TỨ DIỆU ĐẾ
BỐN CHÂN LÝ CAO THƯỢNG
Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Sīlānanda giảng,
Hòa Thượng Kim Triệu hiệu đính, Sư Khánh Hỷ soạn dịch.
Tứ Diệu Đế hay Bốn Chân Lý Cao Thượng hoặc Bốn Sự Thật Cao Thượng là những lời dạy vô cùng quan trọng trong toàn bộ giáo pháp của Đức Phật. Những lời dạy của Đức Phật trong bốn mươi lăm năm truyền bá Giáo Pháp có thể tóm gọn trong Bốn Chân Lý Cao Thượng. Bởi vậy Bốn Chân Lý Cao Thượng là một đề tài rất quan trọng. Trước khi tìm hiểu sâu xa hơn về Bốn Chân Lý Cao Thượng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa chữ Chân Lý theo giáo pháp của Đức Phật.
Chân Lý là sự thật, vậy cái gì có thật là Chân Lý, chỉ đơn giản thế thôi. Vậy cái gì có thật, cái gì không ngược lại tình trạng có thật của nó là Chân Lý, là Sự Thật.
Vậy Chân Lý (Sự Thật) không phải là ảo tưởng như trò ảo thuật trên sân khấu bởi vì những gì ta thấy trong trò ảo thuật là không thật. Chân Lý (Sự Thật) cũng không đánh lừa, hay làm ta lầm lẫn như ảo tượng hay ảo ảnh trên sa mạc. Trong những ngày nắng nóng, ta thấy “ảo tượng” hay “ảo ảnh” từ đằng xa và lầm tưởng đó là nước, nhưng khi đến gần, “ảo tượng” hay “ảo ảnh” biến mất. Vậy Chân Lý (Sự Thật) không giống như ảo tượng, gây ra sự lầm lẫn.
Chân Lý là những gì có thể khám phá hay hiểu rõ được. Đó là nghĩa của chữ Chân Lý trong Phật Giáo. Như vậy, theo Phật Giáo cái gì có thật là Chân Lý. Chân Lý hay Sự Thật không nhất thiết phải đẹp hay tốt, nhưng những gì có thể khám phá hay hiểu rõ được thì đó là Chân Lý (Sự Thật).
Sức nóng của lửa là có Thật, là Chân Lý. Vật gì tiếp xúc với lửa sẽ bị đốt cháy hay nóng lên. Sức nóng của lửa này là Sự Thật, là Chân Lý.
Như các bạn đã biết, Sự thật hay Chân Lý thứ hai trong Tứ Diệu Đế là Ái Dục. Ái Dục là một tâm sở bất thiện; nhưng theo Phật Giáo, Ái Dục cũng là Chân Lý. Như vậy, trong Phật Giáo Chân Lý (Sự Thật) không nhất thiết phải đẹp hay tốt. Chân Lý (Sự Thật) có thể tốt hay xấu, thiện hay ác.
Người ta thường nói “chỉ có một Sự Thật”, “chỉ có một Chân lý”, và mỗi vị giáo chủ diễn tả Sự Thật theo một cách riêng, khác nhau. Nhưng trong Phật Giáo không phải chỉ có một sự thật mà có Bốn Sự Thật. Bốn Sự Thật này gọi là “Bốn Sự Thật Cao Qúy” hay “Bốn Chân Lý Cao Thượng“.
Nghĩa Thứ Nhất Của Chân Lý Cao Thượng
Được gọi là cao thượng vì những Chân Lý này được khám phá, được chứng ngộ hay được xuyên thấu bởi những bậc cao thượng. Trong Phật giáo những ai đạt đạo quả được gọi là bậc cao thượng hay thánh thiện. Đó là Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác hay A La Hán, kể cả những vị đạt đạo quả thấp hơn. Bốn Chân Lý được Đức Phật dạy dỗ mệnh danh là cao thượng vì được hiểu rõ, được chứng ngộ hay được xuyên thấu bởi những bậc cao thượng. Thật vậy, khi trở thành bậc thánh là các vị ấy đã chứng ngộ bốn Chân Lý Cao Thượng. Chúng ta dùng chữ cao thượng ở đây để chỉ cho những ai đang cố gắng trở thành bậc cao thượng. Tóm lại, được gọi là cao thượng vì những Chân Lý này được khám phá, được chứng ngộ hay được xuyên thấu bởi những bậc cao thượng.
