Tâm Sở Vấn Đáp - Cetasika Paṇhā

Tâm Sở Vấn Đáp - Cetasika Paṇhā

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    VI DIỆU PHÁP VẤN ĐÁP TÓM TẮT
    (PRASNĀ ABHIDHAMMA)

    Dịch giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    TÂM SỞ VẤN ĐÁP ‒ CETASIKAPAṆHĀ

    Vấn: Tâm sở dịch như thế nào?

    Đáp: Tâm sở dịch là: cái pháp hoạt động trong tâm, sanh và diệt, có cảnh giới và duyên cớ cùng với tâm.

    Vấn: Tâm sở có mấy?

    Đáp: Có 52, là: 13 aññasamānācetasika(20), 14 ác tâm sở và 25 sobhanacetasika(21)

    Vấn: Aññasamānācetasika chia ra có mấy loại?

    Đáp: Có hai loại là: sabbacittasadhāranacetasika và pakiṇṇākacetasika(22).

    Vấn: Sabbacittasadhāranaceta có mấy loại?

    Đáp: Có bảy loại là: 1) Xúc (phasso) trạng thái làm cho 6 cảnh chạm nhằm sáu cửa. 2) Thọ (vedanā) trạng thái biết cảnh giới, hoặc dụng nạp cảnh giới. 3) Tưởng (saññā) trạng thái nhớ nghĩ cảnh giới. 4) Tác ý (cetanā) trạng thái tính dắt dẫn tâm hoặc gom thu phước và tội. 5) Định (ekaggatā) trạng thái làm cho tâm ở yên trong một cảnh giới. 6) Sanh mạng (jīvitindriya) tâm sở khiến cho pháp đồng thời (sahajādharma), được sống còn. 7) Manasikāro sự ghi nhớ để trong tâm bằng phương tiện trí tuệ. Sabbacittasādhāranacetasika này phát sanh đều đủ trong 89 cái tâm.

    Vấn: Pakiṇṇākacetasika có mấy?

    Đáp: Có 6 là: 1) Tầm (vitakko) trạng thái làm cho tâm tìm níu hoặc suy nghĩ cảnh giới. 2) Sát (vicāro) trạng thái điều tra hoặc làm cho tâm trải đi trong cảnh giới. 3) Kiên tâm (adhimokkha) trạng thái làm cho tâm vững chắc trong cảnh giới. 4) Tinh tấn (viriyaṃ) trạng thái hộ trì tâm không cho lui sụt. 5) Phỉ (pīti) trạng thái làm cho thân và tâm no vui. 6) Ý muốn (chando) trạng thái làm cho tâm ham muốn trong cảnh giới. Pakiṇṇakacetasika này không phát sanh đều đủ trong 89 cái tâm.

    Vấn: 14 ác tâm sở là cái chi?

    Đáp: 14 ác tâm sở là: 1) Si mê (moha) trạng thái làm cho tâm lầm lạc trong cảnh giới. 2) Không thẹn (aharikam) không xấu hổ nghiệp dữ. 3) Không nhờm, không gớm (anottappam) sợ nghiệp dữ. 4) Phóng dật (uddhacca) tâm buông thả. 5) Xan tham (lobho) tâm dính mắc trong cảnh giới. 6) Tà kiến (diṭṭhi) hiểu quấy, thấy lầm. 7) Tự cao, tự thị (māno) tự cho mình là cao là phải. 8) Sân hận (doso) oán giận trong cảnh giới. 9) Ganh (issā) không muốn cho người hơn mình. 10) Bón rít (macchariyam) giấu của cải không cho người thấy, không rời của đem ra cho đến kẻ khác. 11) Hối (kukkuccaṃ) tiếc điều lỗi của mình đã làm. 12) Dãi đãi (thīnaṃ) lui sụt trong việc lành. 13) Hôn trầm (middham) mê loạn, buồn ngủ. 14) Hoài nghi (vicikicchā) không tin chắc.

    Vấn: 25 sobhaṇacetasika là cái chi?

    Đáp: 25 sobhaṇacetasika là: 19 sobhaṇasādhārana, 3 virati, 2 appamaññā, 1 paññindriya.

    Vấn: 19 sobhaṇasādhārana là cái chi?

