Tiểu sử đức Đế Thích

Tiểu sử đức Đế Thích

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    QUỈ VƯƠNG VẤN ĐẠO
    (YAKKHA PAÑHĀ)

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH

    Trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) có ghi chép rằng: Thuở Phật ngự an nơi Kuṭṭāgārasālā tại kinh đô Vesālī, Ngài đề cập đến đức Đế Thích và thuyết rằng appamādena maghavā, v.v...

    Sử tích như vầy: Tại thành Vesālī, Đức Vua Licchavī, danh hiệu là Mahālī, được nghe Pháp về đức Đế Thích vấn đạo rồi nghĩ rằng: Phật đã thuyết về sự tích của đức Đế Thích, như thế, Ngài đã thấy hay là chưa, Ngài biết hay chưa biết, ta sẽ bạch hỏi, xem.

    Vì thế Đức Vua Licchavī đến hầu Phật rồi ngồi bạch hỏi:

    ‒ Bạch Phật! Đức Đế Thích là một vị hoàng đế của Chư thiên mà Phật được thấy chăng?

    ‒ Này Mahālī! Như Lai đã thấy.

    ‒ Bạch Phật! Đã thấy hình thái(7) xác thật chăng? Vì Đế Thích là chúa Chư thiên rất khó thấy được.

    ‒ Này Mahālī! Đức Đế Thích và Pháp làm cho thành Đế Thích, Như Lai cũng biết. Này Mahālī! Đức Đế Thích chúa của Chư thiên, thuở còn là người, danh là Maghamānaba, nên gọi là “Maghavā”. Này Mahālī! Đế Thích chúa của Chư thiên được bố thí trong kiếp trước nên được gọi là “Purindado”. Tiền kiếp được làm người bố thí bằng cách tôn kính, nên được gọi là “Sakko”, có tạo chỗ ngụ để thí nên gọi là “Vāsavo”. Đức Đế Thích chúa của Chư thiên nghĩ đến nhân quả một lần thì thấu đến ngàn chuyện nên gọi là “Sahassakkho”, Đức Đế Thích là chúa của Chư thiên có vợ là Nàng Sujātā mới gọi là Sujampatī. Đức Đế Thích lớn hơn Chư thiên trên cõi Đạo Lợi Cung nên gọi là “Devānaminado”. Đức Đế Thích khi ở cõi người đã cố gắng tạo 7 nhân lành mới được là Vua Đế Thích. Bảy nhân lành đó là: 1) được phụng sự mẹ cha đến trọn đời; 2) tôn kính bậc trưởng thượng trong họ đến trọn đời; 3) là người nói lời du dương đến trọn đời; 4) là người không thốt lời chửi mắng đến trọn đời; 5) sửa trị việc nhà không keo kiết, sẵn lòng bố thí, có tâm thích trong sự tế bần, cấp cố, dưỡng lão đến trọn đời; 6) là người chỉ thốt những lời ngay thật đến trọn đời; 7) là người không oán giận đến trọn đời (đè nén sân hận mau lẹ). Này Mahālī! Đấy là 7 nhân của đức Đế Thích, thuở còn là người Maghamānaba.

    Đức Vua Licchavī mong được nghe chuyện đức Đế Thích cho rộng thêm nên bạch hỏi:

    ‒ Bạch Phật! Đức Đế Thích thực hành thế nào?

    ‒ Này Mahālī! Đại Vương hãy cố lắng nghe: “Trong thời quá khứ có một lãnh thổ thuộc Magadha, có một thanh niên danh là Maghamānaba tại Acalagāma. Khi đi làm công việc thì chân quét bụi nơi chỗ mình đứng, làm cho đáng vui thích rồi mới đứng. Có người đến xô Maghamānaba cũng không giận, đi làm nơi khác cho đáng vui thích rồi đứng. Có kẻ xô ra khỏi rồi giành đứng tại nơi đó nữa. Maghamānaba cũng không buồn, đi đến nơi khác cũng quét bụi rồi đứng, vẫn bị người đến xô ra, giành đứng như vậy nữa. Maghamānaba mới nghĩ rằng: Các người ấy được vui rồi, ta nên tính làm phước để hưởng hạnh phúc. Sáng sớm y cầm lấy cuốc đi làm sân, (bằng sân đập lúa) cho đáng vui thích, kẻ khác cũng đến giành đứng tại nơi đó nữa, vừa đến mùa lạnh Maghamānaba đốt lửa cho những kẻ ấy, đến mùa nóng thì thí nước. Maghamānaba mới nghĩ nữa rằng: Lệ thường chỗ đáng vui thích là làm cho phần đông vừa lòng, vậy từ đây mình nên đắp đường cho bằng phẳng, rồi ra khỏi nhà, đắp đường, đốn cây, bứng gốc nào nên bứng, xong, đem liệng bỏ. Khi ấy có người đi đến gặp bèn hỏi rằng: Ngươi làm để làm gì?

