PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
-----
SƠ THIỀN TÂM
(PATHAMAJHĀNACITTA)
Soạn giả
Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông
(Vaṅsarakkhita Mahāthera)
Namo tassabhagavato arahatto sammāsambuddhassa
SƠ THIỀN TÂM
Tôi xin đề xuất Phật ngôn trong kinh Visuddhimagga để làm căn bản theo Pālī dưới đây:
“Etāvatā panesa viviceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ pathamajjhānaṃ upasampajja viharati”.
Nghĩa: hành giả phải có tâm yên lặng, phải dứt dục tình, phải xa lìa các ác pháp, mới là người nhập sơ thiền, vì có suy, sát, phỉ, và an phát sanh từ sự tịch mịch, có thiền tâm là như thế.
Chú thích: sơ thiền có 5 chi (sau khi đã diệt được 5 pháp cái) là: vitakka: ... suy; vicāra:... sát; pīti: ... phỉ; sukha: ... an; ekaggatā: ... định.
Sơ thiền, nói tóm tắt, cho thấy rõ là cần phải có tâm yên lặng khỏi dục tình, tránh xa dục tình v.v... Vì thế, các bậc trí tuệ có minh giải rằng: đắc sơ thiền là “các dục tình chẳng còn trong giờ hành giả nhập định” vì sơ thiền có đặc tính là dứt hẳn dục tình: dục tình là nghịch pháp của sơ thiền.
Vấn: thế nào là tâm yên lặng khỏi dục tình? Đáp: các dục tình là nghịch pháp của sơ thiền, hẳn thật. Có dục tình thì nhất định không có sơ thiền.
Dục tình và sơ thiền ví như tối tăm và ánh sáng: có tối thì không có sáng, có sáng thì không có tối. Đắc sơ thiền cũng vậy, nghĩa là có tối tăm tức là dục tình, thì không có ánh sáng tức là sơ thiền; khi có ánh sáng tức là sơ thiền, thì không có tối tăm tức là dục tình.
Dục tình và sơ thiền còn ví như bờ bên này và bờ bên kia. Người qua bờ bên kia là bỏ bờ bên này. Hành giả vượt đến bờ bên kia là đã bỏ hẳn bờ bên này, vậy.
Trong kinh “Vibhaṅga” Đức Phật có định nghĩa dục tình một cách bao quát rằng: chando: sự vừa lòng (trong dục tình) gọi là dục tình; rāgo: là lòng quyến luyến, ái mộ, thèm khát v.v... gọi là dục tình; chandarāgo: sự xúc dộng, cảm động, tình quyến luyến, gọi là dục tình; saṅkappo: sự chú tâm suy nghĩ về ngũ dục, gọi là dục tình; saṅkappārāgo: tâm ái mộ chú ý suy nghĩ trong dục tình, gọi là dục tình v.v... Tóm tắt lại, đó toàn là phiền não dục cả. Khi hành giả đắc thiền tâm, như đã giải, Đức Phật gọi có tâm yên lặng, khỏi dục tình.
Các pháp mà bậc sơ thiền đã trừ được có 5 là: 1) abhijjhā: là tham lam, mong mỏi được của người hoặc – kamacchanda: là tâm kích thích, thèm khát, mong nuốn vừa lòng v.v... Trong vatthukāma (vật dục) và kilesakāma (phiền não dục). 2) thīnamiddha: hôn trầm lười biếng, dã dượi. 3) byāpāda: lòng oán ghét, ác tâm, ác cảm, tính làm tai hại kẻ khác. 4) uddhaccakukkucca: không để ý, xao lãng, quên lãng, phóng tâm, khó chú về đề thiền. 5) vicikicchā: hoài nghi, lòng không tin chắc.
JHĀNAṄGA SAMPAYOGA (CHI THIỀN HỢP NHẤT HỘ TRỢ LẪN NHAU)
Chi thiền phát sanh ra trong sơ định có 5 là:
1) Vitakka: suy, là chú ý suy nghĩ một đối tượng thiền định, đó là về chánh tư duy. Nếu mình giảng cho thấu đáo thì vitakka là có sự chú tâm về đối tượng thiền định, là đặc tính (abhiniropanalakkhana): có tánh cách thu nhặt tâm vào đối tượng thiền định là sự (āhananapariyāhananaraso). (Vì thế Đức Phật có giảng rằng: hành giả hằng đem đối tượng đến bằng vitakka); có tánh cách dẫn tâm an trụ trong đối tượng là quả (ānayanappaccupaṭṭhāna).
2) Vicāra: sát, là xem xét đối tượng tức là “arammaṅānumajjalakkhaṇo” có sự vuốt ve trau dồi thường thường đối tượng cho sáng sủa là đặc tính “sahajātānuyojanaraso” có sự nương lẫn nhau thường thường cùng với các pháp phát sanh đồng thời trong cảnh giới của đối tượng thiền định là sự “anuppabandhanappaccupaṭṭhāno”. Có sự buộc thắt thường thường cái tâm cho khắn khít trong đối tượng thiền định là quả.
