Ñātakānuyoga: Cật Vấn Thân Tộc

Ñātakānuyoga: Cật Vấn Thân Tộc

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ - THERAVĀDA
    ABHIDHAMMAPIṬAKA - TẠNG VÔ TỶ PHÁP

    KATHĀVATTHU

    BỘ NGỮ TÔNG

    Dịch giả:

    Đại Trưởng lão Hòa Thượng Tịnh Sự

    ĐẠI PHẨM THỨ NHẤT

    CẬT VẤN THÂN TỘC

    (ÑĀTAKĀNUYOGA)

    166.

    • Phản ngữ: Không nên nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Mẹ vẫn có phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Dù rằng mẹ vẫn có, chính do nhân đó, Ngài mới nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý.
    • Phản ngữ: Không nên nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Cha vẫn có ... anh vẫn có ... chị vẫn có ... vua vẫn có ... phạm chí vẫn có ... thương gia vẫn có ... cận thắng tiện dân vẫn có ... cư sĩ vẫn có ... xuất gia vẫn có ... Chư thiên vẫn có ... Nhân loại vẫn có phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Dù rằng nhân loại vẫn có, chính do nhân đó Ngài mới nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý.

    167.

    • Tự ngôn: Ngài đã nhứt định là mẹ vẫn có và do nhân mới nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người trước không thành mẹ, sau mới thành mẹ vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người vốn trước không thành người, sau mới thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia không thành cha ... không thành anh em, không thành chị em, không thành vua, không thành phạm chí, không thành thương gia, không thành cận thắng tiện dân, không thành cư sĩ, không thành xuất gia, không thành Chư thiên, không thành nhân loại rồi thành nhân loại vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người vốn trước kia không thành người rồi sau mới thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    168.

    • Tự ngôn: Ngài đã nhứt định rằng mẹ vẫn có, và do nhân đó mới nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người vốn trước kia thành mẹ rồi sau không thành mẹ vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người vốn trước thành người rồi sau không thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia thành cha, thành anh em, thành chị em, thành vua, thành phạm chí, thành thương gia, thành cận thắng tiện dân, thành cư sĩ, thành xuất gia, thành Chư thiên, thành nhân loại rồi không thành nhân loại vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia thành người rồi sau không thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    169.

    • Phản ngữ: Chớ nên nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Người đắc Dự Lưu vẫn có phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Dù rằng người đắc Dự Lưu vẫn có, chính do nhân đó, Ngài mới nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý.
    • Phản ngữ: Không nên nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Người đắc Nhứt Lai vẫn có ... Người đắc Bất Lai vẫn có ... Người đắc La Hán vẫn có ... Người đắc Ứng cúng giải thoát lưỡng biên (Ubhatobhāgavimutta) vẫn có ... Người đắc Ứng cúng bằng tuệ giải thoát (paññāvimutta) vẫn có ... Người đắc Thánh nhân thân chứng (Kāyakkhī) vẫn có ... Người đắc Thánh nhân kiến chí (diṭṭhapatta) vẫn có ... Người đắc Thánh nhân tín giải hành (Saddhāvimutta) vẫn có ... Người đắc Thánh nhân tùy pháp hành (dhammānusārī) vẫn có, người đắc Thánh nhân tùy tín hành (saddhānusārī) vẫn có phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: dù rằng người đắc Thánh nhân tùng du đức tin (Saddhānusārī) vẫn có, chính do nhân đó Ngài mới nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý.

    170.

    • Tự ngôn: Ngài đã nhứt định rằng người đắc Dự Lưu vẫn có và do nhân đó mới nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia không thành Dự Lưu sau mới thành Dự Lưu vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia không thành người, sau thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia không thành Nhứt Lai ... không thành Bất Lai ... không thành La Hán ... không thành Ứng cúng giải thoát lưỡng biên (Ubhatobhāgavimutta) ... không thành Ứng cúng giải thoát bằng tuệ (Paññāvimutta) ... không thành Thánh nhân thân chứng (Kāyasakkhī) ... không thành Thánh nhân kiến chí (Diṭṭhipatta) ... không thành Thánh nhân Tín giải hành (Saddhāvimutta) ... không thành Thánh nhân tùy pháp hành (Dhammānusārī)... không thành Thánh nhân tùy tín hành (Saddhānusārī), rồi mới thành Thánh nhân tùy tín hành vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Cũng có người trước kia không thành người, sau thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    171.

    • Tự ngôn: Ngài đã nhứt định rằng người bực Dự Lưu vẫn có và do nhân đó mới nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Có người trước kia thành Dự Lưu, rồi sau không thành Dự Lưu vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Có người trước kia thành người rồi sau không thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Có người trước kia thành Nhứt Lai ... thành Bất Lai rồi sau không thành Bất Lai vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Có người trước kia thành người rồi sau không thành người vẫn có phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    172.

