PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
PHÉP CHÁNH ĐỊNH
SƯU TẬP PHÁP
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
SƯU TẬP PHÁP - PAKIṆṆAKADHAMMA
GIẢI VỀ TÂM DƠ ĐỤC VÀ TRONG SẠCH
Yathodake āvile appasanne, na passati sippikasambukañca, sakkharaṃ vālukaṃ macchagumbaṃ, evaṃ āvilamhi citte, na so passati attadaṭṭhaṃ paratthaṃ yathodake acche vippasanne, so passati sippikasambukañca, sakkharaṃ vālukaṃ macchagumbaṃ, evaṃ anāvilamhi citte, so passati attadaṭṭhaṃ paraṭṭhaṃ.
Nghĩa là: Người hằng không xem thấy sò, hến, ốc, sỏi, cát và bầy cá trong nước đục thế nào, người cũng không xem thấy sự lợi ích của mình và của kẻ khác, khi tâm dơ đục như thế ấy. Người hằng xem thấy sò, hến, ốc, sỏi, cát và bầy cá trong nước trong thế nào, người cũng thấy sự lợi ích của mình và của kẻ khác, khi tâm không bợn dơ như thế ấy”.
Giải rằng: Nước đục thường ngăn trở không cho thấy vật trong nước thế nào, tâm mờ tối cũng che áng làm cho không thấy điều lợi ích của mình và của kẻ khác như thế đó. Các vật dơ bẩn làm cho nước trở nên đục có nhiều thứ thế nào, tâm hằng bị nhiều duyên cớ làm cho mờ ám, cũng như thế ấy. Nếu nói về điều trọng yếu thì nguyên do làm cho tâm dơ đục là: 5 pháp cái (nīvaraṇadhamma), 16 tùy phiền não (upakilesa), 9 ô trược (mandila).
Khi một trong các pháp trên đây phát sanh đến người nào, thì tâm người đó phải mờ tối. Cho nên, đức Phật thường khuyến hóa các tỳ khưu cần xem xét cái tâm mình rằng: “Có pháp nhơ nhớp nào ở trong tâm ta chăng?” Nếu có, phải mau dứt trừ, rồi Ngài dạy tìm phương pháp để ngăn ngừa không cho nó sanh lên nữa. Bằng xét rồi mà không thấy nó, thì phải quán tưởng đề mục thiền định hoặc hành phép minh sát(41). Nhân đó, hành giả muốn cho tâm không mờ tối, nên thu thúc đừng cho 5 nīvaraṇadhamma, 16 upakilesa và 9 madila phát khởi trong tâm. Vì khi các ác pháp ấy dấy lên rồi, thì tâm phải dơ đục, làm cho trí tuệ không mở mang được. Mà thiếu trí tuệ thì suy tính điều chi cũng không chơn chánh, làm công việc chi cũng không sao thành tựu được mỹ mãn.
Xin diễn tích sau đây để làm bằng: Thuở Phật còn hiện diện, ngự tại kinh đô Savaṭṭhi, có một thiếu niên thuộc dòng Bà-la-môn học suốt thông trayaveda(42), làm thầy dạy các vị hoàng tử và con của các Bà-la-môn. Sau rồi, vị thanh niên Ācārya đó lớn lên, có nhà cửa, vườn đất, tôi trai tớ gái, có vợ đẹp con xinh, sắm các vật trang sức, các món ăn thức uống sang trọng sung túc. Chàng ta bị sa vào bẫy tình dục, sân hận, si mê, là, cho tâm mờ ám không còn tu tập được nữa, phù phép không còn linh nghiệm như xưa. Ngày nọ chàng đem hương hoa đến Kỳ Viên tịnh xá để yết kiến Phật. Đảnh lễ Phật xong rồi, ngồi tại chỗ nên ngồi. Đức Phật bèn hỏi rằng: “Này người thanh niên, phù phép của người còn linh nghiệm chăng?”‒ “Bạch Ngài, lúc trước phù phép của tôi có hiệu lực lắm, song từ khi có gia đình, tâm tôi mờ tối, cho nên phù phép ấy không còn linh ứng nữa”. Phật thuyết rằng: Chẳng phải có lần này đâu, trong kiếp trước kia cũng vậy, khi ngươi có tâm nhơ đục thì phù phép ấy cũng hết linh. Phật bèn giảng tiếp rằng:
“Thuở đức vua Brahmadatta trị vì trong kinh đô Bārānasi, đức Bồ tát sanh làm con nhà hào phú. Khi lớn lên, đi du học nơi xứ Takkasilā, được thành tài, trở về làm vị đại sư, dạy các hoàng tử và con cái dòng Bà-la-môn trong thành Bārānasi. Trong hàng môn đệ của đức Bồ tát, có một chàng thiếu niên học suốt thông Trayaveda do ngài dạy dỗ và được nhiều người ca tụng ngợi khen. Lúc lớn lên, chàng ta có gia đình, sự sản và để tâm chăm nom săn sóc, nên phù phép đều tiêu hủy. Người thanh niên đó đến bạch cho vị đại sư rõ đầu đuôi tự sự. Đức Bồ tát bèn thuyết rằng: “Này người thanh niên, khi tâm dơ đục, dầu cho phép phù linh nghiệm đến đâu, cũng phải hư hoại. Nếu tâm không mờ tối, phù phép mới ứng nghiệm được”. Lẽ đó, nên nhớ rằng: “khi tâm ám muội, thì sự suy nghĩ cũng tối”. Cho nên, nếu đã diệt được nguyên nhân làm đạo tâm mờ đục rồi thì cần tìm cách làm cho nó trở nên trong sạch do sự hành theo các pháp đã giải.
16 TÙY PHIỀN NÃO (UPAKILESA)
Tiếng upakilesa nói về cảnh giới xấu xa vào nhuốm cái tâm cho nhơ nhớp như tro bụi dính y trắng vậy.
1) Abhījjhavisamalobha - xan tham không lựa chọn: là chú tâm dòm ngó mong mỏi được của kẻ khác về làm của mình, không lựa chọn vật tốt xấu, quý hèn, không sợ tội lỗi, miễn là được rồi dính mắc trong vật đó, không dám bỏ ra bố thí.
2) Dosa - nóng giận: là khi giận rồi nóng nảy, tỏ dáng ra bề ngoài, mong làm hại kẻ khác. Phiền não này khi đã phát sanh trong tâm người nào rồi, khiến cho người ấy làm các điều tội lỗi không hề sợ sệt.
3) Kodha - ngầm giận: là giận ngầm làm cho tâm khó chịu bực bội, tối tăm.
4) Upanāha - cố oán: là giận để trong lòng, chờ dịp trả thù, làm hại kẻ khác cho được.
5) Makkha - quên ơn người: là đã có thọ ơn kẻ khác rồi không tưởng nhớ đến. Người quên ơn là hạng xấu xa nhơ nhớp, là người bạc nghĩa, làm cho kẻ khác không còn thương xót, cứu giúp mình nữa được. Với người quên ơn thì ít ai muốn thi ân cho nữa. Vì lẽ đó, mình phải là người nhớ ơn, biết ơn, chẳng nên là kẻ bạc nghĩa.
6) Palāsa - tự cao: là đem mình lên so sánh với kẻ khác rằng: “Ta hay, giỏi hơn hoặc bằng họ. Họ cũng là người, ta cũng là người. Họ làm được ta cũng làm được. Họ biết cái chi, ta cũng biết như họ, hoặc biết hơn họ nữa”. Phiền não này làm cho người không rõ biết cao thấp, không biết tôn trọng bực trưởng thượng hoặc có đạo đức hơn mình, là các nhân khiến cho kẻ khác ghét bỏ.
7) Issā - ganh ghét: là không muốn cho kẻ khác được tốt, lành. Khi thấy kẻ khác tốt thì nín thinh không được, nóng nảy khó chịu, mong tìm dịp làm cho tiêu hoại điều tốt, sự tiến hóa của người. Phiền não này là cái nhân gây ra sự ganh ghét.
8) Macchariya - bỏn sẻn, rít róng: là được vật chi, có món gì thì giữ chắc, chỉ để cho mình dùng, không đem ra bố thí, dâng cúng đến kẻ khác. Không lòng từ bi thương xót đến ai, khiến cho phần đông không ưa thích. Thân quyến và bậu bạn ít ai gần gũi mình, đó là phiền não xấu xa.
9) Māyā - giấu lỗi mình: là làm cho kẻ khác tin lầm mình và giả bộ làm cho người tưởng mình là tốt, là lành. Đó là điều xấu xa cắt đứt cái tánh lành của mình, làm cho kẻ khác hết tin cậy, vì mình là người giả dối.
10) Sāṭheyya - khoe tài: là khoe rằng mình biết rõ như thế này, như thế nọ cho kẻ khác ưa thích mình, khen ngợi mình. Đó là cái nhân khiến cho kẻ khác ghét bỏ mình, cắt đứt đường thông minh tiến hóa của mình không cho nảy sinh lên nữa được, vì sự khoe khoang của mình đó.
11) Thambha - cứng cỏi: là tánh khó dạy, dầu có người dạy bảo chơn chánh cũng chẳng nghe theo. Đó là phiền não làm cho trở ngại con đường đạo đức. Sự cứng đầu làm cho mình không chịu nghe lời phải.
12) Sārambha - tranh tài: là khi thấy kẻ khác được tốt, lành thế nào, mình không bằng họ mà mong cho được như họ, vì không xét nghĩ đến địa vị của mình, phiền não này che áng con đường đạo đức của mình. Trong điều này nên hiểu như vầy: Khi thấy kẻ khác được tốt lành rồi ráng siêng năng làm lành như họ.
13) Māna - ngã chấp: là chấp rằng mình tốt lành như vầy, như kia, có sự cố chấp trong tâm. Phiền não này làm cho mình khinh rẻ kẻ khác, khiến cho họ ghét bỏ mình, là điều ngăn cản sự thân cận hòa hảo với mọi người.
14) Atimāna - khinh rẻ kẻ khác: là thấy họ toàn là thấp hơn mình, không làm cho người thương mến mình được. Phiền não này cắt đứt tình yêu mến của mọi người, vì nguyên nhân khinh rẻ kẻ khác.
15) Mada - say mê: là quên mình, lầm lạc trong các công việc, như mê sa sự vui chơi, bỏ công ăn việc làm cho đến không thấy sự hại, mê sa vui thích mong được ngợi khen, mê sa trong sự vui quên khổ. Phiền não này đem mình đến các điều nguy hiểm, là nguyên nhân khiến cho mình sai lầm khỏi đường đạo đức.
16) Pamāda - dể duôi: là không cẩn thận, không xem xét chu đáo. Phiền não này khiến cho mình lầm lạc, hằng gặp điều nguy hiểm, vì sự dể duôi là nguyên nhân đem đến sự tiêu diệt, đúng theo Phật ngôn rằng: “Pamado maccuno padaṃ - sự dể duôi là con đường chết”.
Tất cả 16 upakilesa này toàn là pháp nhơ nhớp, mờ ám, làm cho tâm trở nên hèn hạ xấu xa, làm điều tội lỗi. Người mong mỏi điều lành việc tốt, nên cố gắng, đừng cho phát sanh trong tâm và nên diệt trừ hẳn những phiền não đã phát sanh, mới có thể được yên vui như nguyện.
Phép trừ diệt 16 upakilesa đó như vầy: 1) xan tham không lựa chọn trừ bằng phép sandosa (biết đủ); 2) nóng giận trừ bằng mettā (thương xót); 3) và 4) ngầm giận và cố oán trừ bằng karuṇā (lòng thương); 5) quên ơn trừ bằng kataññū katavedi (biết ơn và đền ơn); 6) tự cao trừ bằng apacāyana (kính nhường); 7) ganh ghét trừ bằng muditā (vui thích); 8) bỏn sẻn trừ bằng dāna pariccāga (bố thí, dứt bỏ); 9) giấu lỗi trừ bằng sacca (ngay thật); 10), 12), 13) khoe tài, tranh tài, ngã chấp trừ bằng attaññutā (biết địa vị mình); 11) cứng cỏi trừ bằng sovacassatā (dễ dạy); 14) khinh rẻ trừ bằng cāravata (tôn kính); 15) say mê trừ bằng sati (tưởng nhớ); 16) dể duôi trừ bằng appamāda (không dể duôi).
Pāli uddesa: “Pakassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakilesehi upakiliṭṭhanti”: “Này các tỳ khưu, tâm là cái trong sáng, song tâm đó phải bị dơ đục vì upakilesa nhập vào”.
Người tu hành mong được yên vui lâu dài, nên hằng xem chừng, không cho 5 pháp cái (nīvaraṇadhamma) và 16 upakilesa vào trú trong tâm. Phải trừ ngay khi các pháp đó phát sanh và cần phải có 15 pubbabhāga patipatti, thì mới chắc được khỏi sa trong 4 đường ác đạo.
TRÍCH TRONG TẠNG KINH
Lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa làm cho tâm xốn xang, nóng nảy, phá hại sự giác ngộ Niết-bàn, khó tìm pháp cao thượng được. Cớ ấy tỳ khưu nên nhớ rằng: “chúng ta cần phải dứt bỏ lễ vật và lời ngợi khen, điều đó không đè nén tâm ta được”. Các tỳ khưu nên nhớ như thế. Ví như người đánh cá, thả câu có sẵn mồi xuống vực sâu, cá thấy mồi rồi ăn câu ấy, khi cá đã nuốt câu, hẳn thật phải chịu khổ, bị người đánh cá giết hại. Người đánh cá tức là tên của Ma vương, lưỡi câu có mồi tức là lễ vật và lời ngợi khen. Như Lai gọi là tỳ khưu ăn lưỡi câu có mồi của Ma vương tất nhiên phải chịu hại.
Chó chốc mang bịnh ghẻ, lông đều rụng hết, nổi mụt có mủ khắp mình, đi ăn nơi khô ráo cũng không an, ở dưới bóng cây cũng không an, ở nơi khoảng trống cũng không an, dầu đi đến nơi nào cũng không an, nằm nơi nào cũng không an, thường bị nhiều điều tai hại khổ não trong các nơi ấy. Này, các tỳ khưu, có tỳ khưu bị lễ vật và lời ngợi khen đè nén buộc rịt tâm rồi đi đến nơi thanh vắng cũng không an, đến dưới bóng cây cũng không an, đi ngụ trong khoảng trống cũng không an, dầu trú trong nơi nào cũng hằng bị điều khổ não tai hại đến đó.
Lễ vật và lời người khen là điều xấu xa như thế. Này các tỳ khưu, Như Lai thấy hạng người bị lễ vật đè nén buộc rịt tâm sau khi chết hằng sa vào đường cầm thú, a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục. Này các tỳ khưu, lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa. Này các tỳ khưu! Lễ vật và lời ngợi khen hằng cắt đứt da ngoài rồi cắt đứt đến gân, rồi cắt đứt đến xương, rồi cắt đứt đến tủy trong xương mới thôi. Này các tỳ khưu! Lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa như vậy. Này các tỳ khưu! Các người nên nhớ như thế.
Cớ đó, các người nên ghi rằng: ta dứt bỏ lễ vật và lời ngợi khen đã phát sanh, đừng cho điều ấy đè nén tâm ta được. Này các tỳ khưu, các ngươi nên niệm như thế đó. Đề Bà Đạt Đa bị lễ vật và lời ngợi khen đè nén, mới chia rẽ tăng, rồi phải sa Đại A-tỳ địa ngục.
BA PHÉP TRI TÚC (SANDOSA)
1) “ưa thích theo vật dụng đã được” (yathālābhasandosa) là được y ca sa, thực phẩm, chỗ ở, thuốc men, tốt hoặc không tốt cũng dùng vật ấy, không mong tìm kiếm vật khác, dầu có người dâng cúng nữa cũng không thọ, hay là thọ rồi đem dâng cho vị tỳ khưu khác; 2) “ưa thích theo sức mình” (yathābalasandosa) là nếu có bịnh dùng món ăn không tiêu, nên đem đổi lấy món khác với tỳ khưu thân thiết, rồi vừa lòng trong vật ấy; 3) “ưa thích cho vừa theo” (yathāsāruppasandosa) là nếu được vật tốt quý giá, nên xét rằng: vật này vừa đến vị cao hạ có đức hạnh, bực thông hiểu, rồi dâng đến các ngài, phần mình chỉ dùng vật không tốt, hèn hạ.
Phép tri túc nếu giải rộng có 50 phép: civara có 20, piṇḍapāta có 15, cilāna có 15.
