LÝ DUYÊN SINH
Như vậy, chúng ta có thể hiểu Luật Duyên Sinh theo chiều thuận hoặc theo chiều nghịch, từ khởi đầu đến chấm dứt hay từ chấm dứt đến khởi đầu. Hoặc đôi khi chúng ta có thể lấy yếu tố ở giữa xét ngược hay xét xuôi các yếu tố.
Mặc dầu khi chúng ta xét theo chiều ngược, chúng ta chấm dứt với Vô Minh, nhưng Vô Minh không phải là nguyên nhân đầu tiên.
Vô Minh không phải là không có duyên trước đó, có nghĩa là không phải Vô Minh không có điều kiện.
Vô Minh là một hiện tượng có điều kiện. Điều kiện của Vô Minh là Lậu Hoặc (Āsava).
Khi có Vô Minh thì sẽ có Vô Minh khác theo sau, tiếp theo là những Vô Minh khác nữa.
Như vậy, Vô Minh sau là quả của Vô Minh trước, hay Vô Minh sau có Vô Minh trước làm điều kiện.
Như vậy, chúng tiếp tục diễn biến bởi vì Vô Minh là một trong những Lậu Hoặc.
Bất kỳ lúc nào Lậu Hoặc khởi sinh thì Vô Minh cũng khởi sinh. Như vậy, Vô Minh chịu điều kiện hay duyên bởi Lậu Hoặc.
Tổng cọng có 12 yếu tố hay 12 bước trong Luật Duyên Sinh:
- Vô Minh
- Hành Nghiệp
- Thức
- Danh Sắc (Vật Chất và Tâm )
- Lục Nhập
- Xúc
- Thọ
- Ái
- Thủ
- Hữu
- Tái Sinh
- Già Chết
Khi nhìn vào 12 yếu tố này, chúng ta thấy một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Đây là cách giải thích về Luật Duyên Sinh theo Chú Giải.
Trong số 12 yếu tố thì
Vô Minh và Hành Nghiệp thuộc về quá khứ;
Tái Sinh, Già – Chết thuộc về tương lai.
Tám yếu tố ở giữa là Thức, Vật Chất-Tâm, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu thuộc về thời hiện tại.
Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm những điều nói trên đây, mặc dầu 12 yếu tố này được phân chia ra ba thời kỳ, nhưng chúng ta đừng hiểu lầm rằng chúng chỉ xuất hiện trong các thời kỳ đã kê trên; bởi vì trong đời sống này, trong một đời sống này thôi, thì chúng ta cũng kinh nghiệm được cả 12 yếu tố. Nói cách khác, chúng ta đừng hiểu Chú Giải theo nghĩa đã được giảng giải mà phải xuyên qua ba thời kỳ mới thấy rõ Luật Duyên Sinh. Bởi vì ngay trong kiếp sống này chúng ta cũng thấy được Vô Minh, chúng ta thấy được Hành Nghiệp, và chúng ta thấy đầy đủ các yếu tố của Luật Duyên Sinh. Như vậy chúng ta có thể thấy tất cả 12 yếu tố của Luật Duyên Sinh trong kiếp sống này.
Nhưng khi 12 yếu tố này được chia ra theo ba thời kỳ, thì một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc về hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Nếu ta lấy Vô Minh và Hành Nghiệp là quá khứ thì Tái Sinh, Già-Chết là tương lai và các yếu tố còn lại là hiện tại. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ tái sinh và già chết trong kiếp sống tương lai, chúng ta sẽ Già-Chết ngay trong kiếp hiện tại này. Nếu lấy Vô Minh và hành nghiệp là đời sống quá khứ, thì tái sinh, già và chết ngay trong kiếp sống này là tương lai. Như vậy, qua 12 yếu tố được phân chia theo ba thời kỳ, chúng ta sẽ kinh nghiệm được 12 yếu tố này ngay trong kiếp sống này. Có nghĩa là ngay trong kiếp sống này ta thấy được cả ba thời kỳ. Chúng ta không cần phải hoàn toàn xuyên qua ba thời kỳ mới kinh nghiệm được tất cả những yếu tố này.
Chúng ta phải thận trọng về vấn đề này bởi vì nhiều người nghĩ rằng: Chú Giải dạy ta phải xuyên suốt cả ba thời kỳ một cách trọn vẹn mới thấy được vòng Duyên Sinh. Bởi nghĩ chưa hiểu thấu đáo, nên họ nói rằng Chú Giải nói sai. Thật ra, Chú Giải không nói là bạn phải xuyên qua cả ba thời kỳ mới thấy trọn vẹn vòng Duyên Sinh.
