Suttantabhājanīyaṃ: Phân tích theo kinh

Suttantabhājanīyaṃ: Phân tích theo kinh

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ - THERAVĀDA
    ABHIDHAMMAPIṬAKA - TẠNG DIỆU PHÁP

    VIBHAṄGA
    BỘ PHÂN TÍCH

    Dịch giả:
    Ðại Trưởng Lão Tịnh Sự
    Santakicca Mahā Thera

     

    PHÂN TÍCH THEO KINH (SUTTANTABHĀJANĪYAṂ)

    [255] HÀNH có do duyên vô minh, thức có do duyên hành, danh sắc có do duyên thức, lục nhập có do duyên danh sắc, xúc có do duyên lục nhập, thọ có do duyên xúc, ái có do duyên thọ, thủ có do duyên ái, hữu có do duyên thủ, sanh có do duyên hữu, lão tử sầu bi khổ ưu ai có do duyên sanh; như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn nầy.

    [256] Ở ÐÂY, VÔ MINH [1] LÀ THẾ NÀO?

    Sự không hiểu về khổ, sự không hiểu về khổ tập, sự không hiểu về khổ diệt, sự không hiểu về khổ diệt hành lộ. Ðây gọi là vô minh.

    [257] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HÀNH[2] DO DUYÊN VÔ MINH?

    Tức là phúc hành, phi phúc hành, bất động hành, thân hành, khẩu hành, ý hành.

    Ở ÐÂY, PHÚC HÀNH[3] LÀ THẾ NÀO?

    Tư thiện dục giới, sắc giới tạo bố thí thành, trì giới thành, tu tiến thành. Ðây gọi là phúc hành.

    Ở ÐÂY, PHI PHÚC HÀNH[4] LÀ THẾ NÀO?

    Tư bất thiện dục giới, đây gọi là phi phúc hành.

    Ở ÐÂY, BẤT ÐỘNG HÀNH[5] LÀ THẾ NÀO?

    Tư thiện vô sắc giới. Ðây gọi là bất động hành.

    Ở ÐÂY, THÂN HÀNH[6] LÀ THẾ NÀO?

    Thân cố quyết là thân hành, khẩu cố quyết là khẩu hành[7], ý cố quyết là tâm hành[8].

    Ðây gọi là hành do duyên vô minh.

    [258] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THỨC[9] DO DUYÊN HÀNH?

    Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Ðây gọi là thức do duyên hành.

    [259] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ DANH SẮC[10] DO DUYÊN THỨC?

    Có danh, có sắc.

    Ở ÐÂY, DANH[11] LÀ THẾ NÀO?

    Tức thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý. Ðây gọi là danh.

    Ở ÐÂY, SẮC[12] LÀ THẾ NÀO?

    Tức bốn đại hiển và sắc nương bốn đại hiển. Ðây gọi là sắc.

    Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc do duyên thức.

    [260] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LỤC NHẬP[13] DO DUYÊN DANH SẮC?

    Tức nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ  xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Ðây gọi là lục nhập do duyên danh sắc.

    [261] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ XÚC[14] DO DUYÊN LỤC NHẬP?

    Tức nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ  xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Ðây gọi là xúc do duyên lục nhập.

    [262] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THỌ[15] DO DUYÊN XÚC?

    Tức thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh từ nhĩ xúc, thọ sanh từ tỷ  xúc, thọ sanh từ thiệt xúc, thọ sanh từ thân xúc, thọ sanh từ ý xúc. Ðây gọi là thọ do duyên xúc.

    [263] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ ÁI[16] DO DUYÊN THỌ?

    Tức sắc ái, thinh ái, khí ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Ðây gọi là ái do duyên thọ.

    [264] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ THỦ[17] DO DUYÊN ÁI?

    Tức là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ. Ðây gọi là thủ do duyên ái.

    [265] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ HỮU[18] DO DUYÊN THỦ?

    Hữu phân theo hai loại: có nghiệp hữu, có sanh hữu.

    Ở ÐÂY, NGHIỆP HỮU[19] LÀ THẾ NÀO?

    Tức phúc hành, phi phúc hành, bất động hành. Ðây gọi là nghiệp hữu. Tất cả nghiệp đưa đến hữu là nghiệp hữu.

    Ở ÐÂY, SANH HỮU[20] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, tưởng hữu, vô tưởng hữu, phi tưởng phi phi tưởng xứ hữu, nhất uẩn hữu, tứ uẩn hữu, ngũ uẩn hữu. Ðây gọi là sanh hữu. Nghiệp hữu nầy là như thế, sanh hữu nầy là như thế, đây gọi là hữu do duyên thủ.

    [266] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ SANH[21] DO DUYÊN HỮU?