15 phép tri túc về piṇḍapāta: 1) suy nghĩ; 2) tri túc trong khi đi là khi đi khất thực chỉ phải tham thiền quán tưởng; 3) tri túc trong khi tìm kiếm là không nên đi chung với người alajjī(43); 4) tri túc trong khi đứng chờ là khi thấy thí chủ đem thực phẩm đến dâng, không nên nghĩ rằng vật ấy vừa lòng ta chăng?; 5) tri túc trong khi thọ là không nên nghĩ rằng nếu vật vừa lòng thì ta lãnh, không vừa lòng ta không lãnh; 6) tri túc trong sự tiết chế là chỉ nên thọ cho vừa đủ để nuôi sống thôi; 7) tri túc trong sự lãnh là thực phẩm nhiều hoặc ít, cũng lãnh cho vừa, cho ít lãnh ít, cho nhiều cũng lãnh cho vừa bụng mình thôi; nếu không biết tiết chế, ấy là làm cho giảm đức tin của thí chủ, sai lời của Đức Phật đã dạy, dầu là với cha mẹ mà mình thọ thái quá cũng làm cho cha mẹ mất đức tin; 8) tri túc trong sự không lựa nhà là không đi khất thực theo nhà quan, nhà giàu, nhà thường dâng cúng nhiều, phải nên đi theo từng nhà; 9) tri túc trong sự không tiết chế là nếu thực phẩm đầy bát mà có anupasampanna(44) đi theo, nên chia sớt đến họ, chỉ lấy cho vừa đủ dùng thôi, rồi mang bát về; 10) tri túc trong khi ăn là phải dùng trí tuệ quán tưởng nhiều lần cho thấy rõ thực phẩm là một nguyên chất hẳn đáng ghê gớm, khi đã tiếp xúc với thân thể hôi thúi này, ta dùng đây chỉ để ngăn ngừa sự đói hầu tu hành cho được giải thoát; 11) tri túc trong sự không cất giữ là ăn rồi không để dành ăn lại nữa; 12) tri túc trong sự chia sớt là khi đem dâng đến vị khác, không nên lựa chọn vật và tỳ khưu rồi mới đem cho; 13) tri túc trong sự ưa thích trong vật đã được; 14) tri túc trong sự ưa thích theo sức mình; 15) tri túc trong sự ưa thích cho vừa.
Ba tướng phân biệt người có tri túc: không buồn tiếc đến của đã qua (atītamnānusocanto), không nói đến vật chưa có (nappajappamanāgataṃ), nuôi mạng sống theo vật phát sanh đến trước mặt (paccuppanena yāpento).
BỐN TƯỚNG CỦA NGƯỜI KHÔNG DỂ DUÔI (APRAMADA)
1) không thù oán, bất bình (abyāpanno); 2) có trí nhớ luôn khi (sadāsato); 3) gìn giữ thiền định trong tâm (ajjhattaṃ); 4) cố gắng dứt lòng tham muốn (appajjhāvinaye sikkhaṃ).
Mười một tướng của người dể duôi trong sự tu tập điều lành: 1) không hết lòng làm; 2) không làm cho thường thường; 3) bỏ sự làm theo ý thích riêng; 4) hay thối chuyển; 5) làm gián đoạn; 6) bỏ công việc; 7) không để ý; 8) không làm cho tăng tiến; 9) không làm cho đúng đắn; 10) không cố ý làm; 11) không cố ý siêng năng.
BA NHÂN LÀM CHO HƯ THIỀN ĐỊNH
1) vì phiền não quấy rối, 2) vì hành không đúng, 3) vì không hành cho thường. Thân cận với bực thiện trí thức có 4 phước báu:
Hằng làm cho giới được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho định được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho trí tuệ được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho sự giải thoát được tăng tiến cao thượng.
BỰC MINH TUỆ CÓ 4 CHI (PAṆḌITĀ)
Biết ơn người đã làm đến mình (kataññū), làm cho mình trong sạch khỏi điều tội lỗi (attasuddhi), làm cho người được trong sạch (parāsuddhi), tiếp độ người nên tiếp độ (saṅgaha).
NĂM ĐIỀU THU THÚC TRONG LUẬT (SAṂVARAVINAYA)
Thu thúc trong giới bổn (sīlasaṃvara); thu thúc trong lục căn (satisaṃvara); thu thúc trong ái dục bằng trí tuệ (ñāṇasaṃvara); thu thúc trong kiên nhẫn là nín nhịn sự lạnh, nóng, đói, khát, đau khổ (khantīsaṃvara); thu thúc trong tinh tấn là dứt trừ 3 tà tư duy (suy nghĩ quấy trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc) (viriyasaṃvara).
5 THỨ PHỈ LẠC (PĪTI)
Da đều nổi ốc (khuddakapīti); như điển chớp thấy rõ trong mắt (khaṇikāpīni); thân thể cử động như sóng tạt vào bờ (okkantikāpīti); thân thể nhẹ nhàng bay bổng (obengāpīti); mát mẻ khắp châu thân (pharaṇāpīti).
5 PHÁP TƯỞNG LÀM CHO SỰ GIẢI THOÁT MAU ĐƯỢC TIẾN HÓA
Sự phân biện không thường (aniccasaññā); sự phân biện khổ trong vô thường (aniccadukkha saññā); sự phân biện không phải là của ta trong pháp có khổ (dukkhānattasaññā); sự phân biện trong pháp dứt bỏ (pahāna saññā); sự phân biện trong pháp xa lánh tình dục (virāga saññā).
5 PHÉP LÀM CHO SỰ GIẢI THOÁT MAU ĐƯỢC TIẾN HÓA
Có bạn lành, có giới trong sạch, nói 10 điều trong sạch(45), có tinh tấn, có trí tuệ sáng suốt.
6 ĐỨC TÁNH CỦA BẬC HƯỚNG ĐẠO
Có sự kiên nhẫn (khamā), có sự thức tỉnh thường thường (jāganiya), có sự siêng năng tinh tấn (uṭṭhāna), có sự chia sớt (saṃvibhāga), có tâm thương xót (dayā), có sự xem xét và suy nghĩ (ikkhanā).
Pháp nên nhớ thường thường (sarāṇīyadhamma): nghiệp thân bác ái (mettākāyakamma), nghiệp khẩu bác ái (mettāvacī kamma), nghiệp ý bác ái (mettāmano kamma), chia sớt lễ vật được theo phép đến người có phạm hạnh (lābha), trì giới cho trong sạch như bậc có phạm hạnh (sīla), hiểu thấy chơn chánh như bực có phạm hạnh (diṭṭhi),
6 TƯỚNG CỦA KẺ BĀLA (SI MÊ)
Mong được người ngợi khen, mong được làm đầu trong hàng tỳ khưu, mong được làm cả trong chùa, mong được thiện tín cúng dường, mong được người ưa thích việc của kẻ khác làm mà nói là của mình, mong được kẻ khác ở dưới quyền mình, trong tất cả các việc.
6 HẠNG XUẤT GIA
Xuất gia của hạng người dốt nát, xuất gia của hạng người hay giận, xuất gia của hạng người hay chơi giỡn, xuất gia của hạng người thu góp của cải, xuất gia của hạng người sống dễ nuôi, xuất gia của hạng người muốn được dứt khổ.
NÊN THÂN CẬN CÙNG BẠN CÓ ĐỦ 7 CHI
Cho những vật khó cho; làm những việc khó làm; kiên nhẫn với sự hoặc nhân khó kiên nhẫn; nói điều kín đến bạn; giấu nhẹm điều kín của bạn; không bỏ nhau trong khi có tai hại; khi bạn hết của cải không khinh rẻ.
Bạn lành có 3 chi: giám thức tỉnh trong khi bạn làm việc quấy; dám khuyên bạn làm việc lành; không bỏ bạn lúc hữu sự (cùng chia vui, buồn với bạn).
TỲ KHƯU CÓ 7 PHÉP GỌI LÀ LÀM CHO DỨT ĀSAVA(46) ĐƯỢC
Có đức tin (saddho hoti); có giới (sīlavā hoti); có sự học rộng thấy xa (bahussuto hoti); xa lánh bè bạn, tìm ngụ trong nơi thanh vắng (paṭisallino hoti); có tinh tấn (āraddhaviriyo hoti); có trí nhớ (satimā hoti); có trí tuệ (paññāvā hoti).
7 PHÁP HỘ TRỢ THIỀN ĐỊNH
Chánh kiến (sāmmādiṭṭhi); chánh ngữ (sammāvācā); chánh tư duy (sammāsaṅkappa); chánh nghiệp (sammākammanta); chánh mạng (sammā ājīva); chánh tinh tấn (sammā vāyāma); chánh niệm (sammā sati).
TỲ KHƯU CÓ 7 CHI LÀ NGƯỜI ĐÁNG BỰC PHẠM HẠNH YÊU MẾN
Không mong được lợi (nalābhakāmo); không mong được lễ vật (nasakkārakāmo); không tự cao (anavaññāttikāmo): biết hổ thẹn tội lỗi (hirimā); biết ghê sợ tội lỗi (otappī); không có tâm ganh gổ (anissukī); không có lòng bón rít (amacchari).
8 ĐIỀU VUI CỦA SA-MÔN
Không cần phải gìn giữ của cải; chỉ tìm thực phẩm vô tội; chỉ thọ thực phẩm đã chín sẵn; không có điều khó khăn về các sưu thuế; không có sự ham muốn trong vật trang sức; không sợ trộm cắp; không dính mắc với nhà nước; không có ai ngăn cấm trong bốn phương.
8 NGUYÊN NHÂN LÀM CHO PHÁT SANH PHÁP ĐỘNG TÂM (SAṂVEGAVATTHU)(47)
1) suy xét về điều khổ trong sự sanh (jātidukkha); 2) suy xét về điều khổ trong sự già yếu (jarādukkha); 3) suy xét về điều khổ trong sự đau ốm (byādhidukkha); 4) suy xét về điều khổ trong sự chết (maraṇa dukkha); 5) suy xét về điều khổ trong 4 đường dữ (apāya dukkha); 6) suy xét về điều khổ trong kiếp đã qua (atīta dukkha); 7) suy xét về điều khổ trong kiếp chưa đến (anāgata dukkha); 8) suy xét về điều khổ trong sự tìm kiếm thực phẩm (ahārapariyetthita dukkha).
8 NHÂN CỦA NGƯỜI LƯỜI BIẾNG
1) Tính rằng: ta nên nghỉ đã vì sẽ phải làm công việc, rồi ngủ; 2) Tính rằng: ta nên nghỉ cho khỏe vì mới làm xong công việc, rồi ngủ; 3) Tính rằng: ta nên nghỉ đã vì sẽ phải đi đường xa, rồi ngủ; 4) Tính rằng: ta nên nghỉ cho khỏe vì mới đến chỗ, rồi ngủ; 5) Tính rằng: ta làm việc không được vì thọ thực ít quá, rồi ngủ; 6) Tính rằng: ta nên nghỉ đã cho thực phẩm dễ tiêu hóa vì thọ thực nhiều, rồi ngủ; 7) Tính rằng: ta nên nghỉ đã vì ta mang bịnh, rồi ngủ; 8) Tính rằng: ta nên nghỉ làm việc đã vì mới được bình phục, rồi ngủ.
TÁM PHÉP NƯƠNG LẪN NHAU
1) sati sampajañño (trí nhớ, biết mình) có rồi, thì hiri ottappa (hổ thẹn, ghê sợ tội) cũng có; 2) hiri ottappa có rồi, thì indriyasaṃvara (lục căn thu thúc) cũng có; 3) indriyasaṃvara có rồi, thì sīla saṃvara (giới thu thúc) cũng có; 4) sīla saṃvara có rồi, thì sammāsamādhi (chánh định) cũng có; 5) sammāsamādhi có rồi, thì yathābhūtaññāṇadassana (sự hiểu rõ theo chân lý) cũng có; 6) yathābhūtaññāṇadassana có rồi, thì nibbidā và virāga (sự chán nản và y dục) cũng có; 7) nibbidā và virāga có rồi, thì vimuttiññāṇadassana (trí tuệ hiểu biết trong sự giải thoát) cũng có; 8) vimutti (sự giải thoát) là phép cuối cùng.
TÁM NHÂN SIÊNG NĂNG
Đức Phật có giảng rằng: Này các tỳ khưu, tỳ khưu trong giáo phép này, khi:
1) Tỳ khưu hữu sự phải làm, nên suy nghĩ rằng: “lúc làm công việc, không dễ hành đạo được. Như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy sẽ tinh tấn thêm lên.
2) Tỳ khưu đã làm công việc xong rồi, nên suy nghĩ rằng: “ta đã làm công việc xong rồi, khi đương làm, ta chẳng hành đạo được. Như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.
3) Tỳ khưu hữu sự phải đi đường, nên suy nghĩ rằng: “lúc đi đường, ta không dễ hành đạo được. Như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy, bèn tinh tấn thêm lên.
4) Khi đi đến nơi rồi, tỳ khưu nên suy nghĩ rằng: “ta đã đến nơi rồi, lúc đương đi ta không hành đạo được. Như thế, ta cần phải cố gắng tu tập hầu chứng đạo đức mà ta chưa đắc”. Tỳ khưu bèn tinh tấn thêm lên.
5) Tỳ khưu vào xóm khất thực mà không được thực phẩm hèn hoặc quý vừa đủ no, nên suy nghĩ rằng: “ta đi khất thực không vừa đủ no, thân thể ta được nhẹ nhàng, tiện bề hành đạo, như thế, ta nên cố gắng tu tập hầu chứng đạo đức mà ta chưa được”. Tỳ khưu bèn tinh tấn thêm lên.
6) Khi tỳ khưu vào xóm khất thực được thực phẩm hèn hoặc quý vừa đủ no, nên suy nghĩ rằng: “ta đã khất thực được no đủ rồi, thân thể của ta nhẹ nhàng tiện bề hành đạo, như thế, ta cần phải cố gắng tu tập hầu chứng đạo quả mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.
7) Khi có bịnh chút ít phát sanh đến tỳ khưu rồi, tỳ khưu ấy nên suy nghĩ rằng: “bịnh ít phát sanh đến ta rồi, bịnh ấy chắc nặng thêm không sai, cớ ấy ta cần phải siêng năng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.
8) Khi tỳ khưu được bình phục rồi, song mới vừa dứt bịnh, nên suy nghĩ rằng: “ta đã lành mạnh rồi, nhưng bịnh của ta ắt sẽ trở lại không sai, như thế ta cần phải cố gắng tu tập, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.
PHƯƠNG PHÁP DỨT TRỪ SỰ LƯỜI BIẾNG LÀM CHO PHÁT SANH TINH TẤN CÓ 11 ĐIỀU
1) Quán tưởng thấy sự kinh sợ trong ác đạo rằng: Lệ thường chúng sanh luân hồi trong 4 đàng dữ (cầm thú, a tu la, ngạ quỷ, địa ngục) thường chịu khổ không dứt, chúng sanh ấy hằng bị hại không sao tấn hóa được, vì không có thì giờ tu hành để đạt đến đạo quả. Quán tưởng thấy như thế rồi mới có lòng kinh sợ.
2) Quán tưởng thấy phước báu rằng: 9 pháp xuất thế (lokuttaradharma) là 4 đạo, 4 quả, 1 Niết-bàn, không sao có đến người lười biếng, chỉ phát sanh đến người tinh tấn thôi!
3) Quán tưởng về con đường đi đến Niết-bàn rằng: Con đường mà Đức Toàn giác, Độc giác và Thinh Văn giác đã đi đó, người đời nên đi theo, những kẻ lười biếng không sao đi được.
4) Trạng thái của người không dể duôi, khinh rẻ trong vật thực hành khất bằng sự suy xét rằng: Những người hộ độ, họ chẳng phải quyến thuộc hoặc tôi tớ của người đâu. Dâng cúng thực phẩm quý giá đến người, họ không tính rằng: Nhờ người họ mới được sống còn. Họ chỉ tưởng rằng: Sự hành động của người có nhiều phước báu, nên họ mới dâng. Đức Phật cho Phép thọ các vật dụng ấy, do Ngài tính rằng: không phải để cho người dùng cho thân thể to béo, ngủ cho khỏe. Ngài xét rằng: Tỳ khưu dùng các món ấy, để tu hành cho dễ dàng, hầu thoát khỏi sự luân hồi khổ não nên Ngài mới cho phép. Vậy, người lười biếng, dể duôi trong thực phẩm hành khất sao nên. Khi đã quán tưởng như thế là nguyên nhân, làm cho phép sanh tinh tấn, như Đại đức Tissathera đi khất thực, được nghe một bà đại tín nữ dạy người con gái, bảo lấy thực phẩm quý giá, như sữa lỏng, sữa đặc, đường, nấu lộn với cơm để dâng cho ngài, còn phần bà chỉ dùng mắm muối thôi. Đại đứcBTissathera phát tâm suy nghĩ rằng: “Ô! bà tín nữ này chẳng phải là thân quyến của ta, vì sao mà sắp đặt thực phẩm cao thượng để dành cho ta như thế. Cớ ấy nếu ta lười biếng không cố gắng hành đạo cho chứng được một đạo quả nào, thì chẳng nên dùng thực phẩm ấy đâu.” Nghĩ như vậy rồi, ngài bèn trở về chỗ ngụ tinh tấn tu pháp minh sát cho đến khi đắc A-la-hán, do sự không dể duôi trong thực phẩm hành khất nơi bà tín nữ. Như thế, là nguyên nhân phát sanh sự tinh tấn.
5) Quán tưởng về di sản của Đức Phật rằng: 7 báu nhà Phật là quý cao, kẻ lười biếng không sao thọ hưởng được. Ví như người con không vâng lời, cha mẹ từ bỏ hẳn, không còn nhìn nhận là con nữa. Khi cha mẹ quá vãng rồi, người con ấy không được phép kế thừa gia sản, kẻ lười biếng cũng không được lãnh của cải như thế.