    Đáp: 1) Tín (saddhā) tin nghiệp và quả của nghiệp. 2) Ký ức (sati) trạng thái ghi nhớ đến việc đã qua. 3) Thẹn (hiri) hổ thẹn nghiệp dữ. 4) Nhờm (ottappa) gớm sợ nghiệp dữ. 5) Không xan tham (alobho) tâm không dính mắc trong cảnh giới. 6) Không sân hận (adosa) tâm không oán giận. 7) Xả (tatramajjhattatā) tâm lợt lạt, lãnh đạm trong sự vật (chúng sanh và vật). 8) Trạng thái thân yên lặng (kāyapassaddhi). 9) Trạng thái tâm yên lặng (cittapassadhi). 10) Trạng thái thân nhẹ nhàng (kāyalahutā). 11) Trạng thái tâm nhẹ nhàng (cittalahutā). 12) Trạng thái thân mềm mại (kāyamudutā). 13) Trạng thái tâm mềm mại (cittamududā). 14) Trạng thái thân vừa đến các việc (kāyakammaññātā). 15) Trạng thái tâm vừa đến các việc (cittakammaññātā). 16) Trạng thái thân thuần thục (kāyapāguññatā). 17) Trạng thái tâm thuần thục (cittapāguññatā). 18) Trạng thái thân ngay thật (kāyajukatā). 19) Trạng thái tâm ngay thật (cittajukatā).

    Vấn: 3 pháp chừa cãi (virati) là cái chi?

    Đáp: 3 pháp chừa cải là: 1) chánh ngữ (sammavācā) chừa cải lời dữ; 2) chánh nghiệp (sammākammanto) làm nghiệp lành, lánh nghiệp dữ; 3) chánh mạng (sammā ājīvo) nuôi mạng lành lánh điều tà mạng.

    Vấn: 2 vô lượng tâm (appamañña) là cái chi?

    Đáp: 2 vô lượng tâm (appamaññatā) là: 1) bi (karunā) là tâm thương xót muốn cứu vớt chúng sanh khỏi khổ; 2) hỉ (muditā) là lòng thân ái trong của cải của người.

    Vấn: 1 paññindriya là cái chi?

    Đáp: Là trí huệ lớn hơn tất cả các pháp.

    Tổng cộng: 19 sobhaṇāsādhārana, 3 virati, 2 appamaññā, 1 paññindriya thành 25 sobhaṇacetasika.

    Vấn: Cái tướng của xúc (phasso) như thế nào?

    Đáp: Cử chỉ chạm nhằm là cái tướng của xúc.

    Vấn: Xúc là danh pháp mà chạm nhằm thế nào được, vật có hình tướng mới có thể chạm nhằm được chớ?

    Đáp: Xúc là danh pháp thiệt, nhưng cũng chạm nhằm cảnh giới như, người thấy kẻ ăn đồ chua (me) rồi chảy nước miếng, vị chua của me chưa chạm nhằm miệng, chỉ thấy thôi, cho nên nói: “Xúc” có cử chỉ chạm nhằm là tướng.

    Vấn: Thọ có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ dụng nạp vị của cảnh giới là tướng.

    Vấn: Tưởng có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ biết cảnh giới là tướng, như người thợ mộc lành nghề trong sự đo lường, thế nào, tưởng cũng là người biết phân biệt cảnh giới rằng: đây trắng, kia đen, cũng như thế đó.

    Vấn: Tác ý có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ suy nghĩ cảnh giới là tướng, như thợ chánh thường bảo thợ phụ làm việc này, điều kia cho thành tựu.

    Vấn: Định có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ an trú bền chặt trong một cảnh giới là tướng.

    Vấn: Sanh mạng có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ gìn giữ sự sống là tướng, như nước gìn giữ, nuôi sống thuỷ thảo.

    Vấn: Ghi nhớ có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ dẫn đến, chung cùng một cảnh giới là tướng.

    Dứt 7 tướng của sabbasādhāranacetasika

    Vấn: Tầm có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ trau dồi cảnh giới là tướng,

    Vấn: Kiên tâm có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ vừa lòng bền chặt trong cảnh giới là tướng, như nọc trụ cặm xuống đất không lay động vậy.

    Vấn: Tinh tấn có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ hộ trì các pháp là tướng.

    Vấn: Phỉ có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ no vui là tướng.

    Vấn: Ý muốn có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ ham muốn làm các công việc là tướng.

