Này các thầy tỳ khưu, có một nhóm sa-môn và bà-la- môn có kiến thức hiểu biết như vầy: ‘Cõi đời (vũ trụ) có cái trường tồn, có cái không trường tồn, công bố cho bản ngã và vũ trụ trường tồn cũng có, không trường tồn cũng có’. Sự công bố ấy do bốn nguyên nhân:
– Này các thầy tỳ khưu, có một khi vì sự quá lâu của thời gian mà quả địa cầu phải tiêu hoại một lần, một lần. Khi quả địa cầu tiêu hoại đi thì chúng sanh phần nhiều đều sanh về cõi trời Sắc giới tên Abhassara brahma (1). Chúng sanh, sanh lên cõi này đều do nhờ thiền định, có sự phỉ lạc làm vật thực, có hào quang sáng ánh, bay trên hư không, ngự nơi chỗ tốt đẹp, tuổi thọ sống thật lâu đời. Rồi một khi quả địa cầu này cấu tạo lại thành lên một lần, một lần, do sự quá lâu của thời gian. Khi quả địa cầu này sanh lên thì các cõi trời Sắc giới và Dục giới ở dưới cũng phát sanh lên nhưng vắng lặng không có một chúng sanh nào ở cả. Lúc sau đó có một chúng sanh trong cõi trời Abhassara Brahma hết phước, hết tuổi thọ của cõi ấy mới sanh xuống cõi trời Sắc giới Brahma trống không ấy. Khi chúng sanh đó sanh trong cõi ấy cũng do nơi tâm thiền định (bậc thấp sơ thiền) nên cũng có phỉ lạc (piti) là vật thực, có hào quang sáng ánh, bay trên hư không ngụ nơi tốt đẹp, tuổi thọ sống cũng thật lâu đời(2) . Khi chúng sanh ấy sống thời gian thật lâu trong cõi ấy cùng một điệu bộ mãi mãi mới phát sanh ra sự buồn tẻ bực bội, khó chịu vì sự trùng điệu ấy mới phát sanh lên suy nghĩ như vầy: ‘Phải chi có những chúng sanh khác được sanh vào cõi này với mình’.
(1)Cõi này của những bực đắc nhị thiền, tuổi thọ tám kiếp quả địa cầu (kappa).
(2) Tuổi thọ sống một kiếp hoặc nửa kiếp của quả địa cầu.
Kế đó lần lượt có những Chư Thiên trên cõi Abhassara Brahma hết tuổi thọ mới lần lượt sanh vào cõi ấy chung một chỗ với vị trước. Hết thảy những chúng sanh sau ấy cũng do nhờ tâm thiền định, có phỉ lạc làm vật thực, có hào quang sáng ánh, bay trên hư không, ngụ nơi tốt đẹp, tuổi thọ sống thật lâu đời.
Này các tỳ kheo, trong những chúng sanh ấy, chúng sanh nào sanh ra đầu tiên hết mới suy nghĩ như thế này: ‘Ta đây là Phạm Thiên, là Đại Phạm Thiên (Maha brahma) cai quản các vị Phạm Thiên khác vì ta là người thấy biết mọi điều trước hơn hết, và làm cho tất cả chúng sanh khác phải ở dưới quyền của ta, ta tạo ra cõi đời, ta lớn nhất trong đời, chế định cõi đời(3) là bậc thông thạo, là phụ huynh của hết thảy chúng sanh này cũng đều do nơi ta tạo hoá ra cả. Theo ý kiến này tại sao mà ta nghĩ như vậy. Bởi vì, đầu tiên hết chúng ta suy nghĩ và ước nguyện cho có những chúng sanh, sanh về cõi này, thì tất cả chúng sanh này cũng sanh lại đây theo như ý muốn của ta’(4) . Còn những chúng sanh (Phạm Thiên) nào sanh ra sau đó lại suy nghĩ như vầy: ‘Vị này là bậc Đại Phạm Thiên cai quản các Phạm Thiên khác là bậc thấy biết mọi việc và làm cho tất cả chúng sanh khác phải ở dưới quyền của mình, là bậc tạo hoá ra cõi đời, lớn nhất trong đời, là bậc phụ huynh của tất cả chúng sanh, chế định cõi đời, là bậc thạo đời, hết thảy chúng ta đây đều do nơi vị đại Phạm Thiên này tạo ra. Tại sao vậy? Bởi vì, chúng ta thấy ngài ở trong chỗ này trước, còn chúng ta lại sanh ra sau’.