6) Quán tưởng về Đức Phật là trọng rằng: Đức Phật là bực đại phước đức rất khác thường, như khi Ngài thọ sanh vào lòng Phật Mẫu, khi Ngài xuất gia tu hành, giác ngộ, chuyển phép luân và hiện thần thông, từ trên thiên cung xuống nhân gian, rồi định ngày nhập diệt và khi Ngài vào Niết-bàn, làm cho cả triệu thế giới phải chấn động. Người xuất gia trong giáo pháp của Phật có trạng thái thường như kẻ thế, lười biếng có nên chăng?”
7) Trạng thái của người quán tưởng về dòng giống là trọng rằng: Người chẳng phải là bậc thấp hèn đâu, người được tu trong Phật giáo này, gọi là con của Đức Phật, là em của Đức Rāhula, là cháu của Đức Tịnh Phạn Vương (Suddhodanarāja), là dòng họ của đức Vua Okakarāja. Cớ ấy, người không nên lười biếng, như kẻ thấp hèn khác đâu.
8) Trạng thái của người quán tưởng lấy bậc phẩm hạnh là trọng rằng: Đức Sāriputta, Đức Moggallāna hoặc chư Đại A-la-hán được chứng pháp xuất thế gian cũng chỉ nhờ sự tinh tấn, cho nên người phải hành theo con đường của các bậc phạm hạnh ấy, bằng không cũng chẳng có thể đắc Thánh pháp được”.
9) Trạng thái của người xa lánh kẻ lười biếng nghĩa là đừng gần gũi, thân thiết với người lười biếng.
10) Trạng thái của người chỉ thân cận với bực có tinh tấn tu tập đạo quả thôi.
11) Trạng thái của người có tâm khuynh hướng tinh tấn trong 4 oai nghi.
10 PHÁP NƯƠNG
1) giữ gìn thân khẩu cho đoan chánh; 2) học rộng hiểu nhiều; 3) có bạn lành; 4) làm người dễ nuôi; 5) có lòng tôn kính giúp đỡ công việc của bực phạm hạnh; 6) có lòng mong mỏi trong chánh pháp; 7) tinh tấn; 8) ưa thích với vật dụng tùy có, tùy được; 9) có trí nhớ; 10) có trí tuệ.
NGƯỜI KHÔNG CHỨNG ĐƯỢC A-LA-HÁN QUẢ VÌ KHÔNG DIỆT TRỪ 10 PHÁP
1) ưa thích ngũ trần (rāga); 2) giận oán (dosa); 3) ngu dốt (moha); 4) ngầm giận (kodha); 5) cố oán (upanāha); 6) quên ơn người (makkha); 7) kiêu hãnh (palāsa); 8) gây gổ (issā); 9) bón rít (macchariya); 10) ngã chấp (māna).
10 ĐIỀU BUỘC TRÓI
Mẹ, cha, vợ, con, bà con, bạn, của cải, lễ vật, danh dự, ngũ dục.
Tà tư duy (micchā vitāka)
Đức Phật dạy tỳ khưu (nekhiya) phải tham thiền niệm niệm hơi thở ra vô để trừ 9 điều tà tư duy là: 1) suy nghĩ trong vật mình ưa muốn (sắc, thinh, khí, vị, xúc) (kāma vitakka); 2) suy nghĩ trong cái mà mình oán thù giận ghét (byāpadavitakka); 3) suy nghĩ trong điều mà mình muốn làm khổ kẻ khác (vihiṃsāvitakka); 4) suy nghĩ đến thân quyến (ñāttivitakka); 5) suy nghĩ đến xóm làng, xứ sở, thành thị (janapasavitakka); 6) suy nghĩ đến sự thương yêu kẻ khác (parāmuddayavitakka); 7) suy nghĩ rằng: mình chưa chết (amarā vitakha); 8) suy nghĩ đến lễ vật ngon, đẹp và mong được người khen ngợi (lābha sakkāra vitakka); 9) suy nghĩ đến cảnh giới đã quen biết (về thế sự) (anuviññattivitakka).
Tâm hằng duyên theo trần cảnh nên thường hay phóng túng, tưởng cái này, nhớ cái kia, không an trụ, như khỉ trong rừng, vì 9 tà tư duy ấy. Nếu bị tà tư duy thì thiện tâm phải hư hoại, phước báu phải tiêu tan, cũng như nhà bị đạo tặc vào cướp của, như chiếc thuyền khẩm, không sao qua sông, biển được. Hành giả đã bị 9 tà tư duy ấy đè nén khó đến Niết- bàn được. Muốn cho chiếc thuyền trở nên nhẹ nhàng, cần phải tát cho hết nước, mới mong qua sông, biển được mau lẹ, thế nào, hành giả muốn cho tâm trong sạch, nên niệm niệm hơi thở ra, vô để trừ tà tư duy, mới có thể đến bờ kia được dễ dàng cũng như thế ấy.
Phổ thông tướng (sāmaññalakkhaṇa)
Cái tướng thông thường cho tất cả hình sắc, gọi là “phổ thông tướng” hoặc là “tam tướng (trayalakkhaṇa)”, là: aniccatā: trạng thái vô thường; dukkhatā: trạng thái khổ não; anattatā: trạng thái vô ngã.
Những người tu học nên hiểu cụm từ “sắc tướng” (saṅkhāra) như vậy: Các nguyên tố hiệp nhau theo lẽ tự nhiên, như thân thể và thảo mộc hoặc những vật liệu mà người gộp chung lại, như là nhà, ghe, xe cộ, v.v... đều gọi là sắc tướng. Lại nữa cái gì do nhân duyên tạo tác ra cũng gọi là sắc tướng vậy. Tất cả sắc tướng đó chia ra làm hai loại là: hữu thức duy trì tướng (upadinnakasaṅkhāra) là sắc tướng có thức tánh gìn giữ; vô thức duy trì tướng (anupadinnakasaṅkhāra) là sắc tướng không có thức tánh gìn giữ.
“Hữu thức duy trì tướng” nói về tứ sanh: trời, người, phi nhơn, cầm thú, hoặc thai, noãn, thấp, hóa. Vì tất cả chúng sanh ấy đều do nhân duyên tạo thành và cố tâm hiểu biết vui, khổ. “Vô thức duy trì tướng” thuộc về những cái sanh ra tự nhiên, không có thức tánh, như: cây, núi, sông, biển và các vật mà người làm ra để dùng, như xe, thuyền, nhà, cửa, v.v... Tất cả vật ấy đều do nhân duyên tạo thành giống nhau cả, là cái không có sự hiểu biết vui khổ.
Tiếng nói “Phổ thông tướng” là cái hình dáng giống nhau đến cả sắc tướng. Giải rằng: Trong thế gian, có nhiều hạng người: giàu, nghèo, mạnh, yếu, sang, hèn, quyền thế cao thấp khác nhau thật, song vẫn có đầy đủ 3 tướng đó, chẳng có ai tránh khỏi ảnh hưởng thế lực của 3 tướng ấy cả. Cho nên, gọi là “Phổ thông tướng”.
Còn tiếng gọi “Tam tướng” (trāyalakkhaṇa) là ám chỉ về các sắc đều hằng có 3 tướng như thế, nghĩa là thường ở dưới quyền lực của 3 tướng đó đồng nhau cả.
1) Aniccatā: Trạng thái vô thường, là cái tướng không thường, hay thay đổi lúc này lúc khác. Giải rằng: Tất cả sắc tướng “hữu thức duy trì tướng” cho đến “vô thức duy trì tướng” hằng có sự sanh lên trong khoảng đầu, thay đổi trong khoảng giữa, tiêu diệt trong khoảng cuối cùng.
Về phần “hữu thức duy trì tướng” (người, thú) đầu tiên sanh ra rồi biến đổi, trước còn non nớt, nhỏ nhít, lần hồi tấn hóa to lớn. Thân tâm cũng thay đổi theo, rồi sau rốt phải chịu già yếu bịnh hoạn, không còn trẻ trung khỏe mạnh như trước nữa. Tuổi thọ càng tăng thì trí suy, sức kiệt, ví như người qua cầu vậy. Còn các vật “vô thức duy trì tướng” cũng phải chịu ở dưới định luật của sự vô thường như nhau. Trước nảy chồi đâm nhánh, kế đó trổ bông đơm trái, không bao lâu lại già, khô, héo, mục đi. Về nhà cửa cũng thế, lúc mới cất xong thì cho là đẹp đẽ, chắc chắn vững bền, nhưng không bao lâu cũng phải hư hao sụp đổ. Vì các sắc tướng, khoảng đầu sanh lên, khoảng giữa tấn hóa thay đổi và khoảng cuối cùng phải bị tiêu diệt nên gọi là có trạng thái vô thường.
2) Dukkhatā: Trạng thái khổ não. Có giải rằng: “Tất cả sắc tướng hằng có sự khó chịu, như trong “hữu sắc duy trì tướng” thân thể con người đều bị sự lạnh nóng, đói khát, tiểu tiện, đại tiện phá hại luôn luôn. Lạnh rét cần đắp mền, mặc y; nóng nực phải tắm, quạt; đói phải ăn; khát phải uống; phải bận rộn phiền phức thay đổi oai nghi mỗi khi đại hoặc tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi cho vừa. Đó là cái khổ hiển nhiên. Ngoài ra, có các bịnh tật, ốm đau, mãi mãi hờm sẵn để làm hại giống hữu tình. Hơn nữa, còn có nhiều sự khổ thường thấy trước mắt, là khổ vì phải gặp người, vật không vừa lòng; khổ vì lìa sự vật mến yêu; khổ vì mong cầu không được; khổ vì nghèo khó đói rách; khổ vì sự mất quyền thất lợi; khổ vì bị người chê bai khinh rẻ. Tất cả sắc tướng, khi đã sanh lên rồi thì tất nhiên phải chịu nạn tai khổ não muôn phần, cho nên gọi là trạng thái “khổ não”.
3) Anattatā: Trạng thái vô ngã. Có nghĩa rằng: tất cả sắc tướng đều chẳng phải của ta, không theo ý muốn của ta. Khi nó đã sanh lên rồi, ta không có quyền lực chi để đối phó với nó, nghĩa là sắc tướng đó không phải thuộc quyền sở hữu của ta, để cho ta sai khiến theo ý muốn, mỗi khi ta gặp phải tai nạn, bịnh hoạn, điều kinh sợ, v.v... vì ta không có thể nào bảo sắc tướng ấy đừng khổ, đừng đau, đừng sợ đặng. Như có Phật ngôn rằng: “Này các tỳ khưu! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải ta. Nếu là ta thì nó không có sự ốm đau, khổ não. Dầu ta có mong cầu rằng: xin có sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấy như thế này, hoặc như thế kia, cũng không đặng. Vì chúng nó chẳng phải ta hay là của ta nên mới có sự ốm đau, khó chịu. Đó là hiện trạng “vô ngã” vậy.”
Bực hành giả cần phải quán tưởng thường xuyên “phổ thông tướng” trong mỗi ngày, nhất là sau giờ ngồi thiền.
GIẢI VỀ PHẬT TUYÊN NGÔN (BUDDHA UDĀNA)
Sau khi ngài vừa chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác (anuttarasammāsambodhiñāṇa)
Những người mong được mau giải thoát, cần tìm ngụ trong nơi thanh vắng, nên học “Phần pháp hành đầu tiên” (pubbabhāgatipatti) cho thông hiểu rồi giữ mình ở theo quy tắc đó, thì mới khỏi bị đời chê trách, khiến cho hàng phi nhơn và Chư thiên ưa thích. Như thế, hành giả đến trú ngụ nơi nào cũng được yên vui.
Phần pháp hành đầu tiên đó có ghi phép trong “Mettasutra”. Người học phải cần trau dồi: giới, định, tuệ tiến lên bực cao (adhisīla, adhicitta, adhipaññā), hành 15 nghĩa vụ đầu tiên (pubbakicca) đó cho đầy đủ như dưới đây:
Pháp hành đầu tiên cho giới, định, tuệ được trong sạch thanh cao, nhất là cho thiền định được thành tựu gọi là pubbabhāgapaṭipatti, cũng gọi là khí giới của bực tu giải thoát, có 15 pháp: 1) sakko ca: nên là người dạn dĩ, không thương tiếc thân thể và sanh mạng, chỉ tinh tấn hành đạo để đắc tứ diệu đế (4 ariyassa) bằng tuệ hành (paṭivedhañāṇa); 2) ujū ca: nên là người ngay thật, là người ngay thân, ngay khẩu, ngay tâm, ngay đối với tam học; 3) suhujū ca: nên là người chân chánh, là mình không khoe đức tánh mà mình không có và là người không có sự giấu lỗi mình; 4) suvaco ca: nên là người dễ nói dễ dạy, không phải là người cứng đầu; 5) mudu ca: nên là người mềm dịu, ưa thích theo pháp hành; 6) anātimāhi ca: nên là người không ngã mạn thái quá, làm cho trở ngại đường hành đạo; 7) santussako ca: nên là người biết đủ, ưa thích trong vật dụng để nuôi sanh mạng, tùy có tùy được vừa theo sức mình; 8) subharo ca: nên là người dễ nuôi, không tham lựa chọn vật dụng; 9) appakicco ca: nên là người ít bận việc, vui đến sự hành đạo giải thoát; 10) sallahukavutti ca: nên là người có hành vi nhẹ nhàng, là có đồ dùng vừa đủ, có thể đem đi đến nơi nào theo ý muốn, như loài chim chỉ có cái mỏ, cặp cánh và cái đuôi, có thể bay đi được thong thả; 11) santinriyo ca:, nên là người có lục căn yên lặng, thu thúc không cho tham, sân, si, đè nén, nhất là khi thấy sắc và nghe tiếng... nghĩa là không mê sa theo cảnh giới của tham, sân, si; 12) Nipako ca: nên là người giữ mình được toàn vẹn, không sơ sót, là có trí tuệ giữ giới định, tuệ chín chắn bền vững được; 13) Appagabbho ca: nên là người dè dặt thu thúc; 14) Kusalesu ananugiddho ca: nên là người không vui thích mê sa bận bịu thái quá trong thân quyến; 15) Na ca khuddaṃ samācare kiñci: nên là người không có nghiệp (thập ác nghiệp) dầu là nhỏ nhen chút ít, đáng cho bậc trí tuệ chê trách.
Người thông rõ điều lợi ích nên thực hành theo, cho vừa với pháp trên đây từ đầu chí cuối, làm cho mình như vật đựng đồ, đáng là người giác ngộ Niết-bàn, là pháp diệt khổ. Khi được hành đầy đủ phép pubbabhāgapaṭipatti rồi gọi là người làm cho mình đến Niết- bàn bằng cách chơn chánh.
Xong rồi, tu phép bực đại nhơn (Brahmavihāra) chỉ quán(48) mới có kết quả dễ dàng theo chí nguyện. Đức Phật dùng đề mục “số tức quan” (ānāpānussati) làm nền tảng. Ngài giảng thuyết để lại cho chúng ta biết khi còn đương tìm đạo Niết-bàn trong 6 năm khổ hạnh. Ngài chỉ ngụ trong nơi thanh vắng. Ngài chứng quả bồ đề cũng dưới bóng cây, nhập Niết-bàn cũng dưới cây song long thọ. Cho nên, Ngài có dạy chư Thinh văn rằng: “Các ngươi nên ưa thích trong đám rừng”.
Đây xin giải lời Phật tuyên bố, khen ngợi sự trú ngụ trong chỗ yên lặng. Khi mới vừa đắc “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” dưới cội cây bồ đề, Ngài biểu dương một mình bằng giọng thanh tao rằng:
“Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pāṇabhutesu saññāmo sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo asmimānassa vinayo, etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ.”
Trong thời gian các hàng Phật tử được tiến hóa nhiều rồi, Ngài mới đem những lời đã công bố trên đó, thuyết ra cho chư Thinh văn được thọ trì làm di sản tiếp tục cho đến ngày nay. Xin diễn dịch các kệ ngôn đó như dưới đây:
- Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako: an tịnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật cái pháp mà mình đã được nghe.
- Abyāpajjham sukham loke pāṇabhūtesu saññamo: không hại, tức là có sự thu thúc, không làm khổ chúng sanh có thức tính là điều vui trong đời.
- Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo: thoát ly tình dục nghĩa là người đã ra khỏi sự ham muốn ngũ dục, là điều vui trong đời.
- Asmimānassa vinayo etaṃ ve paranaṃ sukhaṃ: đem cái tâm cố chấp giữ vững ý kiến rằng là ta, là người ra cho tiêu mất, đó là điều cực vui.
Lời công bố của Phật chỉ là bấy nhiêu.
Xin giải rộng thêm cho dễ hiểu, hầu giúp ích cho các hàng Phật tử.
- Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako: an tịnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật cái pháp mà mình đã được nghe”. Giải rằng: An tịnh là nói về 3 chỗ yên lặng: tịnh thân, gọi là thân yên lặng (kāyaviveka), tịnh tâm, gọi là tâm yên lặng (cittaviveka), tịnh kết phiền não, gọi là yên lặng khỏi phiền não thắt buộc (upadhiviveka).