    Vấn: Si mê có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ che án cảnh giới là tướng, như loài phù du thấy lửa tưởng là vật mát.

    Vấn: Không thẹn có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ không hổ thẹn nghiệp dữ là tướng, như loài heo không gớm vật dơ nhớp.

    Vấn: Không nhờm có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ không gớm nghiệp dữ là tướng.

    Vấn: Phóng tâm có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ không yên lặng tâm là tướng.

    Vấn: Xan tham có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ dính mắc trong cảnh giới là tướng, như loài khỉ dính nhựa, mủ.

    Vấn: Tà kiến có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ hiểu quấy cho rằng phải là tướng.

    Vấn: Tự cao có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ cho mình cao quí hơn người là tướng. Tự cao nếu chia tóm tắt có 3 loại là: 1) Tự cho mình là cao quí không ai bằng, là cao vì giàu sang, học rộng, thấy xa hơn người. Đó là tự cao của người có quyền tước sang trọng. 2) Chấp rằng không có ai hơn ta, dầu có sự sang trọng, sự thông hiểu đến đâu cũng không hơn ta. 3) Hèn hạ hơn người chỉ có ta.

    Vấn: Người chấp rằng cao quí hơn kẻ khác, cho là tự cao cũng phải, nếu họ nói là hèn hạ hơn người, tại sao lại cho họ là tự cao?  Đức Phật có giải trong kinh Bālapiṇḍitasūtra rằng: Người nào dốt rồi khoe mình là dốt cũng có thể gọi là trí tuệ, vậy cớ sao cũng cho là tự cao?

    Đáp: Không phải như thế đâu, đây là nói về người nghèo khó không quyền tước, thất học mà cứng cỏi không chịu khuất phục nghe lời ai cả, chấp rằng: dầu dốt nát thế nào chỉ có ta là cùng. Trong kinh Bālapiṇḍitasūtra giải rằng: nếu dốt nói là dốt, là người dễ dạy, nên mới gọi là có trí tuệ được.

    Vấn: Sân hận có chi là tướng?

    Đáp: Có sự giận dữ, ra dáng điệu là tướng (như rắn độc).

    Vấn: Ganh có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ ghét, không ưa người hơn mình là tướng.

    Vấn: Bón rít có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ giấu của mình là tướng.

    Vấn: Bón rít và xan tham khác nhau như thế nào?

    Đáp: Xan tham là tâm dích mắc trong ngũ dục, cả cái hữu hình và vô hình, về bón rít là giấu không cho người thấy vật của mình được, như giấu của tiền.

    Vấn: Hối có tướng như thế nào?

    Đáp: Có cử chỉ tiếc những nghiệp dữ mình đã làm rồi và việc lành chưa làm được là tướng, những người đã làm việc dữ khi nhớ đến rồi tiếc rằng không nên làm, còn tiếc chưa tạo được nghiệp lành vì mình đã già yếu rồi khó làm cho được.

    Vấn: Hôn trầm có chi là tướng?

    Đáp: Không làm công việc được là tướng, vì cái tâm mê man không tỉnh, dã dượi, uể oải, không thể làm các điều lành được.

    Vấn: 14 ác tâm sở chia theo loại có mấy?

    Đáp: Chia ra có ba loại. 1) Loại si mê: không thẹn, không nhờm, buông thả. 2) Loại xan tham: tà kiến, tự cao. 3) Loại sân hận: ganh, hối. Về bón rít, hôn trầm, dãi đãi là phần của sādhāranacetasika phát sanh thông thường trong 3 loại.

    Vấn: Vì sao chia từng loại như thế?

    Đáp: Vì tất cả tâm sở phát sanh trong một chỗ cùng nhau hoặc không cũng có.

    Vấn: Loại nào phát sanh trong một chỗ cùng nhau, loại nào không phát sanh chung cùng nhau?

    Đáp: Loại phát sanh trong một chỗ cùng nhau là: không thẹn, không nhờm, buông thả, trước phát sanh lên nương theo si mê, sau mới thông suốt đến các tâm sở khác được. Tâm sở chỉ phát sanh theo loại mình, không thông suốt đến các tâm sở khác được, như: tự cao và tà kiến, trước nương theo xan tham mà sanh rồi sau mới phổ thông đến loại si mê được, nhưng không thông dụng đến sân hận (dosa). Ganh và hối trước nương theo sân hận mà sanh rồi chỉ thông đến si mê, không suốt đến xan tham được. Tâm sở phát sanh lẫn lộn nhau như đã giải.

