vị Tổ sư, hầu tránh điều lầm lạc trong những tác phẩm viết ra bởi những kẻ có ác ý phá hoại cũng chia rẽ tín đồ, và nhất là trong những bộ sách soạn ra với ý thiên vị, hoặc châm chế để khỏi phật lòng các tông phái, mong thủ lợi hơn là tìm chân lý.
Tìm cho ra tài liệu chánh đáng thật không phải dễ; nhưng nếu muốn thì cũng gặp, miễn là phải chịu khó gia công sưu tầm.
Bổn phận người học Phật, ngoài sự khảo cứu kinh sách, phải năng thân cận các giới tu Phật, để nghe biết, so sánh và trước nhất chẳng nên cố chấp những tập quán cổ tục và phải đứng vào địa vị trung lập.
Đề cập riêng về Phật Tổ Gotama, có nhiều tín đồ ái ngại, sợ thất lễ với chư Phật quá khứ, vị lai cũng vẫn không khác.
Nếu tín đồ nhìn nhận Phật giáo là chân lý, thì giáo pháp của các vị Phật quá khứ, vị lai cũng vẫn không khác với giáo lý của Phật hiện tại; bởi chân lý không hai. Theo lý do nói trên, thì sùng bái Phật hiện tại và thực hành y theo giáo pháp của Ngài, tất là gồm cả phận sự của một tín đồ đối với chư Phật ba đời. Quá khứ đã qua rồi, vị lai lại chưa đến, theo Phật hiện tại là phải lẽ, nhưng ở xứ này, vì bị hấp thụ theo tôn giáo của người Tàu nên chẳng thấy chùa nào chủ trọng về việc thờ Phật hiện tại và tu theo giáo pháp của Ngài.
Phải chăng đây là một sự lầm lạc đệ nhất quan trọng về phương tiện tín ngưỡng và tu học. Nói ra ai ai cũng ngạc nhiên và phản đối: “Chúng ta tôn thờ Phật Thích Ca và luôn luôn thực hành theo giáo lý của Ngài” – Nói như thế chúng ta tự dối lấy chính ta: Phật Thích Ca ra đời tại Ấn Độ, học
Phật chúng ta lại học theo Tàu. Phật giáo Ấn Độ không chủ trương thờ thần, người Trung Hoa lại dạy chúng ta thờ chủ nghĩa Đa thần.
Hai giáo lý khác nhau một trời một vực, chứng chắc rằng chúng ta bị người Tàu nhồi sọ ru ngủ. Xưa kia, vì sống trong gầm trời chật hẹp, theo chế độ đô hộ, người Tàu dạy thế nào, chúng ta tin theo như thế ấy. Ngày nay, chúng ta đã tiến bộ khá nhiều, mà vẫn mê lầm theo tập quán, không dòm về Thánh địa Lăn Ca (Sri-Lanka) để cải tổ nền Phật giáo nước nhà cho đúng theo Chánh pháp duy truyền của Phật Tổ Gotama. Trái lại chúng ta mê thích những giả thuyết của nhóm tăng đồ đua nhau tranh tài biện luận cao thấp đặng chia rẽ tín đồ ra hai phe đối chọi: Đại thừa và Tiểu thừa.
Các vị giáo chủ khi ra đời khai đạo, chẳng bao giờ thốt ra lời nào có ảnh hưởng chia rẽ tín đồ. Trái lại trong kinh sách Tàu, từ đầu chí cuối, tác giả không ngại ngùng tự xưng là Đại thừa, đại căn và chê bai đối phương là Tiểu thừa hạ căn.
Phật Thích Ca là bực hoàn toàn sáng suốt, không lẽ Ngài thốt ra những lời cạn cợt như thế ấy để tạo một hố sâu, chia rẽ tín đồ của Ngài ra hai phe thù nghịch, ghen ghét lẫn nhau.
Ai lại không biết trong xã hội nào cũng có người trí kẻ ngu lẫn lộn nhau, và chẳng bao giờ người khôn chia ra ở theo người khôn, kẻ dại ở theo kẻ dại. Trong phái Đại thừa, theo kinh sách Tàu, chỉ có những người từ bi rộng lớn, chỉ có phái Tiểu thừa là gồm cả bọn ích kỷ hẹp hòi, tín đồ Đại thừa sẽ thành Phật, bọn Tiểu thừa giỏi nhất chỉ đắc quả Lahán thôi.
