Susima Sutta: Kinh Susima

Susima Sutta: Kinh Susima

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn

    do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Sư Khánh Hỷ hiệu đính

    14. SUSIMA SUTTA

    Hôm qua tôi có hỏi bạn một câu hỏi: “Có minh sát khô hay không?” Vì thế, hôm nay chúng ta hãy học bài kinh, gọi là kinh Susima. Bài kinh này liên quan đến Tỳ Khưu Susima. Đây là bài kinh có lợi ích, vì trong kinh này chúng ta tìm thấy các vị đắc quả A La Hán không qua giai đoạn đắc các tầng Thiền Định. Mặc dầu, chữ Pāli "Sukha vipassaka" (Người hành Thiền Minh Sát khô) không dùng trong bài kinh. Nhưng những vị A La Hán trong bài kinh này không đắc các tầng Thiền Định. Chú giải gọi họ là sukha vipassaka có nghĩa là “Người hành Thiền Minh Sát khô”. Đây là điểm chính trong bài kinh Susima. Bởi vậy, chúng ta học hỏi kinh này rất là có ích. Susima là một đạo sĩ, ông đến gặp Đức Phật có mục đích là để ăn cắp Giáo Pháp chứ không phải với một tâm trong sạch. Nhưng khi ông nghe được Giáo Pháp của Đức Phật, ông đã thay đổi tôn giáo. Bài kinh này bằng chữ Miến Điện có tám trang, nhưng tôi cô đọng lại khoảng một trang và một đoạn thôi.

    CÂU CHUYỆN SUSIMA

    Khi Đức Phật còn hiện tiền, Ngài trú tại chùa ở Veluvana gần thành phố Rājagaha và thuyết bài pháp này. Lúc bấy giờ Đức Phật và môn đệ của Ngài rất được dân chúng kính trọng. Họ hoan hỉ trong Giáo Pháp của Đức Phật. Họ tôn vinh Đức Phật. Họ cúng dường tứ vật dụng và các thứ khác đến Đức Phật và tăng chúng. Bởi vậy, Đức Phật và môn đệ của Ngài sống trong điều kiện tốt. Từ lúc Đức Phật xuất hiện nơi đây, những người thuộc tôn giáo khác, mà trong kinh tạm thời gọi là “nhóm theo tôn giáo khác”, mất hết quần chúng. Họ không được quần chúng tôn kính nữa. Do đó họ không nhận được sự cúng dường nhiều như trước đây. Một hôm nọ các vị thầy này nói với nhau:

    “Hiện nay Đức Phật và môn đệ của Ngài được quần chúng kính trọng. Họ được cúng dường những vật dụng cần thiết mà chúng ta thì rất nghèo”.

    Bởi vậy họ nói với Susima, thầy của họ, đến gặp Đức Phật để học Giáo Pháp rồi về dạy lại cho họ, lúc đó họ cũng có thể dạy được Giáo Pháp cho quần chúng, sẽ được quần chúng tôn kính và cúng dường đầy đủ. Với ý hướng đó, Susima đến gặp Đức Phật. Trước tiên, Susima gặp Đại Đức Ānanda. Bất kỳ người nào muốn gặp Đức Phật thì trước tiên phải gặp Ānanda. Susima nói với Ngài Ānanda, xin được xuất gia. Ngài Ānanda dẫn Susima đến gặp Đức Phật, vì Ngài nghĩ rằng:

    “Mình không biết người này vì lý do gì mà đến đây. Đức Phật thì biết tâm mọi người. Như vậy, để cho Đức Phật quyết định là nên cho ông ta xuất gia hay không?”.

    Khi Ānanda đưa Susima đến gặp Đức Phật, Đức Phật cho Susima xuất gia. Như vậy, Susima được xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Phật. Lúc bấy giờ có nhiều vị Sư tuyên bố trước Đức Phật là họ đã đắc quả A La Hán. Những vị Sư này đã nhận đề mục hành thiền từ Đức Phật và đi đến nơi nào đó để hành thiền. Sau khi hành thiền trở thành A La Hán những vị này trở về chùa và thông báo việc đắc quả của họ cho Đức Phật biết. Susima nghe họ tuyên bố họ đắc quả trước sự hiện diện của Đức Phật, ông ta nghĩ rằng:

    “Những người tuyên bố đã đắc quả A La Hán trước Đức Phật, chắc họ cũng đắc thiền và thần thông, nhất là thần thông”.

    Susima đến gặp các vị Sư này và hỏi các Ngài:

    “Phải chăng đại đức tuyên bố đắc quả A La Hán trước mặt Đức Phật?”