    Ðối với mỗi chúng sanh, có sự kiện sanh ra, sanh khởi, hiện ra, phát ra từ thân hữu tình ấy, hiện khởi các uẩn, thành tựu các xứ. Ðây gọi là sanh do duyên hữu.

    [267] Ở ÐÂY, THẾ NÀO LÀ LÃO TỬ[22] DO DUYÊN SANH?

    Có lão, có tử.

    Ở ÐÂY, LÃO[23] LÀ THẾ NÀO?

    Ðối với mỗi chúng sanh, có sự kiện cũ kỹ, già nua, răng long, tóc bạc, da nhăn, giảm thọ, chín mùi các căn trong thân hữu tình ấy. Ðây gọi là già.

    Ở ÐÂY, TỬ[24] LÀ THẾ NÀO?

    Ðối với mỗi chúng sanh, từ thân hữu tình ấy có sự chuyển biến, đổi đời hư hoại, tiêu mất, chết, tán vong, quá vãng, tan rã ngũ uẩn, bỏ xác, dứt mạng quyền. Ðây gọi là tử. Lão nầy là như thế, tử nầy là như thế. Ðây gọi là lão tử.

    [268] Ở ÐÂY, SẦU[25] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là sự sầu muộn, sự buồn rầu, thái độ buồn rầu, buồn bực trong lòng, não ruột trong lòng, nội tâm nóng bỏng, ưu tư, bị tên sầu khi gặp nỗi khổ nào đó, khi xẩy đến điều suy vong nào đó như gặp sự suy vong thân quyến, hoặc gặp sự suy vong tài sản, hoặc gặp sự suy vong bệnh tật, hoặc gặp sự suy vong giới hạnh, hay gặp sự suy vong tri kiến. Ðây gọi là sầu.

    [269] Ở ÐÂY, BI[26] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là sự khóc lóc, khóc kể, khóc than, la khóc, thái độ khóc, thái độ than, thái độ la khóc, sự phát ngôn, kể lễ, kêu gào, thút thít, than oán, thái độ than oán, khi gặp nỗi khổ nào đó, khi xẩy đến điều suy vong thân quyến, hoặc gặp suy vong tài sản, hoặc gặp suy vong tật bệnh, hoặc gặp suy vong giới hạnh, hay gặp suy vong tri kiến. Ðây gọi là bi.

    [270] Ở ÐÂY, KHỔ[27] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là sự bất an thuộc về thân, sự đau đớn thuộc về thân, tình trạng cảm thọ bất an đau đớn sanh từ thân xúc, sự cảm giác bất an đau đớn sanh từ thân xúc. Ðây gọi là khổ.

    [271] Ở ÐÂY, ƯU[28] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là sự bất an thuộc về tâm, sự đau đớn thuộc về tâm, tình trạng cảm thọ bất an đau đớn sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an đau đớn sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

    [272] Ở ÐÂY, AI[29] LÀ THẾ NÀO?

    Tức là sự ai bi, thái độ ai bi, sự ai oán, thái độ ai oán khi gặp nỗi khổ nào đó, khi xẩy đến điều suy vong nào đó, như gặp suy vong thân quyến, hoặc gặp suy vong tài sản, hoặc gặp suy vong bệnh tật, hoặc suy vong giới hạnh, hay gặp suy vong tri kiến. Ðây gọi là ai.

    [273] NÓI RẰNG: "NHƯ VẬY LÀ SỰ TẬP KHỞI[30] CỦA TOÀN BỘ KHỔ UẨN NẦY", tức là sự tập trung, sự tựu trung, sự họp chung, sự hiện hành của toàn bộ khổ uẩn nầy có như vậy. Bởi lẽ ấy nên được nói: "NHƯ VẬY LÀ SỰ TẬP KHỞI CỦA TOÀN BỘ KHỔ UẨN NẦY".

    DỨT PHẦN PHÂN THEO KINH

    -oo0oo-

    [1] Avijjā.

    [2] Saṅkhāra.

    [3] Puññābhisaṅkhāra.

    [4] Āpuññābhisaṅkhāra.

    [5] Aneñjābhisaṅkhāra.

    [6] Kāyasaṅkhāra.

    [7] Vacīsaṅkhāra.

    [8] Manosaṅkhāra.

    [9] Viññāna.

    [10] Nāmarūpa.

    [11] Nāma.

    [12] Rūpa.

    [13] Salāyatana.

    [14] Phassa.

    [15] Vedanā.

    [16] Tanhā.

    [17] Upādāna.

    [18] Bhāva.

    [19] Kammabhava.

    [20] Upapattibhava.

    [21] Jāti.

    [22] Jarāmaraṇa.

    [23] Jarā.

    [24] Marana.

    [25] Soka.

    [26] Parideva.

    [27] Dukkha.

    [28] Domanassa.

    [29] Upāyāsa.

    [30] Samudaya.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.