Tích truyện giải thích hiện tượng thấy có chư thiên (hay nhầm lẫn là Phật) tới rước

Tích truyện giải thích hiện tượng thấy có chư thiên (hay nhầm lẫn là Phật) tới rước

    Tích Dhammika upāsakavatthu(1)

    Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, Đức- Thế-Tôn thuyết giảng đề cập đến tích cận-sự- nam Dhammika được tóm lược như sau:

    Trong kinh-thành Sāvatthī có nhóm người cận-sự-nam gồm có 500 người, mà mỗi người có 500 thuộc hạ đều là những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có giới-hạnh trong sạch, hoan hỷ trong mọi phước-thiện, có người trưởng nhóm là cận-sự-nam Dhammika.

    Cận-sự-nam Dhammika có 7 người con trai và 7 người con gái gồm có 14 người con và người vợ đều ngoan ngoãn vâng lời kuyên dạy của cận-sự-nam Dhammika, nên trong gia đình đều là những người có giới-hạnh trong sạch, hoan hỷ trong mọi phước-thiện.

    Một hôm cận-sự-nam Dhammika lâm bệnh nặng trầm trọng, mong được nghe chánh-pháp trước khi chết, nên cận-sự-nam truyền bảo người nhà đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, bạch rằng:

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dhammika lâm bệnh nặng mong được nghe kinh, kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép 8 hoặc 14 vị tỳ- khưu đến tư gia của cận-sự-nam Dhammika  tụng kinh. Bạch Ngài.

    Đức-Phật cho phép nhóm tỳ-khưu ấy đến tư gia của cận-sự-nam Dhammika, ngồi bên cạnh cận-sự-nam.

    Cận-sự-nam Dhammika nằm trên giường chắp 2 tay bạch rằng:

    - Kính bạch quý Ngài, con đến lúc sức tàn lực kiệt, còn được chiêm ngưỡng quý Ngài đó là điều khó đối với con.

    - Kính xin quý Ngài có tâm bi tế độ tụng cho con nghe một bài kinh.

    Ngài Trưởng-lão hỏi ông cận-sự-nam rằng:

    - Này cận-sự-nam Dhammika! Con muốn nghe bài kinh nào?

    - Kính bạch quý Ngài, con muốn nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta mà chư Phật đều coi trọng.

    Nhóm chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahā-satipaṭṭhānasutta như sau: “Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā …”

    (- Này chư tỳ-khưu! Đạo này là độc đạo, để làm trong sạch thanh-tịnh tất cả chúng-sinh, …)

    Trong khi cận-sự-nam Dhammika đang nằm nhắm mắt lắng nghe chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, khi ấy, 6 chiếc xe trời lớn khoảng 150 do-tuần được trang hoàng lộng lẫy có ngàn con ngựa báu hiện xuống từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam đứng trên mỗi chiếc xe nói lời thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika rằng:

    Amhākaṃ develokaṃ nessāma, Amhākaṃ develokaṃ nessāma. Ambho mattikabhājanaṃ bhinditvā suvaṇṇabhājanaṃ gaṇhanto viya amhākaṃ devaloke abhiramituṃ idha nibbattāhi.

    - Kính thỉnh Ngài lên xe, chúng tôi sẽ đưa Ngài lên cõi trời của chúng tôi. Kính thỉnh Ngài lên xe, chúng tôi sẽ đưa Ngài lên cõi trời của chúng tôi.

    - Kính thưa Ngài, xin Ngài hóa-sinh trên cõi trời, để an hưởng mọi sự an-lạc đáng hài lòng trong cõi trời của chúng tôi, ví như người bỏ cái nồi đất, rồi nhận lấy cái nồi vàng.

    Khi ấy, ông cận-sự-nam Dhammika nhìn thấy 6 chiếc xe trời và nghe tiếng thỉnh mời của các vị thiên-nam đó là đối-tượng gatinimitta, ông cận-sự-nam không muốn làm gián đoạn lắng nghe  bài  kinh  Mahāsatipaṭṭhānasutta,  nên  ông truyền bảo các vị thiên-nam ấy rằng:

    - Āgametha! Āgametha! Xin quý vị hãy chờ! Xin quý vị hãy chờ!