Chú thích: vitakka (suy) và vicāra (sát) ví như tiếng chuông mà được phát âm là nhờ nương nơi người đánh, vì nếu không có ai đánh thì không phát âm được; cái dùi ví như vitakka sự phát âm ví như vicāra, hơn nữa suy với sát còn có thể ví như điểu loại bay giữa không trung, đập cánh muốn bay, rồi xoè cánh bay rề rà qua lại giữa không trung: vitakka ví như điểu loại đập cánh muốn bay lên không trung; vicāra như điểu loại xoè cánh bay rề rà qua lại giữa trời. Lại có thể ví suy và sát cũng như loài ong hằng nút nhuỵ hoa, thường bay đến đáp trên hoa sen, bay nhìn xem rồi đáp, banh búp hoa ra nút nhuỵ của hoa sen: vitakka cũng ví như loài ong bay đến đáp ngay hoa sen. Vicāra như loài ong bay ngắm hoa sen.
3) Pīti: (phỉ) khiến thân và tâm no vui, theo đặc tính là: “sampiyayalakkhano” có sự no vui(1) là đặc tính. “Kāyacittapinanaraso” khiến thân và tâm hấp thụ pháp lý, là sự “udagghappaccupaṭṭhānā” có sự nở nang của tâm là quả(2).
Pīti: (phỉ) nếu chia theo tâm vui thích có 5 là: khuddakāpīti: sự vui chút ít, vừa làm cho mọc óc (rởn óc); khaṅikāpīti: sự vui chốc lát, thấy như điển chớp trong mắt; okantikāpīti: sự vui như sóng đánh vào bờ rồi tan; ubbengāpīti: sự vui có sức mạnh làm cho thân cao lên; có khi cho bay bổng lên không gian; pharanāpīti: sự vui mát mẻ cả châu thân.
Sự thích: thầy Mahā Tissa ngụ trong chùa Puṇṇavallika, lúc nọ thầy đi đến sân Tháp bảo gần chùa, nhằm ngày rằm, được thấy ánh sáng vầng trăng, thầy nhìn ngay đến Tháp bảo rồi nghĩ rằng: Ôi! Giờ này tứ chúng dẫn nhau lễ bái Tháp bảo đây mà, rồi phát sanh ubbengāpīti nhờ niệm hiệu Phật, khiến thầy bay bổng lên không gian, bay đến ngồi tại sân Tháp bảo tức khắc.
Một tích nữa: có một cô gái trong làng Vattakāla gần chùa Girikandaka. Cô gái đó bay bổng lên không gian, do ubbengāpīti, nhờ niệm hiệu Phật. Cha mẹ cô trước khi dẫn nhau đến chùa để nghe Pháp trong buổi tối, có nói rằng: “Này con! Cha và mẹ đi nghe Pháp tại chùa, con chớ nên đi đâu, vì là ban đêm, con còn trẻ tuổi đi bất tiện, để cha mẹ nghe rồi đem phần phước về cho con, con ở giữ nhà, cha mẹ đi, nghe con!”. Cô gái dù là muốn theo cha mẹ đi chùa thái quá, song cũng chẳng dám cãi lời, phải buộc lòng ở nhà. Vì rất mong mỏi, cô gái ra đứng nơi lang can nhìn xem ngay Tháp bảo đã tạo trên đãnh núi, gần chùa Girikandaka. Dưới ánh sáng mặt trăng, cô được thấy đèn của thiện tín thắp để cúng dường Tháp bảo. Tứ chúng đang lễ bái, dâng hoa cúng Tháp bảo, đi nhiễu Tháp bảo, rồi ngồi nghe pháp, ngay lúc ấy, cô gái bèn nghĩ “Ôi! Đại chúng họ rất hữu phước, thật rất hân hoan thỏa thích”. Cô gái chỉ nghĩ bấy nhiêu ubbengāpīti phát sanh nơi cô tức tốc, cô liền bay bổng đến ngay chỗ Tháp bảo trên đỉnh núi đó. Cô đến đó trước khi cha mẹ cô đến, cô gái bèn lễ bái Tháp bảo rồi ngồi nghe Pháp, chừng đó cha mẹ cô mới đến, trông thấy con mình, liền hỏi rằng; “Này con! Con theo đường nào mà đến mau như thế?” Cô gái đáp: “con đến theo đường không gian không phải đi theo lệ thường như mẹ cha đâu, cho nên mau như vậy”. Mẹ cha cô khen ngợi rằng: “Này con! Chỉ có bậc A-la-hán mới có thể đi trên không trung được, vì sao, con lại nói đi theo không gian”. Cô thưa: “Nhờ phỉ lạc có sức mạnh phát sanh đến con, khi con đang nhìn xem Tháp bảo theo ánh sáng mặt trăng, con không biết thân, con ngồi hay đứng, thình lình bay bổng lên không trung, do tâm niệm hiệu Phật tự nhiên, được đến sân Tháp bảo”.
Ubbengāpīti, khi đã phát sanh hằng làm cho thân bay bổng lên không gian, như thế.