Nghĩa Thứ Hai Của Chân Lý Cao Thượng
Được gọi là cao thượng vì những Chân Lý này là Chân Lý của bậc thánh, bậc cao thượng. Bậc thánh ở đây có nghĩa là Đức Phật. Vậy, đây là Chân Lý của Đức Phật. Có nghĩa là Chân Lý được Đức Phật khám phá hay tìm ra. Nhờ Đức Phật khám phá ra Bốn Chân Lý Cao Thượng này, và đem ra dạy dỗ mà những người khác chứng ngộ được Chân Lý này.
Nghĩa Thứ Ba Của Chân Lý Cao Thượng
Được gọi là cao thượng vì những Chân Lý này giúp cho người chứng ngộ trở thành bậc thánh cao thượng. Chân Lý này cao thượng vì có khả năng tạo nên người cao thượng, hoặc người nào chứng ngộ Chân Lý này sẽ trở thành cao thượng.
Chân Lý Cao Thượng:
Có bốn Chân Lý Chân Lý Cao Thượng. Trước tiên tôi muốn các bạn biết tên của Bốn Chân Lý Cao Thượng này bằng tiếng Pāḷi.
- Chân Lý đầu tiên là Dukkha sacca.
- Chân Lý thứ hai là Samudaya sacca.
- Chân Lý thứ ba là Nirodha sacca.
- Chân Lý thứ tư là Dukkha nirodho gāmini padipadā sacca.
Chân Lý Đầu Tiên: Dukkha
Dukkha thường được dịch là khổ. Nhưng chữ khổ không thể diễn tả trọn vẹn nghĩa của từ Dukkha. Chú Giải giải thích rằng: Trong chữ Dukkha do hai chữ ‘du’ và ‘kha’ ghép lại. Chữ ‘du’ có nhiều nghĩa và chữ ‘kha’ cũng có nhiều nghĩa. Trong sách Thanh Tịnh Đạo chữ ‘du’ có nghĩa là ti tiện hay hạ liệt, không giá trị. Và ‘kha’ có nghĩa là trống không. Cái gì ti tiện, hạ liệt, cái gì trống không là ‘dukkha’. Tại sao gọi hạ liệt vì nó gây ra nhiều hiểm nguy và đau khổ. Nó trống rỗng có nghĩa là nó trống vắng một thực thể trường cửu, trống vắng sự tốt đẹp, trống vắng sự vững bền, trống vắng niềm vui và lạc thú. Bởi vậy nó được gọi là ‘dukkha’, có nghĩa là cái gì vừa hạ liệt vừa trống rỗng.
Nhưng Chú Giải khác đã giải thích: ‘Du’ có nghĩa là khó, và ‘kha’ có nghĩa là chịu đựng. Dukkha là cái gì khó chịu đựng. Nghĩa này có vẻ dễ hiểu, bởi vì mỗi lần nghe chữ dukkha ta hiểu được đó là những gì làm ta đau đớn và khổ sở. Rồi bạn, khi thực hành, cũng sẽ hiểu, theo định nghĩa của Đức Phật, những gì ta gọi là ‘hạnh phúc’ cũng là dukkha vì chúng không bền vững. Như vậy, chúng ta hiểu dukkha là: cái gì ti tiện, hạ liệt và trống rỗng hay cái gì khó chịu đựng.