    Nghe ông cận-sự-nam Dhammika nói như vậy, chư tỳ-khưu hiểu lầm rằng:

    - “Ông cận-sự-nam Dhammika bảo chúng ta.”

    Cho nên, chư tỳ-khưu mỗi vị đều ngừng lại, không tiếp tục tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhāna-sutta nữa.

    Khi ấy, các người con của ông cận-sự-nam Dhammika nghĩ rằng:

    - “Từ trước cha của chúng ta là người không biết no đủ trong việc nghe pháp, nhưng mà bây giờ, thỉnh mời chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh, cha lại truyền bảo chư tỳ-khưu ngừng tụng.”

    Vì vậy, các người con của ông cận-sự-nam Dhammika khóc.

    Nhóm chư tỳ-khưu bàn bạc với nhau rằng: “Bây giờ không hợp thời” nên chư tỳ-khưu xin rời khỏi tư gia, trở về ngôi chùa Jetavana.

    Ông cận-sự-nam Dhammika qua một lát liền tỉnh lại hỏi các con rằng: Tại sao các con khóc như vậy?

    Các con của ông cận-sự-nam thưa với cận-sự- nam rằng:

    - Kính thưa cha, cha đã cho người đến ngôi chùa Jetavana, bạch với Đức-Phật, kính xin Đức- Phật cho phép chư tỳ-khưu đến nhà tụng kinh cho cha nghe. Trong khi chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, thì cha lại truyền bảo chư tỳ-khưu ngừng tụng. Đó là nguyên-nhân khiến cho các con khóc với nhau như vậy.

    Csn: - Này các con! Chư tỳ-khưu, quý Ngài đi đâu cả rồi?

    Con: - Kính thưa cha, chư tỳ-khưu, quý Ngài bàn bạc với nhau: “Bây giờ không hợp thời”, nên quý Ngài xin trở về ngôi chùa Jetavana.

    Csn: - Này các con! Cha không phải truyền bảo với quý Ngài.

    Con: - Kính thưa cha, nếu như vậy thì cha truyền bảo với ai vậy?

    Csn: - Này các con! Có 6 chiếc xe trời lớn được trang hoàng lộng lẫy có ngàn con ngựa báu hiện xuống từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên- nam đứng trên mỗi chiếc xe nói lời thỉnh mời cha rằng:

    - Kính xin thỉnh mời ông cận-sự-nam Dham- mika lên chiếc xe. Kính xin ông hài lòng hoan hỷ hóa-sinh trên cõi trời của chúng tôi.

    Cha không muốn làm gián đoạn lắng nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nên cha truyền bảo các vị thiên-nam ấy rằng:

    - “Āgametha! Āgametha! Xin quý vị hãy chờ! Xin quý vị hãy chờ!” Thật ra, cha chỉ truyền bảo các vị thiên-nam ấy mà thôi.

    Con: - Kính thưa cha, sự-thật 6 chiếc xe trời ở đâu? Chúng con không ai thấy cả.

    Csn: - Này các con! Vòng hoa dành cho cha có hay không?

    Con: - Kính thưa cha, vòng hoa dành cho cha đã có sẵn.

    Csn: - Này các con! Trong 6 cõi trời dục-giới, cõi trời nào đáng hài lòng hoan hỷ nhất?

    Con:- Kính thưa cha, trong 6 cõi trời dục-giới, cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) là cõi trời dục- giới đáng hài lòng hoan hỷ nhất, bởi vì cõi trời này là nơi tạm nghỉ của chư Đức-Bồ-tát, của Phật- mẫu, nên đó là cõi trời đáng hài lòng hoan hỷ.

    Csn: - Này các con! Nếu như vậy thì các con nguyện rằng:

    - “Xin cho vòng hoa này đeo trên chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā.”

    - Sau khi các con nguyện xong, các con nên dồi vòng hoa ấy lên hư không.

    Vâng theo lời dạy của ông cận-sự-nam Dhammika, các con của ông dồi vòng hoa ấy lên trên hư không, vòng hoa ấy tròng trên đầu chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā.

    Thật ra, mọi người chỉ nhìn thấy vòng hoa treo lơ lửng trên hư không mà thôi, mà không thể nhìn thấy chiếc xe trời được, bởi vì chiếc xe trời này thuộc về loại sắc vi-tế, nên mắt thường không thể nhìn thấy được.