Pharanāpīti: phát sanh lên mát mẻ, thẩm thấu khắp cả thân thể, như bong bóng mà người bơm gió đầy vậy. Nên hiểu rằng: trong 5 pīti chỉ có phỉ lạc thứ 5 là có sức mạnh phi thường hơn 4 phỉ lạc trên; phỉ lạc này kể vào chi thiền thứ 3.
Khi phỉ lạc đã trú vững trong tâm và được cứng cáp, do năng lực luyện tập trong tâm thức thì phát sanh passadhi (an tĩnh) là thân yên lặng (kāyapassadhi) và tâm yên lặng (cittapassadhi). Nếu 2 an tĩnh ấy đã đầy đủ cứng cáp thì sanh 3 loại thiền: khanikāsamādhi: (tạm định) sự duy trì tâm an trú trong đối tượng thiền định được chốc lát; upacārasamādhi: (cận định) sự duy trì tâm cho trú trong đối tượng thiền định được thêm sức mạnh gần nhập định; appanāsamādhi: (nhập định) tâm trú vũng khắng khít trong sắc thiền.
Đây chỉ cho thấy rõ 5 phỉ lạc một lần nữa là: trong 5 phỉ lạc pharanāpīti (phỉ lạc thứ 5) khi đã sanh rồi có trạng thái căn bản trong thiền định, thêm sức mạnh dẫn cho nhập định. Phỉ lạc này là chi thứ 3 của thiền định. Cả 5 phỉ lạc như đã giải tóm tắt, nếu đã phát sanh trong tâm rồi hằng làm cho tâm vui thích, tươi tĩnh trong các thiện pháp.
4) Sukha: (an) là sự yên vui của thân và tâm có thể đào bứng cội nguồn, tức là trừ khỏi bịnh trong thân, làm cho thân được trở nên khoẻ khoắn, gọi là an lạc.
Về sự vui thích, an tâm, có Pāli rằng: “taṃsātalakkhanaṃ”: chỉ về sự vui thích là đặc tính; “tamsampa yuttanaṃ upabruhanarasaṃ”: có sự tăng gia kết hợp pháp là sự; “anuggahappaccupaṭṭhānaṃ” có sự hộ trợ cho an lạc khắng khít là quả.
Lại nữa, khi các pháp ấy (pīti và sukha) động phát sanh cùng nhau, không lìa nhau, trong nơi nào cũng vậy thì phỉ lạc là vui thích đối tượng có trong nơi nào, an lạc cũng có trong nơi ấy. Song an lạc có trong nơi nào, phỉ lạc không nhất định hẳn có trong nơi ấy, vì phỉ lạc kể vào trong hành uẩn (saṅkhārakhandha); an lạc thuộc thọ uẩn (vedanākhandha). Thí dụ như vầy: bộ hành đi đường xa khát nước, thình lình gặp một người từ xa đi lại ngay đường đi, bèn kêu hỏi rằng: Anh ôi! Nơi nào có nước, anh? Tôi đang khát nước lắm, xin tội nghiệp chỉ dùm cho tôi.
‒ Jātassaro navasande atthi: có hồ sen tại giữa rừng sâu, anh hãy ráng đi, độ chừng vài trăm thước sẽ tới.
‒ Haṭṭhappahaṭṭho: được nghe người nói như thế, bộ hành đó liền phát tâm vui thích và cố đi theo đường ấy mong mau đến hồ sen; đi dần dần được thấy hoa sen và lá sen rãi rác theo đường đi.
‒ Sutthutaram haṭṭhappahaṭṭho: người ấy càng thỏa thích, đi chút nữa, được gặp nhiều người vừa lên khỏi hồ, y phục còn ướt nhèm, có cả tiếng chim đa đa, quốc v.v... Kêu rầm trong rừng, thấy hồ có cây sum sê theo bờ hồ. Dưới hồ đầy hoa sen, nước trong trẻo, người bộ hành rất hoan hỷ phấn chấn xuống hồ tắm và uống nước được tuỳ thích, ăn sen, bẻ hoa trang sức, xong lên thay quần áo rồi nằm nghỉ khoẻ, dưới bóng cây có gió thổi hiu hiu mát mình lấy làm hứng thú và tự thốt rằng: Aho sukhaṃ! Aho sukhaṃ! Vui sướng thật! Vui sướng thật!
Phỉ lạc ví như người đi đường xa thiếu nước ấy, được thấy nghe tiếng chim kêu lẫn tiếng người nói, cho đến khi thấy nước trong hồ; còn an lạc thì ví như người đi đường thiếu nước được xuống hồ uống nước và tắm cho đến lúc nằm nghỉ dưới bóng cây, như thế.