    Các vị này trả lời: “Phải”.

    Susima hỏi:

    " Sư có đắc " biến hoá thông" ( Iddhividha) không ?"

    Các vị Sư trả lời: “Không”

    Iddhividha là một loại thần thông, người có thần thông Iddhividha có thể bay trong hư không, có thể chun xuống đất (thăng thiên độn thổ) và có thể thực hiện nhiều cách kỳ lạ.

    Khi Susima hỏi các vị ấy có đắc thần thông Iddhividha không thì họ trả lời là không.

    Susima hỏi:

    “Đại đức có đắc Thiên nhĩ thông "(Dibbasota) không ?”

    Thiên nhĩ thông là loại thần thông có thể nghe tiếng xa ngàn dặm hoặc là những tiếng rất nhỏ mà người thường không nghe được.

    Được hỏi như thế, các vị cũng trả lời: “Không”.

    Susima hỏi các Ngài:

    “Đại đức có Tha tâm thông (Ceto Pariya) không?”

    “Ceto - Pariya” là loại thần thông có thể đọc tâm của người khác.

    Các Ngài cũng trả lời: “Không”.

    Susima hỏi các Ngài:

    " Các Ngài có Túc Mạng Thông ( Pubbeni) không ?"

    “Pubbeni” là loại thần thông có thể nhớ được kiếp trước.

    Các Ngài trả lời: “Không”.

    Susima lại hỏi các Ngài:

    “Các Ngài có Thiên Nhãn Thông (Dibb Cakkhu) không ?"

    “Dibb Cakkhu” là loại thần thông có thể thấy xa ngàn dặm, thấy vật nhỏ mà người thường không thấy được, hoặc thấy chúng sinh chết từ nơi này được tái sinh vào nơi khác.

    Các Ngài cũng trả lời: “Không”.

    Để diễn tả các loại thần thông này thì phải mất hết ba phần tư bài kinh, đó là lý do tại sao bản kinh này dài tám trang.

    Tóm lại, thì Susima đã hỏi:

    “Các Ngài A La Hán có đắc các loại thần thông hay không?”

    Ở đây có năm loại thần thông được nói đến. Các Ngài đều trả lời là “không”.

    Khi các Ngài nói “không” về các loại thần thông. Susima nói:

    “Các đại đức đã tuyên bố trước mặt Phật là các vị đã đắc quả A La Hán, rồi các đại đức cũng nói rằng mình không có đắc các loại thần thông này nghĩa là sao?”.

    Qua câu hỏi này chúng ta hiểu Susima nghĩ rằng:

    “Người nào đắc quả A La Hán thì phải đắc các loại thần thông”.

    Ngay cả thời bây giờ cũng có nhiều người hiểu như Susima. Họ nghĩ rằng ai đắc quả A La Hán cũng có thể bay lên hư không và có các loại thần thông. Không phải vậy. Một người có thể đắc quả A La Hán nhưng có thể không có các loại thần thông này.

    Các Ngài A La Hán đã trả lời Susima như thế nào?

    Các Ngài chỉ nói: “Susima hiền hữu, chúng tôi giải thóat về trí tuệ thôi”.

    Susima nói với các Ngài: “Con không hiểu những gì các Ngài nói, xin các Ngài giải thích thêm”.

    Các Ngài A La Hán trả lời:

    “Dù cho hiền hữu có biết hay không biết, nhưng chúng tôi giải thóat nhờ trí tuệ thôi”.

    Các Ngài lập lại câu nói ấy rất ngắn và súc tích, các Ngài không nói dài và giải thích chi tiết. Đối với Susima, câu trả lời như vậy giống như một câu đố. Các Ngài không nói nhiều, chỉ nói ngắn gọn nên Susima không hiểu, tôi hy vọng rằng các bạn hiểu. Bởi vì Susima không hiểu câu trả lời của các Ngài A La Hán nên Susima bèn đến gặp Đức Phật. Susima kể lại cho Đức Phật nghe cuộc đối thoại của ông ta với các ngài A La Hán, và xin Đức Phật giải thích chi tiết cho ông ta. Các bạn nghe thử Đức Phật trả lời cho Susima như thế nào? Câu trả lời của Đức Phật cũng rất ngắn, cũng giống như một câu đố vậy. Đức Phật nói: “Trước tiên là có sự hiểu biết về nguyên nhân, có nghĩa là trước tiên có vipassanā, sau đó là có tuệ giác về Niết Bàn”.