    Khi ấy, ông cận-sự-nam Dhammika khuyên bảo các con rằng:

    - Này các con! Các con nhìn thấy vòng hoa treo lơ lửng trên hư không phải không?

    - Kính thưa cha, chúng con đều nhìn thấy vòng hoa ấy như vậy.

    - Này các con! Vòng hoa ấy thật sự đeo trên đầu chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā. Sau khi cha chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh lên cõi trời Tusitā ấy.

    - Này các con! Các con phải là người có giới- hạnh trong sạch, cố gắng tạo mọi phước-thiện như cha đã tạo.

    Sau khi khuyên bảo các con xong, ông cận-sự- nam Dhammika chết, đại-thiện-nghiệp trong đại- thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta:  tái-sinh-tâm  làm  phận  sự  tái- sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā mà ông đã lựa chọn như ý.

    Vị thiên-nam Dhammika có thân hình cao 3 gāvuta với đồ trang sức quý giá, có ngàn thiên- nữ hầu hạ, trong lâu đài nguy nga tráng lệ cao 25 do-tuần, hưởng mọi sư an-lạc trong cõi trời ấy.

    Đức-Phật truyền hỏi nhóm tỳ-khưu từ nhà ông cận-sự-nam Dhammika trở về rằng:

    - Này chư tỳ-khưu! Cận-sự-nam Dhammika đã nghe bài kinh xong rồi phải không?

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dham-mika đang nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta chưa xong, thì cận-sự-nam truyền bảo rằng:

    - “Xin quý vị hãy chờ.”

    Chúng con ngừng tụng bài kinh. Khi ấy, các con của cận-sự-nam khóc than. Chúng con bàn bạc với nhau rằng: “Bây giờ không hợp thời”, nên chúng con xin rời khỏi, trở về ngôi chùa.

    - Này chư tỳ-khưu! Cận-sự-nam Dhammika không phải truyền bảo với các con đâu! Thật ra, chư-thiên trang hoàng 6 chiếc xe trời lộng lẫy hiện đến từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam đứng trên mỗi chiếc xe trời nói lời thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika lên chiếc xe trời của mình, đưa về cõi trời của mình.

    Cận-sự-nam Dhammika không muốn bị gián đoạn lắng nghe kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nên cận- sự-nam truyền bảo các vị thiên-nam ấy như vậy.

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật là như vậy sao? Bạch Ngài.

    - Này chư tỳ-khưu! Sự thật đúng là như vậy.

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi cận-sự- nam chết, nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào? Bạch Ngài.

    - Này chư tỳ-khưu! Đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā.

    - Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dham- mika trong kiếp hiện-tại hưởng mọi sự an-lạc trong gia đình, thân quyến, bạn hữu, thuộc hạ.

    Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā, hưởng mọi an-lạc trong cõi trời dục-giới.

    - Này chư tỳ-khưu! Đúng như vậy, bởi vì những người không dể duôi quên mình, có trí nhớ trí-tuệ biết mình, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn dù là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ sống tại gia, dù là bậc xuất-gia, cũng hưởng mọi sự an-lạc trong khắp mọi nơi.

    Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

    - “Idha modati pecca modati, katapuñño ubhayattha modati. So modati so pamodati, disvā kammavisuddhimattano.”

    - Này chư tỳ-khưu! Người đã tạo mọi phước- thiện, hưởng quả an-lạc trong kiếp hiện-tại, sau khi chết hưởng quả an-lạc trong kiếp vị-lai, hưởng quả an-lạc cả kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

    Người đã tạo mọi phước-thiện ấy sau khi thấy phước-thiện của mình trong sạch thanh-tịnh, nên hài lòng hoan hỷ, càng hài lòng vô cùng hoan hỷ.

    Tìm hiểu tích cận-sự-nam Dhammika

    Cận-sự-nam Dhammika có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức Tăng-bảo, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, đã tạo mọi phước-thiện trong kiếp hiện-tại.