    ‒ Bạn ôi! Ta làm đường lên trời của ta.

    ‒ Như thế tôi cũng làm bạn với ông.

    ‒ Ờ, đúng rồi, bạn ôi! Cõi trời hằng là nơi ưa thích vừa lòng của quần chúng “Lần lần có đến tất cả 33 bạn đồng chí như vậy” đồng nhau cầm cuốc đi làm đường cho bằng phẳng xa được 2 do tuần.

    Khi ông Xã trưởng thấy những người làm như thế bèn nghĩ rằng: Họ làm những việc không đáng làm, nếu họ đem cá, thịt, hay rượu đến ăn uống thì mình có thể chung sức với họ. Nghĩ xong y bèn cho gọi những kẻ ấy đến hỏi rằng: Các ngươi làm việc gì đấy?

    ‒ Thưa, chúng tôi đắp đường đi lên trời.

    ‒ Lệ thường, người tại gia không nên làm như vậy, nên tìm thịt, cá rồi ăn uống với rượu, xong làm công việc khác mới nên (những người kia phủ nhận lời ông Xã trưởng). Dù ông thêm lời cũng vô ích. Ông Xã trưởng phát sân, bèn nghĩ rằng: Ta sẽ làm hại bọn này mới được, rồi đến tâu với đức Vua rằng: “Tâu lệnh Hoàng thượng! Tôi thấy kẻ cướp rủ nhau đi từng bọn”. Đức Vua phán rằng: “Ngươi đi bắt bọn cướp ấy đem nạp cho trẫm”. Ông Xã trưởng liền tuân lệnh vua, bắt bọn Maghamānaba đem nạp.

    Đức Vua chưa được quan sát, phán rằng: “Hãy cho voi giẫm đạp chúng đi”.

    Khi ấy Maghamānaba khuyên các thanh niên rằng: “Bạn ôi! Trừ phi lòng bác ái ra thì chúng ta chẳng có chi để nương tựa được. Các bạn không nên oán giận ai, hãy niệm và rãi tâm bác ái đến nhà vua, đến ông Xã trưởng, đến voi sẽ dẫm đạp đến chính mình ta nữa”.

    Các thanh niên đều hành theo. Khi ấy voi không dám vào gần, do thế lực của Pháp bác ái. Đức vua được nghe chuyện ấy mới phán rằng: “Voi thấy nhiều người nên không dám giẫm. Các ngươi hãy lấy chiếu đệm đậy trùm chúng lại, rồi sẽ cho voi giẫm”. Khi đã đậy trùm chúng rồi, voi đã không dám lại gần mà còn tránh xa hơn.

    Đức vua được nghe như vậy nghi rằng chắc có cảnh huống(8) gì trong bọn này, rồi Ngài cho đòi vào, mà phán hỏi: “Các ngươi có điều chi muốn tâu với Trẫm chăng? Trẫm có nghe rằng bọn ngươi là kẻ cướp trải đi trong rừng phải chăng?”

    ‒ Tâu, ai tâu với lệnh Hoàng thượng như vậy?

    ‒ Người Xã trưởng tâu với Trẫm.

    ‒ Chúng tôi chẳng phải là kẻ cướp, chúng tôi đang làm đường lên trời cho chúng tôi. Song ông Xã trưởng dạy chúng tôi làm những Pháp ác. Khi chúng tôi không tuân theo thì y muốn hại chúng tôi, nên oán giận rồi vu thác(9) như thế”.