Thí dụ khác: Người đi đường xa thiếu nước, khổ sở, bị trời nóng nực, thèm đói khát, ví như hành giả bị tình dục, sân, si làm cho bức rức khó chịu do 3 tà tư duy. Người được chỉ đường đi đến hồ sen ví như vitakka, đang khởi niệm đối tượng thiền định. Chỗ nói người cố gắng đi theo đường đến hồ sen vừa đi vừa niệm, ví như vicāra, vì hành giả tinh tấn niệm niệm đối tượng thiền định cho sáng sủa. Sự kiện thấy hoa sen và lá sen rãi rác giữa đường, phát tâm vui thích, ví như phỉ lạc còn non; sự kiện thấy nhiều người được tắm rồi lên đi, có cả y phục ướt nhèm, cùng nghe tiếng loài chim líu lo cho đến lúc được thấy nước trong, người bộ hành càng hân hoan; sự kiện ấy ví như hành giả có phỉ lạc mạnh; còn sự kiện người hăng hái xuống hồ tắm và uống nước cho đến khi được giải lao, ví như hành giả có tâm yên lặng; chỗ người được ăn sen và bẻ hoa sen để trang sức, ví như hành giả đắc an lạc. Và sự kiện người lên khỏi hồ thay y phục, cho đến khi nói “Aho sukhaṃ! Aho sukhaṃ!” Sung sướng thật! Sung sướng thật!” ví như hành giả đắc định.
5) Ekaggatā: trạng thái nhất tâm, hoặc tâm đã đến bực định, hay là tâm an trú trong một cảnh giới. Lại nữa, trạng thái của tâm chỉ có một mũi nhọn. Ekaggatā có sự trú vững trong một đối tượng là đặc tính, chi thứ 5 của thiền định gọi là nhất tâm. Năm chi thiền hằng giúp đỡ lẫn nhau như vậy.
Vitakka: (suy) là tình trạng đem tâm suy nghĩ đối tượng. Vicāra: (sát) là tình trạng theo trau dồi đối tượng cho trong sạch sáng sủa. Pīti: (phỉ) khiến các pháp phát sanh đều nhau; cho kết hợp nhau. Sukha: (an) là pháp làm cho phỉ tăng gia. Phỉ và an hộ trợ lẫn nhau. Ekaggatā: (nhất tâm) cố gắng hộ trợ các pháp (tức là giúp). Vitakka đem tâm để trong đối tượng, cho vicāra trau dồi đối tượng, cho pīti hưởng thọ đối tượng, khiến cho sukha trú vững trong đối tượng. Bậc hiền minh nên hiểu rằng trạng thái của thiền định gồm có đủ 5 chi ấy thì định cũng phát sanh; cho nên có đủ 5 chi thiền gọi là định. Bậc hiền minh phải phân biệt cho nhớ rằng: sơ thiền chỉ có 5 chi mà thôi.
Trong upacārajhāna (cận định) cũng có 5 chi (suy, sát, phỉ, an và định) nhưng chưa cứng cáp, chỉ có sức mạnh hơn thường thôi.
Còn 5 chi trong sơ thiền (suy, sát, phỉ, an và định) có sức mạnh phi thường hơn, mới gọi là upanājhāna (nhập định) nghĩa là khi đã niệm suy và sát được chân chính đứng đắn rồi thì phỉ và an hộ trợ lẫn nhau cho toàn thân thể thấm thấu. Vì thế, đức Chánh Biến Tri dạy rằng: toàn thân thể tứ chi của hành giả thấm thấu phỉ lạc và an lạc phát sanh từ sự vắng lặng. Chi thứ 5 là nhất tâm được trú vững trong một đối tượng (trọn đêm cũng có).
NĂM PHÁP CÁI
1) Kāmacchanda: tham dục, là tâm quyến luyến trong vật dục và phiền não dục.
2) Byāpāda: oán giận, tâm mong làm cho hư hoại sự lợi ích và hạnh phúc của người.
3) Thīnamiddha: hôn trầm, biếng lười, dã dượi.
4) Uddhaccakukkucca: phóng tâm, xao lãng, hối hận.
5) Vicikicchā: hoài nghi, không tin chắc, không quyết định.
Đó là 5 pháp cái (che lấp)
Vấn: Che lấp cái chi? Đáp: Che lấp, ngăn trở các thiện pháp, không cho thiện pháp phát sanh và khiến chúng ta phải quây cuồng theo ác pháp, cho nên cần phải dứt trừ hẳn pháp cái đó, đừng để trong tâm.
Nên hiểu rõ và phân biệt ác pháp và thiện pháp như vầy:
Loại ác pháp: 1) kāmacchanda là nghịch pháp của ekaggatā; 2) byāpāda là nghịch pháp của pīti; 3) thīnamiddha là nghịch pháp của vitakka; 4) uddhaccakukkucca là nghịch pháp của sukha; 5) vicikicchā là nghịch pháp của vicāra.
Sự thật là không phải ác pháp, mà chỉ là đối nghịch của thiện pháp; thiện pháp cũng là đối nghịch của ác pháp vậy. Vì thế Đức Phật dạy rằng chi thiền nhất là vitakka cũng là đối nghịch của pháp cái. Vitakka là pháp ngăn rào, đánh đuổi trừ diệt pháp cái nhất là kāmacchanda không cho nhập vào tâm.