    Đức Phật chỉ nói vậy. Susima hoàn toàn không hiểu gì cả nên ông yêu cầu Đức Phật giảng giải. Đức Phật cũng chỉ nói:

    “Dầu con có hiểu hay không hiểu, thì vẫn có vipassanā trước và đạt đạo quả hay chứng ngộ Niết Bàn sau”.

    THUẦN MINH SÁT

    Đức Phật cũng chỉ nói như vậy khiến cho tôi nhớ đến những người hành thiền zen. Những người hành thiền zen thường rất thích nói đến những câu đố hay những câu khiến người ta khó hiểu, khó trả lời. Khi bạn hỏi một câu gì, họ không trả lời thẳng cho bạn, họ sẽ nói một câu chuyện khác. Bạn phải nghĩ về chuyện đó nhiều lần, bạn phải bỏ ra nhiều thì giờ về câu nói của họ. Sau đó bạn đến gặp thầy và nói cho thầy biết bạn thấy thế nào về câu trả lời, rồi vị thầy sẽ nói: “không, sai rồi”. Đức Phật đã trả lời ngắn gọn ở đây nhưng tôi nghĩ Susima là một người thông minh và ông ta đã tích tụ nhiều Pāramī nên ông ta hiểu. Khi Đức Phật nói:

    “Trước tiên là có sự hiểu biết về Vipassanā rồi sau đó là giác ngộ tứ thánh đế”.

    Có thể Susima hiểu Đức Phật nói:

    “Các vị ấy trở thành A La Hán vì các vị ấy đã hành Thiền Minh Sát chứ không phải là nhờ hành Thiền Định (Samatha), bởi thế các vị ấy không đắc thần thông”.

    Đức Phật biết Susima là người thông minh, đồng thời Đức Phật cũng muốn Susima trở thành A La Hán nên Ngài dạy cho Susima về lý thuyết vô ngã. Đức Phật hỏi Susima:

    “Con nghĩ thế nào về vật chất; vật chất là thường còn hay vô thường”.

    Susima trả lời: “Bạch Ngài vật chất là vô thường”.

    Đức Phật nói tiếp: “Như vậy thì vật chất khổ hay vui ?”

    Susima trả lời: “Bạch Ngài, vật chất là khổ”.

    Đức Phật nói tiếp:

    “Cái gì vô thường và khổ thì nó có tuân theo ý muốn của con không ?”.

    Susima trả lời: “Bạch Ngài, không”.

    Trong kinh Vô Ngã Tướng (Anatta), Đức Phật cũng hỏi những câu hỏi tương tự về vật chất, thọ, tưởng, hành, thức như vậy.

    Sau khi Đức Phật hỏi, và Susima trả lời xong các câu hỏi về ngũ uẩn... có vô thường hay không v.v... Susima giác ngộ đạo quả A La Hán. Susima trở thành A La Hán vào đoạn cuối của câu hỏi. Như vậy Susima trở thành A La Hán sau khi đã trả lời những câu hỏi và nghe những lời giảng về vô ngã “anatta”, những lời dạy vô ngã ở đây không những chứa đựng lời dạy về vô thường, khổ, mà còn dạy về sự thực hành Thiền Minh Sát nữa.

    Đức Phật dạy:

    “Khi các con thấy vô thường, khổ, và vô ngã thì các con sẽ không còn dính mắc vào vật chất và tâm v.v... sẽ dẫn đến đạo quả A La Hán”.

    Trong khi nghe lời giảng dạy này, Susima phải từng lúc hành Thiền Minh Sát. Susima đã đạt được tất cả các tuệ giác của Thiền Minh Sát và cuối cùng đạt được tầng mức cao nhất của sự giác ngộ, trở thành một vị A La Hán. Ngài đã trở thành một vị A La Hán mà không đạt các tầng thiền hay thần thông trước. Susima hoàn toàn là “Người Hành Thiền Minh Sát Khô”. Đức Phật muốn minh chứng rằng Susima là “người thực hành Thiền Minh Sát Khô”. Sau đó, Đức Phật hỏi thêm một số câu hỏi về “Lý Duyên Sinh”.

    Theo chiều thuận Đức Phật hỏi:

    “Con có thấy rằng già và chết duyên bởi sinh không ?”

    Susima đã trở thành một vị A La Hán nên Ngài trả lời một cách rõ ràng:

    “Dạ thấy”.

    “Con có thấy rằng Sinh duyên bởi Hữu không ?”.

    Susima trả lời:

    “Dạ thấy”.

    “Con có thấy rằng Hữu duyên bởi Thủ không ?”

    “Con có thấy rằng Thủ duyên bởi Tham Ái không ?”...