Tịnh thân, nói về chỗ ở vắng vẻ, xa khỏi đảng phái, bậu bạn lối 500 cây cung (1000 m) gọi là lâm tuyền (āraññika), nơi bóng cây xa khỏi chòm nhà, vắng tiếng ồn ào, gọi là dưới ảnh thọ (rukkhamūla). Chốn trống trải xa xóm (hang đá, ve đá hoặc khoảng trống thanh vắng hiệp với pháp chỉ quán, gọi là tĩnh thất (suññāgāra). Cả 3 chỗ quạnh hiu đó đều là miền đất vắng lặng. Người trú trong nơi như vậy gọi là có thân yên lặng, là nhân làm cho phát sanh sự tịnh tâm, nghĩa là khi đã ngụ trong nơi vắng rồi chú tâm hành phép chỉ quán, minh sát thì tâm đứng yên trong một cảnh giới gọi là nhất tâm (ekaggārammaṇa). Tâm xa khỏi tham, oán, hôn, phóng, nghi, gọi là tịnh tâm và là nguyên nhân cho đắc “tịnh kết phiền não”.
Yên lặng khỏi phiền não thắt buộc đó, nói về cái ý tưởng đầu tiên (saññā atīta) và ẩn sâu trong tâm. Như tưởng rằng danh-sắc (nāmarūpa), nguyên tố (dhātu), uẩn (khandha), lục nhập (āyatana), hoặc tóc, lông, móng, răng, da v.v... điều có trong ta, là điều phiền não nhỏ nhen, không rõ rệt là tội hay phước. Tuy nhiên, chính đó là nguyên nhân, là căn duyên gây các phiền não thô thiển khác. Nhất là khổ về sự: thương tiếc, buồn rầu, than khóc v.v... cho nên phải cần có tâm yên tịnh, là trau dồi cái tâm cho trong sạch trước rồi mới dùng cái tâm tinh khiết đó để xem xét trong toàn thân thể theo quy tắc “Thập nhị duyên khởi” (paṭiccasamuppāda) dùng vô minh làm chủ đề, nghĩa là thân thế gọi là vô minh. Vô minh dịch là không biết, nghĩa là không biết rằng: chính mình là chi? Chỉ biết được 12 thể thức của vô minh là hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), danh sắc (nāmarūpa), lục nhập (āyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (tanhā), thủ (upadāna), cõi hoặc nghiệp (bhava), sanh (jāti), già (jāra), chết (maraṇa). Có ý tưởng đầu tiên chôn sâu trong mình là “tập đế” (samudaya). Tập đế đó che áng một cách khít khao không cho thấy rõ toàn thân thể là cái chi, ví như đám mây đen che yểm mặt nhựt. Đến khi hành giả có tâm yên lặng, tu cái tâm trong sạch, để thẩm tra mới biết rõ nhân và duyên. Nhân là hành, thức, v.v... là 12 cái thể đó, hiệp theo Phật ngôn rằng: “Yato pajānāti sa hetudhammaṃ: Giờ nào Bà-la-môn quán sát thấy rõ pháp và nhân, giờ đó sự hoài nghi của Bà-la-môn ấy hằng tiêu mất”.
Duyên chỉ có một là vô minh. Nhân và duyên khác nhau. Nhân là chủ trì(49), duyên là người hộ trợ. Cớ đó, khi tuệ kiến (ñāṇadassana) sanh thì vô minh diệt, lìa duyên giúp đỡ thì hành, thức cho tới già, chết, cũng mất theo. Nếu không có duyên trợ lực, thì nhân cũng hết, đúng theo lời Phật công bố rằng: “Yato khayaṃ paccānam avedi: Giờ nào Bà-la-môn tinh tấn xem xét, được biết rõ sự tiêu tan của duyên, giờ đó tâm hoài nghi của Bà-la-môn ấy cũng dứt”. Nhân và duyên gọi tắt là diệt (nirodha) thì tâm được sáng suốt chẳng còn dính mắc, sự cố chấp (upadāna) cũng tuyệt, hiệp theo Phật ngôn rằng: “Vidhūpayaṃ tiṭṭhati mārasenaṃ surova obhāsayamantalikkhaṃ: trong lúc đó, Bà-la-môn tinh tấn dò xét, khi đã diệt trừ Ma vương và quân ma được rồi thì tỏ sáng, ví như ánh sáng mặt nhựt trong thinh không vậy. Đó gọi là lặng phiền não kết buộc (upadhiviveka).
Nên hiểu ba pháp tĩnh như đã giải trên đó. Nói tóm lại, giới gọi là thân tĩnh, nghĩa là thân yên lặng khỏi tội lỗi; định gọi là tâm tĩnh, nghĩa là tâm yên lặng khỏi ngũ dục; tuệ gọi là kết phiền não tĩnh, nghĩa là tâm yên lặng khỏi phiền não kết buộc.
Điều nói rằng: “Người thấy pháp mà mình đã nghe” đó nên hiểu như vầy: người thấy pháp gọi là thấy Niết-bàn, là cái kết quả của sự lặng phiền não kết buộc, tức là thấy ‘toàn thân thể’ này là ‘pháp đầu tiên, là căn bản tự nhiên (sabhāva dhamma)’ chung với cái nhân là hành, thức cho đến già, chết, khi duyên diệt, nhân cũng tiêu theo với nhau, chỉ còn sót ‘xuất thế pháp’ (lokuttaradharma), gọi là người biết rõ sự tận diệt của các duyên; tâm nghi ngờ trong cõi, sanh và ma phiền não hết thế lực, không còn theo phá hại được nữa. Hành giả được thông suốt như ánh sáng mặt nhựt trong bầu trời vậy.
- Trong câu thứ nhì nói rằng: Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pāṇabhūtesu saññāmo ‒ không hại tức là sự thu thúc không làm khổ chúng sanh, có thức tánh là điều vui trong đời. Trong điều này nên hiểu tóm tắt như vầy: lẽ thường, người đã được thấy pháp hằng có sự thay đổi pháp nương nhờ mới, tức “Phật duyên” (buddhanissaya) là đức tin cao quý là bi đức (karuṇāguṇa), tuệ đức (paññāguṇa), tịnh đức (visuddhiguṇa) vào làm chủ vĩnh viễn trong tâm. Người bực này chỉ có tâm thỏa thích trong Tam bảo thôi. Người mà không bị ác tâm sở (akusalacetasika) đè nén thì hằng có sự yên vui. Người không có tâm làm hại chúng sanh, đức Phật mới gọi là vui trong đời như thế đó.
- Trong câu thứ 3 rằng: Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samatikkamo ‒ xa lánh tình dục, nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn, làm điều vui trong đời đó nên hiểu theo lời đã giải trên. Người thấy pháp, người chứng pháp xuất thế bực cao, là người đã lìa sự ưa thích ngũ dục, đã lướt qua khỏi dòng nước chảy (ogha).
Thế thường, chúng sanh có lòng dục làm chủ nên Phật chỉ danh là Ma vương. Nếu đã khỏi tay Ma vương thì mới được yên vui. Chúng sanh trong đời hằng có sự nóng nảy khó chịu, do cái gì? Chẳng phải vì lòng tham dục chăng? Lòng dục đốt mình, bắt phải làm công việc mỗi ngày, như làm cho các nghề sĩ, nông, công, thương, không sao kể xiết được. Sự lo bảo tồn phe đảng, chủng tộc, lo cấp dưỡng thân quyến ngày đêm, từ trẻ đến già, cũng chưa tròn phận sự. Những điều khổ não, bất bình, tranh cãi, xung đột, giết hại lẫn nhau toàn là do lòng dục mà sanh ra cả. Nếu diễn giải cái tội của lòng ham muốn, thì không giấy mực nào mà tả cho cùng được. Người vui trong ngũ dục như kẻ bị trùng vi vậy. Cớ đó, đức Phật khi đã khỏi tay Ma vương rồi, Ngài mới tuyên ngôn rằng: “Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samattikkamo”: Xa lánh tình dục nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn, như vậy là điều vui trong đời”.
- Câu thứ 4: Asmimānassa vinayo etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ ‒ đem tâm cố chấp ra tiêu mất là điều cực vui trong đời. Tiếng “cố chấp” nghĩa là giữ vững ý kiến rằng: ta giàu, ta sang, ta như vầy, như kia..., đó gọi là cố chấp, nhân đó mới lầm lạc theo lòng ham muốn, rồi phải chịu sự thống khổ, rầu buồn, than khóc, rên la, thương tiếc v.v... Lẽ đó, đức Phật, khi trừ dứt được tâm chấp thủ rồi, mới công bố rằng: “Asmimā nassa vinayo etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ”: Sự làm cho tâm chấp thủ tiêu mất, đó là đều cực vui trong đời.
Ba câu sau chỉ rõ cái quả phước của câu trước, nghĩa là cắt đứt tâm phá hại tình dục do A- na-hàm đạo, trừ hết cố chấp do A-la-hán đạo, mà được kết quả mỹ mãn đều nhờ thế lực của sự ưa thích trong nơi yên lặng, được thấy pháp mà mình đã nghe. Pháp mà mình đã nghe đó, chỉ được nghe chớ chưa hiểu biết xác thật, đến lúc trú ngụ trong chỗ thanh vắng rồi mới thấy biết. Khi sự hiểu biết phát sanh lên rõ rệt, nghĩa là khi trí tuệ đoạn tuyệt phiền não kết buộc, thì tâm phá hoại, dục vọng và cố chấp cũng dứt, đó là quả báo của sự tiêu tan phiền não kết buộc upadhikilesa.
GIẢI VỀ 10 KỆ NGÔN CHỈ RÕ CÁI TỘI CỦA ÁI DỤC
1) Kāmaṃ kāmayamānassa tassa ce taṃ samijjhati addhā pītimano hoti laddhā macco yadicchati
‒ Nếu sự vật đó thành tựu đến người cần dùng, sự vật mà người thương yêu, thì họ cố tâm phỉ lạc, vì họ được vật mà họ mong mỏi.
Lời giải: tiếng ‘sự vật mà người thương yêu’ đó là nói về tất cả người, thú và các vật liệu vô thức tánh (nhà cửa, vàng bạc...) Khi người cần dùng mà được vật vừa lòng thì họ thỏa thích, đó là lẽ tự nhiên của phàm nhơn. Song sau rồi, sự ưa thích đó, sẽ làm cho họ phải buồn rầu, hoặc khổ não, kinh sợ. Nếu các vật đó bị hư hoại vì lẽ gì thì họ phải thương tiếc. Trong lúc các vật đó chưa tiêu hao, họ cũng khó chịu vì sự chăm nom, bởi tất cả sự vật đều phải cần nương với sự săn sóc mãi mãi. Tuy nhiên, phàm nhơn chỉ biết rằng: được là vui, cho nên người đời mới cần dùng tất cả vật dục. Cái lòng mong mỏi của phàm nhơn không bờ bến, hiệp theo kệ ngôn dưới đây.
2) Kāmaṃ kāmayamānassa tassa, ce taṃ samijjhati, tato naṃ aparaṃ kāme dhamme taṇhaṃva vindati
‒ Nếu vật đó thành tựu đến người cần dùng, vật mà họ thương mến đó, thì họ cần dùng thêm vật khác nữa như người đi đường khát nước muốn uống nước vậy.
Lời giải: Bộ hành đương khát nước, chỉ mong mỏi được uống nước thế nào, người mà cần vật dục, cũng khao khát vật dục như thế đó. Khi được vật này, rồi cầu có vật khác thêm nữa. Được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế này, cũng còn mong được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế khác tiếp theo; có bấy nhiêu đây rồi, cũng ước mong được bấy nhiêu kia nữa, không bao giờ biết no dạ, dầu là được tất cả trong thế gian, cũng vẫn chưa phỉ chí, cũng như đức Chuyển luân vương Mandhāturāja đã làm vua cõi nhân gian, còn mong thống trị cả cõi trời. Xin xét theo kệ ngôn dưới đây.
3) Gavaṃva siṅgino siṅgam vaḍḍhamānassa vaḍḍhati evaṃ mandassa posassa bālassa avijānato bhiyyo taṇhā pipāsā ca vaḍḍhamānassa vaḍḍhati
‒ Sừng bò hằng sanh trưởng đến bò, theo hình thể bò, thế nào, tâm ham muốn và lòng đói khát thường tăng tiến dữ dội đến người ít suy xét, đến kẻ tối tăm, đến người không thấy rõ như thế đó.
Lời giải: Lẽ thường bò, lúc còn nhỏ, cũng chưa có sừng. Khi lớn lên mới có, sừng đó cũng to lớn theo hình dạng của bò thế nào, lòng ái dục (tanhā) của phàm nhơn cũng hằng phát khởi theo thứ tự, nghĩa là thuở còn bé thơ tâm ham muốn cũng ít oi, chỉ mong được đồ chơi, ăn bánh hoặc trái cây. Đến lúc tráng niên thì cầu có vật trang sức, ăn chơi, đến tuổi trưởng thành thì sự mong mỏi lại càng tăng nhiều. Nhưng, sự mọc sừng của bò còn có nơi cuối cùng, là khi đã mọc ra vừa rồi thì tự nhiên ngưng lại. Trái lại, cái lòng ham muốn của thường nhân, thì không bao giờ cùng tột. Xin suy xét theo kệ ngôn sau đây.
4) Pathabyā sāliyavakaṃ gavassaṃ dāsaporisaṃ datvāca nālamekassa iti vidvā samaṃ care
‒ Tâm tham của người thường giống nhau như sự mong mỏi của con bò được ăn mạ lúa trong ruộng vậy. Dầu người cho bò và mạ lúa với tất cả tôi tớ trong trái đất, cũng chưa vừa ý đến một người. Nếu người đời biết như thế rồi, không nên chạy theo lòng ham muốn, cần phải hành theo chánh pháp.
Lời giải: Lẽ thường bò thấy mạ lúa tươi trong ruộng hằng mong được ăn, thế nào, phàm nhơn cũng ước ao được tài sản có thức tánh và của cải vô thức tánh, như thế đó, dầu là được: voi, ngựa, trâu, bò, tôi tớ, bộ hạ nhiều đến đâu cũng chưa biết đủ, tâm sở vọng hằng có mãi mãi. Cho nên người đời không nên chiều theo vọng tâm, mà tạo ra ác nghiệp vì lòng ham muốn, chỉ cần làm việc đáng làm, dầu có mong mỏi đến đâu, cũng chẳng nên làm dữ. Lũ cướp đoạt của người, gọi là làm ác theo lòng ham muốn. Kẻ giết thú lấy da, hại voi lấy ngà, đều gọi là bọn làm tội vì ái dục. Tội đó sẽ làm cho họ khổ trong cảnh địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, cầm thú rất lâu dài. Xin nhớ đến ông triệu phú gia không con (aputtasetthi) cùng các tích xưa khác và xem kệ ngôn dưới đây.
5)
Rāja pasayha paṭṭhaviṃ vijitvā
Sasāgarantaṃ mahimāvasanto
Oraṃ samuddassa atittarūpo
Pāraṃ samuddassapi patthayeva.
Nghĩa:
Đức vua thắng người trên quả địa cầu, có bờ biển đây là nơi cuối cùng, rồi cũng chưa mãn ý, còn cần dùng bờ biển bên kia nữa.
Lời giải: Tuy đức vua có phước hậu thống trị suốt bờ biển bên này rồi, song như thế cũng chưa vừa lòng, vẫn còn mong được đất đai bên bờ biển kia nữa. Cho nên nói: tâm tham của kẻ phàm phu thật không bờ bến. Xin xem qua ý nghĩa kệ ngôn tiếp theo đây rằng:
6)
Yāva anussaraṃ kāme
Manasā titti navajjhaga
Tato navattā paṭikamma disvā
Te ve tittā ye paññāya tittā.
Nghĩa: Khi người thường nhớ tưởng tới ngũ dục đến đâu, cũng chẳng gặp sự no lòng đến đó. Những kẻ nào trở tâm thoát ly dục cảnh, thấy tội trong dục cảnh, các kẻ đó là mãn nguyện.
Lời giải: Bực có trí tuệ mới biết vừa lòng phỉ chí trong vật dục phiền não dục. Người thế nào gọi là có trí tuệ? Người thấy tội của vật dục phiền não dục gọi là bực có trí tuệ. Vì ngó thấy tội trong vật dục, phiền não dục tâm của họ lui khỏi vật dục, phiền não dục, không bận lòng tìm kiếm chúng nó. Họ thoái bộ giờ nào, gọi là no giờ đó, gọi là ngưng lúc đó, gọi là đến nơi cuối cùng của sự ham muốn, khi đó. Cái kết quả của sự không mong mỏi sẽ có, thế nào, xin xem tiếp câu kệ ngôn dưới đây:
7)
Paññāya tittinaṃ seṭṭhaṃ
Na so kamehi tappati
Paññāya tittaṃ purisaṃ
Tanhā na kurute vasaṃ.
Nghĩa: Phỉ do trí tuệ là điều cao quý, vì người no bằng trí tuệ hằng không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục. Sự ham muốn không làm cho người mãn ý bằng trí tuệ ở trong thế lực của nó được.
Lời giải: Sự thỏa chí trong vật dụng, phiền não dục đó, hằng không có, bằng cách được vật dục, phiền não dục nghĩa là dầu có được vật dục, phiền não dục nhiều đến đâu, cũng không mãn ý. Sự mãn ý trong vật dục phiền não dục đó chỉ phát sanh do trí tuệ thôi, không phải được vì lẽ gì khác. Vậy người no vật dục, phiền não dục rồi có lợi ích chi? Có lợi ích trong sự không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục và khỏi sa trong quyền lực của ái dục. Xin quan sát theo kệ ngôn dưới đây:
8)
Apacinetheva kāmāni
Appicchassa alolupo
Samuddamatto puriso
Na so kāmehi tappati.
