Vấn: Tâm đeo níu trong Sắc giới, hành trong nơi nào, hành theo cửa nào, có mấy?
Đáp: Chỉ hành trong cửa ý, tâm này có 15 là: 5 tâm lành, 5 tâm quả và 5 tâm hành.
Vấn: 5 tâm lành là cái chi?
Đáp:
1) sơ thiền có 5 chi:
a) tầm (vitaka) là trạng thái khiến tâm lên níu cảnh giới;
b) sát (vicāra) là trạng thái khiến tâm quan sát trong cảnh giới;
c) phỉ (pīti) là trạng thái làm cho thân và tâm no vui ưa thích;
d) an lạc (sukha) là trạng thái làm cho thân và tâm yên vui;
e) định (ekaggatā) là trạng thái làm cho tâm chỉ an trú trong một cảnh giới.
2) Nhị thiền (dutiyajjhāna) có 4 chi, là; sát, phỉ, an lạc và định.
3) Tam thiền (tatiyajjhāna) có 3 chi, là: phỉ, an lạc và định.
4) Tứ thiền (catutthajjhāna) có 2 chi, là: an lạc và định.
5) Ngũ thiền (pañcamajjhāna) có 2 chi, là: định và xả.
Tâm quả đeo níu trong Sắc giới, tâm hành đeo níu trong Sắc giới, cũng chia làm ngũ thiền như vậy. Tâm lành đeo níu trong Sắc giới là người tạo gia tộc, cõi, hạnh phúc và là người dẫn đi thọ sanh. Tâm quả đeo níu trong Sắc giới chính là người đi thọ sanh, là người hưởng hạnh phúc. Tâm lành đeo níu trong Sắc giới là phước, tâm quả và tâm hành đeo níu trong Sắc giới là trung lập.
Vấn: Thiền có mấy ý nghĩa, là cái chi?
Đáp: Có hai ý nghĩa là: tứ thiền (catukkanaya) và ngũ thiền (pañcakkanaya).
Vấn: Cả hai thiền ấy có ý nghĩa khác nhau như thế nào?
Đáp: Tứ thiền là: sơ thiền hợp theo 5 chi (tầm, sát, phỉ, an lạc, định), nhị thiền hợp theo 3 chi (phỉ, an lạc, định), tam thiền hợp theo 2 chi (an lạc, định), tứ thiền hợp theo 2 chi (định và xả). Ngũ thiền là: sơ thiền có 5 chi, nhị thiền có 4 chi, tam thiền có 3 chi, tứ thiền có 2 chi, ngũ thiền có 2 chi, như đã có giải ở trên.
Vấn: Vì sao thiền lại có catukkanaya và pañcakkanaya?
Đáp: Vì sự dụng tâm khác nhau. Thiền catukkanaya khi trước, phần nhiều, làm phước thường dùng tâm ưa thích (somanassa) đến khi đắc thiền thành (catukkanaya) về phần thiền pañcakkanaya khi trước làm phước thường hay dùng xả tâm, đến khi đắc thiền thành thiền pañcakkanaya.
Vấn: Thiền chỉ có bấy nhiêu hay còn nữa?
Đáp: Thiền có nhiều nữa, chia làm 2 thứ là: ārammaṇūpanijjhāna và lakkhanūpanijjhāna.
Vấn: Ārammaṇūpanijjhāna giải như thế nào?
Đáp: Lấy đề mục nhứt là kasina làm cảnh giới.
Vấn: Lakkhanūpanijjhāna giải như thế nào?
Đáp: là hợp theo lakkhana nhứt là vô thường tưởng (aniccalakkhana).
Vấn: Thiền có chi là chướng ngại?
Đáp:
1) Tham dục (kāmachanda),
2) oán giận (byāpada),
3) hôn trầm (thīnamiddha),
4) phóng tâm, hối hận (uddhacccakukkucca),
5) hoài nghi (vicikicchā).
Tham dục ví như nước có trứng nước trên mặt. Oán giận ví như nước sôi. Hôn trầm như nước có thuỷ thảo trên mặt. Phóng tâm hối hận như nước có sóng. Hoài nghi như nước có pha cát đục.