Có Pāli trong Tam tạng rằng: Samādhi kāmacchandassa patipakkho, pīti byāpādassa vitakko, thīnamiddhassa sukho uddhaccakukkuccassa. Vicāro vicikicchāya. Nghĩa: samādhi (định) là đối nghịch của kāmacchanda (tham dục) vì tham dục chỉ tính thu thập rāga (tình dục); pīti (phỉ) là đối nghịch của byāpāda (oán) vì oán là pháp gom góp điều bất bình uất ức trong tâm. Vitakka (suy) là đối nghịch của thīnamiddha (hôn) vì hôn là mê loạn bất tĩnh, dã dượi, biếng lười; vitakka khiến tâm suy nghĩ theo lẽ phải, đem tâm về trong thiện pháp; sukha (an) là đối nghịch của uddhaccakukkucca (phóng tâm); sukha có tâm vui sướng khiến thân tâm được yên tĩnh. Vicāra (sát) là đối nghịch của vicikicchā (nghĩ), vicāra có trạng thái đưa đến trí tuệ do sự quan sát, trau dồi đối tượng cho sáng sủa cho có đức tin chắc, hết nghi ngờ.
Bản đồ về chi thiền là đối nghịch của pháp cái như vầy:
1) Vitakka là đối nghịch của thīnamiddha
2) Vicāra là đối nghịch của vicikicchā
3) Pīti là đối nghịch của byāpāda
4) Sukha là đối nghịch của uddhaccakukkucca
5) Ekaggatā là đối nghịch của kāmacchanda
Nói tóm lại là ác thiện là đối nghịch lẫn nhau.
NIGAMAVACCANA ‒ LỜI NÓI THÊM
Tâm của hành giả phát sanh được là do năng lực của 4 hay 5 javana (tốc lực tâm), nghĩa là tâm sanh từ sơ tốc lục tâm (parikammajavana); cận tốc lực tâm (upacārajavana).
Tiếng nói do năng lực của 4 hay 5 tốc lực tâm là chỉ về tốc lực tâm của hai hạng người: đến căn (khippābhīññā puggala) và tiệm căn (dandhābhiññā puggala). Nếu hành giả có sát na tâm giác ngộ mau lẹ thì gọi là khippābhiññā puggala, bậc này chỉ có 4 tốc lực tâm là cận tốc lực tâm, thuận. Nếu là hạng người có sát na tâm độn, giác ngộ lâu thì gọi là dandhābhiññā puggala; hạng này có 5 tốc lực tâm là sơ tốc lực tâm parikammajavana, cận tốc lực tâm (upacārajavana), thuận tốc lực tâm (anulomajavana), gotrabhūjavana và nhập định tốc lực tâm (appamājavana).
Hành giả có đầy đủ 4 hoặc 5 tốc lực tâm như vậy gọi là đắc định bởi đã dứt được 5 chi ác pháp “pahānaṅga” (chi phải dứt) tức là tham, oán, hôn, phóng và nghi, và được phát sanh đủ 5 chi thiền là: suy, sát, phỉ, an và định.
Nếu chia theo trạng thái thiền định thì có 3 là: khanikasamādhi: (tam định); upacārasamadhi: (cận định); 3) appanāsamādhi: (nhập định). Nhập định thì tâm trú vững hơn cận định, đó là bởi khắng khít trong sạch nhờ gotrabhūjavana(3), trong sạch vượt khỏi dục giới hay kiên cố trong Sắc giới, yên lặng, khỏi Dục giới ra khỏi dục cảnh.
Sơ thiền có 5 chi, nếu cả 5 chi phát sanh đầy đủ thì gọi là “jhānaṅgasampayogo” (chi thiền hợp nhất hộ trợ lẫn nhau). Sơ thiền có 5 chi đầy đủ như thế hằng có năng lực hạ địch thủ, tức là 5 pháp cái đến tan tành, tán bại. Do đó, gọi là 5 chi thiền là đối nghịch của pháp cái.
Vấn: Nếu để 5 pháp cái trong tâm thì tham thiền được chăng? Vì tâm chúng ta đang say mê ngũ dục, hằng trú trong pháp cái làm thế nào mà bỏ được. Đáp: Không sao tham thiền được, vì pháp cái là nghịch pháp của thiền định song lúc thiếu trí nhớ tâm tưởng đến vật vừa lòng, nhìn nhận: sắc thinh, hương, vị, xúc là thích ý, lúc ấy kāmacchanda vào ngay; thiền định thoái bộ lập tức; đã có phỉ nhưng nếu quên mình thì byāpāda liền phát sanh làm cho bất bình khó chịu, khiến phỉ mất ngay; vitakka đang suy nghĩ tìm thiện pháp mà trí nhớ tắt, sự không vui thích thoái chuyển thīnamiddha nhập liền, thì vitakka tan mất. Sukha cũng có trong tâm nhưng quên mình thì avūpasama (không an tĩnh) kéo uddhaccakukkacca vào tức khắc, sukha phải xa lánh, vicāra xem xét trau dồi đối tượng cho sáng sủa; nhưng quên mình thì ayonisomanasikāra (không lưu tâm) đem vicikicchā nhập vào vicāra liền thoái bộ. Vì thế, nên gọi là thiền định nghịch hẳn với pháp cái.