    Được nghe qua lời tâu biện bạch của các thanh niên ấy, nhà vua hoan hỷ nên phán rằng: “Loài thú mà còn biết việc phải của các ngươi, phương chi, ta là người mà không bằng thú hay sao, xin các ngươi hãy xá lỗi cho ta”. Phán rồi đức vua cho vợ chồng anh Xã trưởng và cả gia đình làm nô lệ của các thanh niên đó. Đức vua cũng thí voi trắng để làm vật vận tải. Hơn nữa, ngài ra lịnh ban thưởng cả làng xóm đó cho nhóm Maghamānaba dùng theo sở thích.

    Nhóm Maghamānaba phát tâm hoan hỷ rằng: Họ đã thấy rõ quả phúc trong kiếp này, rồi họ trù hoạch(10) bằng cách làm phước thêm bội phần. Tạo phước xá để giải lao cho đại chúng, tại nơi ngã tư đường. Rồi họ gọi thợ mộc đến khởi công lập ra phước xá, nhưng không thừa nhận phụ nữ công tác vào việc tạo phước xá, vì không có ai vừa lòng hàng phụ nữ.

    Trong nhà Maghamānaba có 4 phụ nữ đều là vợ y, 4 nàng này là: Sudhammā, Sudantā, Sucitrā và Sujātā. Trong 4 Nàng: Nàng Sudhammā có tính riêng với thợ mộc xin cho được làm lớn trong phước xá ấy. Thợ mộc đồng ý, rồi đem cây phơi khô đẽo thành hình đầu rắn, xong, khắc chữ phước xá này tên là: “Sudhammã” dành sẵn. Khi thợ tạo xong, đến ngày treo hiệu thợ nói rằng: “Ôi! Tôi quên vật cần thiết rồi”. Các vị thanh niên bèn hỏi:

    ‒ Quên cái chi?

    ‒ Bảng hiệu phước xá.

    ‒ Này thợ, chúng tôi xin anh làm giùm gấp gấp.

    ‒ Bây giờ không thể làm kịp, chúng ta sẽ đi tìm hiệu đã làm sẵn.

    ‒ Bây giờ ta phải làm thế nào?

    ‒ Nếu có bảng hiệu mà họ làm sẵn để bán thì nên tìm mua.

    Khi các thanh niên đi tìm thì gặp bảng hiệu tại nhà nàng Sudhammā rồi xin mua với bất cứ giá nào, mà cũng không được. Nàng Sudhammā đáp rằng: “Nếu các ông cho tôi hùn phước trong phước xá, thì tôi sẵn lòng biếu”.

    ‒ Chúng tôi không thừa nhận phụ nữ hùn phước.

    Khi ấy thợ mộc thưa rằng: “Các ông nói thế nào? Ngoài Trời Phạm thiên ra, thì không nơi nào vắng phụ nữ, xin các ông thừa nhận bảng hiệu này đi, thì công việc của chúng ta mới hoàn thành được”.

    Các thanh niên ấy đều tán thành, rồi dùng bảng hiệu đem về gắng vào phước xá cho thành tựu. Rồi chia phước xá làm ba phần: 1) phần dành làm dưỡng lão viện; 2) phần dành cho kẻ nghèo đói; 3) phần dành cho bịnh nhơn ở. Tất cả 33 người đó đặt 33 bộ ván ngựa và cho thợ mộc biết rằng: Khi có người đến ngồi trên ván ngựa của ai rồi; người chủ ván ngựa ấy phải làm tròn nhiệm vụ trông nom cho họ đầy đủ vật cần thiết. Chung quanh phước xá có trồng cây mát mẻ, có chỗ ngồi nghỉ mát cho khách ngoạn thưởng.