Sao chúng ta không tự dòm lại nhóm Đại thừa của chúng ta, coi trong ấy có bao nhiêu thượng căn, bao nhiêu hạ trí? Người được cái vinh hạnh thuộc hạng Đại thừa như chúng ta, ít ra phải có đức tính khiêm tốn, nhã nhặn, khác hẳn với kẻ thấp hèn ngu muội, hay hãnh diện khoe khoang, mới phải cho. Người trí tuệ phải biết rằng đấng trọn lành như Phật Gotama chẳng bao giờ dùng những lời lẽ làm cho Phật lòng tự ái của nhóm tín đồ xấu phước của Ngài, có đâu lại công khai chê dè họ, như đã ghi chép trong sách Tàu. Có suy nghĩ như thế mới có sưu tầm cho biết vì đâu và từ lúc nào tín đồ Phật giáo bị chia rẽ hai phái Đại thừa và Tiểu thừa, để bứng gốc rễ những tập nhiễm và lật đổ các chướng ngại đã làm chậm trể bước đường tiến hóa của những tâm hồn mộ đạo.
Dòm qua lịch sử các tôn giáo lớn nhỏ ở thế gian, chúng ta thấy các ông giáo chủ còn tại thế, tín đồ đồng xu hướng theo một tín ngưỡng chung. Đến lúc các vị giáo chủ ấy qua đời rồi các môn đồ nhất là các vị kế thừa thường hay xung đột nhau vì lý tưởng, hoặc về sự giải thích giáo lý của thầy tổ theo quan niệm cá nhân, lần lần xa nhau, mạnh ai nấy lập giáo, đặt ra tông này phái nọ.
Đạo Phật cũng vì vậy mà ngày nay tín đồ phải chia ra hai phái Đại thừa và Tiểu thừa. Không được đoàn kết nhau để biểu dương một tinh thần siêu việt, rồi phải sống trong cảnh thù hiềm ganh tỵ làm cho Phật giáo mất hẳn cái căn bản bác ái đại đồng.
Thế thì hai phái Đại thừa và Tiểu thừa nào phải của Phật Thích Ca lập ra. Muốn được bằng cớ chứng chắc, người học Phật chân chánh nên tạm dẹp những tập quán cổ truyền, để tìm vào tận xứ Phật, khảo cứu kinh sách Ấn Độ.
Chừng ấy nền đạo giáo tối cổ sẽ phô bày cho chúng ta thấy rõ: Sử tích đúng đắn của vị giáo chủ và giáo lý căn bản của đấng Giác ngộ và nhất là pho lịch sử Phật giáo đầy những biến chuyển không hay, do nhóm người thừa kế gây ra để tranh giành địa vị. Ba điều, cần thiết nói trên sẽ giúp chúng ta lắp bằng hố sâu giữa hai phái đồ và kết thành một đoàn thể duy nhất gọi là Phật thừa.
Tài liệu về sử tích của Phật Gotama, về lịch sử Phật giáo và giáo lý nguyên thủy, trong cổ điển Ấn Độ, đã được thâu thập lần lượt từ 20 năm nay. Lắm khi muốn viết ra sách để cống hiến đồng bào, nhưng e ngại tại sở học kém. Nay dòm lại tuổi đã già, không lẽ để chờ chết đem theo dưới nấm mồ, nên gắng gượng soạn chép ra đây, mong giúp ích các bạn tu hành trong muôn một, trong sự chọn lựa con đường tu học.
Đứng vào phương diện trung lập, thấy sao nói vậy. Muốn nói sự thật, phải nghe lời thật. Muốn tìm sự thật, phải nghe lời thật. Bằng chẳng vậy chớ mong gặp chân lý.
