Phải chăng chúng ta có một linh hồn bên trong thân thể?

Phải chăng chúng ta có một linh hồn bên trong thân thể?

    PHIỀN-NÃO NƯƠNG NHỜ NƠI SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP

    Tất cả mọi phiền-não nhất là tà-kiến (diṭṭhi), tham-ái (taṇhā), ngã-mạn (māna) đều nương nhờ nơi sắc-pháp, danh-pháp mà phát sinh.

    TÀ-KIẾN THẤY SAI, CHẤP LẦM NƠI SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP

    Trong đời này, một số người không gần gũi thân cận với chư bậc thiện-trí trong Phật-giáo, không có cơ hội nghe chánh-pháp, không học hỏi hiểu biết về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), không hiểu biết về môn Abhidhamma: Vi-diệu-pháp, nên không hiểu biết về sắc-pháp, danh-pháp, không thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là pháp-vô-ngã. Tà-kiến đó là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến (diṭṭhigatasampa- yuttaṃ) thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta, là ngã.

    * Tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi danh-pháp, nơi sắc-pháp cho là ta, ngã như sau:

    - Nếu khi nhãn-thức-tâm thấy đối-tượng sắc, hình dạng thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “nhãn-thức-tâm” cho là “ta thấy” và tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng sắc ấy cho là “người này, hoặc người kia, hoặc chúng-sinh, hoặc vật này hoặc vật kia,…”

    - Nếu khi nhĩ-thức-tâm nghe đối-tượng thanh, âm thanh thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “nhĩ-thức-tâm” cho là “ta nghe” và tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng âm thanh ấy cho là “tiếng nói người nam, hoặc tiếng nói người nữ, hoặc tiếng Việt, hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp,…

    - Nếu khi tỷ-thức-tâm ngửi đối-tượng hương, các loại mùi thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “tỷ- thức-tâm” cho là “ta ngửi” và tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng hương ấy cho là “mùi thơm nước hoa, hoặc mùi hôi tử thi,…”

    - Nếu khi thiệt-thức-tâm nếm đối-tượng vị, các thứ vị thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “thiệt-thức-tâm” cho là “ta nếm” và tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng vị ấy cho là “vị ngọt của đường, hoặc vị chua của chanh ,…”

    - Nếu khi thân-thức-tâm tiếp xúc với đối-tượng xúc, cứng mềm, nóng lạnh,… thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “thân-thức-tâm” cho là “ta xúc giác” và tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng xúc ấy cho là “sắt cứng, vải mềm, hoặc trời nóng, trời lạnh,…”

    - Nếu khi ý-thức-tâm biết đối-tượng sắc-pháp, thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “ý-thức-tâm” cho là “ta biết đối-tượng ấy”.

    - Nếu khi ý-thức-tâm biết đối-tượng danh-pháp thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi chủ thể “ý-thức-tâm” cho là “ta biết các điều ấy”.

    - Nếu có “tham-tâm” phát sinh thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi tham-tâm ấy cho là “ta tham”, …

    - Nếu có “sân-tâm” phát sinh thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sân-tâm ấy cho là “ta sân”, …

    - Nếu có “tâm-sở phóng-tâm” phát sinh thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi phóng-tâm tâm-sở ấy cho là “ta phóng tâm”, v.v…

    * Tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp cho là ta, là ngã như sau:

    - Nếu khi thân đi hoặc sắc-đi thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-đi ấy cho là “ta đi”.

    - Nếu khi thân đứng hoặc sắc-đứng thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-đứng ấy cho là “ta đứng”.

    - Nếu khi thân ngồi hoặc sắc-ngồi thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-ngồi ấy cho là “ta ngồi”.

    - Nếu khi thân nằm hoặc sắc-nằm thì tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-nằm ấy cho là “ta nằm” v.v…

    Như vậy, có rất nhiều “cái ta”.

    Ta có thật hay không?

    Đức Phật dạy rằng: “Sabbe dhammā anattā…”

    Tất cả các pháp-hữu-vi, các pháp-vô-vi đều là pháp-vô-ngã.

    - Pháp-hữu-vi đó là sắc-pháp, danh-pháp, ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự tánh (dhātu), v.v… là pháp-vô-ngã.

    - Pháp-vô-vi đó là Niết-bàn gồm cả chế-định-pháp cũng là pháp-vô-ngã.

    Thật vậy, Đức-Phật dạy:

    “Aniccā sbbe saṅkhārā, dukkhānattā ca saṅkhatā.

    Nibbānañceva paññatti, anattā iti nicchayā[1].” 

    Tất cả các pháp-hữu-vi,

    Là sắc-pháp, danh-pháp,

    Đều có đủ ba trạng-thái,

    Vô-thường, khổ, vô-ngã.

    Niết-bàn và chế-định-pháp,

    Đều thuộc về pháp-vô-ngã.

    Sắc-pháp, danh-pháp pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh, không phải ai cả,…

    Nếu có cái ta thật, cái ngã thật thì cái ta nào, cái ngã nào gọi là ta thật sự?