Nghĩa: Người không nên thu thập vật dục phiền não dục. Sự không tham hằng có đến người ít ham muốn. Người không tham hằng không có sự nóng nảy vì vật dục, phiền não dục, như biển vậy.
Lời giải: Người có trí tuệ mong ra khỏi đời, thoát ly khổ não, không nên gom thâu vật dục, phiền não dục, đáng là người ít tham, không nên là người muốn nhiều. Người không thu thập vật dục, phiền não dục hay có tâm mát mẻ như nước trong biển thường mát mẻ luôn khi, nghĩa là dầu có người đem lửa đến đốt biển đến đâu, nước trong biển cũng vẫn không nóng. Người không cần dùng vật dục, phiền não dục, dầu có gặp điều khổ nhọc đến đâu, cũng tự nhiên không nao núng. Người có trí tuệ thường biết bỏ hoặc để như người thợ đóng giày theo kệ ngôn rằng:
9)
Rathakārova cammassa,
Parikantaṃ upāhanaṃ.
Nghĩa: Thợ đóng giày khi thấy rằng cần cắt bỏ da chỗ nào thì cắt nơi đó, thấy rằng phải chừa da tại đâu thì chừa tại đó, rồi họ làm giày mới được tốt đẹp.
Lời giải: Bậc trí tuệ cũng cần tinh tấn xét đến điều đáng bỏ và điều đáng để. Cái gì cần bỏ, cái gì phải để? Cái nên dứt trước hết là lòng ham muốn thái quá, là nguyên nhân cho sanh các nghiệp ác. Đều đáng để là tâm ít tham, không gây tội lỗi, mong mỏi trong điều lành, nhưng không buộc phải dứt hết một lần, trong kiếp chưa đến Niết-bàn. Song, với sự tinh tấn diệt lòng ham muốn mỗi khi một ít, cũng sẽ trừ tuyệt được gốc rễ vậy. Khi đã dứt bỏ tất cả thì chỉ có sự vui, như trong kệ ngôn thứ 10 rằng:
10)
Yaṃ yaṃ jahati kāmānaṃ
Taṃ taṃ sampajjate sukhaṃ
Sabbañce sukhaṃiccheyya
Sabbe kāme pariccaje.
Nghĩa: Người bỏ vật dục, phiền não dục nào, sự vui hằng đến họ, do sự dứt bỏ vật dục, phiền não dục đó. Nếu người cần được tất cả điều vui, cũng nên trừ tất cả vật dục, phiền não dục.
Lời giải: Trong kệ ngôn này chỉ cho thấy rõ rằng: Người gìn giữ vật dục, phiền não dục nào rồi, thì vật dục, phiền não dục đó càng làm khổ đến họ chẳng sai. Chỉ khi bỏ được vật dục, phiền não dục nào rồi thì hằng được vui do sự diệt trừ vật dục, phiền não dục đó. Tuy nhiên, nếu muốn được vui đều đủ, cũng phải từ bỏ điều đủ vật dục, phiền não dục, bằng không cũng chẳng được vui.
Jayaṃ veraṃ pasavati
Dukkhaṃ seti parajayaṃ
Upasanto sukhaṃ seti
Hitvā jayaparājayaṃ.
Nghĩa:
Người thắng hằng bị ganh ghét.
Người bại thường chịu khổ não.
Vậy, người hãy bỏ sự thắng và bại đi.
Thì hằng ngủ được yên vui.
GIẢI VỀ TIẾNG “BẬC XUẤT GIA VÀ SA-MÔN” (PABBAJITA SAMAṆA)
Trong kinh “Ovādapātimokkha” có câu Phật ngôn: “Na hi pabbajito parū paghati samaṇo hoti paraṃ vihethayanto”
‒ Người giết chúng sanh không gọi: bậc ‘xuất gia’, người làm hại kẻ khác không được gọi là bậc ‘Sa-môn’.
Lời giải: Người đã tự nguyện rằng là bực ‘xuất gia’ hoặc ‘samôn’ đó, chỉ đến khi có tâm nhẫn nại (adhivāsakhanti) nín nhịn, không làm hại kẻ khác cho họ chết mất, hoặc hao tài sản, hoặc không làm cho họ chịu khổ, mới vừa theo danh hiệu trên đó. Nếu còn sát sanh hoặc làm hại kẻ khác, thì chẳng gọi là bậc xuất gia hoặc Sa-môn đâu.
Vì sao lại giải như thế đó? Vì chưa đánh đuổi được điều ô nhiễm, như có Phật ngôn rằng: “Pabbajayamattano malaṃ tasmā pabbajamatoti vuccati”: người đã đánh đuổi điều ô nhiễm của mình cho ra khỏi được, Như Lai mới gọi là bậc ‘xuất gia’, vì lẽ đó họ đã đánh đuổi được điều ô trược đó. Sự đánh đuổi các điều ô nhiễm là cái tướng để phân biệt bậc xuất gia.
Cái chi gọi là ô trược?
Các bợn dơ làm cho cái tâm nhớp đục, như vật đen (than)... làm cho đồ sạch phải nhơ bẩn, nên gọi là ô trược.
Ô trược có 9 điều (mala): 1) kodha: ngầm giận, 2) makkha: quên ơn, 3) issā: ganh ghét, 4) macchariya: bón rít, 5) māyā: giấu lỗi mình, 6) sātheyya: khoe tài, 7) musā: dối gạt, 8) papiccha: ham muốn xấu, 9) micchādiṭṭhi: hiểu quấy.
Khi một trong chín ô trược đó phát sanh lên, làm cho tâm dơ đục, không trong sạch, cho nên gọi là “ô nhiễm”. Người đã trừ bỏ điều ô trược trong tâm rồi, mới gọi là bậc ‘xuất gia’ thật; dầu chưa được dứt hẳn song chú tâm làm cho tiêu mất, cũng đáng gọi là bậc ‘xuất gia’ vậy. Người mà sát hại chúng sanh, cũng chỉ vì các ô trược đó ẩn núp trong tâm.
Lại nữa, người ‘xuất gia’ dịch là ‘người lánh’ là tránh tội lỗi mà đức Phật đã ngăn cấm, nhất là tránh những điều: dâm dục, trộm cướp, sát nhơn và khoe pháp của bực quý nhơn(50), vì cả 4 nghiệp dữ đó là nguyên nhân sát hại chúng sanh.
Có hạng người, vì cái nhân dâm dục mà phá hại lẫn nhau; có hạng người mong được của kẻ khác rồi giết tài chủ cũng có; có hạng người muốn được lợi (lời khen, lễ lộc) rồi dối gạt rằng mình có đức hạnh cao siêu. Những nghiệp đó có thể làm hại, làm khổ kẻ khác là điều chẳng nên hành, mà đức Phật đã có chế định hẳn các hàng xuất gia trong Phật giáo không cho phạm. Nhân đó, các tỳ khưu, sa di, nên lánh điều Phật cấm, chuyên hành theo lời Phật chuẩn, bằng không thì gọi là người ‘xuất gia’ sao được.
GIẢI VỀ TIẾNG ‘SA-MÔN’
Người không nhẫn nại, dầu không giết các chúng sanh, chỉ có đánh đập làm khổ kẻ khác cũng chẳng gọi là ‘Sa-môn’ được.
Cớ sao? Vì lẽ chưa xa khỏi sự phá hại chúng sanh. Chỉ khi có tâm yên lặng mới gọi là ‘Sa- môn’ được, hiệp theo Phật ngôn rằng: “Samittatā hi pāpānaṃ samaṇoti vuccati”: người đã trừ các lội lỗi cho vắng lặng được, Như Lai mới gọi là « Sa-môn” ‒ Sự dứt bỏ điều ác là cái tướng để phân biệt của bực ‘Sa-môn’.
Lại nữa, bực ‘Sa-môn’ chẳng phải do sự phân biện cái tướng mạo bề ngoài đó đâu, như có Phật ngôn rằng:
“Na muṇḍakena samaṇo abbato alikaṃ bhaṇaṃ icchālobhasamapanno samano kin bhavissati yo ca sameti pāpāni anunthūlāni sabbaso samitattā hi samaṇoti vuccati”
Người chẳng phải được gọi là ‘Sa-môn’ chỉ vì sự cạo tóc đó đâu. Người không có hạnh kiểm, nói lời không chánh, không đúng pháp luật, người có nhiều sự ham muốn, mà gọi là ‘Sa-môn’ sao được. Về phần người đã dứt đủ các tội lớn nhỏ, Như Lai mới gọi là ‘Sa-môn’ vì họ đã diệt cả điều ác.
Pháp làm cho trở nên ‘Sa-môn’
Đức Chánh Biến Tri có giảng thuyết về danh hiệu và pháp của ‘Sa-môn’ rằng: “Samaṇā samaṇāti vo bhikkhave jano sañjānāti”: Này các tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các người rằng là ‘Sa-môn’. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: « Ông là chi?”, các ngươi cũng chắc tự nhận rằng: “Chúng ta là Sa-môn”. Như vậy nữa, nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình như vậy rồi, phải biết rằng: “Ye dhammā samaṇakaraṇā brāhmaṇakaraṇā. Các pháp nào làm cho trở nên Sa-môn và làm trở nên Bà- la-môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa với sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật”.
Lại nữa, chúng ta đã chịu dùng y bát, vật thực, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào, cái nghiệp lành của các kẻ đó, chắc sẽ phát phước lớn, có quả báo chẳng sai, vì họ nương nhờ chúng ta. Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả đâu, là pháp tu hành được nhiều phước báu thực. Này các tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.
Khi đã thuyết như thế rồi, Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu hơn là hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi làm gốc, rồi giải rằng:
“Parisuddhikāyasamācāra parisuddhivacīsamācāra parisuddhimanosamācāra parisuddha ājīva indriya saṃvara bhojanamattaññū jāgariyānuyoga satisampajañña”.
Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (nivaraṇadhamma) rồi chú tâm ngưng thần làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế”, tất cả phép đó, là phép của ‘Sa-môn’.
1) Hổ thẹn (hiri) là nói về sự xấu hổ đối với các ác pháp. 2) Ghê sợ (ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi. Cả 2 pháp trên đây là trọng yếu đặc biệt của ‘Sa-môn’ bằng không cũng chẳng gọi là Sa-môn được. Có hai pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được. 3) Thân trong sạch đầy đủ (parisuddhikāyasamācāra) là nói về ba nghiệp lành của thân. 4) Khẩu trong sạch đầy đủ (parisuddhivacīsamācāra) là nói về bốn nghiệp lành của miệng. 5) Tâm trong sạch đầy đủ (parisuddhimanosamācāra) là nói về ba nghiệp lành của ý. 6) Nuôi mạng trong sạch (parisuddha ājīva) là nói về sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong chánh mạng thanh tịnh giới). 7) Lục căn thu thúc (indriyasaṃvara) (xem trong lục căn thanh tịnh giới). 8) Biết tiết chế trong thực phẩm (bhojanamattaññū) là nói về sự biết hạn chế trong khi thọ thực cho vừa (xem trong pháp quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới). 9) Tỉnh thức thường thường (jāgariyānuyoya) là nói về sự thức nhiều ngủ ít. 10) Trí nhớ biết mình (satisampajañña). 11) Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng: là nói về sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ. 12) Sự trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái rồi chú tâm ngưng thần: là nói về hành phép thiền định. 13) Làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế”: là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt: cái khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế). Tất cả pháp đó là pháp của ‘Sa-môn’ mà người đã tự nhận là Sa-môn cần phải có, bằng không, ắt sẽ có sự làm hại kẻ khác chẳng sai.
Đức Thế Tôn giảng thuyết về hàng ‘Sa-môn’ và các pháp của bực Sa-môn như thế đó.
Phương tiện cho phát sanh pháp của bậc xuất gia hoặc Sa-môn
Người đã tự nguyện là bậc ‘xuất gia’ hoặc ‘Sa-môn’ phải chú tâm rằng: “Ta là bậc xuất gia hoặc Sa-môn rồi cần gìn giữ đức tin cho thanh cao vừa theo cái tướng mạo người xuất gia hoặc Sa-môn mới đặng, hay là quán tưởng theo Phật ngôn rằng: Bây giờ đây, ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nhất là cách thức hành động của sa-môn thế nào, ta cần phải làm theo không nên làm cho sai biệt cái pháp của ‘Sa-môn’. Bậc xuất gia ví như người thương mãi, bán buôn muốn được lợi, nếu hành đúng cách mới được lời nhiều, bằng làm sái, ắt phải lỗ vốn. Cớ đó, đức Phật có giải về pháp để đè nén cái tâm của người xuất gia như vầy:
“Kuso yathā duggahito haṭṭhamevānukantati sāmaññaṃ dupparāmaṭṭhaṃ nirāyāyūpakaḍḍhati yaṃ kiñci sithilaṃ kammaṃ saṃkiliṭṭhāñca yaṃ vattaṃ saṅkassarạm brahmacariyaṃ na taṃ hoti mahapphalaṃ kayirā ce kayirāthenaṃ daḷhamenaṃ parakkame sithilo hi paribbājo bhiyyo ākirate rajam ‒ Lẽ thường, cỏ tranh mà người không khéo nắm, kéo ngược trở lại, ắt phải đứt tay, thí dụ thế nào, sự xuất gia của hành giả nào tu không chơn chánh, sái pháp luật, hằng lôi kéo bậc đó sa trong địa ngục, cũng như thế ấy. Công việc nào làm thối chuyển, sự hành động nào nhơ đục, giáo lý nào mà người niệm bằng cách hoài nghi, cả 3 nhân đó là điều không có hiệu quả nhiều. Nếu người làm cái chi, là việc nên làm, hãy làm cái đó đi. Song cần phải thi hành cho đúng đắn, chẳng nên chỉ nói rồi thôi, vì cái pháp tránh khỏi mà người hành lui sụt, hằng rải rác tội lỗi như bụi bặm, nghĩa là trở thành nghiệp xấu.
Tội của bậc xuất gia tu hành không chơn chánh
Người mặc y vàng, song không thu thúc theo phép của sa-môn cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng: “Kāsāvakaṇṭhā bahavo pāpadhammā asaññatā pāpā pāpehi kammehi nirayaṃ te upapajjare” ‒ Phần đông người có cà sa dính với cổ, tức là mặc y vàng song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo pháp của sa-môn những kẻ không tốt đó thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.
Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ mà họ dâng bằng đức tin, không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng: “Seyyo ayoguḷo bhutto tatto aggisikhūpamo yañce bhuñjeyya dussīlo raṭṭhapiṇḍamasaññāto ‒ Người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của các kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt nóng như ngọn lửa còn hơn.
Đức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và Sa-môn không trú trong phép của họ, như những quy tắc đã giải.
Phương pháp dẫn bậc xuất gia thực hành theo chân lý
Người xuất gia nên hiểu rằng: sự sanh ra làm người cũng khó, sanh ra làm người rồi không mang tật bịnh cũng khó, nuôi sanh mạng cho được sống còn đến ngày xuất gia thật là trăm ngàn điều khó, xuất gia rồi học hỏi cho thông hiểu rằng: đây nên, kia không nên cũng chẳng dễ đâu. Khi đã thoát khỏi sự khó khăn, như đã giải đó rồi, phải vừa lòng với điều lợi ích quý cao của mình, chẳng nên chán nản, lãnh đạm với Phật huấn đâu. Cần phải hết lòng thỏa thích, rồi chú tâm học hỏi pháp luật trong Phật giáo cho được chu đáo, thành tâm thiệt hành theo, thì sự xuất gia đó mới có nhiều hiệu quả, mau đến Niết-bàn. Mặc dầu chưa thành tựu, song sự tu tập nghiệp lành, những hành vi chơn chánh đó, cũng dính theo qua kiếp sau vậy.
Lại nữa, bậc xuất gia hoặc Sa-môn mong được mau kết quả Niết-bàn, phải có nhiều sự nhẫn nại, đừng ở dưới quyền các pháp ô nhiễm xấu xa thô hiển đã phát sanh rồi làm cho kẻ khác bị hại, chịu khổ. Phải có đức nhẫn nại dẫn đầu, bằng không ắt sẽ làm khó chúng sanh. Như thế đó, đức Phật không gọi là bậc xuất gia hoặc Sa-môn hay là hàng Phật tử đâu.
GIẢI VỀ PHÁP NHẪN NẠI (KHANTI)
“Khantī paraṃaṃ tapo titikkhā” ‒ Sự nhẫn nại là phép thiêu đốt cao quý.
Chú giải: Sự nhẫn nại đó chia ra làm ba là: nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh xan tham, nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh sân hận, nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh si mê.
Nhẫn trong điều thứ nhất, nói về sự nhịn nín đối với các điều ham muốn, phát sanh trong sáu cửa. Tiếng ‘nhịn nín’ là ráng chịu, không làm điều dữ theo lòng mong mỏi hoặc đói khát. Có hạng người, chỉ vì không biết nhịn nín đối với cái tâm ham muốn hoặc sự đói khát mới dối gạt, cướp giựt của người, ắt sẽ bị nghiệp báo, chịu điều khổ não do nhân dữ đã tạo (như bị đánh đập, tù tội...). Người nào nhẫn nại được thì hằng gặp điều an vui, lợi ích. Đó là nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh xan tham.