    Những kẻ nào đến phước xá cũng thấy bảng hiệu “Phước xá Sudhammā” làm cho danh hiệu của 33 thanh niên không rõ rệt. Nàng Sudantā nghĩ rằng: “Họ không cho bọn ta hùn phước. Phần nàng Sudhammā được làm phước bằng cách làm bảng hiệu vì nàng sáng trí, vậy ta nên làm thế nào?” Nàng lại nghĩ: “Những khách du lãm vào đến phước xá cần có nước uống, nước tắm, thế thì ta cho người đào hồ sen”. Còn nàng Sucitārā nghĩ rằng: “Những du khách đến phước xá được uống nước và tắm. Khi đi họ thích dùng hoa để trang sức, vậy ta nên trồng hoa”. Rồi nàng cho người lập vườn hoa đủ loại tại chung quanh phước xá. Phần nàng Sujātā thì tính rằng: “Ta là con gái nhà cậu của Maghamānaba và cũng là vợ của y nữa. Maghamānaba làm cũng như ta làm, ta làm cũng như Maghamānaba làm”. Rồi nàng chả làm việc gì cả, chỉ ở nhà lo điểm trang thôi. Về Maghamānaba, ông còn thực hành thêm 7 Pháp nữa là: 1) phụng sự mẹ cha; 2) từ tốn các bậc trưởng thượng trong họ; 3) nói lời ngay thật; 4) không thốt lời bất nhã; 5) không nói lời chia rẽ; 6) hằng bài trừ sự keo kiết; 7) đè nén lòng oán giận. Vì thế, mới có lời ca tụng rằng: “Chư thiên cõi Đạo Lợi cung là hạng phụng sự mẹ cha, từ tốn đối với bậc trưởng thượng trong họ, nói lời du dương, không thốt lời chia rẽ, hằng lau chùi sự bủn xỉn, nói lời ngay thật, đè nén tâm oán giận, là bậc thiện trí đức.” Sau khi lâm chung, nhóm Maghamānaba được sanh làm vua trên Đạo Lợi Thiên cung, những bạn của Maghamānaba cũng được nên trời cùng nhau, anh thợ mộc được là vị trời Vissukammadevaputta.

    Trong thuở ấy, các A-tu-la tại Đạo Lợi Thiên cung đồng nhau dự bị, vì biết rằng sẽ có Chư thiên mới sanh lên. Vua Sakka (Đế Thích) ra lịnh không cho vị nào trong nhóm uống rượu. A-tu-la đều uống đến say mê. Vua Đế Thích ra chỉ thị bắt A-tu-la liệng xuống biển. Khi ấy các cung điện A-tu-la phát sanh phía dưới núi Tu Di do phước báu của họ. Đồng thời khi ấy kinh đô Trời, được gọi là Đạo Lợi cung, rộng dài muôn do tuần cũng phát sanh. Khoảng đường vào và ra cửa kinh đô bên hướng đông và tây 1 do tuần, khoảng vào ra bên hướng nam và bắc cũng 1 do tuần. Kinh đô đó có 1.000 cửa, chung quanh trang hoàng bằng vườn cây hoa và ao sen. Giữa kinh đô có điện chính hiệu Vejayanta cao 700 do tuần, bằng 7 báu, có cột cờ cao 300 do tuần, sanh lên nơi trung tâm kinh đô. Do sự tạo được phước xá, có cả lá cờ hiệu bằng ngọc ma ni, tại cột cờ xây bằng 7 báu; chính điện cao 1.000 do tuần bằng 7 báu đều phát sanh do sự thí phước xá. Có loại cây hình dạng như cây dù to, có lớp có từng gọi là cây parichattaka chu vi được 300 do tuần do phước trồng cây. Có bảo tọa màu vàng bằng đá (paṇḍukambalasīlā) dài 60 do tuần, ngang 50 do tuần, dày 15 do tuần phát sanh tại gốc cây parichattaka do phước báu tạo ván ngựa. Khi ngồi lên thì bảo tọa lún xuống nửa thân mình, lúc đứng dậy thì nó phồng lên. Còn con voi thì được thành vị Trời tên là Erāvana. Vì các loài thú không có trên cõi trời, cho nên khi đi ra vườn ngự thì vị trời ấy biến thành voi cao được 150 do tuần.