Xin khởi nói về sử tích đại cương của Phật Tổ Gotama. Về nhân cách của Phật Tổ hiện tại Gotama, có nhiều thuyết khác nhau, nhưng đây xin tóm tắt lại hai thuyết thông thường:
1. Theo thuyết thứ nhứt. Phật Gotama là một nhân vật thần thoại, nghĩa là thuộc về truyền thuyết hoang đường đời xưa. Thuyết này do kinh điển Bắc Phạn (Sanskrit), đầy những chuyện kỳ lạ phi thường, không hạp đường lối của người tìm chân lý. Tưởng không cần viết ra cho choán giấy.
2. Thuyết thứ nhì, dựa theo kinh điển Nam Phạn (Pāḷī), cho rằng Phật Tổ Gotama là một nhân vật có thật. Sau này nhờ bác sĩ A.A. Fubrer tìm được bia đá (tháng 12 năm 1896) của vua Asoka (A-Dục) đã dựng từ 244 trước Giatô, để kỷ niệm chỗ giáng sanh của Phật Gotama, tại vườn Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni) trong xứ Népal hiện giờ.
Theo kinh điển và cổ tích nói trên, Phật Gotama hẳn thật một vĩ nhân có lịch sử vẽ vang.
Trước kia, Ngài là một vị Hoàng tử tên Siddhattha (SĩĐạt- Ta), con vua Sudhodhana (Tịnh-Phạn) và bà Maya Devi (Ma-ya), thuộc dòng Sakya (Thích-Ca), sanh tại xứ Kapilavastu (Ca-bì-la-vệ), hiện nay thuộc xứ Népal, vào năm 624 trước Giatô4.
Theo phong tục Ấn Độ xưa kia, người phụ nữ có thai nghén, gần ngày lâm bồn, phải về sanh đẻ nơi nhà cha mẹ ruột. Hoàng hậu Maya gần ngày nở nhụy khai hoa được đưa về xứ Devadhaha, là nước của vua cha tên Anjana. Ra khỏi thành Kapilavastu chẳng bao giờ xa, đến rừng Lumbini, bà hạ sanh được một Hoàng tử. Vua Sudhodhana được tin, cho rước hoàng hậu và Hoàng tử trở về
Kapilavastu, làm lễ ăn mừng và đặt tên là Siddhattha.
Hoàng tử Siddhattha từ bẩm sinh thông minh, học đâu giỏi đó, nên khi lớn lên trở thành một người tài ba lỗi lạc, văn võ song toàn, lại thêm tướng mạo khôi ngô. Đến năm Hoàng tử được 16 tuổi, vua cha muốn lập bề gia thất cho con, bèn hỏi Hoàng tử: “Như con đã biết, trong xã hội Ấn Độ có bốn hạng người: Bà-la-môn là dòng đạo đức và thông thái nhất, vua chúa và quan lại là bực anh hùng võ sĩ, kế đó là hạng thương gia và cùng đinh là hạng thấp hèn hơn hết. Tùy sở thích, con muốn kết phu phụ với một phụ nữ hạng nào, phụ vương cho con trọn quyền kén chọn”.
Bốn hạng người nói trên rất xa cách nhau. Dòng Bà-lamôn và vua chúa quan lại là sang trọng, có thể giao kết lẫn nhau. Hai hạng ấy, nếu giao thiệp, chung chạ với hạng dưới, thì không chi nhục nhã bằng. Thế mà Hoàng tử Siddhattha thản nhiên trả lời: “Tâu phụ vương, trong bốn giai cấp xã hội, phụ vương muốn con chọn một người nội trợ trong giai cấp nào cũng được, miễn là người đó có nết na thuận hậu, là đủ”.
Hoàng tử Siddhattha là dòng vương giả mà xướng lên cái chủ nghĩa bình đẳng như thế, làm cho vua cha ngạc nhiên, nhưng không ngờ rằng đó là khí phách của một nhà cách mạng vị lai, đương trù tính một cuộc giải phóng vĩ đại cho dân tộc Ngài.