    Vấn: 3 ác căn, để xan tham đứng đầu, qua đến tâm sở, cớ sao si mê lại đứng trước?

    Đáp: Vì si mê là tâm sở thông dụng đều đủ trong cả 12 tâm là chủ yếu hơn hết.

    Vấn: Tín có chi là tướng, có mấy?

    Đáp: Có sự trong sạch là tướng, chia ra có hai là: sampasādalakkhana và pakkhandalakkhana.

    Vấn: Sampasādalakkhana giải như thế nào?

    Đáp: Ví như ngọc để lọc nước cho trong của Đức Chuyển luân Thánh vương, ngọc ấy có năng lực làm cho bùn, rong, bèo dang ra được, cho nước đục trở nên trong, thế nào, đức tin khi đã phát sanh cũng đè nén pháp cái và các phiền não, cho tâm trong sạch, hết ô nhiễm, cũng như thế ấy. Hành giả trong sạch rồi ráng bố thí, trì giới, tham thiền được mới gọi là sampasādalakkhana.

    Vấn: Pakkhandalakkhana giải như thế nào?

    Đáp: Pakkhandalakkhana có đức tin làm hướng đạo, dẫn các pháp lành theo được, ví như 30 bộ quân ở bờ đây, không dám lội qua bờ kia sông, sợ cá sấu ăn, có vị tướng soái theo sau đến hỏi rằng: tại sao không qua sông đi? Quân sĩ bẩm rằng: vì có sấu làm hại; vị tướng soái nghe rồi kêu: này chúng quân! Xuống theo sau ta, đừng nhút nhát, nói rồi dùng đao giết cá dữ (đến chực làm hại) đi trước dẫn 30 bộ quân lội qua bờ kia được an vui; cũng nhờ vị tướng soái làm hướng đạo, thế nào, những người bố thí, trì giới hoặc tham thiền được, trước hết nhờ có đức tin làm hướng đạo, cũng như thế ấy, cho nên gọi là pakkhandalakkhana.

    Lại nữa, đức tin có 2 tướng là: 1) có đức tin là tướng (saddahanalakkhanasaddhā); 2) có cử chỉ xem xét nhơn quả rồi mới tin là tướng, ví như chủ ghe, trước khi lui ghe ra, thường dò xét nước cho biết cạn, sâu rồi mới đi, thế nào, đức tin cũng như thế ấy.

    Vấn: Trí nhớ (sati) có chi là tướng, có mấy thứ?

    Đáp: Trí nhớ có 2 tướng là: apilāpanalakkhanā và upagganhalakkhanā.

    Apilāpanalakkhanā có cử chỉ nhắc tâm là tướng, ví như quan quản khố của vua Chuyển luân vương thường vào tâu cho vua hay rằng: tài sản của hoàng thượng có bấy nhiêu đây... thế nào, trí nhớ cũng nhắc tâm không cho quên nghiệp lành, cũng như thế ấy. Cho nên Đức Na Tiên tỳ khưu (Nāgasena) có tâu với đức vua Mi Lan Đà (Milinda) rằng: Tâu đại vương! Quan quản khố của đại vương hằng vào tâu buổi mai và buổi chiều cho đại vương rõ: voi có bấy nhiêu đây, ngựa có bấy nhiêu đây, xe có bây nhiêu đây, binh bộ có bây nhiêu đây, bạc có bây nhiêu đây, vàng có bây nhiêu đây... thế nào trí nhớ cũng thường làm cho tâm nhớ biết các pháp lành rằng đây pháp tứ niệm xứ (satipatthāna), đây tứ chánh cần (sammappadhāna), đây tứ như ý túc (iddhipāda), đây ngũ căn (indriya), đây ngũ lực (bala), đây thất giác chi (sambojjhanga), đây bát thánh đạo (aṭṭhangikamagga), đây tham thiền, đây minh sát, đây tứ diệu đế, đây minh, đây giải thoát, đây pháp xuất thế, nhắc tâm cho nhớ các pháp lành, như thế, gọi là apilāpanalakkhanāsati cũng ví như ông quan quản khố ấy.

    Vấn: Upaggaṇhanalakkhanā như thế nào?

