Tích truyện Hoàng tử Nanda
Như tích Hoàng-tử Nanda(1) xuất gia thọ tỳ-khưu được tóm lược như sau:
Hay tin Thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, Đức-vua Suddhodana (Đức Phụ-vương của Đức-Phật) truyền lệnh cho các quan cận thần đi kính thỉnh Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu vào ngày 16 tháng 4, sau khi đã trở thành Đức-Phật được 1 năm lẻ 1 ngày, gần 7 năm xa cách, kể từ khi xuất gia rời bỏ kinh- thành Kapilavatthu.
Ghi chú (1) Hoàng-tử Nanda là Hoàng-đệ cùng Phụ-vương khác Mẫu-hậu với Thái-tử Siddhattha (Đức-Phật). Trong bộ Chú-giải Chi-Bộ-Kinh tích Ngài Đại-đức Nandatthera.
– Ngày đầu tiên, Đức-Thế-Tôn ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng 20.000 chư Đại-đức-Tăng A-ra-hán.
– Ngày thứ hai, Đức-Phật thuyết pháp tế độ Đức-vua Suddhodana. Sau khi lắng nghe chánh-pháp, Đức-vua chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, và tiếp theo chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai. Và chánh-cung Hoàng-hậu Mahā- pajāpatigotamī cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Đức-Phật tế độ hoàng-tử Nanda
– Ngày thứ ba, Đức-Phật ngự đến cung điện Đức-vua Suddhodana cùng chư Thánh A-ra-hán. Hôm ấy, ngày lễ đăng quang truyền ngôi báu cho hoàng-tử Nanda lên ngôi vua và lễ thành hôn với công-chúa Janapada-kalyāṇī.(1)
Ghi chú (1) Công-chúa Janapadakalyāṇī chính là công-chúa Rūpanandā, là hoàng-muội của hoàng-tử Nanda.
Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật trao cái bát cho hoàng-tử Nanda, rồi Đức-Phật ngự về ngôi chùa Nigrodhā. Hoàng-tử Nanda ôm bát đi theo sau, nghe văng vẳng tiếng công-chúa Janapadakalyāṇī căn dặn: “Hoàng-huynh hãy mau trở về.”
Khi đến ngôi chùa Nigrodhā, Đức-Phật truyền dạy hoàng-tử Nanda rằng:
– Này Nanda! Con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu hay không?
Bởi vì hết lòng tôn kính Đức-Phật, nên hoàng-tử Nanda không dám từ chối, bèn bạch với Đức-Phật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dạ vâng, con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu. Bạch Ngài
Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng làm lễ thọ tỳ-khưu cho hoàng-tử Nanda. Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu Nanda không muốn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung, bởi vì nhớ lời căn dặn của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần.
Biết rõ tâm trạng tỳ-khưu Nanda chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, nên Đức-Phật cho gọi tỳ-khưu Nanda đến và truyền dạy rằng:
– Này Nanda! Con chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, mà muốn hoàn tục trở về cung, có thật vậy không?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch sự thật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật như vậy. Bạch Ngài.
Đức-Phật truyền hỏi rằng:
– Này Nanda! Do nguyên nhân nào mà con chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung vậy?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sở dĩ con chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng mà con muốn hoàn tục trở về cung, là vì con nhớ lời căn dặn của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần. Bạch Ngài.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn nắm tay tỳ-khưu Nanda, dùng phép-thần-thông du hành bay lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Trên đường đi, Đức-Phật chỉ cho tỳ-khưu Nanda thấy một con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô, rồi tiếp tục ngự đến cung trời Tam-thập-tam-thiên.
Tỳ-khưu Nanda nhìn thấy 500 thiên-nữ xinh đẹp hầu hạ Đức-vua trời Sakka, Đức-Thế-Tôn bèn hỏi tỳ-khưu Nanda rằng:
– Này Nanda! Con nghĩ thế nào, công-chúa Jana-padakalyāṇī với 500 thiên-nữ này, ai xinh đẹp hơn?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, công-chúa Janapadakalyānī như con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô trên đường đi, còn 500 thiên-nữ này xinh đẹp tuyệt trần.
– Này Nanda! Con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này không?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con rất hài lòng 500 thiên-nữ này lắm. Bạch Ngài.
– Này Nanda! Nếu con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này thì con nên hoan hỷ thực-hành phạm-hạnh cao thượng, rồi Như-Lai sẽ giúp con được như ý. Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, tỳ-khưu Nanda vô cùng hoan hỷ hứa sẽ thực-hành phạm-hạnh cao thượng. Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với tỳ-khưu Nanda.
Do không còn tưởng đến công-chúa Janapadakalyāṇī nữa, tỳ-khưu Nanda cố gắng tinh-tấn không ngừng thực-hành phạm-hạnh cao thượng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Trưởng-lão Nanda đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và xin từ bỏ ý muốn được 500 thiên-nữ ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Thật ra, Đức-Phật thấy rõ, biết rõ tiền-kiếp của hoàng-tử Nanda đã từng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, đã phát nguyện muốn trở thành bậc Thánh A-ra-hán có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó là đức-hạnh cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh và cũng được Đức-Phật Padumuttara thọ ký xác định rằng:
“Trong thời vị-lai, ý nguyện ấy sẽ được thành tựu trong thời-kỳ giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.”
Những tiền-kiếp của hoàng-tử Nanda đã tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp, từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama khoảng cách thời gian đúng 100 ngàn đại-kiếp trái đất.
Kiếp hiện-tại là kiếp chót, hoàng-tử Nanda đã có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, là bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó là đức-hạnh cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh.
Nhưng vì tỳ-khưu Nanda bị vướng mắc vào sắc đẹp tuyệt trần của hoàng-muội Janapadakalyāṇī, nên chán nản thực-hành phạm-hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung điện. Đức-Thế-Tôn là Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng-sinh, nên Đức-Phật đã khéo bày cách gỡ vướng mắc cho tỳ-khưu Nanda.
Nhờ vậy, tâm của tỳ-khưu Nanda không còn tưởng đến sắc đẹp của hoàng muội Janapadakalyāṇī nữa, mà cố gắng tinh-tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Như vậy, tỳ-khưu Nanda đã có sẵn hạt giống tốt, còn Đức-Phật trợ duyên để cho hạt giống tốt ấy được có cơ hội nảy mầm, tăng trưởng trổ hoa cho quả.