Chúng ta, hàng Phật tử hằng ghét khổ mong vui, không thích tội ưa phước nên phải cố gắng thiêu đốt, đè nén, bài trừ các ác pháp, không cho chúng cất đầu nhập và tâm được. Vì 5 pháp cái có nước tâm rất độc ác, có chúng thì thiện pháp không thể trú vững. Chúng đón ngăn không cho thiện pháp vào và hay rước ác pháp nhập tâm.
Xin giải cho thấy rõ nước của tâm như sau: 1) kāmacchanda: (tham dục) có nước tâm u ám, ví như nước hoà với các màu; 2) byāpāda: (oán) có nước tâm nóng, ví như nước đang sôi; 3) thīnamiddha: (hôn) ví như nước có bèo bọt trên mặt; 4) uddhaccakukkucca: (phóng tâm) ví như nước bị gió thổi gợn sóng; 5) vicikicchā: (nghi) ví như nước đục để trong nơi tối.
Nếu nước tâm không thanh tịnh, biến cải theo các pháp cái thì chúng ta đâu có soi thấy thiện pháp được hoặc không có thể quan sát phân minh vô thường, khổ não và vô ngã. Nếu nước mà hoà với các màu sắc, không sao soi thấy rõ mặt trắng hay đen được, khi pháp cái nhất là tham dục vào phần nhiều thì không phân biệt được tội phước tà chánh. Lẽ thường, tâm chưa bị ác pháp nhập, hằng có hào quang, song khi bị ác pháp vào làm bận rồi liền trở nên đục. Vậy nên có Phật ngôn rằng: Pabhassabamidaṃ bhikkhave! Cittaṃ tañca kho bhikkhave āgantukohi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ. Nghĩa: này các thầy tỳ khưu! Tâm có hào quang tia sáng, nhưng bởi phiền não nhập vào, hào quang mới tan, thành mờ tối âm u. Này các thầy tỳ khưu! Đó cũng như các vật dụng, nhất là y phục còn mới, đều có màu trắng sạch, song các vật ấy hoá ra dơ bẩn, vì bị bụi hoặc than lấm vào thành vật không sạch.
TIVIDHAKALYĀNAṂ ‒ BA THIỆN PHÁP
Sơ thiền có 3 pháp trong phần đầu, phần giữa và phần cuối là: 1) patipavāvisuddhi ādi: sơ thiền có tánh cách trong sạch là thiện pháp chặn đầu; 2) upekkhānubrūhanā majjhe: sơ thiền có pháp xả là thiện pháp chặn giữa; 3) sampahaṃsamā pariyosanaṃ: sơ thiền có sự sung sướng là thiện pháp chặn cuối cùng.
Dasalakkhanasampannaṃ
Sơ thiền có đầy đủ 10 đặc tính, phân phối trong chặn đầu, giữa và chót của 3 thiện pháp trên đây.
- Paṭipadāvisuddhi: thiện pháp chặn đầu có 3 đặc tính là: 1) tatocittaṃvisujjhati: tâm trong sạch khỏi sự nguy nan(4); 2) majjhimaṃ samatha nimittaṃ patipajjati: tâm đi ngay đến thiền định là thiện pháp chặng giữa(5); 3) tatthacittaṃ pakkhandati: tâm hằng nhảy đi trong nimitta đó, vì trạng thái tâm đó đã đi ngay tới rồi.
- Upekkhānubrūhanā: thiện pháp chặng giữa của sơ thiền có 3 đặc tính là: 1) visuddhaṃ cittaṃ ajjhupekkhati: hành giả nhìn thấy tâm trong sạch(6); 2) samathappaṭipannaṃ ajjhupekhati: hành giả nhìn thấy tâm đi đến thiền định rồi; 3) ekattupatthānaṃ ajjhupekkhati: hành giả nhìn thấy tâm an trú rõ rệt, là nhất tâm chỉ có một cảnh giới.
- Sampahaṃsanā: thiện pháp chót của sơ thiền có 4 đặc tính là: 1) tattha jātānaṃ dhammānaṃ anativattanaṭṭhena sampahaṃsanā: sự hội hợp các pháp sanh trong sơ thiền, phát tâm sung sướng (do sự tụ hội của các pháp không rời rạc nhau); 2) indriyāni ekarasaṭṭhena sampahaṃsanā: tâm sung sướng vì các căn chỉ có một phận sự; 3) tadupagavīriyavāhanaṭṭhena sampahaṃsanā: tâm sung sướng có tính cách đem đến sự tinh tấn vừa với các căn; 4) āsevanaṭṭhena sampahaṃtanā: tâm sung sướng có cách tiếp xúc mật thiết với các căn.
Chú thích: theo ý nghĩa Pālī của Phật ngôn trên đây là: tâm nhất tri, gọi là lướt đến sự trong sạch, bằng cách tiến hành, gọi là phát triển bằng pháp xả, gọi là có tâm hoan hỷ, bằng trực giác.