    Đáp: Upaggaṇhanalakkhanā có cử chỉ phấn khởi cái tâm là tướng, ví như ngọ môn quan của vua thường biết rằng: điều này có lợi ích, điều kia không có lợi ích; upagganhanalakkhanāsati thường thúc dục tâm rằng: pháp này có lợi ích, pháp kia không có lợi ích; Pháp có lợi ích là: thập thiện, pháp không có lợi ích là thập ác, như thế ấy.

    Vấn: Thẹn thùa có chi là tướng?

    Đáp: Có sự gớm nhờm nghiệp dữ là tướng.

    Vấn: Thẹn thùa phát sanh do mấy điều?

    Đáp: phát sanh do 4 điều là: 1) suy xét thấy chủng tộc (jatampaccavekkhatvā); 2) suy xét thấy tuổi thọ (vayaṃpaccavekkhatvā); 3) suy xét thấy sự bạo dạn (surabhāvaṃpaccavekkhatvā); 4) suy xét thấy tình trạng đa học thức (bahusaccam paccavekkhatvā)

    Vấn: Suy xét thấy chủng tộc như thế nào?

    Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là dòng sang trọng (như dòng vua) không phải thấp hèn, không nên làm những việc ác nhứt là sát sanh, như thế gọi là suy xét thấy chủng tộc.

    Vấn: Suy xét thấy tuổi thọ, như thế nào?

    Đáp: Suy xét thấy rằng: ta đã đến tuổi này rồi không nên làm những nghiệp dữ đâu, như thế gọi là suy xét thấy tuổi thọ.

    Vấn: Suy xét thấy sự bạo dạn như thế nào?

    Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là người bạo dạn vì giàu có, quyền cao tước lớn, đi đến nơi nào cũng được cao sang hơn người, ta không nên hành những việc thấp hèn, cử chỉ ấy không xứng đáng với địa vị của ta đâu. Suy xét thấy như thế rồi dứt bỏ nghiệp dữ, như vậy gọi là suy xét thấy sự bạo dạn.

    Vấn: Suy xét thấy mình là người đa trí thức như thế nào?

    Đáp: Suy xét thấy rằng: ta là người học rộng thông rõ Phật giáo, không phải kẻ ngu dốt tối tăm, không nên làm điều nhơ nhớp xấu xa đâu, như thế gọi là xét thấy mình là bực đa học. Thẹn phát sanh ở trong ajjhattiko sammutthana lấy mình làm trọng.

    Vấn: Ghê sợ có chi là tướng?

    Đáp: Có sự lo sợ là tướng.

    Vấn: Ghê sợ có mấy thứ?

    Đáp: Có 4 thứ là: 1) ghê sợ do cử chỉ mình chê trách mình (attānuvādabhaya); 2) ghê sợ do cử chỉ bị người khác chê trách (parānuvādabhaya); 3) ghê sợ quyền lực của vua (dandabhaya); 4) sợ sa trong cõi khổ (4 ác đạo).

    Sợ phát sanh do ở ngoài (bahiddhāsamuṭṭhāna) lấy đời làm trọng (lokādhipateyya) như sợ rằng: sợ e chư thiên nhãn thông, nhĩ thông hoặc tha tâm thông biết mình làm sái như vầy, như vầy... rồi các ngài chê trách, như thế gọi là lấy đời làm trọng.

    Vấn: Thẹn và sợ có ý nghĩa khác nhau như thế nào?

    Đáp: Thẹn: nhờm; sợ: nóng. Ví như 2 khúc sắt, một khúc lạnh song dính vật nhớp nhúa đáng gớm, không dám cầm e lấm tay, như thẹn nghiệp dữ, sợ sa địa ngục. Khúc sắt đốt cháy nóng, không dám cầm vì sợ nóng, như sợ nghiệp dữ, e phải sa địa ngục. Thẹn và sợ có ý nghĩa khác nhau như thế ấy.

    Vấn: Không xan tham có tướng như thế nào?

    Đáp: Có cử chỉ không dính mắc trong cảnh giới là tướng.

    Vấn: Không sân hận có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ không giận dữ là tướng.

    Vấn: Kiên tâm có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ kềm chế tâm vương và tâm sở là tướng, ví như xa phu kéo dây cương ngựa đang chạy cho vững.