Sau khi kén chọn và cưới nàng Yosadhara (Gia-du-đà-la) cho Hoàng tử rồi, vua Tịnh Phạn mới đinh ninh rằng con mình đã được yên vui với hạnh phúc gia đình. Nào dè sống trong vòng vinh hoa phú quý, vợ đẹp hầu xinh, mà Hoàng tử lại không vừa lòng hạp cảnh, cứ trầm tư suy ngẫm, tưởng nhớ đâu đâu. Thấy con có tính khác thường, vua cha lo sợ Hoàng tử chán đời đi tu, như lời các đạo sĩ lúc sơ sanh, nên ra lệnh ngày đêm thiết yến ca xang, cố mê hoặc Hoàng tử trong đường dục lạc thế gian. Nhưng trái lại, sau những giờ phút say mê theo ca nhạc tửu sắc, Hoàng tử lại cảm thấy chán nản thêm cuộc đời xa hoa trụy lạc, trước hoàn cảnh gian truân khốn khổ của nhân dân.
Từ bé đến trưởng thành, tuy không được trực tiếp với đời, nhưng vì học rộng hiểu xa, và tiêm nhiễm giáo lý cổ đạo, nên Hoàng tử hay để tâm suy xét: Thấy cuộc đời Ngài tốt đẹp bao nhiêu, càng đem lòng thương tưởng đến những kẻ bần cùng đói rách bấy nhiêu. Ngài cũng không vừa lòng với chế độ giai cấp bất công, khiến cho phần đông đồng bào của Ngài lầm than, uất ức. Bọn Bà-la-môn thâu trong tay cả văn hóa học thuật, không chịu đem ra giáo hóa dân chúng. Nhóm võ sĩ thì ỷ mạnh hiếp yếu, giết hại sanh linh, cướp giựt đất đai, áp dụng chính sách độc tài, để xây đắp hạnh phúc trên xương máu đồng loại. Lại thường ngày Hoàng tử hay để tâm suy ngẫm về sự sanh già đau chết, và nhận thấy chính Ngài, là hạng quyền quý cao sang, cũng chẳng tránh khỏi được bốn cái khổ trọng đại ấy. Dòm quanh ngó quất, Ngài chẳng thấy một ai nhận biết cái đời ở thế gian như Ngài: Trái lại người người vẫn sống mê trong vòng nô lệ của lòng tham ích kỷ, và lầm tưởng cuộc đời vui thú. Thấy vậy Ngài đem lòng thương xót vô cùng những kẻ tối mê đương chơi vơi chìm đắm trong bể khổ trần ai.
Rồi Ngài thầm tính rằng: Ta phải tự lãnh lấy nhiệm vụ: phá tan chế độ bất công, gầy dựng đời sống đạo đức ôn hòa cho xã hội ; chế định những luân lý cho con người biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; và hướng dẫn nhân loại tiến hóa đến nơi cùng tột để thoát nạn sinh già đau chết. Từ đó Hoàng tử Siddhattha ngày đêm tìm kiếm phương pháp để thực hành chí nguyện.
Muốn diệt trừ giai cấp xã hội và đem lại hòa bình hạnh phúc cho nhân gian, phải đứng ra tổ chức một cuộc cách mạng vĩ đại. Ngài thấy có đủ tài đức làm công việc ấy, nhưng phải có đổ máu mới thành công. Ngài quyết không dùng phương pháp ấy.
Lại nữa, muốn đem con người ra khỏi nạn sanh già đau chết, trước nhứt người hướng dẫn phải là người hết sanh, hết già, hết đau, hết chết. Rồi Ngài tự nghĩ: “Nếu có sanh tất nhiên phải có cái không sanh, có già phải có cái không già, có đau phải có cái không đau, có chết, phải có cái không chết. Nhưng tìm hoài chưa thấy cái không sanh, không già, không đau, không chết”.
Hoàng tử còn suy nghĩ: “Sống một đời vui tươi tốt đẹp như ta, đầy dãy những luyến ái tình duyên, hoặc giả sống giữa chốn bần hàn lao khổ như đám thường dân, chan chứa những tham lam, sân hận, si mê: hai hoàn cảnh tuy khác nhau, nhưng ta và những người xung quanh ta vẫn ở trong vòng cương tỏa của sanh già đau chết. Trầm ngâm trong bể khổ, mà muốn thoát khổ, là một việc điên cuồng. Âu là ta phải mau mau chạy ra khỏi chốn mê đồ này, phải đi ngược triều lưu nịch ái của thế gian, họa chăng mới tìm được con đường giải thoát”. Suy nghĩ đến đó Hoàng tử cương quyết hy sinh cả gia đình sự nghiệp, rời bỏ cung nội, tách thân ra đi tìm đạo giải thoát. Ngài định trốn, phải chia lìa vợ, nhưng chưa biết phải đi đâu.