Trong 40 đối tượng có: 3 bhāvanā (niệm) là: parikamma bhāvanā, upacarabhāvanā, appanābhāvanā; 3 nimitta (triệu chứng) là: parikammanimitta, uggahanimitta, paṭibhāganimitta; 3 samādhi (thiền định) là: parikaṃsamādhi, upacārasamādhi, appanāsamādhi, như sẽ giải dưới đây:
- 3 bhāvanā (niệm) là: 1) niệm còn yếu sức, là hành giả tưởng nhớ đến đối tượng chưa được vững (như niệm đất: pathavī đất, pathavī đất...) mãi mãi, nhìn xem đối tượng niệm pathavathavī đất...(7) gọi là parikammabhāvanā; 2) niệm có sức mạnh đắc uggahanimitta là khi mở mắt thấy đất, như thế nào, nhắm mắt cũng thấy như vậy, gọi là upacārabhāvanā; 3) hành giả niệm đè nén được hẳn 5 pháp cái gọi là appanābhāvanā hay là nhập định.
- 3 triệu chứng là: 1) hành giả dùng đất làm đối tượng, tinh tấn niệm mãi mãi gọi là parikammanimitta; 2) hành giả niệm được khắng khít, thấy rõ trong tâm, biết rõ bằng tuệ nhãn như được thấy rõ bằng mắt, gọi là uggahanimitta; 3) từ uggahanimitta, hành giả tinh tấn niệm niệm uggahanimitta đó, đến khi uggahanimitta trở nên trong sạch, vắng lặng phát sanh rõ rệt trong tâm, gọi là patibhāganimitta.
Parikammanimitta và uggahanimitta phát sanh trong 40 đối tượng thiền định. Về paṭibhāganimitta chỉ có trong 22 đối tượng là 10 kasina, 10 asubha, 1 anāpānassati và 1 kāyakatāsati(8).
- 3 samādhi (thiền định) là: 1) hành giả chú tâm niệm niệm đối tượng thiền định gọi là parikammasamādhi; 2) hành giả tinh tấn niệm niệm không phóng túng, tâm gần nhập định gọi là upacārasamādhi; 3) hành giả chú ý kiên cố niệm niệm cho đến khi tâm an trú vững gọi là appanāsamādhi.
Lại nữa, hành giả cố gắng tinh tấn niệm 1 trong 40 đối tượng thiền định, cho đến khi được phát sanh các đức tánh, chỉ đến bậc upacārabhāvanā hoặc upacārasamādhi được gọi là kāmāvacarakammaṭṭhāna (tâm đeo níu hoặc phiêu lưu trong Dục giới) nếu hơn đó nữa thì đắc appanābhāvanā hoặc appanāsamādhi được gọi là rūpāvacārakammaṭṭhāna (thiền tâm phiêu lưu trong Sắc giới).
GIẢI TÓM TẮT VỀ JAVANA (TỐC LỰC TÂM)
Javana dịch là tốc lực lâm.
Vấn: Hành giả đắc sơ thiền (phàm) có bao nhiêu tốc lực tâm? Đáp: hành giả đắc phàm thiền, tâm đi theo 4 hoặc 5 tốc lực.
Hành giả đắc phàm thiền đi theo 4 hoặc 5 tốc lực tâm khác nhau. Nếu hành giả là khippābhiññā(9) thì đi theo 4 tốc lực, vì có somanassavedanā (hoan thọ)(10). Nếu hành giả chỉ có 4 tốc lực, thì hành giả được giác ngộ lập tức. Nếu hành giả thuộc dandhābhiññā(11) thì theo 5 tốc lực có upekkhāvedanā (xả thọ), đó là hạng giác ngộ chậm chạp. Vì thế, thiền mới có 2 ý nghĩa hợp với 2 hạng người như thế.
Hành giả khippābhinnā có tâm trạng hoan thọ đắc thiền catukkanaya (loại thiền có 4 ý nghĩa); dandhābhinnā có tâm xả đắc thiền pancakkanaya (loại thiền có 5 ý nghĩa).
Vấn: Xin giải cho thấy rõ: hành giả dồn căn với hành giả tiệm căn, khác nhau thế nào, trong khi nhập thiền? Đáp: Hành giả dồn căn và tiệm căn có khác nhau ở chỗ anulomajavana trong khi nhập định.
Vấn: Thế nào gọi là parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū, appanā? Đáp: Kāmāvacana: (tâm phiêu lưu trong cõi Dục, mở đầu quan sát tìm định gọi là “parikamma”. Tâm vào cận định gọi là “apacarā”. Tâm hành theo parikamma tốc lực và appanā tốc lực gọi là “anuloma”; tâm đè nén parittagotra tức là cõi Dục, rồi nhảy vào đến định gọi là gotrabhū, tâm hội họp các pháp cho khắng khít trú trong đối tượng gọi là appanā, là tâm an trú hẳn trong cảnh giới” (thiền định).