    Đúng theo thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, cho nên không có cái ngã, không có cái ta thật sự.

    Nếu không có cái ta thật, không có cái ngã thật thì cũng không có phương pháp diệt ngã được!

    Vậy, gọi là “cái ngã, cái ta” do đâu mà có?

    Sở dĩ có sự chấp thủ cho là “ta” là “ngã”, là vì có tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là “ngã” là “ta”.

    Như vậy, tà-kiến có thật sự.

    Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Bộ Vi-diệu-pháp-yếu-nghĩa, chương 1 Cittasaṅgaha và chương 2 Cetasikasaṅgaha trình bày phần bất-thiện-tâm và phần bất-thiện tâm-sở giảng giải như sau:

    Tà-kiến (diṭṭhi) đó là tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến (diṭṭhigatasam-payuttacitta) thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là ta, là ngã, v.v…

    * Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp đều là pháp-vô-ngã, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niêt-bàn, chính Nhập-lưu Thánh- đạo-tuệ có khả năng diệt tận (samucchedappahāna) được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā) không còn dư sót.

    Như vậy, Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và hoài-nghi tâm-sở đồng sinh với 1 si-tâm hợp với hoài-nghi. Bậc Thánh-Nhập-lưu đã diệt tận được 5 bất-thiện-tâm này không còn dư sót. Chỉ còn lại 7 bất-thiện-tâm chưa diệt được.

    Cho nên bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là “ngã” là “ta”, là người, người nam, người nữ, chúng-sinh nào nữa.

    THAM-ÁI NƯƠNG NHỜ NƠI SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP

    Tham-ái (taṇhā) đó là tham-tâm-sở (lobhacetasika) đồng sinh với 8 tham-tâm (lobhacitta) nương nhờ nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp mà phát sinh.

    Tham-tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm (lobhacitta) chắc chắn có si-tâm-sở (mohacetasika) nên không biết chân-lý tứ Thánh-đế: Khổ Thánh-đế, nhân sinh khổ Thánh-đế, diệt khổ Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế; không biết thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp; không biết sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; không biết 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp; không biết sắc-pháp, danh-pháp chỉ có khổ thật sự mà thôi.

    Vì vậy, tham-ái hài lòng, thoả thích, say mê trong sắc-pháp, danh-pháp, bởi cho là tốt đẹp, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc.

    Sở dĩ tham-ái say mê trong sắc-pháp, danh-pháp cho là tốt đẹp, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc, là vì không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là khổ đế; không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

    * Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khi chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng diệt tận được tâm tham-ái không còn dư sót nữa. Như vậy, chỉ có bậc Thánh A-ra-hán mới không còn tâm tham-ái mà thôi.

    NGÃ-MẠN NƯƠNG NHỜ NƠI SẮC-PHÁP, DANH-PHÁP

    Ngã-mạn (māna) đó là ngã-mạn tâm-sở (māna-cetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến (diṭṭhigatavippayutta). Ngã-mạn tâm-sở nương nhờ sắc-pháp, danh-pháp mà phát sinh tự cho là: “Ta hơn người, ta bằng người, ta kém thua người”.

    Sở dĩ tâm ngã-mạn tự cho là “ta hơn người, ta bằng người, ta kém thua người” là vì không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp là vô-thường; không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp; không có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

    * Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ khi chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng diệt tận được tâm ngã-mạn không còn dư sót nữa.

    Như vậy, chỉ có bậc Thánh A-ra-hán mới không còn tâm ngã-mạn mà thôi.

    Tà-kiến thấy sai tự làm khổ mình, khổ người Tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng: “Ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…” nên tham-ái phát sinh, tâm ngã-mạn phát sinh, và các tâm phiền-não khác cũng có cơ hội phát sinh, tự làm khổ mình, làm khổ người, làm khổ mình khổ người.

    Ví dụ: Ban đêm, một người đi đường nhìn thấy lờ mờ sợi dây ngoằn ngoèo giống như con rắn nằm giữa đường, người ấy nhìn thấy sợi dây ấy, thấy sai, chấp lầm, tưởng lầm cho là “con rắn độc” nên phát sinh tâm sợ hãi tự làm khổ mình, lại còn nói cho người khác nghe, làm cho người khác khổ nữa.

    Cũng như vậy trong đời này, số người là người si-mê bị vô-minh che phủ thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp, có tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi sắc-pháp, nơi danh-pháp cho là “ta, người, người nam, người nữ, chúng-sinh, vật này, vật kia, v.v…”. Vì vậy, mọi phiền-não có cơ hội phát sinh tự làm khổ mình, làm khổ người, làm khổ mình khổ người không chỉ trong kiếp hiện-tại mà còn nhiều kiếp vị-lai nữa.

    CHÚ THÍCH

    [1] Vinayapiṭakapāḷi, Parivārapāḷi, Samuṭṭhānasīsasaṅkhepa, …

    Trích: NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA), QUYỂN X, Pháp-Hành Thiền-TuệTỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu).

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.