Thỉnh thoảng, Hoàng tử ngự ra khỏi cung điện, trước để dọn đường đi nước bước, sau để tiếp xúc với dân chúng cho biết tình cảm sinh hoạt và tâm địa họ như thế nào. Đi đến đâu cũng thấy trăm họ lầm than, vất vả, chẳng mấy ai được nhàn nhã ấm no. Kẻ già đói khát gầy gò, không nơi nương dựa. Người đau la lết giữa đường chẳng ai ra tay cứu độ, thậm chí có kẻ chết phơi thây nơi đồng nội, làm mồi cho quạ kên kên. Những cảnh tượng thương tâm ấy càng thúc giục Ngài nung chí cứu đời.
Một ngày nọ Hoàng tử đi dạo cảnh ngoài thành, thình lình gặp một đạo sĩ du phương. Từ xa ngắm xem diện mạo, thấy người trầm tĩnh ôn hòa, Hoàng tử lại gần làm quen hỏi han: Chẳng hay ông xuất gia để làm gì?
‒ Thưa Ngài, bần tăng thoát tục, cố ý để làm cho thấu lẽ nhiệm mầu của tạo hóa, hầu dứt hết cái khổ ở đời, nhất là cảnh già, đau, chết mà lắm khi, có lẽ, nó đã làm xúc động mối từ tâm của Ngài, trong khi Ngài đi dạo chơi từ thành nội đến thôn quê5.
Câu trả lời của ông đạo sĩ tình cờ chạm ngay vào tâm sự của vị Hoàng tử thiếu niên, khiến cho Ngài hân hoan rước lấy, và cất giấu nơi đáy lòng. Ngài cung kính từ tạ ông đạo sĩ lật đật quay bước về hoàng cung. “Bấy lâu nay, ta cố tìm để giải thoát những khổ, già, đau, chết, mà tìm hoài không ra. Nay, khiến may mắn gặp được người chỉ đường dắt nẻo cho ta một cách bất ngờ. Ấy là điềm lành chứng chắc cho ta sẽ thành công chẳng sai vậy”. Vừa đi vừa suy nghĩ như thế, Hoàng tử về tới cung nội mà không hay. Bước vào sân đền, thị tỳ chạy ra báo tin rằng lịnh bà Yasodhara vừa hạ sanh được một hoàng nam rất ngộ nghĩnh phương phi.
Tâm trí đương hăng hái với chí nguyện xuất gia, cái tin lành kia làm cho Hoàng tử Siddhattha ngẩn ngơ. Nét mặt đương tươi vui, bỗng chốc biến đổi như người phải việc chẳng may. Cảm tình vợ con lom lem muốn thiêu đốt chí nguyện cao cả. Nhưng bậc trượng phu bao giờ cũng trọng quyền lợi đại đồng hơn cảm tình cá nhân. Gắng gượng sửa sắc vui tươi vào thăm vợ và yêu ấp con; nhưng trong lòng đã nhất quyết đeo đuổi theo con đường đã vạch sẵn từ bấy lâu nay. Hoàng tử thầm tính: Ta chớ nên chần chờ mà hỏng cả đại sự. Ta phải cấp tốc đào tẩu, tạm lìa vợ con, mong còn tái ngộ trong ngày vinh quang.
Thừa dịp yến tiệc ăn mừng lễ chào đời của ông hoàng Rahula (La-Hầu-La), quan quân no say ngủ mòm, nửa đêm, Hoàng tử Siddhattha lên ngựa trốn ra khỏi thành với một bộ hạ tâm phúc.