Những điều mà Chú Giải nói là: những yếu tố này thuộc về quá khứ, những yếu tố kia thuộc về hiện tại và những yếu tố tiếp theo thuộc về tương lai.
Như vậy, trong thực tế nếu chúng ta nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ biết rõ rằng: Chúng ta kinh nghiệm được tất cả các yếu tố ngay trong kiếp sống này. Thật vậy, chúng ta kinh nghiệm tất cả 12 yếu tố ngay trong kiếp sống này. Nhưng khi nhìn những yếu tố này trên quan điểm kiếp sống hiện tại hay trên quan điểm kiếp tới thì chúng sẽ trở thành hiện tại, quá khứ và tương lai.
Trong mô thức Duyên Sinh, chỉ nói đơn giản: Một điều kiện làm điều kiện cho những điều kiện khác, hay một Duyên này làm điều kiện cho Duyên kia. Nhưng trên thực tế, theo lời dạy của Đức Phật, thì không hề có chuyện một nhân sinh ra một quả.
Phật Giáo chấp nhận nhiều nhân sinh ra nhiều quả. Điều này có nghĩa là để cho Hành khởi sinh thì Vô Minh không phải là điều kiện hay nhân duy nhất mà còn có những điều kiện hay những yếu tố khác đi kèm. Có nhiều điều kiện khác hay duyên khác như Tham Ái hoặc những tâm sở khác làm Duyên. Khi nói đến một Duyên này làm Duyên cho Duyên kia là chúng ta muốn nói đến nguyên nhân chính hay điều kiện chính. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng: không phải chỉ có một điều kiện hay Duyên mà thôi.
Luât Duyên Sinh không phải dễ hiểu, nếu muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh bạn phải hiểu chút ít về Vi Diệu Pháp. Ý tôi muốn nói là hiểu biết Vi Diệu Pháp cho đến một từng mức nào đó chứ không có ý nói phải hiểu hoàn toàn Vi Diệu Pháp. Thêm vào đó muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh một cách trọn vẹn thì bạn phải hiểu Luật Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna: Luật về Điều Kiện)
Như tôi đã nói trước đây, Luật Duyên Sinh chỉ giảng giải sự liên hệ hay duyên của sự vật này đối với sự vật kia, nhưng Luật Duyên Sinh không giải thích chúng liên hệ với nhau như thế nào; chúng duyên với nhau theo cách thức nào. Đôi lúc ta không hiểu chúng liên hệ với nhau như thế nào thì chúng ta sẽ có sự hiểu lầm về sự liên hệ của chúng. Có một số liên hệ không phải là liên hệ nhân quả; đôi khi hai duyên cùng khởi sinh một lúc nhưng một duyên gọi là tạo điều kiện và một duyên gọi là chịu điều kiện. Trong trường hợp này chúng ta chỉ hiểu rõ nhờ biết về Luật Duyên Hệ Duyên: Như hai người liên hệ nhau nhưng liên hệ là cha con, vợ chồng hay bạn bè. Đó là lãnh vực của Duyên Hệ Duyên. Như vậy, muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh cần phải có sự hiểu biết về Luật Duyên Hệ Duyên. Nếu không biết luật Duyên Hệ Duyên, thì sự hiểu biết về Luật Duyên Sinh của chúng ta sẽ không trọn vẹn.
Ngay cả việc hiểu biết Luật Duyên Sinh mà không biết được Luật Duyên Hệ Duyên là một điều khó khăn; thêm vào đó, những từ có tính cách chuyên môn dùng trong Vi Diệu Pháp cũng cần phải hiểu rõ, từ nào đại diện cho nghĩa lý nào. Nghĩa tổng quát của Luật Duyên Sinh là mỗi sự vật khởi sinh đều tùy thuộc vào một sự vật khác, không có gì khởi sinh mà không có nhiều nguyên nhân, hay không có cái gì có thể tự tạo ra mà không có nguyên nhân. Mọi sự vật đều có sự liên hệ, mọi sự vật đều tùy thuộc vào một số điều kiện hay duyên để khởi sinh.