(3) Là đặt tên chúng sanh ra: vua, quan, bà-la-môn, thương gia, nô lệ, người tại gia và bậc xuất gia v.v…
(4) Vì kiến thức này mà Ấn giáo (Hinduism) thờ kính trời đại Phạm thiên (Maha brahma) cho là một vị chúa tể tạo hoá ra vạn vật, không còn ai lớn hơn nữa, do đó mà họ cho dòng Bà la môn cao thượng hơn hết nên cố chấp nòi giống, rồi lần lần chia ra nhiều nòi giống khác nhau.
Này các thầy tỳ khưu, trong hàng chúng sanh đó, chúng sanh nào sanh ra trước thì tuổi thọ cũng lâu hơn, màu sắc cũng tốt hơn, địa vị cũng cao hơn; còn chúng sanh nào sanh ra sau thì mỗi mỗi đều kém hơn cả. Này các thầy tỳ khưu, vì đó mà nguyên nhân này rất rõ rệt là khi có một chúng sanh nào trong cõi Phạm Thiên mãn tuổi thọ phải sa xuống cảnh trần gian sanh ra làm người, lúc lớn lên xuất gia đi tu, khi tu xong do nơi sự cố gắng thiêu đốt phiền não, do sự ráng chú tâm, do sự tinh tấn luôn luôn, do sự không dể duôi, do sự chú tâm tốt đẹp mà đắc được pháp thiền định như ý muốn. Khi tâm đã an trụ như thế rồi nên có thể nhớ được tiền kiếp, chỉ nhớ được một kiếp khi sanh ở cõi trời Phạm Thiên thôi không có thể nhớ hơn kiếp ấy. Chúng sanh ấy mới tuyên bố nói ra như vầy: ‘Vị Phạm Thiên nào gọi là bậc Đại Phạm Thiên cai quản các vị Phạm Thiên khác, là bậc hiểu thấy mọi việc, làm cho tất cả chúng sanh phải ở dưới quyền của mình, là vị chúa tể, là bậc tạo hoá ra cõi đời, là đàn anh, là bậc chế định ra cõi đời, là bậc thông thạo đời, là bậc phụ huynh của chúng ta, do ngài tạo ra chúng ta, vì ngài là bậc trường tồn không thay đổi bền vững cũng như vật trên vũ trụ(5). Còn chúng ta đây do nơi ngài tạo ra nên không được bền vững lâu dài tuổi thọ vắn, phải sa đọa (chết) là lẽ thường, vì vậy ta mới sanh xuống cõi trần gian làm người hiện nay’.
(5) Vì tuổi thọ của Đại Phạm thiên sống lâu đến một kiếp của quả địa cầu nên người sau mới thấy luôn luôn còn bền vững do nhờ thiền định mà thấy rõ rệt nhưng chỉ trong phạm vi một kiếp trước, nên mới tuyên bố theo sự thấy của mình và phát sanh ra quan niệm “thường kiến”.
Này các thầy tỳ khưu, đây là nguyên nhân thứ nhất mà có một nhóm sa-môn và bà-la-môn do đó công bố ra kiến thức trường tồn cũng có, không trường tồn cũng có.
– Này các thầy tỳ khưu, có một nhóm Chư Thiên là người bị hoại vì ham chơi (khiddh padosika) nhóm Chư Thiên này vì do bận rộn mê thích trong sự chơi đùa, cười giỡn suốt ngày, quá giờ quên ăn nên phải sa đọa xuống trần gian sanh làm người khi lớn lên xuất gia đi tu do nhờ sự cố gắng chú tâm tốt đẹp nên đắc được thiền định.