    Nàng Sudhammā, khi mệnh chung được sanh lên Đạo Lợi cung cùng với Vua Trời Đế Thích. Nàng có 1 lầu đài to 500 do tuần, hiệu là Sudhammā phát sanh, dành cho nàng. Chẳng có đền nào đẹp hơn lầu đài đó, mỗi ngày mùng 8 được thính Pháp trong nơi ấy, thật là một thắng cảnh duy nhứt. Còn nàng Sunandā, khi hết tuổi thọ cũng được lên Thiên cung, có ao sen tên là Nandā rộng 500 do tuần dành cho nàng. Nàng Sucitārā cũng được lên Đạo Lợi Thiên cung, có vườn nho 500 do tuần dành cho nàng, là vườn mà Chư thiên dẫn các vị Trời vừa có triệu chứng báo trước giờ chết, ngự đến cho quên mình. Phần nàng Sujātā, sau khi chết sanh thành cò mái tại kẹt núi. Khi đức Đế Thích tìm xem các vợ của ngài, ngài được biết rằng các nàng Sudhammā, Sunandā và Sucitārā đều được sanh lên cùng ngài, rồi tưởng đến nàng Sujātā, thấy nàng sanh thành con cò mái nơi kẹt núi, vì sự đần độn không làm phước để dành, nên mới thành loại điểu như thế. Ngài liền đến dạy nàng Sujātā để tạo phước rồi sẽ dẫn nàng về cung trời. Ngài bèn hóa ra người đến hỏi rằng:

    ‒ Ngươi làm gì ở đây?

    ‒ Ông tên là gì?

    ‒ Ta tên là Magha, là chồng của nàng.

    ‒ Ông sanh trong nơi nào?

    ‒ Ta sanh lên Đạo Lợi cung. Nàng có biết nơi sanh của các bạn gái của nàng chăng?

    ‒ Tôi không biết.

    ‒ Các bạn gái của nàng được sanh lên Đạo Lợi cung cùng ta. Các bạn nàng mong được gặp nàng.

    ‒ Tôi lên nơi ấy được chăng? Bằng cách nào? ‒ Ta sẽ dẫn nàng đến nơi ấy.

    Nói rồi, ngài đem nàng lên Đạo Lợi Thiên cung, thả nàng cò tại ao sen. Xong, ngài cho ba hoàng hậu hay rằng: “Các bà sẽ thấy nàng Sujātā là bạn của các bà”. Cả ba hoàng hậu tâu hỏi: “Nàng Sujātā đâu?”

    ‒ Tại bờ ao sen Nandā.

    Cả ba bà cùng đồng đi đến đó cùng nhau nhạo báng rằng: “Đáng ngoạn mục thân hình của bà mẹ, đáng ca tụng sự kết quả cách trang điểm hình dung, xem ống quyển của bà, dung mạo của bà đẹp quá hả!” Nói như thế rồi ba bà trở về cung.

    Vua Đế Thích ngự trở lại với cò mái rồi hỏi rằng: “Nàng đã thấy các bạn của nàng rồi chăng?”

    ‒ Tâu! được thấy rồi, họ chế giễu tôi, rồi đi. Như vậy tôi không thể nào ở đây nữa, vậy cầu xin ngài cho tôi trở về chỗ cũ.

    Vua Đế Thích bèn đem cò mái về thả gần nước tại hẻm núi, rồi phán hỏi rằng: “Nàng thấy sự sang cả của các bạn nàng rồi chăng?

    ‒ Tâu! Tôi được thấy rồi.

    ‒ Vậy nàng nên tìm cơ hội để sanh lên nơi đó.

    ‒ Tâu! Tôi phải làm thế nào?

    ‒ Nàng có thể làm theo lời dạy của ta chăng?

    ‒ Tâu! Dạ tôi phải làm được.

    ‒ Nàng hãy thọ trì ngũ giới đi, nàng không nên cẩu thả.

    Nói rồi vua Đế Thích trở về cung trời. Từ đó, cò mái chỉ tìm ăn cá chết, không bao lâu, Vua Đế Thích xuống thử thách cò mái. Ngài hóa thành như cá chết nằm ngửa tại bãi cát. Cò mái tưởng là cá chết đến mổ. Cá ngoe nguẫy đuôi. Khi cò mái định nuốt, cò mái liền thả vì biết rằng cá còn sống. Cá nghỉ một chút rồi nằm ngửa trước mặt cò mái như vậy nữa. Cò mái bèn ngậm cá, cho rằng là cá đã chết, nhưng cò lại thấy đuôi cá vùng vẫy không dám nuốt rồi thả bỏ vì cho là cá sống. Vua Đế Thích thử như thế đến 3 lần mới nói rằng: “Ngươi nên trì giới trong sạch đi.”

    ‒ Ngài cho biết rằng, ngài là ai?