Lẽ thường, nước trong khi bị một trong 5 vật ấy tiếp xúc rồi thì trở nên đục, người muốn soi mặt vào cũng không thấy rõ, thế nào, khi có một trong 5 pháp cái đó vào ô nhiễm tâm rồi thì uggahanimitta(11) và paṭibhāganimitta cũng không phát sanh lên được, cũng như thế ấy. Nước như tâm, bóng soi trong nước như hai nimitta là uggahanimitta và paṭibhāganimitta.
Vấn: Trong 5 pháp cái ấy, pháp nào nghịch với chi thiền nào?
Đáp: Tham dục nghịch với định. Oán giận nghịch phỉ. Hôm trầm nghịch tầm. Phóng tâm nghịch an lạc. Hoài nghi nghịch sát.
Vấn: Năm chi thiền giải nghĩa khác nhau thế nào?
Đáp: Tầm (vitakka) có tướng làm cho tâm lên níu cảnh giới như tiếng chuông kêu, nhờ dùi, có người đánh, nếu không ai đánh, không nghe tiếng được; người đánh ví như tầm, sự nghe ví như sát hoặc ví như loài chim bay trên thiên không, rồi quạt cánh lên xuống, bay thả ở giữa trời, thế nào, ví như tầm và sát, tầm có tướng suy nghĩ cảnh giới, như chim đập cánh bay đi, sát như chim xòe cánh luyện đảo giữa trời, hoặc như loài ong hút nhuỵ hoa sen, loài ong ấy thường bay lại đậu trên hoa sen, rồi mở búp hoa xong mới hút nhuỵ sau, ví như tầm và sát cũng như thế ấy. Tầm ví như ong bay ngay đến hoa sen, sát ví như ong bay qua bay lại chung quanh hoa sen.
Giải về chi thiền thứ 3 là phỉ. Trạng thái của thân và tâm no vui gọi là phỉ. Phỉ có năm tướng là: cả châu thân đều mọc óc (khuttakāpīti), thấy rõ rệt như điễn chớp trong mắt (khanikāpīti), như lượng sóng đánh vào bờ rồi tiêu mất (okkantikāpīti), có thể làm cho thân bay bỗng lên trời (obbengāpīti), cả châu thân đều mát mẻ (pharanāpīti). Khi phỉ phát sanh rồi làm cho tâm ưa thích trong các việc lành, thế nào, ví như bộ hành đi lỡ đường bị nóng nực đói khát, may gặp được một người từ con đường ấy mà đến, bèn kêu hỏi rằng: này anh! Nơi nào có nước? Tôi khát quá, xin anh thương xót chỉ giùm. Người kia đáp: Có một ao nước nơi giữa rừng sâu, anh ráng đi lối 1.000 thước nữa sẽ đến rừng sâu ấy gặp ao nước, rồi sẽ có nước uống, trong nơi đó. Người bộ hành ấy nghe rồi ráng sức đi ngay đến ao nước, qua khỏi một đổi đường, thấy hoa sen và lá sen rơi rớt ở giữa đường, người ấy càng mừng đi tới đổi nữa, gặp nhiều người từ dưới ao mới lên, y phục và tóc còn ướt và có tiếng gà rừng, quấc, le le, kêu vang rừng, quanh ao lại có nhiều cây cối bông hoa rất xinh đẹp, như mặt lưới ngọc mani. Xem thấy nước trong người ấy lấy làm thoả thích, rồi đi ngay xuống ao nước tắm theo sở thích, dứt cơn mệt nhọc, bẻ sen ăn, hái hoa, xong rồi lên thay quần phơi áo và nằm nghỉ dưới bóng cây, có gió phất mát mẻ, bèn nói rằng: vui sướng thiệt, hạnh phúc thiệt, thí dụ như người bộ hành đi lỡ đường xa bị nắng nóng chơn, đói khát ví như hành giả bị nóng nảy vì lửa tình dục, sân hận, si mê, bực bội xốn xang, vì bị 3 tà tư duy, người chỉ đường đi đến ao nước như tầm và sát đem tâm lên xem xét thiền định, thấy hoa và lá sen rơi rớt giữa đường, rồi có lòng vui mừng như tướng của phỉ (chi thiền) còn non, thấy nhiều người tắm vừa đi lên, y và tóc còn ướt ràng ràng, thấy các thứ cấy mọc gần mé ao, thấy nước trong, tâm thoả thích, ví như hành giả có phỉ phát sanh mạnh mẽ, được tắm rửa lặn hụp tuỳ thích, dứt cơn mệt nhọc. Bẻ sen ăn, mang hoa sen trên mình, có mùi thơm ngạt ngào, ví như hành giả có tâm yên lặng (passaddhi) và thân tâm an vui, người ấy lên khỏi ao, thay y đem phơi rồi nằm nghỉ mát dưới bóng cây có gió mát, như hành giả đắc định, tâm an trú trong thiền định vậy. Năm phỉ như đã giải, thuộc về chi thiền thứ 3.