Sự nhẫn nại đối với các khổ là nguyên nhân cho sanh sân hận, nói về sự nhịn nín với những điều không vừa lòng, của kẻ khác. Lẽ thường con người đã sanh ra trong thế gian chẳng có một ai không bị người chê trách, nếu họ không nhiếc ngay trước mặt, thì họ mắng xiên chửi xéo hoặc nói xấu sau lưng. Xét coi như mặt trời mặt trăng, thường soi sáng khắp thế gian, cũng chẳng khỏi bị chê trách, hà huống đến người đời, tránh sao cho khỏi lời phỉ báng. Cho đến đức Thiên Nhơn Sư có đủ đức từ bi mà cũng có kẻ oán trách, như lúc Ngài ngự trong thành Kosambi bị hoàng hậu của đức vua Udena bảo nhiều người chửi mắng.
Phương tiện dập tắt lòng nóng giận. Đức Phật dạy: Nếu muốn diệt cái tâm sân, phải làm như ‘người mù, kẻ điếc’, như thế đó mới nhịn sự nóng giận được. Làm người có mắt hay thấy, có tai hay nghe thì rất khó nhẫn. Những kẻ không biết nhịn đối với sự khổ vì giận, thì làm việc gì hay nóng nảy, thường phải gặp điều rủi ro, tai hại, sau rồi hối hận rằng: Ô! Ta đã làm sái lắm rồi, không nên thật. Dầu đối với việc nào chẳng hạn, nếu đã làm theo cái tâm nóng giận ắt phải hư hỏng cả. Cho nên, bậc trí tuệ cần phải suy xét cho thấy rõ tội lỗi trong sự sân, rồi ráng nhịn nhục như lẽ đã giải.
Nhẫn nại trong điều thứ ba, là nhịn đối với điều khổ não phát sanh trong thân tâm mình, không nên chiều theo cái khổ mà làm dữ. Dầu nhẫn trong lúc mang bịnh là cái nhân sanh trí nhớ và sự biết mình, là một nết hạnh thanh cao, nên có trong tâm hằng ngày hằng giờ, hoặc trong lúc bịnh nặng cũng cần có tánh nhẫn nại cho vững vàng.
Phương tiện làm cho phát sanh đức nhẫn nại trong giờ hấp hối là phải xét cho thấy chơn lý rằng: bịnh và chết là cái khổ mà tất cả chúng sanh phải mang, chẳng có một ai tránh khỏi. Trong “Abhiṇhappaccavekkhana”, đức Phật dạy phải thường thường quán tưởng rằng: Ta có bịnh hoạn là lẽ thường, không sao tránh khỏi được (byādhidhammomhi byadhin anatito). Như thế để ngừa trước, khi còn mạnh khỏe. Nếu chờ đến bịnh nặng thì khó mong nhớ xét cho kịp, vì khi bịnh nguy hằng có rất nhiều sự khổ, khó bề tưởng nghĩ. Trí nhớ và sự biết mình đều phóng túng, có khi lại dạy người sát sanh để cúng tế khẩn cầu, mong được tai qua nạn khỏi, không lòng nhơn từ đối với loài cầm thú. Những tội lỗi ấy phát sanh lên, vì khi còn mạnh khỏe không trau dồi trí nhớ rằng: “Chúng sanh trong thế gian đều phải mang bịnh hoạn ốm đau”. Bởi thiếu trí nhớ mới gây ra nghiệp dữ, rồi sau khi chết phải sa đọa trong đường ác. Những người có trí nhớ và sự biết mình hằng được thọ sanh trong nhàn cảnh. Cho nên Phương pháp dạy dỗ cái tâm cho có sự nhẫn nại là điều trọng yếu mà chúng ta cần phải có, hầu chiến thắng nghịch pháp, tức là bịnh khổ trong giờ hấp hối. Bậc trí tuệ nên suy xét thấy cái tội của sự lầm lạc và cái phước của trí nhớ với tánh nhẫn nại như đã giải, cần phải tu cái trí nhớ cho sẵn, theo phương pháp của đức Phật, để đè nén sự si mê, không cho sanh lên được.
Nhẫn với cái khổ là nhân sanh tham và si như đã giải là pháp phụ thuộc, chưa phải là chánh. Nhịn đối với cái khổ, là nhân sanh nóng giận mới thiệt là quan trọng gọi là “adhivāsakhanti”.
Phước báu của adhivasanakhanti. Có rất nhiều kệ ngôn khen ngợi adhivasakhanti, nhất là:
Sīlasamādhiguṇānaṃ khanti pādhānakāraṇaṃ sabbepi kusalā dhammā khantyāyeva vaḍḍhanti te
- Nhẫn nại là nhân sanh các đức tánh, tức là giới và định. Các thiện pháp hằng được tăng trưởng do lòng nhịn nín thật.
Kevalānampi pāpānaṃ khanti mūlaṃ nikantati garahakalahādīnam mūlaṃ khaṇati khantiko
Nhẫn nại hằng cắt đứt tất cả gốc tội được. Người nhịn nhục gọi là người đào bứng cội rễ các tội, nhất là sự chửi mắng và lời tranh cãi.
Khanti dhīrassalaṅkāro khanti tapo tapassino khanti balaṃ va yatīnaṃkhanti hitasukhāvahā
Nhẫn nại là vật trang điểm của bậc trí tuệ, nhẫn nại là pháp thiêu hủy tội lỗi của người có thiêu pháp(51). Nhẫn nại là sức mạnh của người hành thiện pháp. Nhẫn nại là cái đức đem đến điều lợi ích và yên vui.
Khantiko mettavā lābhī yasassī sukhasīlāva piyo devamanussānaṃ manāpo hoti khantiko
- Người nhịn nín là người có bậu bạn, là người có lợi, là người có quyền thế, là người thường có sự vui. Người nhịn nín hằng là nơi thương yêu, là chỗ vừa lòng của người và Chư thiên.
Attanopi paresañca aṭṭhāvaho va khantiko saggamokkhagamaṃ maggaṃ āruḷho hoti khantiko
- Người nhịn nín là bậc đem điều lợi ích đến mình, đến những kẻ khác nữa; người nhịn nín là người bước lên đường đến cõi trời và Niết-bàn.
Satthuno vacanovadam karotiyeva khantiko paramāya ca pūjāya jinaṃ pūjeti khantiko
- Người nhịn nín gọi là làm theo lời dạy của “đức Giáo chủ” hẳn thật; người nhịn nín gọi là cúng dường đức Thế Tôn bằng cách cúng dường cao quý.
Giải về pháp nhẫn nại là thiêu pháp (tapadhamma). Pháp nào đã sanh lên rồi đốt tiêu được các pháp nghịch với mình, đó gọi là thiêu pháp. Như thập thiện nghiệp (kusalakammapatha) là thiêu pháp của thập ác nghiệp (akusalakammapatha) vì khi thập thiện nghiệp sanh lên thì trừ diệt thập ác nghiệp cho tiêu tan được. Tinh tấn (viriya) là thiêu pháp của lười biếng (kosajja).
Pháp nhẫn nại mà gọi là thiêu pháp, vì nó đốt các pháp, nhất là nóng giận (dosa), ngầm giận (kodha), làm hại (byāpada), làm khó (vihinsa), ganh ghét (arati), bất bình (paṭigha), toàn là pháp phụ thuộc của sự nóng giận (dosa), cho tiêu tan được. Sự nóng giận mà tăng trưởng được cũng vì thiếu pháp nhẫn nại. Xem coi những người tranh cãi nhau, như phái tỳ khưu trong quận Kosambi vì nương với cái nhân nhỏ nhen chút ít, không ráng nhịn được, làm cho xung đột nhau dữ dội, cho sanh ra sự chia rẽ tăng già, nếu một bên nín được thì có đâu phát sanh câu chuyện lớn lao như thế. Sự nhẫn nại chẳng phải chỉ có ích cho mình thôi đâu mà cũng có lợi đến kẻ khác nữa. Cho nên, đức Phật khen rằng là ‘thiêu pháp’ quý cao đặc biệt.
Lại nữa các cảnh giới(52) đến kích thích cho sanh nóng giận đó chẳng phải đến tiếp xúc cả ngày và đêm đâu, cũng có dịp rảnh cho mình chú tâm ngăn ngừa vậy.
Có sự nhẫn nại, là trong khi có nguyên nhân tiếp xúc nhằm, rồi nín được mới gọi là nhịn. Người đã thọ trì pháp nhẫn nại, nếu chưa có nhân, dẫn cho sanh sân hận, hoặc đi ẩn trú trong nơi vắng vẻ, cũng chưa thấy hiệu quả lạ thường, chỉ khi có nhân sanh lên rồi nhịn được mới thấy rõ quả báo khác thường thật. Như hạng võ tướng mà gọi là anh hùng, chỉ đến khi xông vào chiến trường rồi đánh thắng mới gọi là hào kiệt được.
Phương pháp làm cho phát sanh nhẫn nại (adhivāsakhanti). Hàng Phật tử có tâm kính thành hành theo pháp nhẫn nại, nếu xét cho thấy rõ như vậy: Người đến mắng nhiếc khinh ta đây, dường như họ đến làm cho ta được mau tấn hóa mà ‘addhivāsakhanti’ là một năng lực đặc biệt của đức Bồ tát. Như kiếp ngài thọ sanh làm Vessantara, đem 2 con yêu mến của ngài là Kaṇha và Jāli cho đến lão Bà-la-môn Jūjaka. Khi hai trẻ dùng dằng không chịu đi, ông lão ấy tát tai, đánh đập chúng nó trước mặt ngài. Nhờ giữ pháp nhẫn nại rất bền vững, nên ngài không làm hại lão Jūjaka. Như vậy mới gọi rằng ngài chiến thắng, là ngài tu adhivasakhanti vậy.
Lại nữa, nên nghĩ rằng: “Ô! người đến nói xấu ta, ví như họ đem phước đến cho ta đây mà”. Nhịn, không sân hận hoặc giận mà nín được, không chửi mắng theo năng lực của sự giận là một điều lành đúng đắn đặc biệt, làm cho phát sanh nhiều thiện pháp khác. Có thứ phước, khi làm phải hao tốn của cải hoặc mệt nhọc thân tâm, còn hạnh kiểm nhẫn nhịn đối với lời nói xấu xa là cái phước dễ dàng, không cần phải hao công tốn của mà vẫn được yên vui như thường.
Thắng phép sân bằng phép vô sân. Người có tâm nhẫn nại bền chắc, hằng thắng kẻ hay giận, như nàng Uttarā thắng cô Sirimā.
Tích nàng Uttarā. Nàng tín nữ Uttarā là con gái của vị triệu phú gia Puñña và là vợ của trưởng giả Rājagaha. Từ khi theo về nhà chồng, không có dịp làm việc bố thí. Nàng bèn mướn cô kỵ nữ tên là Sirimā đem về hầu hạ chồng để cho mình rảnh rang đi làm việc phước thiện. Cô Sirimā, khi được về ở cùng chồng của người, chỉ trong nửa tháng, sanh lòng tà vạy, tính đoạt ngôi chủ nhà, nên tìm kế hại nàng Uttarā nhiều lần. Đến nỗi cô ta dạy người đổ nước sôi trên mình nàng Uttarā nhưng nàng này không phiền trách chi cả, nước sôi đó trở thành nước mát như thường. Cô Sirimā biết lỗi, xin thú tội, rồi hai nàng đồng dẫn nhau đến bạch cùng đức Phật.
Phật giảng rằng:
“Akkodhena jine kodhaṃ asādhun sādhunā jinejine kadariyaṃ dānena saccena alikavādinaṃ”
- Người nên thắng sự giận (của kẻ khác) bằng sự không giận (của mình), nên thắng điều không tốt (của kẻ khác) bằng điều tốt (của mình), nên thắng sự bón rít (của kẻ khác bằng sự cho (của mình), nên thắng lời không chơn chánh (của kẻ khác) bằng lời ngay thật (của mình)”.
Người nào khi có kẻ khác đến làm dữ, mình cũng có thể làm hại lại được, song nhịn nhục, biết tỏ lòng từ bi, mặt mày tươi tỉnh, vui vẻ với kẻ ấy như vậy, thì không lâu kẻ làm dữ kia cũng hả lòng hết giận không sai. Thế ấy, mới gọi là người thắng kẻ giận hẳn thật như nàng Uttarā vậy.
Tội của sự giận. Lẽ thường, kẻ nào nóng giận đối với người nhẫn nại, không giận trả lại mà kẻ kia vẫn còn mong làm dữ, thường đến chửi mắng, kẻ giận đó trở lại lo sợ hoặc bị tai hại chẳng sai, như tích người thợ rừng tên Koda. Có Phật ngôn rằng:
“Yo apaduṭṭhassa narassa dussati, suddhassa posassa anaṅgaṇgassa tameva, bālaṃ pacceti pāpaṃ, sukhumo rajo paṭivātaṃ va khitto”
- Người dốt nát nào làm hại kẻ không làm hại mình và kẻ ấy là người trong sạch không có điều ô nhiễm, cái nghiệp dữ đó thường trở lại cho người si mê đó không sai, như cát bụi nhỏ nhít mà người đổ ngược gió, nó hằng bay trở lại nhằm mình.
Năm phước báu của nhẫn nại (adhivāsakhanti). Đức Phật có giảng thuyết ngợi khen đức tánh của sự nhẫn nại như vầy:
- “Dosaṃ bhikkhave pajahatha: Này các tỳ khưu! Nếu tất cả các ngươi bỏ được sự nóng giận, Như Lai gọi các ngươi là bực ‘anahām’”.
Sự dứt lòng nóng giận, dầu chưa hết tuyệt, chỉ trừ được từ khoảng, từ lúc bằng pháp nhẫn nại, cũng có 5 phước báu là: piyo manāpo: người nhịn nín hằng được nhiều kẻ thương yêu vừa lòng; navera bahulo: ít có kẻ ganh ghét; na vajja bahulo: ít có tội; asammūḷho: không hôn mê trong giờ chết; sugati: mạng chung rồi được thọ sanh nơi nhàn cảnh.
Giải về tiếng ‘ganh ghét’
Người nào có tâm nhịn nín, không tìm cớ làm hại kẻ khác trước, thì kẻ khác cũng chẳng ganh ghét lại. Nếu có người ganh ghét đến kẻ vô tội, người có lòng ganh ghét đó, sẽ bị tai nạn không sai, hiệp theo Phật ngôn rằng:
"Na hi verena verāni sammantīdha kudācanaṃaverena ca sammanti esa dhammā sanantano"
- Dầu cho trong thời gian nào chẳng hạn, lẽ thường những sự ganh ghét trong đời này chẳng bao giờ tiêu diệt bằng sự ganh ghét đâu. Hẳn thật, các điều ganh ghét hằng được yên lặng bằng cách không ganh ghét. Phép này là phép đã có từ lâu rồi.
Xin giải về câu: Các điều ganh ghét hằng yên lặng bằng cách không ganh đó. Chỉ đến khi có tâm mát mẻ, tức là lòng nhẫn nại, tâm từ ái thương xót, hoặc chú tâm quán tưởng cho thấy rõ cái tội của sự giận và cái phước báu của sự nhẫn nại, thì điều ganh ghét mới yên lặng được, ví như trong nơi nào dơ bẩn, lắm nước tiểu hoặc vật hôi thối, thì cần phải dùng nước trong để rửa mới sạch sẽ được.
Phước báu lạ thường của sự nhẫn nại. Bậc có trí tuệ, nên thấy phước báu của điều nhịn nín là thường như tích sau đây:
Tích Dīghāvukumāra.
Thuở đức hoàng đế Brahmadatta trị vì trong kinh đô Bārāṇasī xứ Kāsi, thì đức vua Dīghāti cũng là vị chúa tể trong thành Sāvatthī trong xứ Kosala. Thuở đó đức hoàng đế Brahmadatta đem binh phá thành Sāvatthī. Đức vua Dighātī dẫn bà chánh hậu trốn vào nương ngụ với bọn buôn nồi trong một biên địa. Sau rồi hoàng hậu sanh được một vị hoàng tử tên là Dīghāvukumāra. Nhưng không bao lâu, hoàng đế Brahmadatta bắt được vua Dīghāti rồi dạy cho quân đem ra hành quyết. Trong lúc dẫn đi, hoàng tử Dīghāvukumāra theo kịp, đức vua Dīghāti bèn dạy hoàng tử rằng: “Này Dīghāvukumāra, ngươi chẳng nên xem việc gần lắm, vắn lắm. Lẽ thường sự ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng cách ganh ghét được. Ganh ghét hằng trừ bằng sự giải ganh ghét”. Xong rồi ngài bị hành hình. Khi Dīghāvukumāra có dịp vào làm tôi hầu cận hoàng đế Brahmadatta, trong một ngày nọ, đức vua ngự đi săn và dạy Dīghāvukumāra làm xa phu đánh xe cho ngài. Gặp dịp ấy, hoàng tử Dīghāvukumāra ráng đánh xe chạy mau đến phía trước cách xa các quan hầu, có ý ám sát đức vua để trả phụ thù. Nhưng lúc xe vừa ngừng lại, hoàng đế Brahmadatta vì mệt nhọc, gối đầu trên bắp vế Dīghāvukumāra mà nghỉ. Dīghāvukumāra rút kiếm ra, đưa lên toan thích khách, song nhớ đến lời di chúc của đức vua cha, bèn hạ kiếm xuống và thét lên cho hoàng đế Brahmadatta hay rằng mình là hoàng tử con vua Dīghāti. Lúc đó hoàng đế Brahmadatta và hoàng tử Dīghāvukumāra đều xá lỗi cho nhau rồi trở về đền. Đức vua Brahmadatta bèn trả kinh đô Sāvatthī lại cho hoàng tử Dīghāvukumāra và gả luôn công chúa cho nữa. Sau khi đức Brahmadatta thăng hà thì đức Dīghāvukumāra được thống trị luôn cả hai nước.
