Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo tạng thì có ba tạng:
- Tạng Luật Pāḷi (Vinayapiṭakapāḷi).
- Tạng Kinh Pāḷi (Suttantapiṭakapāḷi).
- Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭakapāḷi).
Tạng Luật Pāḷi (Vinayapiṭakapāḷi)
Tạng Luật Pāḷi gồm những lời răn dạy của Đức-Phật. Đức-Phật đã ban hành những điều-giới tỳ-khưu, tỳ- khưu-ni, những pháp-hành tăng-sự, những điều cho phép và những điều không cho phép, những việc nên làm và những việc không nên làm, v.v…Tạng Luật Pāḷi có 5 bộ:
1-Bộ Pārājikapāḷi gồm có những điều-giới:
– 4 điều-giới Pārājika
– 13 điều-giới Saṃghādisesa
– 2 điều-giới Aniyata
– 30 điều-giới Nissaggiya pācittiya, …
2-Bộ Pācittiyapāḷi gồm có những điều-giới:
– 92 điều-giới Suddha pācittiya
– 4 điều-giới Pāṭīdesanīya
– 75 điều-giới Sekhiya.
– 7 điều Adhikaraṇasamatha
– Những điều-giới của tỳ-khưu ni.
3-Bộ Mahāvaggapāḷi (Tạng Luật)
Trong bộ luật Mahāvagga Pāḷi này, Đức-Phật thuyết giảng về chuyện chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, thuyết pháp kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên tế độ nhóm 5 tỳ-khưu, Đức-Phật ban hành phép xuất-gia thọ sadi, tỳ-khưu, v.v…
4-Bộ Cūḷavaggapāḷi
Trong bộ luật Cūḷavagga Pāḷi này, Đức-Phật ban hành nhiều pháp-hành tăng-sự đến chư tỳ-khưu. Bộ này, lần đầu tiên Đức-Phật cho phép bà Mahāpajāpatigotamī xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni trong giáo-pháp của Đức-Phật, cùng với 500 cận-sự-nữ dòng Sakya cùng xuất gia thọ tỳ-khưu-ni, v.v…
5-Bộ Parivārapāḷi
Trong bộ luật Parivāra Pāḷi này, Đức-Phật ban hành nhiều điều liên quan đến giới và nhiều vấn đề khác, …Đó là 5 bộ trong Tạng Luật Pāḷi mà chỉ có Đức-Phật duy nhất chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu, tỳ-khưu ni, … mà thôi. Còn các hàng Thánh thanh-văn đệ-tử không có khả năng chế định ra điều-giới và các pháp-hành tăng-sự, … Các điều-giới, các pháp-hành tăng-sự mà Đức-Phật đã chế định và đã ban hành rồi, các hàng thanh-văn đệ-tử cần phải nên nghiêm chỉnh hành theo mà không được phép sửa đổi, thêm hoặc bớt điều nào cả.
Tạng Luật Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
1- Đức-Phật thuyết giảng bằng pháp lệnh (aṇādesanā).
2- Đức-Phật giáo-huấn tùy theo lỗi (yathāparādhasāsana).
3- Đức-Phật răn dạy tỳ-khưu giữ gìn cẩn trọng thân và khẩu (saṃvarāsaṃvarakāthā).
1- Đức-Phật thuyết giảng bằng pháp lệnh như thế nào?
Đức-Phật đã chế định ra điều-giới, các pháp-hành tăng-sự, điều cho phép và không cho phép, việc nên làm và không nên làm, … đến chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni. Chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni phải nghiêm chỉnh hành theo những điều mà Đức-Phật đã chế định, không được thêm vào hoặc bớt ra. Nếu vị nào cố ý sai phạm điều nào thì vị ấy phải chịu tội nặng hay nhẹ, tùy theo mỗi điều-giới ấy.
Đức-Phật là Bậc độc nhất chế định và ban hành Tạng-luật, còn các hàng Thánh thanh-văn đệ-tử không được phép chế định một điều nào cả.
2- Đức-Phật giáo huấn tùy theo lỗi như thế nào?
Khi nào tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu ni bị phạm lỗi lần đầu tiên, bị người đời hoặc chư-thiên chê trách, làm tổn thương đến uy tín của chư tỳ-khưu-tăng. Khi ấy, Đức- Phật mới chế định điều-giới, ban hành đến chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, để đem lại 10 điều lợi ích như sau:
2.1- Saṃghasuṭṭhutāya: Để đem lại sự tốt lành cho tỳ- khưu-Tăng, tỳ-khưu-ni-Tăng.
2.2- Saṃghaphāsutāya: Để đem lại sự an lành cho tỳ- khưu-Tăng, tỳ-khưu-ni-Tăng.