    Vấn: Thân và tâm yên lặng có chi là tướng? Khác hay giống nhau?

    Đáp: Có cử chỉ vào gần làm cho yên lặng sự bận rộn thân và tâm là tướng. Thân và tâm an tịnh có tướng giống nhau.

    Vấn: Thân và tâm nhẹ nhàng có chi là tướng? Khác hay giống nhau?

    Đáp: Có cử chỉ vào gần diệt trạng thái nặng nề của thân và tâm là tướng, thân và tâm nhẹ nhàng có tướng giống nhau không khác.

    Vấn: Thân và tâm mềm mại có chi là tướng? Giống hay khác nhau?

    Đáp: Có cử chỉ vào gần dứt trạng thái cứng cỏi là tướng, thân và tâm mềm mại có tướng giống nhau.

    Vấn: Thân và tâm vừa hành sự có chi là tướng? Giống hay khác nhau?

    Đáp: Có cử chỉ vào gần dứt trạng thái không vừa của thân và tâm là tướng. Thân và tâm vừa hành sự có tướng giống nhau không khác.

    Vấn: Thân và tâm thuần thục có chi là tướng? Khác hay giống nhau?

    Đáp: Có cử chỉ dứt bịnh của thân và tâm là tướng, có tướng giống nhau không khác.

    Vấn: Thân và tâm ngay thật có chi là tướng? Giống hay khác nhau?

    Đáp: Có cử chỉ ngay thật là tướng, giống nhau không khác.

    Vấn: Ba virati có tướng như thế nào?

    Đáp: Không có chi là tướng.

    Vấn: Bi (thương xót) có tướng như thế nào?

    Đáp: Có trạng thái muốn dứt khổ của chúng sanh là tướng.

    Vấn: Hỉ có chi là tướng?

    Đáp: Có tâm thường vui mừng của kẻ khác là tướng.

    Vấn: Trí tuệ có chi là tướng?

    Đáp: Có cử chỉ sáng suốt là tướng.

    Vấn: Trí tuệ có cử chỉ sáng suốt như thế nào?

    Đáp: Sáng suốt không chi chướng ngại, ví như chỗ tối tăm, xem vật trắng đen không thấy, đến khi đốt đèn lên mới thấy rõ rệt các vật trắng đen, không lầm lộn, thế nào, trí tuệ chưa phát sanh đến người nào, người ấy tối tăm, bị vô minh che án, không cho biết rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là nơi diệt khổ, đây là đường đi đến nơi diệt khổ: khi trí tuệ phát sanh mới rõ rằng: ngũ uẩn là đứng đầu sự khổ, đây nhân sanh khổ, đây nơi diệt khổ; đây đường đi đến nơi dứt khổ; khi trí tuệ phát sanh mới thông rõ rằng: ngũ uẩn là chủ yếu sự khổ, bát thánh đạo là đường đi đến nơi diệt khổ, cũng như thế ấy.

    Dứt sự vấn đáp trong tướng của tâm sở vắn tắt.

    VẤN ĐÁP VỀ PHÁP RẢI RÁC ‒ PAKIṆṆAKAPAṆHĀ

    Vấn: “Vô nhơn” nói rằng không hiệp theo nhơn vì sao “Sát vô nhơn tâm” (santīraṇa ahetukacitta) là cái đi thọ sanh?

    Đáp: Vô nhơn không hiệp theo nhơn thiệt, còn tâm xem xét cảnh giới khi hấp hối, không có năng lực cho đi thọ sanh theo ý mình, chỉ có quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) dẫn đi thọ sanh, ví như người biết thảo đơn, chỉ thảo đơn cho họ rồi có kẻ khác biết viết, nhưng không biết thảo, chỉ chờ chép đơn đã thảo sẵn, trật trúng do nơi người thảo thế nào quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) như người thảo đơn, sát vô nhơn tâm (santīrana ahetukacitta) như người chờ chép đơn đã thảo sẵn, cũng ví như thế ấy.

    Vấn: Trong thời gian thọ sanh (patisandhikāla) 35 ngày, nói rằng: “chỉ là phước, không có tội”, tại sao có chúng sanh đầu thai được 7 ngày, nửa tháng, hoặc một tháng rồi lưu sản(23) vậy do cớ nào mà lưu sản, nếu không có tội?