Sự nhẫn nại có đức trọng khác thường như tích Dīghāvukumāra được làm vua cả hai nước, cũng chỉ do lòng nhịn nhục thôi. Cớ đó, đức Phật dạy: “Ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng ganh ghét, ganh ghét hằng giải bằng sự không ganh ghét. Cho nên, muốn được yên vui trong đời này và trong buổi vị lai thì cần phải có pháp nhẫn nại luôn khi, chẳng nên bỏ qua lúc nào”.
GIẢI VỀ PHÁP THỨ TÁM CỦA BẬC XUẤT GIA VÀ SA-MÔN
Mattaññutā ca bhattasmin: Trạng thái người biết tiết chế trong vật thực.
Biết tiết chế là biết buộc mình ở trong lễ phép khiến cho khỏi thái quá, là biết hạn chế trong 4 oai nghi: đứng, đi, ngồi, nằm cho đều. Biết hạn chế trong khi: nói, làm, nghĩ đúng theo quy tắc của Phật giáo v.v... Song nơi đây chỉ giải về 3 điều là: biết tiết chế trong sự tìm kiếm, biết tiết chế trong sự thọ lãnh, biết tiết chế trong sự dụng.
Xin xem trong “Chánh mạng thanh tịnh giới và pháp quán tưởng thọ vật dụng”.
GIẢI VỀ PHÉP THỨ CHÍN CỦA BẬC XUẤT GIA VÀ SA-MÔN
Trong Tạng Luật, quyển thứ 8, đức Phật có giải: Tỳ kheo ngủ mê có 5 tội: ngủ mê khổ, thức dậy cũng khổ, nằm mộng xấu xa, Chư thiên không hộ trì, tinh di.
Chư thinh văn đệ tử Phật chỉ có nghỉ: 1) buổi trưa sau khi thọ thực, nghỉ chốc lát rồi thức dậy (đứng, đi, ngồi) để tham thiền quán tưởng; 2) ban đêm phân làm 3 canh: canh đầu và canh cuối cùng (đứng, đi, ngồi) tham thiền quán tưởng, canh giữa nghỉ (nằm nghiêng bên tay mặt, như lúc Phật nhập diệt) đem trí nhớ nguyện rằng: ta nghỉ đến hết canh giữa rồi thức dậy và tịnh tâm mà nghỉ. Ngủ như vậy có 5 phước báu: ngủ được vui, thức dậy cũng vui, không nằm mộng xấu xa, có Chư thiên hộ trì, tinh không di.
GIẢI VỀ PHÁP NƯƠNG NGỤ TRONG NƠI THANH VẮNG
“Pantañca sayanāsanaṃ: Nơi nằm, chỗ ngồi thanh vắng”. Rừng núi hoặc rừng cây, xa khỏi xóm làng và tịnh thất không người ở (suññagāraṭṭhāna) đều gọi là nơi nằm, chỗ ngồi vắng vẻ. Các nơi thanh vắng đó, cho hành giả nương ngụ xa khỏi sắc và tiếng người, cho tâm dễ bề yên lặng. Do nhân đó, mà các bậc trí tuệ chỉ vừa lòng với chỗ ngụ vắng vẻ nhất là rừng núi.
Lẽ thường, rừng núi là nơi yên vui, đáng cho bực hành giả ưa thích. Song người hành đạo cần xu hướng đem cái tâm mình thí dụ với rừng vắng, theo lời đại đức Nagasenaṭṭhera tâu với đức vua Milinda rằng: Năm chi của rừng lớn :
1) Rừng lớn là nơi che đậy những kẻ không tốt, thế nào, hành giả cũng nên là người che đậy tội lỗi và sự quên lãng của kẻ khác cho giống như rừng lớn giấu kín kẻ xấu xa vậy.
2) Rừng lớn là nơi rỗng không, chẳng có kẻ tới lui, thế nào hành giả cũng nên là người rỗng không, chẳng có ô nhiễm là tham, sân, si, ngã chấp, tà kiến cho giống như rừng vắng, chẳng có kẻ tới lui vậy.
3) Rừng lớn là nơi vắng tanh thế nào, hành giả cũng nên là người lặng tâm khỏi ác pháp xấu xa, là tâm của hạng thường nhơn, chẳng phải là tâm của bực Thánh, cho giống như rừng lớn vắng tanh vậy.
4) Rừng lớn là nơi yên lặng trong sạch, thế nào, hành giả cũng nên là người có tâm yên tịnh, nên là người dứt lòng ngã chấp, quên ơn, cho giống như rừng lớn yên lặng trong sạch vậy.
5) Rừng lớn là nơi thân cận của hàng thánh nhân thế nào, hành giả cũng nên làm cho mình là nơi thân thiết của bực thánh nhân vậy.
Hiệp theo Phật ngôn có ghi trong “Saṃyuttanikāya” rằng: “Pavittehi ariyehi pahitattehi viññuhi niccaṃ āraddhaviriyehi paṇḍitehi sahāvave”: Hành giả nên ngụ chung với hàng trí tuệ, bực yên lặng, người xa khỏi đều ô nhiễm, người đưa cái tâm đi trong thiền định, là người thông minh, có sự tinh tấn luôn khi.
GIẢI VỀ HÀNH GIẢ NGỤ TRONG RỪNG, SONG LÒNG CÒN DỤC VỌNG
Hành giả nào có thân lánh khỏi vật dục do sự ngụ trong rừng là nơi vắng vẻ, song không ngăn cái tâm cho xa khỏi phiền não được, để cho tâm phóng túng theo thế lực 3 tà tư duy là: suy nghĩ tìm kiếm ngũ dục (kāmavitakka), suy nghĩ mong oán thù kẻ khác (byāpadavitakka), suy nghĩ muốn làm khó kẻ khác (vihinsavitakka). Thì cũng chẳng cao thượng hơn người tu trong xóm làng, mà tâm xa khỏi ngũ dục. Như có vị tỳ khưu tên Meghiya đi ngụ trong rừng mà không được thành tựu các đức thanh cao vì chiều theo ba cái vọng tâm đó.
Tích Đại đức Meghiya. Thuở đại đức Ānanda chưa lãnh trách nhiệm hầu Phật, thì có vị tỳ khưu Meghiya theo hộ đức Thế Tôn. Lúc thầy Meghiya thấy cụm rừng xoài (ambavana) là nơi đáng ưa thích (ramaniyaṭṭhana) rồi bạch xin Phật đi tham thiền trong nơi đó. Phật ngăn rằng: “Ngươi chờ đã, khi có vị khác đến hộ Như Lai rồi sẽ đi”. Tỳ khưu Meghiya vẫn nài nỉ cầu xin nữa rằng: “Đức Thế Tôn đã được tròn phận sự, phần tôi cần phải tu hành thêm nữa”. Bạch rồi bèn lạy mà đi. Nhưng khi đến trú trong nơi đó, hằng bị tà tư duy đè nén, tham thiền vô hiệu quả, bèn trở lại bạch cho Phật rõ. Đức Thế Tôn thuyết rằng: “Tandanaṃ capalaṃ cittaṃ dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ ujuṃ karoti medhāvī, usukārova tejanaṃ, vārijova thale khitto, okamekata ubbhato, pariphandatidaṃ cittaṃ, māradheyyaṃ, pahātave”: Người có trí tuệ hằng uốn cái tâm lay chuyển trạo trực, khó gìn giữ, khó ngăn cấm, cho trở nên ngay thẳng được, như thợ làm tên uốn cây tên cho ngay vậy. Lẽ thường, loài thủy sanh(53) (vārijāti) nếu bị người đem lên khỏi nước rồi, liệng bỏ trên khô hằng giãy giụa thế nào, cái tâm mà hành giả đem ra khỏi chỗ nó quen ở, tức là ngũ dục, rồi bỏ trên khô, tức là pháp quán tưởng, cho khỏi sự buộc ràng của Ma vương, nó cũng hằng lay chuyển vậy.
Phật ngôn trên đây chỉ cho thấy rõ rằng: khi hành giả nương ngụ trong nơi vắng vẻ, nên làm cho yên lặng cả thân, tâm và điều ô nhiễm, mới có thể được quả báo chơn chánh theo lời Phật dạy.
GIẢI VỀ PHÁP TU TÂM CAO CẤP
“Adhicitte ca ayogo”: sự tinh tấn tu tập trong tâm cao cấp.
Tiếng adhicitta dịch là ‘tâm cao cấp’ là tâm bực cao, vượt khỏi lên trên tâm người thường, chia ra làm 2 phần là: thiền hữu sắc, thiền vô sắc.
Thiền hữu sắc (rūpajjhāna) có 4 bực: sơ thiền (paṭhamajjhāna), nhị thiền (dutiyajjhāna), tam thiền (tatiyajjhāna), tứ thiền (catutthajjhāna).
NĂM PHÁP CÁI (NIVARAṆADHAMMA)
Pháp che ngăn cái tâm không cho đắc thiền định được gọi là “pháp cái”, có năm: tham trong ngũ dục (kāmacchanda), oán (byāpada), hôn trầm: là thân tâm lười biếng, rã rượi, buồn ngủ (thīnamiddha), phóng tâm: tâm buông thả, không chú trọng (uddhacca kukkucca), hoài nghi (vicikicchā).
Nguyên nhân sanh năm pháp cái: sự tham trong ngũ dục phát sanh ‘dơ’ mà cho rằng là ‘đẹp’, là ‘sạch’; sự oán thù phát sanh do tâm bất bình, uất ức; hôn trầm phát sanh do tâm không vui thích; phóng tâm phát sanh do lòng không yên lặng; hoài nghi phát sanh vì không ghi nhớ bằng trí tuệ. Năm pháp cái đó, dầu là người không có tác ý mong mỏi, cũng có thể phát sanh lên được, bởi đã có thói quen thân thiết từ lâu rồi.
PHÁP TRỪ NĂM PHÁP CÁI
1) Tham trong ngũ dục trừ bằng tham thiền đề mục bất tịnh (tử thi) (xem trong phép chánh định). Lại có sáu pháp nữa để dứt lòng tham ngũ dục là: học đề mục thiền định bất tịnh; tinh tấn niệm đề mục bất tịnh; thu thúc lục căn; biết tiết chế trong thực phẩm; gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói (nói lời làm cho phát sanh sự chán nản thế sự).
2) Trừ thù oán bằng niệm từ ái (mettā bhāvanā), nghĩa là rải tâm thương xót đến tất cả chúng sanh. Có sáu pháp khác nữa để dứt lòng thù oán là: học đề mục từ ái; tinh tấn niệm đề mục từ ái; quán tưởng rằng chúng sanh có cái nghiệp là của mình; cố gắng quán tưởng cho nhiều; gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
3) Trừ hôn trầm bằng phép tinh tấn. Có sáu pháp khác để dứt hôn trầm là: chú tâm về sự tiết chế trong pháp thọ thực; ráng thay đổi oai nghi cho đều, cho được vui; quán tưởng làm cho tâm sáng láng tươi tỉnh; chỉ ngụ trong nơi trống (khoảng trống); gần gũi bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
4) Trừ sự phóng tâm bằng tịnh tâm. Có sáu pháp để dứt phóng tâm là: trạng thái người được nghe nhiều học rộng; ráng tra vấn điều phải chẳng; biết thuần thục giới luật; tìm kiếm bực trưởng thượng hoặc hàng đức hạnh; gần gũi cùng bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
5) Trừ hoài nghi do sự ghi nhớ bằng trí tuệ trong thiện pháp. Có sáu pháp để trừ hoài nghi là: trạng thái người được nghe nhiều học rộng; ráng tra vấn điều phải chẳng; biết thuần thục giới luật; làm cho tâm có nhiều đức tin; gần gũi cùng bạn lành; chỉ nói lời nên nói.
Thí dụ năm pháp cái với năm thứ nước: tham ngũ dục ví như nước có lẫn lộn nhiều màu; oán thù ví như nước đang sôi trào; hôn trầm ví như nước bị rong rêu che án; phóng tâm ví như nước có sóng lưỡi búa; hoài nghi ví như nước đục để trong nơi tối.
Khi nước đã biến đổi như vậy rồi, người không thể soi cho thấy bóng mặt được thế nào, pháp cái cũng là điều che ngăn cái tâm không cho thấy lẽ chánh như vậy.
THIỀN HỮU SẮC
Thiền định hữu sắc chia làm 4 bực là: 1) khi hành giả tinh tấn trừ năm pháp cái được rồi thu tâm lại còn có năm là: tầm (vitakka), sát (vicāra), phỉ (pīti), an (sukha), định (ekaggatā), như thế đó gọi là sơ thiền (pathamajjhāna); 2) thu cái tâm lại nữa, dứt tầm và sát, chỉ còn có 3 là phỉ, an, định gọi là nhị thiền (dutiyajjhāna); 3) thu cái tâm lại nữa, bỏ phỉ ra, chỉ còn có 2 là an và định, gọi là tam thiền (tatiyajjhāna); 4) thu cái tâm lại nữa, bỏ an, chỉ còn có 2 là định và xả (upekkhā) gọi là tứ thiền (catutthajjhāna).
Giải về thiền hữu sắc. Người muốn suy xét về pháp thiền định, cần phải chủ ý trước rằng: “Cái tâm của thường nhơn có nhiều bực, tốt cũng có, xấu cũng có, lẫn lộn nhau là lẽ thường. Tất cả điều ác, nếu nói cho nhiều thì có đến 1.500 gọi là ô nhiễm (kilesa). Song trong nơi đây chỉ trích lấy có 10 là bên lành có 5, bên dữ có 5. Về phần lành thì nói về 5 chi thiền (aṅgajhāna), phần dữ về 5 pháp cái (nīvaraṇadhamma) đem sắp hạng theo thứ tự như vầy:
Phần lành |
Phần dữ |
Đó là tướng tâm của thường nhơn, nghĩa là tâm người đời có lúc ngưng thần được, song khi có sự tham trong một ngũ dục nào rồi thì ngưng thần phải lui. Trong lúc đó tâm liền phóng túng ngay. Khi phỉ phát sanh, nếu có điều bất bình tiếp xúc thì phỉ cũng tiêu, trở thành oán cấp kỳ.
Khi tâm xét điều gì rồi bỏ, không nghĩ nữa vì bị hôn trầm đè nén. Có khi được an lạc song bị phóng túng lại sanh lên làm cho hết an lạc đi. Lẽ thường, con người hằng có tâm quan sát trí tuệ tìm điều lợi ích mà bị sự hoài nghi đè nén rồi thì không còn xem xét được nữa, không tin chắc phía nào, sát cái chi cũng chẳng thành tựu.
Nếu đã xem và nghe được vừa lòng lời giải trên đó đúng đắn rồi thì dễ hiểu biết trong phép thiền định, theo thứ tự như sau này:
1) Người đắc sơ thiền có thể cắt cả năm pháp cái phần dữ được, chỉ còn sót 5 phần lành là định, phỉ, tầm, an, sát.
2) Song về 5 phần lành đó, tầm và sát vẫn còn thô thiển, là nhân làm cho tâm rời rạc nữa được. Cho nên cần cố gắng trừ tầm và sát, cho chỉ còn: định, phỉ và an. Đây gọi là đắc nhị thiền.
3) Phỉ là sự no lòng nhưng cũng còn xao động nên sợ e cho ác pháp sẽ nhập vào nữa. Cớ ấy, phải trừ bỏ phỉ, chỉ còn định và an. Được như vậy gọi là nhập tam thiền.
4) Mặc dầu như thế đó, sự an lạc cũng là điều còn thô thiển, đang yên vui, sự khổ lại đến, vì vui với khổ là pháp tương phản. Lẽ đó, phải diệt vui cho chỉ còn có 1 định thì tâm hằng trú trong trạng thái ‘vo ký’ (upekkha). Như thế gọi là tứ thiền.
Vì mong cho các hàng Phật tử được học hỏi dễ dàng, nên có bản đồ chỉ rành dưới đây cho thấy rõ tướng tâm của bực đắc định. Hành giả muốn đắc thiền từ thấp đến cao, cần phải diệt tận điều xấu, lọc lấy cái tâm tốt, cao từng bực, chỉ còn cái tâm thanh cao tối thượng thôi, ví như lấy nước sạch đem lóng lần lượt cho chỉ còn nước thật trong thôi.
- Tâm thường nhân: 1) định, 2) phỉ, 3) tầm, 4) an, 5) sát, 6) tham, 7) oán, 8) hôn, 9) phóng, 10) nghi.