Khi tâm được an trụ trong sạch mới nhớ được tiền kiếp, những chỉ nhớ được trong phạm vi một kiếp làm Chư Thiên ấy thôi, không làm sao nhớ thêm nữa được. Chúng sanh ấy mới tuyên bố như vầy: ‘Này các người ơi! Nhóm Chư Thiên nào mà không mê thích theo sự nô đùa cười giỡn quá giờ, không quên mình. Khi không quên mình nên khỏi phải sa đọa xuống trần gian, là bực được thường tồn, bền vững như vật trên vũ trụ. Còn chúng ta đây là người bị hoại vì ham mê trong sự chơi bời quá độ, nên chúng ta quên mình mà phải sa đọa xuống trần gian. Vì thế chúng ta không được bền vững, tuổi thọ vắn, phải sa xuống sanh làm người nơi cõi thế gian này’.
Này các thầy tỳ khưu, đây là nguyên nhân thứ nhì mà có nhóm sa-môn và bà-la-môn công bố ra kiến thức bản ngã và vũ trụ trường tồn hoặc không trường tồn cũng có.
– Này các thầy tỳ khưu, có một nhóm Chư Thiên là người hay sân hận (mano padosikā), hay kiếm lỗi xấu của người quá thì giờ nên tâm sanh lên sân hận hãm hại lẫn nhau. Khi đã hãm hại lẫn nhau rồi thì làm cho thân và tâm phải đau khổ, nên phải sa đọa xuống trần gian. Này các thầy tỳ khưu, khi Chư Thiên ấy sa xuống thế gian làm người lúc lớn lên xuất gia đi tu, do nhờ sự cố gắng chủ tâm tốt đẹp nên đắc được thiền định. Khi tâm được an trụ mới nhớ được tiền kiếp, chỉ nhớ được có một kiếp sanh làm Chư Thiên chớ không thể nào thêm nữa được. Chúng sanh ấy mới tuyên bố như vầy: ‘Này các người ơi! Nhóm Chư Thiên nào không sân hận, không hay rầy rà, kiếm lỗi cãi cọ nhau quá giờ khắc, nên không bị sa đọa xuống trần gian, nhóm Chư Thiên ấy được thường trụ, trường tồn không thay đổi như vật trên vũ trụ. Còn chúng ta đây là người bị hoại phải sa đọa xuống trần gian vì sự sân hận kiếm lỗi rầy rà cãi cọ hãm hại lẫn nhau quá giờ khắc nên phải khổ thân tâm mà bị sa đoạ, không được bền vững, tuổi thọ vắn phải sanh xuống làm người’.
Này các thầy tỳ khưu, đây là nguyên nhân thứ ba mà có nhóm sa-môn và bà-la-môn công bố ra kiến thức bản ngã và vũ trụ trường tồn hoặc không trường tồn cũng có.
– Này các thầy tỳ khưu, có một nhóm sa-môn và bà-la- môn trên đời này, thường suy nghĩ và tư tưởng (thinker) người ấy mới tuyên bố ra sự hiểu biết do theo ý kiến sưu tầm, dò xét, suy nghĩ, quán tưởng của mình như vầy: ‘Các pháp nào gọi là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân đều có trạng thái vô thường luôn luôn thay đổi. Còn pháp nào gọi là tâm, ý thức, pháp ấy có trạng thái trường tồn, không thay đổi, thường trụ như vật trên vũ trụ’. Này các thầy tỳ khưu, đây là nguyên nhân thứ tư mà có nhóm sa-môn và bà-la-môn công bố ra kiến thức về bản ngã và vũ trụ trường tồn hoặc không trường tồn cũng có.
Này các thầy tỳ khưu, dầu cho nhóm sa-môn hoặc bà-la-môn nào khi công bố ra “kiến thức về bản ngã và vũ trụ trường tồn hoặc không trường tồn cũng có, đều do nơi bốn nguyên nhân ấy chứ không ngoài nguyên nhân ấy được.
Trích: Chánh Kiến Và Tà Kiến (Đại Đức Bửu Chơn)