    Đáp: Lưu sản ấy không phải vì tội, mà vì hết phước, bởi phước chút ít, không có thế cấu tạo cho thành người được.

    Vấn: Chúng sanh ấy tạo nghiệp như thế nào mà gọi là ít phước?

    Đáp: Vì phước mà người đã làm là phước chút ít, mỏng manh (katattākamma) đi thọ sanh đến chừng ấy thôi, không có nghiệp nào cho quả.

    Vấn: Tội cho quả trong lúc nào?

    Đáp: Tội cho quả trong thời nối tiếp (pavatikāla).

    Vấn: Thời nối tiếp kể từ đâu, đến đâu?

    Đáp: Kể từ ngày thứ 36 sấp lên.

    Vấn: Chúng sanh chết rồi uẩn nào đi, uẩn nào ở?

    Đáp: Chúng sanh chết, cả 5 uẩn đều đi hết, không còn sót uẩn nào.

    Vấn: Nói cả 5 uẩn đều đi, sao sắc uẩn còn lại đó?

    Đáp: Sắc mới sanh ra nương theo sắc cũ, ví như lúa gieo trong ruộng chỉ còn vỏ lúa, lúa mọc lên được cũng nương hột lúa cũ, thế nào, sắc sanh ra cũng nương theo sắc cũ vậy. Lại nữa, cái quả (vipāka) chụp lấy 5 uẩn đi thọ sanh, ví như người chụp bóng, chụp lấy sắc dính với kiến, sắc thân kia cũng vẫn còn như cũ, nhưng bóng dính với kiến, thế nào, sắc thân cũ chết nằm trên đất, song cái quả chụp lấy dấu vết sắc thân cũ đi đầu thai cũng như thế ấy.

    Vấn: Phước và tội mà người đã làm trú tại nơi đâu?

    Đáp: Trú trong tâm.

    Vấn: Trú trong tâm, trú như thế nào? Như vậy thì lẫn lộn nhau rồi?

    Đáp: Phước là danh pháp, tội cũng là danh pháp giống nhau, mà trú trong tâm, ví như sự thông rõ các chi đạo không lẫn lộn, gặp đạo nào biết đạo nấy, thế nào, phước và tội phần nào cho quả trước thì thọ quả ấy, cũng như vậy.

    Vấn: Phước và tội trú trong tâm đến khi chết, tâm ra trước phước và tội, hay là phước và tội ra trước tâm?

    Đáp: Tâm, phước và tội đồng ra một lượt ví như người đổ nước trong lu ra, nước và sự trong cũng ra một lượt, nước như tâm, trong như phước; hoặc nước với đục ra một lượt, nước như tâm, đục như tội, tâm cùng phước và tội đồng ra một lượt cùng nhau, vì như thế ấy.

    Vấn: Phước cũng trú trong tâm, tội cũng trú trong tâm giống nhau, vậy đến khi sanh lên trời, tội ở nơi nào, còn nếu sa địa ngục, phước trú nơi đâu?

    Đáp: Nếu sanh lên cõi trời, tội cũng đi cùng nhau, bằng sa địa ngục, phước cũng dính theo với nhau. Phước và tội ví như bóng và hình, hình đi đến đâu bóng cũng đến đó, thế nào, tâm cùng tội và phước, nếu tâm ở đâu, phước và tội cũng ở đó.

    Vấn: Tội đi lên cõi trời bằng cách nào? Phước xuống địa ngục như thế nào?

    Đáp: Tội lên cõi trời, phước xuống địa ngục, ví như bông và cát. Bông là vật nhẹ bay giữa trời được, nhưng nếu bông nhiều cũng có thể bọc cát bay lên giữa trời được. Cát ví như tội, bông ví như phước. Lại nữa, cát rớt xuống nước và bọc bông dính theo do năng lực của cát, bông cũng chìm xuống nước; cát như tội, bông như phước dính chung với tội đi địa ngục, phước và tội trú chung cùng nhau, nếu đi lên trời thì tội không có quyền cho quả, về phần phước cho quả, nếu xuống địa ngục, phước không có quyền cho quả, về phần tội cho quả, lại cũng ví như bóng của người vào dưới bóng cây, bóng cây lớn hơn chụp trên đầu bóng của người mất, nếu cho rằng bóng của người chạy đi đâu cũng không được, thế nào về phần phước và tội trú khác chỗ cũng không có quyền cho quả như thế ấy.