Đêm ấy nhằm đêm trăng tròn (rằm tháng 6 năm Mẹo), là năm Hoàng tử Siddhattha vừa được 29 tuổi. Dưới bóng trăng thanh, hai thầy trò dong ruổi, trực chỉ phương Nam. Đến giữa rừng xanh, trời vừa rựng đông, Hoàng tử gò cương xuống ngựa, cổi y phục, trang sức giao cho người bộ hạ trung thành, dạy đem về tâu lại cho vua cha hay cơ sự và kính lời xin ân xá lỗi nghì, tạm biệt một thời gian, khi thành công đắc quả sẽ trở về báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục. Từ nay Hoàng tử Siddhattha đắp mình bằng một manh vải nâu sòng, trở thành một vị đạo sĩ gọi là Sa-môn Gotama (Cồ-Đàm), đội tuyết, dầm sương, hành khất xin ăn, lên ải xuống đèo, chẳng nài lao khổ, quyết tầm cho được minh sư học đạo. Nghe đâu có thầy giỏi, chẳng quản đường sá cam go, hiểm trở, lướt bụi tuông rừng, đến tận nơi xin nhập môn tu học. Thọ giáo hành đạo một thời gian với đôi ba vị danh sư, nhưng rốt cuộc Ngài nhận thấy chưa có vị nào thông suốt hơn Ngài. Rủn chí mỏi lòng, ông Sa-môn Gotama mới tách ra, một thân một mình, tìm nơi thanh vắng, ngồi trầm tư mà tưởng, cố tìm siêu thoát khỏi nẻo sanh, già, đau, chết.
Một đêm kia, nhằm rằm tháng tư năm Dậu. Sa-môn Gotama ngồi tham thiền nhập định, dưới cội Bồ đề tại xứ Gaya, gần sông Neranjara (Ni-Liên), bỗng nhiên ngộ được mối huyền vi của vũ trụ. Giữa canh một, Ngài hồi quang minh sát những đời quá khứ của Ngài, tuệ giác thình lình bật mở như muôn đạo hào quang, nên Ngài thấu rõ trong vô lượng tiền kiếp luân hồi, Ngài sanh nơi đâu, làm chúng sanh ở giới nào, cha mẹ vợ con là ai. Đắc được giác này sách gọi là pubbenivanusatināna (túc mạng minh). Qua canh hai, Ngài dùng tuệ giác soi cùng khắp cả ba giới bốn loài, Ngài thấy chúng sanh bị trầm luân trong sáu nẻo luân hồi bởi nghiệp lực lôi kéo. Đắc được giác thứ hai này, sách gọi là cutupatanāna (thiên nhãn minh).
Qua canh ba,6 Ngài dùng tuệ giác, quan sát đời sống của chúng sanh, Ngài phát minh được Pháp Catu āriyasacca (Tứ diệu đế) là bốn điều chân thật, chỉ rõ luật sanh tử luân hồi. Đắc được giác thứ ba này, sách gọi là asavakkbayānāna (lậu tận minh).
Tự mình chứng được ba cái minh ấy, Sa-môn Gotama nghiễm nhiên thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, tức là thành Phật.
Từ khi bỏ lầu son gác tía, ra đi tới ngày đạo đầy quả đủ, tính lại sáu năm khổ hạnh, giữa chốn non cao rừng thẳm, với bao đói lạnh, trong cảnh màn trời chiếu đất, Bồ tát Siddhattha đã được toại kỳ sở nguyện.
Diệt tận vô minh phiền não, giải thoát khỏi bể khổ trần ai, khỏi vòng sanh tử luân hồi, từ nay đấng Giác ngộ có đầy uy đức thần lực để trở về cảm phục và hướng dẫn quần sanh trên đường yên vui hạnh phúc. Ra khỏi rừng già, trọn 45 năm, Phật Gotama chu du khắp mọi nơi, tận tụy dìu dắt chúng sanh thực hành chủ nghĩa: từ bi bác ái, tự giác giác tha. Dùng những lời lẽ chân chánh, êm dịu, đánh thức dân gian trong giấc mê mộng, được nhiều người sùng bái ca tụng, nhiệt liệt nghe theo. Các nhà tu sĩ đều bỏ thần quyền mê tín, theo về chân lý. Các bực vua chúa quan lại đều biết ghê sợ nhân quả báo ứng, hết bạo ác tham tàn. Dân chúng khép mình trong khuôn khổ luân thường đạo đức. Nhờ vậy mà những chế độ bất công lần lần được sửa đổi theo nhân đạo, và người người được sống một đời an ổn nhu hòa. Đi đến đâu nhà lãnh đạo gieo rắc hạnh phúc đến đó. Trọn đời hy sinh, mệt nghỉ khỏe đi, nhẫn nại đi hoài, đi để an ủi những kẻ lầm than số phận bần cùng đói khổ, đi để dập tắt lửa khổ cho đám người làm nô lệ, cho lòng tham lam ích kỷ; đi để khuyên nhủ chúng sanh bỏ dữ theo lành, vun bồi đạo đức; đi để khai sáng cho kẻ mê lầm theo yêu thuật tà giáo và hướng dẫn những bậc thiện căn mạnh tiến trên đường giác ngộ.