    Đức Phật tiếp tục hỏi như vậy cho đến giai đoạn khởi đầu. Đức Phật đã hỏi câu hỏi theo chiều thuận, sau đó Đức Phật lại hỏi theo lối phủ định về thuyết duyên sinh.

    “Con có thấy rằng do Sinh chấm dứt mà Già và Chết chấm dứt không ?”

    Susima trả lời:

    “Dạ thấy, bạch Đức Thế Tôn”.

    Đức Phật hỏi:

    “Con có thấy sự chấm dứt của Hữu đưa đến chấm dứt của Sinh không ?”.

    Susima trả lời:

    “ Dạ thấy”.

    “Con có thấy sự chấm dứt của Thủ đưa đến sự chấm dứt của Hữu không ?”

    “Con có thấy sự chấm dứt của Hữu đưa đến sự chấm dứt của Ái không ?”

    Susima bây giờ đã hiểu rõ Lý Duyên Sinh hay Thập Nhị Nhân Duyên. Sự hiểu biết của Susima là do chính mình, không phải từ học hỏi, nghe, có nghĩa là không phải biết Lý Duyên Sinh do nghe, do đọc sách mà do xuyên thấu vào trong Lý Duyên Sinh. Đức Phật hỏi tiếp:

    “Phải chăng nhờ có thần thông mà con hiểu biết Lý Duyên Sinh tốt đẹp chăng ?”

    “Bạch Ngài không”.

    “Con có Thiên Nhãn Thông không ?”

    “Bạch Ngài không”

    “Con có Tha Tâm Thông không ?”

    “Bạch Ngài không”

    “Con có thể biết được kiếp trước không ?”

    “Bạch Ngài không”

    “Con có khả năng thấy xa ngàn dặm không ?"

    “Bạch Ngài không”

    “Con có thấy kẻ chết từ nơi này và tái sinh vào nơi khác không ?”

    “Bạch Ngài không”.

    Bởi vì Susima chưa bao giờ hành thiền Jhāna nên chẳng đạt được các tầng thiền, bởi vậy không thể đắc thần thông. Do đó Susima trả lời “không” trong các câu hỏi của Đức Phật. Cuối cùng Đức Phật hỏi Susima câu hỏi mà ông đã hỏi các vị Sư khác trước đây:

    “Con nói rằng con biết rất rõ về lý duyên sinh, nhưng tại sao con không có thần thông”.

    Được hỏi như vậy Susima không trả lời. Nhưng tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ Susima hiểu rằng những Nhà Sư này đã giải thóat nhờ Vipassana đơn thuần mà không phải nhờ vào các tầng thiền. Susima im lặng không trả lời mà lại xin Đức Phật tha thứ cho mình. Susima nói:

    “Bạch đức thế tôn, xin Ngài tha lỗi cho con. Con đã phạm tội lỗi, con đến với Ngài là để ăn cắp Giáo Pháp”.

    Đó là chữ Susima đã tự dùng cho chính mình:

    “Kẻ ăn cắp Giáo Pháp”.

    “Con đến để ăn cắp Giáo Pháp từ Ngài. Con đã làm điều sai lầm. Xin Ngài hoan hỉ tha thứ lỗi lầm của con”.

    “Như Lai tha thứ cho con. Con có sai lầm mà thấy được sai lầm của mình, biết sửa đổi cho tốt đẹp, con đã biết hối lỗi và xin tha thứ”

    Trong Giáo Pháp của Đức Phật người đã thấy lỗi mình và sửa chữa lại sai lầm của mình, tránh không làm lại điều đó nữa, đó là kẻ tiến bộ. Đó là câu căn bản mà Đức Phật và những vị khác thường nói khi có ai đến xin lỗi.

    “Trong Giáo Pháp của ta quan niệm rằng: Một người thấy lỗi lầm của mình, biết xin lỗi và nguyện sẽ ngăn ngừa điều đó trong tương lai, thì đáng được tha thứ”.

    Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Susima. Trước tiên đến để ăn cắp Giáo Pháp từ Đức Phật. Rồi ông gặt hái được Giáo Pháp và trở hành một vị A La Hán. Trong bài kinh này chúng ta biết rằng Susima trở thành một vị A La Hán mà không cần đắc thần thông trước. Nếu ông không đắc các tầng thiền chỉ thì không thể nào đắc thần thông. Không phải chỉ có Susima mà những vị A La Hán khác trong bản kinh này đã đắc quả mà không qua đắc Thiền Định trước. Họ là những “người hành Thiền Minh Sát Khô” hay “thuần minh sát”. Khi những vị A La Hán nói rằng họ giải thóat chỉ nhờ một mình trí tuệ thôi, có nghĩa là những vị đó đã giải thóat chỉ nhờ có Thiền Minh Sát thôi chứ không dựa vào các tầng Thiền Định.