    Vấn: Phước và tội cái nào mạnh hơn?

    Đáp: Phước mạnh hơn.

    Vấn: Cớ sao nói phước mạnh hơn?

    Đáp: Vì những người làm phước rồi hồi hướng phần phước đến kẻ khác, họ vui lòng thọ lãnh được, hoặc rãi đến Chư thiên, Chư thiên cũng dụng nạp được. Về phần tội, người nào làm người ấy được, đem chia cho kẻ khác, không ai chịu, hoặc như bọn cướp bị bắt khai tội cho nhau họ cũng không vui thích, hoặc tội đã làm rồi hồi hướng cho ngạ quỉ, địa ngục cũng không sao hồi hướng được, cớ ấy nên nói tội yếu hơn phước như thế.

    Vấn: Người làm dữ do tâm nào?

    Đáp: Do 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.

    Vấn: Chúng sanh chết đi luân hồi, làm cầm thú ngạ quỉ, địa ngục, vì nhơn nào?

    Đáp: Vì làm quấy trong 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.

    Vấn: Tâm nào đưa chúng sanh đi thọ khổ?

    Đáp: 11 ác tâm đưa chúng sanh đi thọ khổ.

    Vấn: Tâm nào đi thọ sanh chịu khổ?

    Đáp: “Ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn” (akusalavipāka upekkhāsahagata santīrana ahetuka) là chính mình chúng sanh đi đầu thai và chịu khổ.

    Vấn: Cái chi tạo ra địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú để cho chúng sanh?

    Đáp: Tất cả nghiệp dữ mà chúng sanh đã làm tạo ra đường địa ngục, ngạ quỉ và cầm thú, để cho chúng sanh.

    Vấn: Người làm dữ chỉ có cái tâm thôi, hay là chính mình chúng sanh đi thọ khổ làm cầm thú, ngạ quỉ địa ngục, do nhiều tâm hay là một tâm, tâm ấy gọi là gì?

    Đáp: Người làm dữ do nhiều tâm là: xan tham với si mê, hoặc sân hận với si mê, hoặc chỉ có si mê thôi. Chính mình chúng sanh đi chịu khổ làm cầm thú, ngạ quỉ, địa ngục chỉ vì 11 tâm ác (trừ phóng tâm) và “ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn tâm”. Cái quả (vipāka) đi thọ khổ ấy gọi là: ác quả vô nhơn tâm (akusalavipāka ahetukacitta).

    Vấn: Người bố thí, trì giới, tham thiền được, do tâm nào?

    Đáp: Do 21 tâm lành.

    Vấn: Người chết đi thọ sanh làm trời và làm người, do tâm nào?

    Đáp: Do tâm lành thọ cảnh giới vừa lòng hoan hỉ (somanassa) trong khi hấp hối.

    Vấn: Tâm nào dẫn chúng sanh đi làm trời làm người?

    Đáp: Thiện quả vô nhân tâm (kusalavipaka ahetukacitta) là chính mình chúng sanh đi đầu thai làm người và trời.

    Vấn: Cái chi tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc (sampatti) để cho chúng sanh?

    Đáp: Tất cả sự lành của chúng sanh đã làm, tạo chủng tộc, cõi và hạnh phúc để cho chúng sanh.

    Vấn: Người làm lành do mấy loại tâm?

    Đáp: Do lai loại tâm là: 3 nhơn (trīhetu) và hai nhơn (duhetu).

    Vấn: Tâm lành tạo chúng sanh làm người, trời, cớ sao người và trời không giống nhau, có người thấp hèn, có người cao sang, có hạng sanh lên cõi trời, làm phước bằng cách nào mà khác nhau như thế?

    Đáp: Bố thí, trì giới, tham thiền khác nhau. Bố thí, trì giới, tham thiền bực hạ, tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc bực hạ. Bố thí, trì giới, tham thiền bực trung cho hưởng quả bực trung. Bố thí, trì giới, tham thiền bực thượng thọ quả bực thượng, cho đến hàng chư thiên, tạo phước khác nhau như thế ấy.

    -oo0oo-

    (20) Tâm sở phát sanh trong các tâm khác.
    (21) Tâm sở lành.
    (22) Tâm sở rải rác.
    (23) Đẻ non, chưa đến kỳ mà đẻ.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.