    Cận-sự-nam Dhammika đến lúc lâm chung gần chết, trong thời gian phút giây cận-tử (maraṇāsannakāla), có nhiều lộ-trình-tâm phát sinh có đối-tượng gatinimitta đó là 6 chiếc xe trời được trang hoàng lộng lẫy, mỗi chiếc xe được kéo do 1.000 con ngựa báu do chư-thiên hóa ra, từ 6 cõi trời dục-giới hiện xuống, chiếc xe nào cũng mong muốn sau khi cận-sự-nam Dhammika chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái- sinh kiếp sau hóa-sinh trên cõi trời của mình, nên tha thiết thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika lựa chọn chiếc xe của mình.

    Sau khi cận-sự-nam Dhammika lựa chọn chiếc xe từ cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) là cõi trời dục-giới thứ tư trong 6 cõi trời dục-giới, thì cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta) phát sinh có đối-tượng gatinimitta đó là chiếc  xe từ cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) có các tâm sinh rồi diệt tuần tự đến cuti đó là cuticitta: tử-tâm là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) diệt kết thúc kiếp hiện-tại; liền tiếp  theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là đại-quả-tâm có đối-tượng gatinimitta kiếp hiện-tại, đó là chiếc xe từ cõi trời Tusitā phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Dhammika trên cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) rồi diệt; liền tiếp theo bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm cũng có đối- tượng gatinimitta đó là chiếc xe từ cõi trời Tusitā có phận sự hộ kiếp, bảo hộ, giữ gìn kiếp vị thiên-nam Dhammika ấy cho đến hết tuổi thọ tại cõi trời Tusitā có 4.000 năm cõi trời so với thời gian cõi người 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm cõi trời này bằng 400 năm cõi người.

    Người có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn tự mình có khả năng lựa chọn cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới để tái-sinh kiếp sau.

    Thật vậy, trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhā-sutta(2), có đoạn đề cập đến người có giới, người giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn rằng:

    “Parisuddhisīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.”

    Những người thiện nào giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, đến lúc lâm chung gần chết, có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt muốn lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới, rồi sau khi người thiện ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy đúng theo ý muốn của mình, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới, cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy.

    Người tam-nhân (tihetukapuggala) là hành- giả nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

    Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện- tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái- sinh  kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  có  đệ  ngũ  thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa- sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Vehapphalā: Quảng- quả-thiên. Chư phạm-thiên trên tầng trời sắc- giới phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

    Sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền sắc- giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô- hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

    Tuy nhiên, hành-giả nào đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, vốn có tâm nhàm chán 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) biết các đối-tượng, nên phát nguyện chỉ muốn có sắc-uẩn mà thôi.

    Sau khi hành-giả ấy chết, do năng lực phát nguyện của hành-giả ấy, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ   tái-sinh   kiếp   sau   (paṭisandhikāla)   có jīvitanavakakalāpa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng- chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm- thiên gọi là Asaññasattā: Vô-tưởng-thiên. Chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên này chỉ có nhất uẩn là sắc-uẩn mà thôi, nghĩa là vị phạm-thiên chỉ có thân không có tâm, 1 trong 3 tư thế là tư thế ngồi hoặc tư thế nằm hoặc tư thế đứng, có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

    Người tam-nhân (tihetukapuggala) là hành- giả nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc 5  bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô- sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

    Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời- kỳ  tái-sinh  kiếp  sau  (paṭisandhikāla)  có  đệ  tứ thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là phi-tưởng-phi- phi-tưởng-xứ-thiền  quả-tâm  gọi  là  paṭisandhi- citta: vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái- sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Chư phạm- thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên này có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất.

    Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc- giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosi-kamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

    Đó là những trường-hợp sau khi hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) trong cõi người chuyển kiếp tử (chết), có 19 quả-tâm gọi là paṭi- sandhicitta: tái-sinh-tâm và jīvitanavakakalāpa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới, 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, 4 tầng trời vô-sắc- giới phạm-thiên gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh tùy theo năng lực của mỗi quả-tâm của hạng người tam-nhân (tihetukapuggala).

    (1) Dhammapadaṭṭhakathā, Yamakavagga, Dhammika upāsaka.
    (2) Dī. Aṭṭhakathā, Mahāvaggaṭṭhakathā, Sakkapañhāsuttavaṇṇanā.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.