    • Phản ngữ: Không nên nói rằng đặng thấy người bằng chân thể siêu lý phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Thánh nhân bốn đôi, tám chủng vẫn có phải chăng? Tự ngôn: Phải rồi.
    • Phản ngữ: Dù rằng thánh nhân bốn đôi, tám chủng vẫn có, chính do nhân đó, Ngài mới nói rằng nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý.

    173.

    • Tự ngôn: Ngài đã nhứt định rằng thánh nhân bốn đôi, tám chủng vẫn có và do nhân đó mới nhận thấy người đặng bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Thánh nhân bốn đôi, tám chủng phát hiện ra đặng do sự phát hiện của Phật phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Người phát hiện đặng do sự phát hiện của Phật phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Người phát hiện ra đặng do sự phát hiện của Phật phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, người tiêu diệt, vẫn không có người phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    174.

    • Tự ngôn: Ngài nhận thấy người bằng chân thể siêu lý phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Người là hữu vi phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Người là vô vi phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Người phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Người phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Còn phần chót thứ ba, ngoài ra hữu vi và vô vi nữa phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Còn phần chót thứ ba ngoài ra hữu vi và vô vi nữa phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Đức Thế Tôn có phán rằng: “Này chư Phíc-khú, giới (Dhātu) này có hai thứ. Hai thứ đó ra sao? Một là giới hữu vi, hai là giới vô vi đó thôi. Hai thứ giới như thế chắc thật vẫn có nghe phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Nếu thế đó cũng không nên nói rằng: “Còn phần chót thứ ba, ngoài ra hữu vi và vô vi nữa chớ gì?
    • Tự ngôn: Người là phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Hữu vi là khác, vô vi cũng là khác, người cũng là khác phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Tất cả uẩn là hữu vi, Níp-bàn là vô vi, người là phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Tất cả uẩn là khác, Níp-bàn là khác, người cũng là khác phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Sắc là hữu vi, Níp-bàn là vô vi, còn người phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Sắc là khác, Níp-bàn là khác, người cũng là khác phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Thọ ... Tưởng ... Hành ... Thức là hữu vi, Níp-bàn là vô vi, còn người là phi hữu vi phi vô vi phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Thức là khác, Níp-bàn là khác, người cũng là khác phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    175.

    • Tự ngôn: Người có sự sanh ra hiện bày, có sự tiêu tàn rõ rệt, khi đang trụ có sự thay đổi hiện bày phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Người là hữu vi phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Đức Thế Tôn có phán rằng: “Này chư Phíc-khú, pháp hữu vi có ba tướng (Lakkhaṇa) hữu vi thế này tức là tất cả pháp hữu vi có sự sanh ra rõ rệt, có sự hư hoại rõ rệt, đang khi còn có sự thay đổi rõ rệt”. Như thế người cũng có sự sanh ra hiện bày, sự hư hoại cũng rõ rệt, đang khi đình trụ có sự đổi thay cũng rõ rệt. Như thế đó thì người cũng là hữu vi chớ gì?
    • Tự ngôn: Sự sanh ra của người không hiện bày, sự hư hoại của người không hiện bày, đang khi còn có sự thay đổi cũng không hiện bày phải chăng? Phản ngữ: Phải rồi.
    • Tự ngôn: Người là vô vi phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...
    • Tự ngôn: Đức Thế Tôn có phán rằng: “Này chư Phíc-khú, pháp vô vi có trạng thái vô vi ba cách như vầy: sự sanh ra của tất cả pháp vô vi không hiện bày, sự hoại hư không hiện bày, khi đình trụ sự thay đổi không hiện bày”. Như thế thì sự phát sanh của người cũng không hiện bày, sự hư hao cũng không hiện bày, khi đình trụ sự đổi thay cũng không hiện bày. Nếu thế đó thì người cũng là vô vi chớ gì?

    176.

    • Tự ngôn: Bực đã viên tịch vẫn còn có trong Níp-bàn, hay là không có trong Níp-bàn? Phản ngữ: Vẫn còn có trong Níp-bàn.
    • Tự ngôn: Bực viên tịch là người trường tồn phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó... 
    • Phản ngữ: Bực đã viên tịch không có trong Níp-bàn.
    • Tự ngôn: Bực đã viên tịch là người diệt mất phải chăng? Phản ngữ: Không nên nói thế đó...

    Dứt Cật vấn thân tộc (Ñātakānuyoga)

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.