    ‒ Ta đã thử ngươi và biết rằng ngươi giữ giới đúng đắn, như vậy, không bao lâu ngươi sẽ được sanh lên cõi trời với ta. Vậy ngươi không nên cẩu thả”. Rồi Ngài bay trở về.

    Từ đó, cò mái đi tìm được cá chết rất khó, nên không bao lâu rồi chết, được sanh làm con người thợ nồi, trong thành Bārānasī, nhờ sự trì giới đó.

    Khi cô gái đó, lên 15-16 tuổi thì Vua Đế Thích tìm xem con cò mái sanh nơi nào. Ngài thấy cò mái đã đầu thai làm con gái người thợ nồi, ngài bèn hạ xuống thế gian, hiện ra 7 báu chở đầy trên xe rồi cho xe chạy vào thành Bārānasī rao hàng theo đường: “Ai mua bầu bí không?” Song, khi có người đến mua hay đem đậu xanh đến đổi thì không cho. Có người hỏi:

    ‒ Vậy thế nào mới cho?

    ‒ Ta cho đến phụ nữ trì giới.

    ‒ Giới là sao, đen hay xanh?

    ‒ Các ngươi không biết giới thế nào, thì làm sao mà trì giới được, ta chỉ cho phụ nữ giữ giới.

    Người khách hàng mách:
    ‒ Cô gái của thợ nồi đằng ấy, cô nói rằng: “Cô ta trì giới”, vậy hãy cho đến cô ấy đi. Cô gái thợ nồi đến và nói: “Nếu vậy hãy cho tôi”. Vua Đế Thích hỏi: “Nàng là ai?”

    ‒ Tôi không bỏ ngũ giới.

    ‒ Những vật này, ta chỉ đem cho một mình nàng thôi.

    Trời Đế Thích cho xe chạy đến nhà cô gái thợ nồi. Rồi cho biết rằng Ngài là Đế Thích và phán rằng: “Tài sản này vừa nuôi sinh mệnh, nàng hãy giữ 5 giới cho trong sạch”. Dạy rồi thì Đế Thích về Thiên cung.

    Nói về cô gái của thợ nồi, sau khi thác được sinh trong thành A-tu-la làm công chúa của A-tu-la Vương, là kẻ thù địch của đức Đế Thích. Công chúa rất diễm lệ, nước da trắng như vàng rồng, sắc mặt yêu kiều không ai sánh kịp, nhờ trí giới được hai kiếp. Nhiều người xin kết hôn với công chúa, nhưng vua A-tu-la chê họ không xứng đáng với Công chúa rồi ra chỉ thị cho Công chúa được tự mình kén chọn và cho phép Công chúa gieo cầu.

    Trời Đế Thích đã thông hiểu mọi việc, bèn nghĩ rằng: “Ta hãy đến đem nàng Sujātā về”. Rồi ngài biến làm A-tu-la già, ngài vào đứng cuối cùng trong cuộc đại hội gieo cầu. Công chúa liếc xem bốn phía, vừa thấy được Trời Đế Thích liền sanh tâm yêu mến (do kiếp trước đã kết duyên cùng nhau) nên Công chúa liền phát ngôn rằng đó là chồng của Công chúa, rồi gieo cầu cho. Những thanh niên có mặt trong hội thốt rằng: “Đức Vua của chúng ta được rễ vừa đôi với Công chúa. Rễ già đáng chú bác mới xứng với Công chúa của Đức vua”. Trời Đế Thích khi đã bắt được tay nàng Sujātā, liền phát biểu rằng: “Ta là Đế Thích”. Rồi Ngài bay lềnh bềnh giữa không gian. Bọn A-tu-la thanh niên đuổi theo tức khắc, bảo rằng chúng ta bị Đế Thích phỉnh gạt rồi. Lúc ấy có vị Trời Mātalī (xa phu) đem xe trời đến rước Đức Đế Thích. Ngài cùng nàng Sujātā vào ngự trong xe, hướng về kinh đô Đạo Lợi Cung. Xe vừa đến rừng gòn, các chim con garuda(11) vừa nghe tiếng xe thì kinh khủng kêu la. Đức Đế Thích nghe tiếng la, bèn hỏi xa phu Mātalī chim nào kêu la thế?

    ‒ Tâu, các con chim con garuda.