Chân Lý Thứ Hai: Samudaya
Samudaya hay dukkha samudaya: Samudaya do ba chữ ghép lại. ‘sam’, ‘u’, và ‘aya’. ‘Aya’ có nghĩa là nguyên nhân, ‘u’ là khởi sinh, ‘sam’ là cùng đến hay phối hợp với cái gì. Như vậy, samudaya có nghĩa là tạo nhân và phối hợp với những điều kiện khác làm khởi sinh sự đau khổ. Điều quan trọng ở đây là phối hợp với những điều kiện khác. Phần lớn chúng ta nghĩ nguyên nhân của đau khổ là gì? Tham Ái, phải không? Đúng vậy. Nhưng Tham Ái không phải là nguyên nhân duy nhất của đau khổ. Có những nguyên nhân hay điều kiện khác nữa, nhưng Tham Ái là nguyên nhân quan trọng hay vượt trội nhất trong số những nguyên nhân đó; bởi vậy, ta nói Tham Ái là nguyên nhân hay nguồn gốc của đau khổ. Tham Ái không khởi sinh một mình mà cùng khởi sinh với một tâm sở khác. Đó là Vô Minh, và cộng thêm những yếu tố khác nữa. Khi Tham Ái hợp với Vô Minh và những yếu tố khác thì gây ra dukkha. Nghĩa của chữ samudaya phải được hiểu như vậy. Nó phối hợp với những điều kiện khác tạo nhân hay khiến cho đau khổ khởi sinh.
Chân Lý Thứ Ba: Dukkha Nirodha
Chân Lý thứ ba là Chân Lý về sự chấm dứt khổ. Tiếng Pāḷi là dukkha nirodha hay chỉ là nirodha. Chữ nirodha gồm hai chữ ‘ni’ và ‘rodha’. Chữ ‘ni‘ có nghĩa là ‘không’ hay ‘vắng mặt’, chữ ‘rodha’ có nghĩa là ngục tù, hay giam hãm. ‘Ngục tù’ hay ‘giam hãm’ ở đây có nghĩa là ngục tù hay giam hãm trong vòng luân hồi tái sinh. Vậy nirodha có nghĩa là không bị ngục tù hay giam hãm trong vòng luân hồi tái sinh. Đây là một nghĩa của chữ ‘nirodha’. Theo nghĩa được ghi trong Chú Giải thì Chân Lý thứ ba là: Chân Lý Giác Ngộ về sự vắng bóng ngục tù của luân hồi tái sinh (samsāra). Điều này có nghĩa là khi Giác Ngộ Niết Bàn thì sẽ không còn luân hồi sinh tử trong tương lai. Như vậy Chân Lý thứ ba là Niết Bàn hay Diệt (nirodha).
Một nghĩa nữa được Chú Giải đề cập đến là: Chân Lý thứ ba chỉ có nghĩa đơn thuần là nirodha, có nghĩa là không khởi sinh nữa trong tương lai. Đôi khi chúng ta dịch là đoạn diệt. Đoạn diệt có nghĩa là không còn khởi sinh trong tương lai. Khi một người Giác Ngộ và loại trừ phiền não thì những phiền não này không còn khởi sinh trong tương lai. Như vậy, nirodha có nghĩa là không còn khởi sinh trong tương lai, là Diệt, tức là diệt phiền não và không còn khởi sinh trong tương lai, Chân Lý thứ ba là Niết Bàn. “Niết Bàn” hay “diệt phiền não” là đối tượng của tâm Giác Ngộ, tâm này khiến phiền não không còn phát sinh trong tương lai.
Chân Lý Thứ Tư: Dukkha Nirodho Gāmini Patipadā Sacca
Chân Lý thứ tư là Bát Chánh Đạo hay tám yếu tố của Đạo. Vào lúc Giác Ngộ Đạo Tâm khởi sinh và tám yếu tố này đi kèm với đạo tâm. Đạo Tâm lấy Niết Bàn làm đối tượng, và tám yếu tố này cũng lấy Niết Bàn làm đối tượng. Lấy Niết Bàn làm đối tượng, có nghĩa là Đạo Tâm chạy đến đối tượng Niết Bàn. Như vậy, Đạo hay sự thực hành hướng đến hay chạy đến chỗ chấm dứt đau khổ, tức đến Niết Bàn, được gọi là ‘dukkha nirodha gāminī pātipadā’.
Như vậy thực ra Chân Lý thứ tư là Chân Lý chứng ngộ Chân Lý thứ ba, Chân Lý thứ tư này lấy chân lý thứ ba (Niết Bàn hay chấm dứt đau khổ) làm đối tượng. Như vậy, không phải Đạo đã dẫn đến chỗ chấm dứt đau khổ mà đạo lấy sự chấm dứt đau khổ làm đối tượng.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.