- Tâm của bực đắc sơ thiền: 1) định, 2) phỉ, 3) tầm, 4) an, 5) sát, 6), 7), 8), 9), 10).
- Tâm của bực đắc nhị thiền: 1) định, 2) phỉ, 3), 4) an, 5), 6), 7), 8), 9), 10).
- Tâm của bực đắc tam thiền: 1) định, 2), 3), 4) an, 5), 6), 7), 8), 9), 10).
- Tâm của bực đắc tứ thiền: 1) định, 2), 3), 4), 5), 6), 7), 8), 9), 10).
BỐN THIỀN VÔ SẮC
1) Quán tưởng (paṭibhāganimitta) của đề mục kasiṇa cho trở thành “không không” gọi là mở “Kasiṇa” rồi dùng hư không làm cảnh giới. Niệm “ananto ākāso” (hư không vô biên). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt sự phân biện trong điều bất bình, bỏ sự phân biện trong các trạng thái khác.
2) Dùng cái thức (viññāṇa) làm cảnh giới niệm rằng: “anantaṃ viññāṇaṃ” (thức vô biên). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biện trong “ākāsānañcāyatana” (hư không vô biên)” ra gọi là “viññāṇañcajjhāna” (thức vô biên thiền).
3) Chẳng dùng cái gì làm cảnh giới cả, niệm rằng: “naṭṭhi kiñci” (cái chi chút ít cũng chẳng có). Niệm cho đến phát sanh định tâm, rồi dứt bỏ sự phân biện trong “thức vô biên” ra được, gọi là “vô hữu sở thiền”.
4) Chẳng dùng cái chi làm cảnh giới cả, rồi niệm “santametaṃ paṇītame taṃ” (cái đó vi tế lắm, cái đó quý báu lắm). Niệm cho đến phát sanh định tâm rồi dứt bỏ sự phân biện trong “vô sở hữu thiền” ra, gọi là “phi phi tưởng thiền (nevasaññānāsaññāyatanajjhāna)”.
Hành giả đắc tứ thiền này mà gọi là “biết mình” cũng không được hoặc “không biết mình cũng không được”.
Phân biệt thiền hữu sắc với thiền vô sắc. Gọi là thiền hữu sắc, vì còn nương theo đề mục có sắc như kasiṇa song sau khi đắc thiền hữu sắc được thuần thục, rồi nhập thiền không cần dùng kasiṇa nữa mới gọi là “thiền vô sắc”.
Xin giải thêm cho rõ rệt về thiền vô sắc lần thứ nhì nữa như sau này:
1) Thiền vô sắc đầu tiên, dùng hư không làm đề mục, nghĩa là chỉ niệm: “Hư không là cái vô biên” thôi. Không tưởng nhớ đến paṭibhāganimitta, không dùng sắc làm cảnh giới. Đó gọi là “hư không vô biên thiền”.
2) Dứt sự nghĩ nhớ đến hư không đó ra, chỉ niệm cái thức thôi rằng: “thức là cái vô biên”. Đó gọi là “thức vô biên thiền”.
3) Dứt sự nghĩ nhớ đến cái thức ra, không có nhớ tưởng đến cái chi cả, nghĩa là làm cho cái tâm vắng lặng, không có cái chi đến dính mắc cả. Đó gọi là “vô hữu sở thiền”.
4) Khi cái tâm đã nhập vững chắc trong thiền cao cấp, vi tế, tột bực như thế, hành giả đắc thiền đó cũng gọi là bực quý cao, tức là có ‘sự biết mình rất ít’, dường như gọi rằng: “không biết mình” cũng được. Dầu có người đến đánh đập cũng chẳng biết, song vẫn còn sanh mạng. Cho nên gọi là “phi phi tưởng thiền”.
Tất cả 8 thiền (4 thiền hữu sắc và 4 thiền vô sắc) đều có thông thường trong các thời gian (là trong thời gian có Phật hoặc không có Phật). Song ngoài Phật giáo, hành giả đắc thiền không có thể dứt điều ô nhiễm và khổ não chỉ được yên vui trong cái pháp mà mình thấy đó thôi và được sanh lên trong cõi Phạm thiên thôi.
GIẢI VỀ TRÍ TUỆ
Cái tư chất thông minh, hiểu rõ nhân quả, gọi là “trí tuệ” (paññā). Trí tuệ biết giữ mình được yên vui trong đời gọi là “trí tuệ đời” (lokiyapaññā). Trí tuệ ra khỏi đời, đến đạo quả Niết-bàn, gọi là “trí tuệ thoát đời” (lokuttarapaññā).
Đạo lý của trí tuệ mà đức Phật đã giảng giải đó, nói về trí tuệ biết rõ trong 3 tướng (trayalakkhaṇa): aniccatā: vô thường, dukkhatā: khổ não, anattatā: vô ngã. Theo lẽ đó bậc trí tuệ nên phân biệt theo Phật ngôn như sau này:
1)“Sabbe saṅkhārā aniccāti yadā paññāya passati atha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyā”.
2) “Sabbe saṅkhārā dukkhāti yadā paññāya passati attha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyā”.
3) “Sabbe dhammā anattāti yadā paññāya passati atha nibbindati dukkhe esa maggo visuddhiyā”.
Khi người suy xét, quán tưởng thấy rõ bằng trí tuệ rằng: 1) “Tất cả sắc tướng đều là vô thường, không bền vững lâu dài”. 2) “Tất cả sắc tướng đều là khổ não, khó khăn”. 3) “Tất cả sắc tướng đều là vô ngã, chẳng phải ta” trong khi nào hằng có tâm chán nản với vòng khổ não thì khi đó. Sự quán tưởng được thấy rõ là không thường, là khổ não và là không phải ta, đó là con đường của sự thanh tịnh trong sạch”.
Tiếng gọi là ‘sắc tướng’ (saṅkhārā) đó, trong nơi đây, nên phân biện ra rằng: “Những cái có hình trạng, tạo tác được cả quá khứ, vị lai, hiện tại, toàn là cái không thường, khổ não, không phải của ai cả”. Chỉ có Niết-bàn mới là thường, là vui, vì Niết-bàn thoát khỏi duyên tạo tác là vô vi pháp (là không có duyên tạo tác).
- Uppajjanti nirujjhanti evaṃ hutvā abhāvāto: Nói là không thường đó, bởi vì sanh lên rồi diệt đi. Nếu như vậy, dầu có ai xoay trở cho ra thế nào cũng chẳng đặng, ví như vật mượn của người, đem dùng trong một lúc thôi.
- Punappunaṃ pīlitattā upādena vayena ca: Nói là khổ đó, vì chỉ bị sự sanh lên và sự tiêu diệt phá hoại thường thường và là tội bởi đều nóng nảy, vì phần chịu lửa khổ và lửa ô nhiễm thiêu đốt luôn luôn.
- Vase avattanāyeva attavipakkhabhavato: Nói là vô ngã đó, vì lẽ không hành theo thế lực sai khiến của người nào, không có ai là chủ nhân, là cái hư không, không phải ta, là cái riêng biệt, khác ta.
Trí tuệ quán tưởng thấy rõ trong 3 tướng, như đã giải là đường: đạo, quả, Niết-bàn. Tâm thiệt hành trong pháp thiền định cho đến đạo, quả, Niết-bàn, gọi là tâm cao cấp (adhicitta).
10 pháp mà bậc xuất gia cần phải quán tưởng thường thường:
1) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Bây giờ đây ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nghĩa vụ nào của sa-môn ta phải làm cho tròn.
2) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Sự nuôi sanh mạng của ta nương nơi kẻ khác, ta cần phải làm cho họ dễ cấp dưỡng.
3) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Sự làm cho thân khẩu thêm chơn chánh, vẫn còn nữa, chẳng phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu.
4) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Chính mình ta chê trách ta về sự trì giới được chăng?.
5) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Hàng trí tuệ đã xem xét rồi, họ có thể chê trách ta về sự trì giới chăng?.
6) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Ta phải phân ly sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, không sao tránh khỏi được.
7) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Ta có cái nghiệp là của ta, ta làm lành được vui, làm dữ bị khổ.
8) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Ngày và đêm hằng qua mau lẹ, bây giờ đây, ta làm cái chi?.
9) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng?.
10) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Ta đã có các đức cao quý chăng? Có làm cho ta không hổ thẹn khi có bạn phạm hạnh đến tra hỏi ta?.
Mười pháp mà bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường đó gọi là “thập pháp” (dasadhamma). Song dịch như trên đó, mới thật đúng lý. Người tu học cần phải hiểu rằng: Thập pháp đó là pháp dành để ngay cho hàng xuất gia. Tuy nhiên, như đã có giải rằng: Điều nào thuộc về bậc xuất gia, điều ấy người cư sĩ hành theo cũng được.
Trong 10 phép đó nên hiểu như vầy: điều thứ 1 dạy phải quán tưởng về tướng mạo, điều thứ 2 dạy quán tưởng về chánh mạng, điều thứ 3 dạy quán tưởng về sự hành động, điều thứ 4 và thứ 5 dạy phải quán tưởng về quy tắc, điều thứ 6 và 7 dạy phải quán tưởng về luật tự nhiên, điều thứ 8 dạy phải quán tưởng về thời gian, điều thứ 9 dạy phải quán tưởng về chỗ nơi, điều thứ 10 dạy phải quán tưởng về đức hạnh cao quý.
Về phước báu trong sự quán tưởng thì chia ra làm 2: phần riêng và phần chung.
Xin giải về phần riêng mỗi điều trước:
1) Giải về phương tiện cho phát sanh sự hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, để thiệt hành theo cho vừa với bổn phận người xuất gia, nghĩa là điều nào không đúng quy tắc của bậc xuất gia thì phải chừa bỏ, nhất là phải hành những pháp chơn chánh, như là trì giới cho thân khẩu trong sạch, tu định cho tâm yên lặng, hành tuệ cho thấy rõ chánh tà. Phải cần kiếp làm cho tròn nghĩa vụ.
2) Khi đã quán tưởng như vậy rồi thì sẽ được 2 điều lợi ích: a) Được làm tròn phận sự đối với người cấp dưỡng; b) Sẽ có sự hành động cho họ dễ nuôi, là làm cho mình trở nên người biết đủ (sandosa), thọ 4 vật dụng tùy có, tùy được. Họ cho cái chi thì vừa lòng với cái đó, không được chọn lựa tốt, xấu, ngon, dở.
3) Bậc xuất gia chưa chứng đạo quả, là đức hạnh cuối cùng trong Phật giáo gọi là còn phận sự phải hành, là còn phải tu tập thanh cao hơn nữa, là cần phải học những điều chưa biết, phải hành trong điều đã biết. Khi đã trì giới được trong sạch thì cần phải tu thiền định thêm lên, rồi hành cho trí tuệ được hoàn toàn để đắc đạo quả Niết-bàn là mục đích tối cao của Phật giáo. Nếu bậc xuất gia được biết mình như vậy, thì hằng có sự lợi ích để dạy mình cho trở nên cao thượng. Nếu lầm tưởng rằng: mình là đủ, không cần tu tập nữa, vừa lòng với bấy nhiêu thì không cần mẫn hành bực cao mà mình chưa đắc. Như thế, bậc xuất gia đó vẫn còn mắc trong vòng phàm tục và phải bị luật vô thường phá hại, rồi bị sa vào 4 đường ác đạo chẳng sai. Nếu hành giả hằng quán tưởng, biết mình như thế, ắt sẽ tinh tấn tu hành thêm lên.
4) và 5) Bậc xuất gia quán tưởng hiểu rõ trong điều thứ 4 và thứ 5 như vậy rồi, sẽ thấy mình chưa toàn vẹn, thì phát tâm cố gắng tu trì, không để cho mình chê trách mình được. Nhưng lẽ thường, hàng phàm nhơn hiếm có người được biết chơn chánh như thế. Vì vậy, có lúc làm sai mà họ cho là phải, có khi làm chánh mà họ cho ta là tà. Cho nên, có Phật ngôn rằng: “Tội mình khó biết, lỗi người dễ xem”. Nhân đó, đức Phật dạy phải luôn luôn quán tưởng trong những điều trên đây cho phát sanh trí nhớ.
6) Khi đã thường thường quán tưởng trong điều này, thì sẽ thấy rõ sự chia lìa do 2 lẽ là: các sự vật mà ta thương yêu vừa lòng đó, nó sẽ lìa ta khi ta còn sanh tiền cũng có; trong giờ mạng chung, ta phải bỏ nó cũng có. Đó là lẽ tự nhiên, không sao tránh được.
Thấy rõ 2 phép trên đây rồi, mình được 3 điều lợi ích: dứt cái tâm bất bình nóng giận khi gặp sự vật đáng ghét bỏ; ngăn cái tâm không cho buồn rầu thương tiếc lúc ly biệt sự vật thương yêu; kiềm chế cái tâm ham muốn ngoài sự vật của mình là nguyên nhân tìm kiếm trong điều trái phép mà gây ra các nghiệp ác. Đó là 3 điều lợi ích mà bậc xuất gia nhờ sự quán tưởng thường xuyên mới được thấy.
7) Trong điều này nên hiểu câu “Có cái nghiệp là của mình”, rằng: Mỗi người trong mỗi kiếp, đều có tạo nghiệp, không dữ thì lành, chẳng tốt thì xấu, không có một ai tránh khỏi, cho nên gọi là “Có cái nghiệp là của mình”. Lại nữa, nếu đã làm lành thì được vui, làm dữ thì chịu khổ. Cớ đó, sự quán tưởng trong điều thứ 7 mới có lợi ích, không cho làm ác, chỉ nên tạo việc lành, vì mình đã hiểu rõ quả báo của nghiệp.
8) Đức Phật có khuyên các tỳ khưu cần phải biết thời gian qua rồi chẳng khi nào trở lại. Nên hiểu rõ chơn chánh rằng nó chỉ thoáng qua mau chóng. Nếu không quán tưởng như thế thì các bậc xuất gia hằng để cho ngày giờ trải qua vô ích, sẽ có điều thất bại, ăn năn.
Có Phật ngôn rằng: “Những người còn trai tráng, có tánh thông minh mà lười biếng, không chuyên cần trong các công việc thì không thế nào gặp đường xuất thế bằng ‘trí tuệ’ được”. Lời Phật dạy đây để tỉnh thức hàng tráng sĩ cho tinh tấn trong niên cấp còn khỏe mạnh, hầu tu tập để mau tấn hóa trong điều lợi ích, trong cả hai phương diện: đời và đạo. Sự quán tưởng thường thường trong điều này, hằng đem lại quả báo và các điều lợi ích an vui cho mình chẳng sai.
9) Khi đã quán tưởng thường thường thì có sự tĩnh tâm, vừa lòng trong nơi vắng vẻ, lìa xa bè đảng, bậu bạn, ưa thích trong nơi yên lặng để tham thiền, cho tâm an trụ trong một cảnh giới lành, rồi suy xét điều chi cũng được trong sạch rõ rệt, không chi trở ngại và tu bực thượng thừa cũng dễ dàng.
10) Có giải rằng: Các đức tánh cao quý đó là nói về tâm thiền định hoặc giải thoát. Nếu đã quán tưởng thường thường như thế thì được tĩnh tâm, không hề vừa lòng với các hạnh phúc nhỏ nhen bực hạ, tinh tấn trong đức tánh cao thượng theo thứ tự.
Về phước báu trong cách quán tưởng 10 điều đó, hằng đem lại sự yên lặng cho tâm, để tiến bước trong chánh pháp, tu giới định tuệ cho càng tăng trưởng thanh cao. Nói tóm lại, sẽ được mãn nguyện trong hai đường: đời và đạo xuất thế, chứng quả Niết-bàn là mục đích cuối cùng của Phật giáo.
-oo0oo-
(41) Xem trong “Thanh Tịnh Kinh giải”.
(42) Trayaveda: dịch là 3 cái biết (về phái Bà-la-môn) a) rigveda hoặc iruveda: biết trong bộ kinh (Bà-la-môn giáo) để tụng khen ngợi đức hạnh chư thiên; b) yajuveda hoặc yajubveda đề tụng cúng hoặc khẩn cầu; c) sāmaveda để tụng cúng nước soma. Cả 3 bộ kinh đó toàn là tiếng Sanskrit (Bắc phạn) gọi là vedatraya hoặc trayaveda.
(43) Alajjī là người không biết xấu hổ, tội lỗi.
(44) Nói về hạng sadi và cư sĩ.
(45) Xem trong “Luật Xuất Gia”, quyển Hai.
(46) Āsava: Tâm phiền não ngủ ngầm trong tâm.
(47) Saṃvegavatthu: Pháp động tâm (làm cho hoảng hốt, lo sợ, chán nản).
(48) Chỉ quán: là dừng tâm lại chăm chú xem, tức là pháp thiền định.
(49) Chủ trì: đứng đầu, quản lý xem xét các công việc.
(50) Pháp của bực quý nhơn là bát thiền, 4 đạo, 4 quả, Niết-bàn, dứt: tham, sân, si.
(51) Thiêu pháp: pháp thiêu đốt.
(52) Cảnh giới là những cái mà mình chú ý đến rồi nó kích thích mình.
(53) Loài sanh trong nước như cá.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.