BÁT CHÁNH ĐẠO (Phần 1)
Bây giờ chúng ta hãy phân tích từng yếu tố một của Bát Chánh Đạo. Có tám yếu tố trong Bát Chánh Đạo. Đó là
Chánh Kiến,
Chánh Tư Duy,
Chánh Ngữ,
Chánh Nghiệp,
Chánh Mạng,
Chánh Tinh Tấn,
Chánh Niệm,
Chánh Định.
1. Chánh Kiến
Chánh Kiến là gì? Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng: tám yếu tố được gọi là con đường đi đến nơi chấm dứt khổ vào lúc Giác Ngộ, vào lúc đạt đạo (magga).
Như vậy Chánh Kiến có nghĩa là
- hiểu biết về Khổ,
- hiểu biết về nguyên nhân của khổ,
- hiểu biết về sự chấm dứt khổ,
- và hiểu biết về con đường đi đến nơi dứt khổ.
Nhưng trong những kinh sách khác, bạn có thể hiểu Chánh Kiến bao gồm cả hiểu biết Lý Duyên Sinh (Paticca samupāda), và hiểu biết bản chất thật sự của sự vật v.v… Bởi vì Chánh Kiến bao gồm cả hai khía cạnh Thế Tục và Siêu Thế.
- Về Thế Tục thì Chánh Kiến bao gồm cả hiểu biết luật Nghiệp Báo, hiểu biết bản chất thật của Vật Chất và Tâm qua Thiền Minh Sát v.v…
- Nhưng theo nghĩa giải thích trong Kinh Đại Niệm Xứ thì Chánh Kiến là hiểu biết Bốn Chân Lý Cao thượng.
Để đạt được Chánh Kiến chúng ta cần có Chánh Tư Duy.
- Trước tiên chúng ta có sự tin tưởng vào luật Nghiệp Báo (Kamma).
- Tiếp theo, chúng ta cần có sự hiểu biết bản chất thực sự của thân và tâm, biết rằng: chỉ có thân tâm mà thôi, ngoài ra chẳng có gì nữa cả.
- Chúng ta phải có sự hiểu biết rằng: Vật Chất và Tâm tại mọi thời điểm đều sinh ra rồi diệt mất ngay. Như vậy, Vật Chất và Tâm là Vô Thường, là bất toại nguyện.
- Vào thời điểm Giác Ngộ, tức vào thời điểm chứng đạo, Chánh Kiến thấy rõ Bốn Chân Lý Cao Thượng.
2. Chánh Tư Duy
Hiểu biết đúng đắn về Chánh Tư Duy là một điều rất quan trọng. Chánh Tư Duy được định nghĩa là tư tưởng thoát khỏi tham, thoát khỏi sân, thoát khỏi hại hay hung bạo.
- Tư tưởng thoát khỏi tham là tư tưởng không đi kèm hay phối hợp với tham muốn, khao khát, thích thú, dính mắc. Đó là tư tưởng về sự dứt bỏ, tư tưởng từ chối, tư tưởng về việc đem lại điều tốt đẹp, hạnh phúc cho người khác…
- Tư tưởng thoát khỏi sân hận là tư tưởng từ ái (metta). Tư tưởng sân hận là tư tưởng phối hợp với sự ghét bỏ, muốn giết hay muốn kẻ nào đó bị giết, bị hủy diệt. Tư tưởng thoát khỏi những sân hận như thế, gọi là Chánh Tư Duy.
- Tư tưởng thoát khỏi hại là
tư tưởng thoát khỏi sự hung bạo,
tư tưởng không muốn làm hại hay tổn thương đến người khác,
tư tưởng không muốn làm người khác bị đau khổ về cơ thể như bị thương, bị đau đớn cơ thể v.v… và cũng không muốn họ bị tổn hại về tinh thần.
Đây thật ra là tâm Bi (Karunā).
Tư tưởng thoát khỏi sự hung bạo, không tổn thương đến người khác như thế gọi là Chánh Tư Duy.
Như vậy, Chánh Tư Duy
- là tư tưởng thoát khỏi chấp thủ, Tham Ái, khao khát, thích thú, dính mắc,
- là tư tưởng thoát khỏi thù oán, sân hận, đó là tư tưởng Từ ái (mettā),
- và tư tưởng thoát khỏi hung bạo hay tư tưởng Bi mẩn (karunā).
Yếu tố Chánh Tư Duy đã hài hòa trong sự thực hành hay hài hòa với các yếu tố khác vào lúc Giác Ngộ như thế nào?
Chú Giải giải thích rằng: Chánh Tư Duy đã đặt tâm trên đối tượng Niết Bàn vào lúc Giác Ngộ, đưa tâm vào đề mục Niết Bàn hay đưa tâm đến chỗ lấy Niết Bàn làm đối tượng.
Nếu bạn hiểu về Vi Diệu Pháp, bạn sẽ dễ hiểu những điều tôi hướng dẫn. Theo Vi Diệu Pháp,
Chánh Tư Duy là tâm sở Tầm (vitakka: áp đặt hay hướng tâm vào đối tượng).
Tâm sở Tầm, (vitakka) có đặc tính đưa tâm đến đối tượng.
Do yếu tố Tầm mà tâm đi đến đối tượng hay tâm đụng vào đối tượng, hoặc tâm leo lên đối tượng.