    ‒ Tại sao?

    ‒ Vì chúng sợ chết, bởi nghe tiếng xe.

    ‒ Chim garuda sinh ra nhiều như thế, sẽ bị tốc lực của xe nghiền chết vì một mình ta. Vậy ngươi không nên làm cho những chim ấy tiêu diệt. “Hãy quày xe lại đi.”

    Vị trời xa phu liền cho xe trở lại. Bọn A-tu-la thanh niên thấy xe Đức Đế Thích trở lại, đều quay về đường cũ vào thành A-tu-la. Đức Đế Thích đem nàng A-tu-la Sujātā về đến kinh đô rồi phong cho nàng làm lớn hơn tất cả 250 triệu ngọc nữ. Nàng Sujātā xin với Đức Đế Thích rằng: “Tâu lệnh Hoàng thượng, trong cõi trời này, tôi không có mẹ, cha, anh, chị, vậy lệnh Hoàng thượng ngự đi nơi nào, xin dẫn tôi cùng đi theo với”. Đức Đế Thích chuẩn tấu. Lúc bấy giờ thấy cây parichattaka trổ bông, bọn thanh niên A-tu-la bàn cùng nhau rằng: “Nay cây trời của chúng ta trổ hoa, nên muốn xuất binh chiến đấu với Đức Đế Thích”. Chúng đồng nhau xuất chinh.

    Đức Đế Thích lập chiến thuật để ngừa giặc. Có đạo binh garuda, đạo binh kumbhanda(12), đạo binh Dạ xoa, đạo binh Tứ đại Thiên vương. Trên các đạo binh ấy, đức Đế Thích hiện hình Đế Thích cầm kiếm ngọc đứng trước cửa thành. Bọn thanh niên thấy đạo binh garuda; v.v... rồi đến thấy Đế Thích từ nơi xa, thì dẫn nhau chạy trốn vì cho rằng Ngài xuất chinh.

    Phật kể chuyện đức Đế Thích cho đức Vua Mahālī Licchavi nghe rồi phán: “Này Mahālī! Maghamānaba thực hành Pháp không cẩu thả nên mới thành bậc cao sang”.

    Vì thế, các bậc trí tuệ chất là Phật đều ca tụng cái kết quả cao quý thế gian và xuất thế do Pháp không cẩu thả. Có kệ ngôn rằng: Appamadena maghavā maghamānaba được ca tụng hơn tất cả, bằng Pháp không cẩu thả. Các hàng trí tuệ hằng ngợi khen sự không cẩu thả và luôn luôn chê trích sự cẩu thả.

    Kệ ngôn trên đây nói: “Bằng Pháp không cẩu thả”, nghĩa là lưu ý đến cách thực hành của Maghamānaba, kể từ sự quét sân nhà, trong làng Acolagāma. Còn tiếng “Maghamānaba” chỉ về đức Đế Thích, nghĩa là đức Đế Thích được các bậc trí tuệ nhất là Phật ca tụng hơn tất cả, là vị chúa tể cả trong hai cõi trời(13).

    Sở dĩ Pháp “không cẩu thả” được ca tụng là vì Pháp đó là nhân sanh hạnh phúc thế gian và xuất thế. Còn sự “chỉ trích Pháp cẩu thả” là nguồn gốc của tai hại ở cõi người và sẽ đọa trong 4 ác đạo.

    Khi thuyết xong kệ ngôn Mahālī đắc Tu-đà-huờn quả, những kẻ được nghe Pháp trong nơi ấy cũng đắc đạo quả

    ‒ Hết‒

    -oo0oo-

    (7) Hình thái: hình dáng bề ngoài của sự vật được biểu hiện ra một cách xác thật rõ ràng.
    (8) Cảnh huống: cảnh ngộ và tình trạng lâm phải.
    (9) Vu thác: đặt chuyện để đổ tội cho người ta.
    (10) Trù hoạch: sắp đặt để tiến hành công việc của mình.
    (11) Garada: loài chim khổng lồ, mình và đầu người, cánh và móng chim ưng.
    (12) Loài chim khổng lồ, mình và đầu người, cánh và móng chim ưng.
    (13) Hai cõi trời: Tứ đại Thiên Vương và Đạo lợi Thiên.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.