    HIỂU BIẾT VỀ NIẾT BÀN 

    Trong câu hỏi của Đức Phật đối với Susima, tiếng Pāli chỉ dùng có một chữ, nhưng trong tiếng Việt thì có nhiều chữ: Chữ đầu là “Hiểu biết về nguyên nhân”, chữ thứ hai là “hiểu biết về Niết Bàn”. Chú giải đã giải thích “sự hiểu biết về nguyên nhân” có nghĩa là các tuệ giác minh sát. Bởi vì khi hành Thiền Minh Sát, thiền sinh sẽ thấy nguyên nhân của sự vật, thấy được điều kiện hay nhân quả của vật chất và tâm. Như vậy, “hiểu biết Thiền Minh Sát” đến trước “hiểu biết Niết Bàn”, có nghĩa là hiểu biết về đạo khởi sinh vào lúc cuối của việc hành Thiền Minh Sát. Khi hành Thiền Minh Sát, và khi các tuệ minh sát chín muồi, thiền sinh sẽ đạt những tầng mức ngày càng cao hơn. Vào tầng mức cuối của Thiền Minh Sát là đạo tâm. Đạo tâm đi kèm với trí tuệ lấy Niết Bàn làm đối tượng. Đạo tuệ này gọi là “tuệ giác về Niết Bàn” hay “hiểu biết về Niết Bàn”.

    Câu “Tuệ giác về Niết Bàn hay giác ngộ đạo quả đến sau” có nghĩa là đạo quả khởi sinh sau. Như vậy, có hai loại tuệ giác. Trước tiên là tuệ minh sát, thứ đến là đạo tuệ. Chú giải đã giải thích tại sao Đức Phật nói:

    “Dầu cho con có biết hay không biết”.

    Câu nói này cho thấy rằng sự khởi sinh trí tuệ không cần có Thiền Định, có nghĩa là đạo và quả không đến từ kết quả của Thiền Định hay các tầng Thiền Định. Đạo và quả khởi sinh là kết quả của Thiền Minh Sát. Khi các Ngài A La Hán nói rằng các Ngài đã giải thóat chỉ nhờ tuệ giác mà thôi là các Ngài muốn nói rằng các Ngài đạt đạo giải thóat nhờ Thiền Minh Sát mà không dựa vào các tầng Thiền Định hay thần thông. Lời chú giải còn giải thích tại sao Đức Phật hỏi Susima cùng câu hỏi mà Susima đã hỏi những vị A La Hán khác. Câu trả lời là Đức Phật muốn dẫn chứng rõ ràng rằng những vị Sư đó đã đắc quả mà không nhờ các tầng Thiền Định. Các Ngài A La Hán đó là những người hành Thiền Minh Sát khô hay chỉ thuần hành Thiền Minh Sát. Đức Phật muốn nói với Susima là không phải chỉ có mình con mới là người đã đắc quả nhờ Thiền Minh Sát không qua Thiền Định mà những vị A La Hán khác cũng đã đắc quả nhờ Thiền Minh Sát không qua Thiền Định. Để nêu bật sự kiện này nên Đức Phật hỏi Susima cùng câu hỏi mà Susima đã hỏi các vị A La Hán.

    KẾT LUẬN 

    Tôi thuyết bài pháp này vì trong bài pháp này chúng ta tìm thấy các vị A La Hán không đắc các tầng Thiền Định hay thần thông trước. Nói cách khác, các vị này là “những người hành Thiền Minh Sát Khô.” Đây là điều quan trọng trong bài kinh này mà chúng ta phải nhớ.

    Có người không chấp nhận chú giải là một văn bản có thẩm quyền. Đối với họ, kinh mới có thẩm quyền. Đối với những người này, chúng ta thuyết phục họ bằng bài kinh Susima, đồng thời chúng ta cũng cho họ thấy chú giải có nhiều chỗ nói đến “hành Thiền Minh Sát Khô”. Đây là bài kinh nằm trong kinh tạng chứ không phải chú giải. Một số người nói rằng: “Tôi phải thấy điều này trong bản kinh chính. Tôi không thể chấp nhận những gì trong chú giải.” Vậy ta có thể chỉ cho họ biết những bài pháp thuộc kinh tạng chính trong đó nói đến những vị A La Hán đắc quả mà không cần qua Thiền Định trước. Các Ngài là những người thực hành Thiền Minh Sát Khô.

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.