An lạc có cái tướng làm cho thân tâm an vui thơ thới, thuộc về chi thiền thứ tư.
Định có cái tướng làm cho tâm an trú trong một cảnh giới, không phóng túng theo cảnh giới khác, nhân đó gọi định là chủ yếu của tất cả việc lành, ví như nóc điện là nơi hội hợp tất cả kèo, đòn tay, thế nào, định là chủ yếu tất cả việc lành vậy, định thuộc về chi thiền thứ năm.
Xả có cái tướng bơ thờ, lạt lẽo, lãnh đạm thuộc về chi thiền thứ sáu.
Vấn: Phàm định (jhānalokiya) cũng có 5 chi, thánh định (jhānalokuttara) cũng có 5 chi, nhứt là tầm giống nhau, vậy khác nhau như thế nào mà gọi là phàm định và thánh định?
Đáp: Chỉ khác nhau chỗ dứt khỏi phiền não: phàm định chỉ đè nén phiền não như đá đè cỏ (vikkhambhanappahāna). Thánh định dứt phiền não được hoàn toàn (samucchedappahāna); cả hai loại thiền khác nhau như đã giải.
Vấn: Phàm định và Thánh định dùng tâm như thế nào, mà chia là phàm và thánh?
Đáp: Cả hai loại thiền dùng tâm khác nhau như vầy: phàm định có parikammajavana (12), upacārajavana(13), anulomajavana(14), gotrabhūjavana(15), đến mức cuối cùng, đạo tâm và quả tâm sanh lên rồi tâm mới quay xuống bhavanga(16).
Vấn: Mấy javana ấy giải như thế nào?
Đáp: Nếu phàm định parikammajavana lấy đề mục thiền định làm cảnh giới, như kasina niệm rằng: Đất, đất… (pathavī, pathavī) chỉ phát sanh uggahanimitta(17) và paṭibhāganimitta(18) đến khi nhập định. Nếu Thánh định thì lấy 3 tướng(19) (trīlakkhana) làm cảnh giới, như thế gọi là parikammajavana; upacārajavana phát sanh khi gần đắc định; anulomajavana hành theo 2 javana đầu; gotrabhūjavana đè nén tâm đeo níu trong Dục giới (kāmājavana gotrabhū) hoặc dòng phàm chờm bắt mahaggatagotra hay là dòng thánh (ariyagotra) ví như người lấy một tay đè đầu rắn, một tay nắm đuôi rắn, thế nào gotrabhūjavana đè dòng phàm, vói bắt dòng thánh, cũng như thế ấy.
(11) Triệu chứng
(12) Tốc lực tâm níu lấy đề mục thiền định.
(13) Tốc lực tâm gần nhập định.
(14) Tốc lực tâm điều tra hai tốc lực tâm trước.
(15) Tốc lực tâm phá hoại dòng phàm.
(16) Tiềm thức là cái ý thức ngấm ngầm trong mình chưa tiếp xúc cảnh giới. 17 Triệu chứng phát sanh trong mắt (nhắm) nhờ sự niệm đề mục.
(18) Triệu chứng phát lộ ra rõ rệt trong sạch kế tiếp uggahanimitta.
(19) Vô thường, khổ não, vô ngã.