Sau bài này chúng ta sẽ học về Luật Duyên Hệ Duyên. Sự khác nhau giữa Lý Duyên Sinh và Duyên Hệ Duyên có thể hiểu được qua ví dụ sau đây:
Luật Duyên Sinh nói rằng: hai người này liên hệ nhau. Luật Duyên Hệ Duyên nói thêm họ liên hệ theo cha và con, hay anh và em, vợ và chồng v.v…
Luật Duyên Sinh nói đến sự liên hệ của 12 duyên. Theo chiều thuận thì:
- Vô Minh duyên Hành Nghiệp
- Hành Nghiệp duyên Thức
- Thức duyên ‘Vật Chất và Tâm’ (Danh Sắc)
- ‘Vật Chất và Tâm’ duyên Lục Nhập
- Lục Nhập duyên Xúc
- Xúc duyên Thọ
- Thọ duyên Ái
- Ái duyên Thủ
- Thủ duyên Hữu
- Hữu duyên Sinh
- Sinh duyên Già – Chết, Lo Âu Phiền Muộn, Uất Ức Than Khóc, Khổ Thân, Khổ Tâm, Thất Vọng.
Như vậy, chúng khởi sinh một khối đau khổ.
Khởi sinh, hoại diệt hay biến mất cũng bao gồm trong Luật Duyên Sinh. Thật ra, không phải là Luật Duyên Sinh mà phải nói là Luật Duyên Diệt hay dùng một chữ gì đó. Điều này giống như thứ tự thông thường mà Luật Duyên Sinh nói đến. Có nghĩa là bởi vì có sự biến mất của Vô Minh nên có sự biến mất của Hành Nghiệp. Bởi vì có sự chấm dứt của Hành Nghiệp nên có sự chấm dứt của Thức v.v… Đó là xét Lý Duyên Sinh theo chiều ngược. Xét theo chiều ngược không có nghĩa là đi trở lại. Xét theo chiều ngược ở đây là xét theo sự biến mất, ngược với thứ tự khởi sinh.
Như vậy, khi có sự già và chết, bị áp lực của sự già chết thì có sự Vô Minh khởi sinh. Khi đau khổ vì già chết, họ đau khổ từ cái gọi là Lậu Hoặc; trong số các Lậu Hoặc có Vô Minh trong đó. Một khi có Vô Minh thì sẽ có Nghiệp Thiện hay Nghiệp Bất Thiện v.v… Như vậy, vòng luân hồi hay vòng đời sống tiếp tục chuyển biến. Nếu chúng ta không loại trừ được nguyên nhân gốc rễ của nó là những phiền não thì không thể chấm dứt vòng tái sinh.
Ngay cả khi chúng ta hành thiền, đặc biệt là Thiền Minh Sát, chúng ta cắt đứt vòng tái sinh tại một số điểm. Chúng ta không để cho vòng tái sinh diễn biến khi chúng ta hành Thiền Minh Sát. Như các bạn đã biết, khi Hành Thiền Minh Sát bạn có thể phá vỡ sự kết nối giữa Thọ và Ái. Mặc dù có Thọ, nhưng bạn sẽ không có Tham Ái nếu các bạn đang Hành Thiền Minh Sát. Do Hành Thiền Minh Sát bạn có thể cắt đứt một số kết nối trong Luật Duyên Sinh.
Khi bạn đang có một Lạc Thọ, nếu bạn không chánh niệm, không ghi nhận rằng: đây là Lạc Thọ thì bạn sẽ thích thú vào Thọ đó. Như vậy, khi bạn thích Lạc Thọ đó là bạn đã để cho vòng Duyên Sinh hay vòng tái sinh tiếp tục quay. Khi có Khổ Thọ phát sinh thì Lạc Thọ sẽ biến mất và bạn dính mắc vào Lạc Thọ đã mất thì bạn cũng để cho vòng tái sinh tiếp tục chuyển. Bạn có thể có Vô Ký Thọ. Vô Ký Thọ cũng rất tốt, và bạn thích Vô Ký Thọ. Khi bạn thích Vô Ký Thọ, thì một lần nữa bạn để cho bánh xe tái sinh tiếp tục chuyển.
Khi thực hành Thiền Minh Sát, bạn cố gắng chánh niệm mỗi khi Thọ chiếm ưu thế. Khi bạn chánh niệm như thế là bạn đang cắt đứt vòng tái sinh. Nếu bạn thành công, hoàn toàn thành công trong việc thực hành của mình, và đạt A La Hán thì bạn sẽ cắt đứt hay hủy diệt hoàn toàn vòng tái sinh.
Những yếu tố trong Lý Duyên Sinh được diễn tả là một khối đau khổ. Khối đau khổ này tiếp tục diễn biến cho đến khi chúng ta loại trừ được hết tất cả các phiền não.
Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi vòng tái sinh, nếu chúng ta muốn đập vỡ vòng tái sinh này và hết khổ thì chúng ta phải làm một cái gì đó để chấm dứt vòng tái sinh tiếp tục di chuyển này. Đó là phải áp dụng chánh niệm vào đối tượng khởi sinh trong giây phút hiện tại. Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát là bạn cố gắng chặt đứt hay cắt đứt vòng tái sinh. Bạn cố gắng chấm dứt không để cho vòng tái sinh này tiếp tục quay. Trong mỗi phút giây chánh niệm tốt đẹp, trong mỗi phút giây hiểu biết bản chất thực sự của sự vật thì bạn đã hướng đến việc loại trừ vòng tái sinh.
Với mục đích đó chúng ta hành Thiền Minh Sát. Chúng ta hy vọng rằng: một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn thành mục đích của chúng ta là cắt đứt vòng tái sinh hay vòng hiện hữu này.
Nếu chúng ta hiểu Lý Duyên Sinh theo cách đơn giản là: Vật gì khởi sinh đều tùy thuộc vào những vật khác. Nhưng nếu chúng ta hiểu Luật Duyên Sinh với toàn thể mô thức của nó thì chúng ta không có thể chỉ nói đơn giản như vậy được, bởi vì tại mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc, chúng ta không thể có trọn đủ 12 yếu tố.
**Chữ Hành (Saṅkhāra) trong Ngũ Uẩn (Saṅ-khārakkhandha) và chữ Hành trong Luật Duyên Sinh có nghĩa khác nhau.
Nghĩa đầu tiên của chữ Hành là “tạo” hay “sản xuất ra cái gì”. Đây là nghĩa tác động.
Nghĩa thứ hai của chữ hành là “được làm ra” hay “được tạo nên”. Đây là nghĩa thụ động.
Như vậy, chữ Saṅkhāra (Hành) có hai nghĩa. Thực ra không phải chỉ có hai nghĩa mà còn có những nghĩa khác nữa. Nhưng ở đây chỉ cần hiểu hai nghĩa này. Đó là: “cái gì được tạo ra”, và “cái gì tạo ra cái khác”. Chữ Hành trong Lý Duyên Sinh có nghĩa là Nghiệp (Kamma). Nghiệp là cái gì tạo ra quả của nó. Đó là hiểu chữ Hành theo nghĩa tác động. Nhưng khi chúng ta nói các Hành là Vô Thường (Sabbe saṅkhāra aniccā ti) thì Hành ở đây có nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra ở đây có nghĩa là tất cả mọi sự vật có điều kiện, nghĩa là những sự vật được tạo ra hay bị điều kiện. Bởi vậy, mỗi khi thấy chữ Saṅkhāra (Hành) trong một bài kinh nào chúng ta phải thận trọng để hiểu nghĩa chính xác của nó. Chúng ta phải biết chúng được hiểu với nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra trong Ngũ Uẩn được hiểu theo nghĩa tích cực hay nghĩa tác động, bởi vì chữ Saṅkhārakkhandha trong Ngũ Uẩn được dẫn đầu bởi Cetanā (Sự cố ý) có nghĩa là Hành hay Nghiệp hoặc Hành Nghiệp. Bởi vậy, chữ Hành trong Hành Uẩn, phải được hiểu nghĩa tác động, tức là Nghiệp tạo ra một cái gì hay tạo quả. Trong Lý Duyên Sinh, chữ Hành cũng được hiểu theo nghĩa tác động. Câu: “Các Hành đều Vô Thường” trong Pháp Cú Kinh, phải được hiểu theo nghĩa thụ động, có nghĩa là cái được tạo ra. Như vậy, chữ Hành ở đây, chúng ta phải hiểu ít nhất là hai nghĩa.
Mỗi khi chúng ta gặp chữ Hành chúng ta không thể dịch chỉ bằng một chữ tiếng Anh, một chữ tiếng Miến hay một chữ tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu tùy theo chữ Hành nằm trong bản kinh nào, nên hiểu chúng theo nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Trong nhiều bản dịch tiếng Pāḷi bây giờ, người ta dịch ra nhiều chữ khác nhau. Tôi không biết họ dịch như vậy có đúng hay không, không biết họ dịch theo nghĩa tác động hay theo nghĩa thụ động. Tốt hơn chúng ta nên dịch là “tạo điều kiện” hay “bị điều kiện” hoặc “cái tạo ra một cái gì” hay “cái được tạo ra”.
Nguồn trích dẫn: Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Sīlānanda giảng, Hòa Thượng Kim Triệu hiệu đính, Sư Khánh Hỷ soạn dịch.