Tâm làm chủ trong mọi nghiệp

Tâm làm chủ trong mọi nghiệp

    TÌM HIỂU VÒNG TỬ SINH LUÂN-HỒI (SAṂSĀRAVAṬṬA)
    Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)

     

    Tâm làm chủ trong mọi nghiệp

    Đức-Phật truyền dạy mọi người ấy rằng:

    “Đối với mọi người tạo thiện-nghiệp và bất- thiện-nghiệp (ác-nghiệp), có tâm dẫn đầu, có tâm làm chủ, thật vậy, đại-thiện-nghiệp được tạo với đại-thiện-tâm trong sạch thì sẽ cho quả trong cõi người hoặc trên cõi trời dục-giới, ví như bóng theo hình.

    Tiếp theo Đức-Phật là Đấng Pháp-vương truyền dạy bài kệ rằng:

    Manopubbaṅgamā dhammā, manoseṭṭhā manomayā. Manasā ce pasannena, bhāsati vā karoti vā. Tato naṃ sukhamanveti, chāyāva anapāyini.

    Tất cả các pháp có thức-uẩn dẫn đầu, có thức-uẩn làm chủ quyền, được thành-tựu do thức-uẩn.

    Nếu người nào nói hoặc làm với đại-thiện- tâm trong sạch, thì sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình như vậy.

    Giảng giải bài kệ

    - Manopubbaṅgamā: Mano+pubbaṅgamā:

    Mano: Tâm có 89 hoặc 121 tâm chia ra 4 loại tâm như sau:

    - Dục-giới tâm có 54 tâm.

    - Sắc-giới tâm có 15 tâm.

    - Vô-sắc-giới tâm có 12 tâm.

    - Siêu-tam-giới tâm có 8 hoặc 40 tâm.

    Mano: tâm trong chữ ghép này chỉ giới hạn có 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ mà thôi.

    Manopubbaṅgamā: Có thức-uẩn dẫn đầu.

    - Dhammā: Pháp đó là 3 danh-uẩn là thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn.

    - Manoseṭṭhā: Có thức-uẩn làm chủ quyền.

    - Manomayā: Được thành-tựu do thức-uẩn.

    Tâm (citta) có 89 hoặc 121 tâm gọi là thức-uẩn.

    Tâm-sở (cetasika) có 52 tâm, trong 52 tâm- sở, thọ tâm-sở gọi là thọ-uẩn, tưởng tâm-sở gọi là tưởng-uẩn, các tâm-sở còn lại gọi là hành-uẩn.

    Tâm-sở (cetasika) có 52 tâm có 4 trạng-thái:

    - Đồng sinh với tâm.

    - Đồng diệt với tâm.

    - Đồng đối-tượng với tâm.

    - Đồng nơi sinh với tâm.

    Trong mỗi tâm nào phát sinh chắc chắn có số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy.

    Tâm ấy gọi là thức-uẩn, trong số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, thì thọ tâm-sở gọi là thọ- uẩn, tưởng tâm-sở gọi là tưởng-uẩn, số tâm-sở còn lại gọi là hành-uẩn.

    Như vậy, trong mỗi tâm (citta) có 4 danh-uẩn, mà thức-uẩn dẫn đầu, thức-uẩn làm chủ quyền, được thành-tựu do thức-uẩn.

    - Manasā ce pasannena, bhāsati vā karoti vā.

    Nếu người nào nói hoặc làm với đại-thiện-tâm trong sạch.

    * Nói với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là khẩu nói với 4 vacīsucarita: khẩu nói theo 4 điều thiện đó là:

    - Không nói-dối, mà chỉ nói thật.

    - Không nói lời chia rẽ, mà chỉ nói lời hòa hợp.

    - Không nói lời thô tục, mà chỉ nói lời dịu ngọt.

    - Không nói lời vô ích, mà chỉ nói lời hữu ích.

    * Làm với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là thân hành với 3 kāyasucarita: thân hành theo 3 điều thiện đó là:

    - Không sát sinh, mà chỉ hành phóng sinh.

    - Không trộm-cắp, mà chỉ hành bố-thí.

    - Không tà-dâm, mà chỉ hành giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình và của người.

    * Nghĩ với đại-thiện-tâm trong sạch nghĩa là ý hành với 3 manosucarita: ý nghĩ theo 3 điều thiện đó là:

    - Không tham lam của cải tài sản của người khác, mà chỉ nghĩ tạo phước-thiện bố-thí.

    - Không thù hận người khác, mà chỉ có tâm từ đến mọi người, mọi chúng-sinh.

    - Không có tà-kiến, mà chỉ có chánh-kiến hiểu biết nghiệp là của riêng mình, tin nghiệp và quả của nghiệp.

    - Tato naṃ sukhamanveti, chāyāva anapāyini.

    Thì sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình.

    * Người nào có đại-thiện-tâm trong sạch, thân hành 3 đại-thiện-nghiệp (kāyasucarita) là:

    - Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

    - Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

    - Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.

    * Khẩu nói 4 đại-thiện-nghiệp (vacīsucarita) là:

    - Đại-thiện-nghiệp không nói-dối.

    - Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ.

    - Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục.

    - Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích.

    * Ý nghĩ 3 đại-thiện-nghiệp (manosucarita) là:

    - Đại-thiện-nghiệp không tham lam của cải tài sản của người khác.

    - Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác.

    - Đại-thiện-nghiệp có chánh-kiến.

    Người ấy có 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý như vậy, cho quả báu an-lạc theo người ấy trong kiếp hiện-tại. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi thiện dục-giới ấy.

    Cho nên, sự an-lạc theo người ấy như bóng theo hình trong suốt mỗi kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

    Đức-Phật thuyết dạy xong bài kệ ấy, có 84.000 chúng-sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh- đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết- bàn, trở thành bậc Thánh-nhân thấp cao tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ,

    niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh, còn vị thiên-nam Maṭṭhakuṇḍalī trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, và ông bà-la-môn Adinnapubbaka cũng trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Cho nên, từ đó về sau, ông bà-la-môn Adinnapubbaka hoan hỷ tạo mọi phước-thiện nhất là phước-thiện bố-thí, không chỉ cúng-dường đến Đức-Phật và chư tỳ- khưu-Tăng, mà còn tạo phước-thiện bố-thí đến cho mọi người nghèo khổ khác nữa.

    Tất cả mọi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ khi đã sinh ra làm chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, trong bốn loài chúng-sinh, đến khi hết tuổi thọ đều phải chết cả thảy, không ngoại trừ một ai cả.

    * Đối với các hạng phàm-nhân và cả 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai đến khi hết tuổi thọ đều tử (chết). Sau khi chết, nghiệp cho quả tái- sinh kiếp sau thuộc về loại chúng-sinh nào, trong cõi-giới nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

    * Đối với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, chư Phật Độc-Giác, chư bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ đều tử (chết) gọi là tịch diệt Niết-bàn, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.