Vấn: Sơ thiền “11” là thế nào? Đáp: sơ thiền “11” không phải là chi thiền đâu vì chi thiền chỉ có 5 mà thôi. Nhưng chi sơ thiền “11” đó là chỉ về tâm trạng. Vì tâm có 11 trạng thái là: tâm trạng trong Dục giới có chia thành: 1 kusala (thiện), 1 vipāka (quả), 1 kiriyā (hành), thành 3, lấy 8 lokuttaracitta (xuất thế tâm) là: 4 maggacitta (đạo tâm) và 4 phalacitta (quả tâm) là 8 cộng thành 11, tức là 11 tâm trạng thành tựu trong sơ thiền.
Vấn: Trong sơ thiền có tiếng gọi là kāmasaññanirodha là thế nào? Đáp: tiếng kāmasaññanirodha chỉ về thời tâm mà hành giả nhập định; hành giả đó hằng có tâm vắng lặng khỏi kāmasañña tức là không còn tưởng đến dục tình nữa.
Vấn: Vitakka: (suy) thuộc tâm sở gì? Có bao nhiêu tâm? Vicāra (sát) thuộc tâm sở gì? Sanh trong mấy tâm? Pīti thuộc tâm sở gì? Sanh trong mấy tâm? Ekaggatā (nhất tâm) thuộc tâm sở gì? Sanh trong mấy tâm? Đáp: Vitakka là pakinnaka cetasika (tâm sở rải rác), sanh trong 54 tâm, là trong 54 tâm dục giới, lấy 10 tâm dvipañcaviññāna ra, còn 44, lấy 11 tâm sơ thiền tức là 3 rūpava cārapathamajjhāna, 8 lokuttarapathamajjhāna thành 55:44+11=55, là hơi sanh của vitakka cetasika.
Vicāra là pakkinnake cetasika giống nhau sanh trong 66 tâm, là 55 tâm sanh trong vitakka, lấy 3 tâm trong nhị thiền và 8 xuất thế, nhị thiền thành 66 tâm, là nơi sanh của vicāra cekasika.
Piti (phỉ) là pakkiññakacetasika sanh trong 51 tâm, nghĩa là trong 121 tâm, trừ 70 tâm (là 2 domanassa, 55 upekkhā, 2 kāyaviññāna, 11 tâm tứ thiền là 70); 51 tâm, còn lại là nơi sanh của pīticetasika.
Sukha (an) lấy vedanā là sabbacitta sādhāranacetasika là nơi sanh trong 89 tâm hoặc 121 tâm.
Ekaggatā (nhất tâm) là sabbacittasādhāraṇa cetasika sanh trong 89 tâm hoặc 121 tâm.
QUẢ BÁU CỦA THIỀN ĐỊNH
Xin giải tóm tắt về quả báu của thiền định, như dưới đây:
1) Được yên vui trong hiện tại, được nhiều hạnh phúc, thân tâm phi thường: nghĩa là không có điều gì làm cho tâm bối rối, lờ mờ, u ám, tức giận, khó chịu vì 5 pháp cái, (thương, ghét, lười biếng, phóng tâm, nghi). Tâm hằng trong sáng, yên lặng, mát mẽ, nhẹ nhàng, thơ thới, tươi tỉnh, thông minh.
2) Phát sanh trí tuệ: nghĩa là khi tâm an trụ rồi thì có sự hiểu biết, có thể soi thấu nhân quả theo chân lý có tình trạng như vui (không động). Hành giả có khả năng nhận rõ các vật trong nước được.
3) Có thể đắc lục thông (abbiñña) (thông minh xuất chúng) là sự hiểu biết cao siêu, về phần thế gian có 5 là: hiện thân thông(12) nhãn thông, nhĩ thông, túc mạng thông, sanh tử thông.
4) Được sanh trong cõi vui (nếu cận định) thì sẽ sanh trong Dục giới thiên; (nhập định) sanh trong Sắc giới và Vô sắc giới.
Về phần quả báu thấp của thiền định, là có tâm định cho thành tựu các thiện pháp, vì người có tâm định (từ phỉ thứ 5 sắp lên cận định hằng có tâm lực, như giọt nước chảy ngay một đường không có chi trở ngại).
‒ Dứt sơ thiền tâm tóm tắt bấy nhiêu ‒
-oo0oo-
(1) “No vui” tức là sự thỏa thích no lòng.
(2) là tình trạng của thân và tâm dầy dặn, tươi tắn nổi lên.
(3) Tốc lực tâm vượt khỏi vòng phàm.
(4) Vì tâm đã đi theo 4 hay 5 tốc lực, lìa pháp cái rồi.
(5) Vì tâm không còn bị pháp cái ngăn che nữa, đã trong sạch nên đi ngay đến thiền định được dễ dàng.
(6) Vì không còn phải bận tâm trau dồi nữa.
(7) Khi nhắm mắt chưa thấy rõ rệt.
(8) Xem trong phép chánh định.
(9) Dồn căn là nói hành giả thành đạo quả tức tốc.
(10) Thọ vui.
(11) Tiệm căn là hành giả thành đạo quả chậm.
(12) Thân thông: hiện ra nhiều thân khác.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.