Như vậy, Chánh Tư Duy (hay đúng hơn Chánh Hướng Tâm) là tâm sở đưa tâm đến đối tượng. Nếu tâm sở này không đưa tâm đến đối tượng, thì tâm sẽ không kinh nghiệm được đối tượng, và do đó tâm sẽ không thấy hay hiểu biết đối tượng.
Như vậy, điều thiết yếu là Chánh Tư Duy đưa tâm đến đối tượng. Một khi tâm ở trên đối tượng thì sẽ có Chánh Kiến.
Do đó, muốn cho Chánh Kiến khởi sinh thì điều thiết yếu là phải có Chánh Tư Duy (hay Chánh Hướng Tâm) đưa tâm đến đối tượng.
Như vậy, Chánh Tư Duy thật ra không có nghĩa là tư duy hay suy nghĩ; dầu cho đó là những suy nghĩ thiện như: Suy nghĩ về sự Dứt Bỏ, suy nghĩ về Từ Ái (mettā), suy nghĩ về tâm Bi Mẩn (Karunā).
Trong thực hành Chánh Tư Duy là một tâm sở có khả năng đưa tâm đến đối tượng.
Ngay cả trong khi đang hành thiền, nếu Chánh Tư Duy không đưa tâm đến đối tượng thì tâm sẽ không ở trên đối tượng, và tâm sẽ không biết: đây là Vật Chất, đây là Tâm, đây là khởi sinh, đây là hoại diệt v.v…
Như vậy, Chánh Tư Duy hay Chánh Hướng Tâm là một yếu tố rất quan trọng trong Bát Chánh Đạo, hay là một yếu tố rất quan trọng trong tám yếu tố. Thật vậy, Chánh Tư Duy là một yếu tố rất quan trong, nhờ nó mà Chánh Kiến khởi sinh; bởi thế hai tâm này tạo thành một nhóm.
Đó cũng là lý do tại sao người ta nói: Chánh Tư Duy nằm trong nhóm Chánh Kiến.
3. Chánh Ngữ
Chánh Ngữ thật ra là ngăn ngừa Tà Ngữ, hay giữ hoặc không để Tà Ngữ phát sinh. Có bốn loại Tà Ngữ.
- Đầu tiên là Nói Dối,
- thứ hai là Nói Lời Đâm Thọc,
- thứ ba là Nói Lời Nói Dữ (như chửi rủa, mắng nhiếc, nói lời khinh bỉ),
- thứ tư là Nói Lời Vô Ích.
Giữ, không cho phạm các tà ngữ này là có Chánh Ngữ.
Chánh Ngữ ở đây có nghĩa là “không để cho xảy ra” hay “giữ giới”.
Mặc dầu được gọi là Chánh Ngữ, nhưng chúng ta phải hiểu rằng:
Chánh Ngữ chỉ khởi sinh khi chúng ta giữ giới
- không nói dối,
- không nói lời đâm thọc,
- không nói lời nói dữ,
- không nói lời vô ích.
Khi chúng ta nguyện không nói dối là chúng ta giữ giới,
khi chúng ta nguyện không nói lời đâm thọc, không nói lời nói dữ, không nói lời vô ích là chúng ta giữ giới.
Giữ giới Chánh Ngữ có nghĩa là kiểm soát lời nói, kiểm soát miệng của mình.
Chánh Ngữ là có sự kiểm soát hay thu thúc lời nói của mình.
Sự kiểm soát hay thu thúc này được gọi là giới (Sīla).
Giới được định nghĩa là đạo đức.
Như vậy, Chánh ngữ có bản chất là giữ giới, là có đạo đức bởi vì khi giữ giới không nói dối, không nói lời đâm thọc v.v… là ta kiểm soát, thu thúc, tức là ta giữ giới (Sīla).
4. Chánh Nghiệp
Chánh Nghiệp có nghĩa là nguyện ngăn ngừa gìn giữ, thu thúc để không phát sinh sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Đó là giữ giới.
Làm được như thế là bạn đã kiểm soát chính mình, kiểm soát những tác động về thân.
Khi bạn tiết chế để tập tánh tốt là không giết hại (bạn thu thúc không sát sinh),
không lấy của không cho (đó là bạn thu thúc để không trộm cắp),
hay khi bạn giữ không để phát sinh sự tà dâm là bạn đã kiểm soát các hành động về thân.
Đây cũng là những hành vi mang ý nghĩa của giới luật. Như vậy, khi bạn kiểm soát không để cho thân có những hành vi sai lầm này là bạn có Chánh Nghiệp.
Câu hỏi:
- Hãy liệt kê 8 chi phần của bát chánh đạo.
- Tám yếu tố của báct chánh đạo còn được gọi là gì?
- Thế nào là chánh kiến?
- Hãy nêu hai khía cạnh trong chánh kiến.
- Làm thế nào để đạt được chánh kiến?
- Thế nào là chánh tư duy?
- Yếu tố Chánh Tư Duy đã hài hòa trong sự thực hành hay hài hòa với các yếu tố khác vào lúc Giác Ngộ như thế nào?
- Chánh Tư Duy còn có tên gọi khác là gì?
- Thế nào là chánh ngữ?
- Chánh ngữ có liên hệ như thế nào với sự giữ giới?
- Thế nào là chánh nghiệp?
- Chánh nghiệp có liên hệ như thế nào với sự giữ giới?
Nguồn trích dẫn: Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Sīlānanda giảng, Hòa Thượng Kim Triệu hiệu đính, Sư Khánh Hỷ soạn dịch.