Vì thương xót chúng sanh mà Phật Gotama chẳng quản đến tuổi già sức yếu. Vì quá tận tụy với chủ nghĩa cứu nhân độ thế, mà phải mòn hơi kiệt lực, nên giữa đường thọ bịnh nan y. Trên giường bịnh, Ngài vẫn tươi tỉnh giảng giải đạo lý đến giờ phút cuối cùng.
Nằm trên một tảng đá, dưới bóng hai cây cổ thọ, trong vườn thượng uyển của vua Malla, tại xứ Kusinara, Phật Gotama quên đau khổ vì bịnh, thức trọn cả đêm trăng tròn tháng Vesak7, ân cần nhắc nhở tăng chúng, những phương pháp tự tu tự độ, tự giác giác tha, cho đến rựng đông, Ngài để lời di chúc tối hậu: “Sau khi Như Lai nhập diệt, các con chớ nên dể duôi, phải lấy giới luật làm nền tảng trong sự tu hành giải thoát”. Rồi Ngài vĩnh biệt môn sanh, thở hơi cuối cùng8. Nghĩa vụ thiêng liêng, trọn kiếp đã xử tròn, nhà cách mạng đã hóa thân thiên cổ.
Nhờ chí nguyện cao cả mà Phật Gotama đã làm được những sự nghiệp kinh thiên động địa, khiến cho ai nghe đến cũng nghiêng mình kính phục. Một gương hy sinh cùng tột, một đức từ bi vô lượng, thật xứng với câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Giáo pháp của Phật Gotama tuy xuất hiện tại Ấn Độ trên 2500 năm nay, mà vẫn được lưu truyền trong năm châu, bốn biển, và hiện giờ có cả 600 triệu tín đồ sùng bái ngưỡng mộ.
Ghi chú:
1 Mặc dầu, Phật Tổ Gotama đã viên tịch từ 2502 năm rồi (1958), nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu hành và chưa có vị Phật nào thay thế, nên Phật Gotama còn gọi là Phật Tổ hiện tại.
2 Quả địa cầu của chúng ta bây giờ.
3 Do một Đại hội Tăng già, gồm có chư vị Thánh Tăng, là đệ tử chơn chánh của Phật Tổ Gotama.
4 Niên đại Bồ tát Siddhattha giáng sanh nhiều chỗ ghi chép khác nhau: 1023- 685- 626- 624- 624- 623- 566- 561- 559- 557- 487- 466 trước Giatô. Theo Phật giáo Nguyên Thủy, Phật lịch kể từ năm Phật Gotama nhập Niết-bàn. Mỗi năm tính từ ngày trăng tròn tháng Vesak, là tháng thứ năm Ấn Độ (nhằm tháng Tư âm lịch) là ngày kỷ niệm Niết-bàn tới ngày kỷ niệm năm sau. Theo Phật lịch nói trên, năm nay (1958) Phật Gotama viên tịch được 2502 năm và giáng sanh đến nay được: 2502+80 = 2582 năm, nghĩa là trước kỷ nguyên này: 2582 – 1958= 624 năm.
5 Một thuyết khác ghi rằng người già, người bệnh, người chết và vị thầy tu là 4 điều xuất hiện trong tâm trí hoàng tử, giữa lúc ngài thơ thẩn trong vườn thượng uyển để tìm kế thoát thân.
6 Thuở ấy đêm chia ra làm ba canh.
7 Tháng 5 Ấn Độ, nhằm tháng Tư âm lịch năm Tỵ.
8 Trong đêm 15/16 tháng Tư năm Tỵ, lúc sao Mai vừa mọc.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.