2.3- Dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya: Để khiển trách tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni phá giới, khó dạy không biết hổ-thẹn tội-lỗi và không biết ghê-sợ tội-lỗi.
2.4- Pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuviharāya: Để đem lại sự an lành đến những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni biết kính yêu giới.
2.5- Diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya: Để ngăn ngừa những tai họa xảy ra trong kiếp hiện-tại.
2.6- Samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya: Để tránh khỏi tai họa tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) trong kiếp vị-lai.
2.7- Appasannānaṃ pasādāya: Để làm cho phát sinh đức-tin đến những người chưa có đức-tin nơi Tam-Bảo.
2.8- Pasannānaṃ bhiyyo bhavāya: Để làm tăng trưởng thêm đức-tin cho những người đã có đức-tin nơi Tam-Bảo.
2.9- Saddhammaṭṭhitiyā: Để làm cho chánh-pháp “pháp-học chánh-pháp, pháp-hành chánh-pháp, pháp-thành chánh-pháp” được trường tồn lâu dài.
2.10- Vinayānuggahāya: Để giữ gìn hộ trì giới luật được nghiêm minh.
Sau khi có tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu ni phạm lỗi đầu tiên, thì Đức-Phật mới chế định ra điều-giới. Cho nên, những tỳ-khưu nào, tỳ-khưu-ni nào phạm lỗi đầu tiên, tỳ-khưu ấy, tỳ-khưu-ni ấy không phải phạm điều-giới ấy. Đức-Phật chế định điều-giới nặng hoặc nhẹ, tùy theo lỗi nặng hoặc nhẹ. Sau khi Đức-Phật đã chế định điều-giới nào rồi, ban hành đến tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, nếu tỳ-khưu nào, tỳ-khưu-ni nào cố ý phạm điều-giới ấy thì tỳ-khưu ấy, tỳ-khưu-ni ấy đã phạm điều-giới ấy.
3- Đức-Phật răn dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn cẩn trọng thân và khẩu như thế nào?
Đức-Phật ban hành điều-giới đến tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cốt để răn dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni biết giữ gìn cẩn trọng thân và khẩu, tránh xa mọi hành ác do thân và khẩu. Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn điều-giới được trong sạch, có thể diệt được phiền-não loại thô (vitikkama-kilesa), để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển. Đó là những đặc tính đặc biệt của Tạng Luật Pāḷi.
Tỳ-Khưu-Giới
Đức-Phật chế định, ban hành điều-giới của tỳ-khưu trong Bhikkhupātimokkhasīla có 227 điều-giới như sau:
1- Pārājika: Giới bại hoại có 4 điều-giới.
2- Saṃghādisesa: Giới hành phạt có 13 điều-giới.
3- Aniyata: Giới bất định có 2 điều-giới.
4- Nissaggiya pācittiya: Xả rồi sám hối có 30 điều-giới nghĩa là tỳ-khưu phải xả bỏ vật bị phạm giới trước, sau đó mới xin sám hối (pācittiya āpatti).
5- Suddha pācittiya: Giới sám hối lỗi có 92 điều-giới.
6- Pāṭidesanīya: Giới sám hối riêng rẽ có 4 điều-giới.
7- Sekhiya: Giới hành có 75 điều-giới.
8- Adhikaraṇasamatha: Pháp giảng hòa có 7 pháp.
Tuy nhiên, trong Tạng Luật Pāḷi gom tất cả mọi điều- giới của tỳ-khưu đầy đủ có 91.805.036.000 điều-giới. Như trong bộ Visuddhimagga dạy:
“Navakoṭisahassāni, asitisatakoṭiyo.
Paññāsasatasahassāni, chattiṃsa ca punāpare.
Ete saṃvaravinayā, Sambuddhena pakāsitā
Peyyālamukhena niddiṭṭhā, sikkhā vinayasaṃvare.”(1)
Ghi chú (1). Bộ Visuddhimagga, phần Sīlaniddesa.
Đức-Phật đã chế định những điều-giới trong Tạng Luật Pāḷi theo cách tính rộng thì gồm có 91.805.036.000 điều-giới, giữ gìn cẩn trọng thân và khẩu tránh xa mọi hành-ác.
Tỳ-Khưu-Ni Giới
Đức-Phật chế định ban hành điều-giới của tỳ-khưu-ni Bhikkhunipātimokkhasīla gồm có 311 điều-giới như sau:
1- Pārājika có 8 điều-giới.
2- Saṃghādisesa có 17 điều-giới.
3- Nissaggiya pācittiya có 30 điều-giới.
4- Suddha pācittiya có 166 điều-giới.
5- Pāṭidesanīya có 8 điều-giới.
6- Sekhiya có 75 điều-giới.
7- Adhikaraṇasamatha có 7 pháp.
Tên điều-giới | Tỳ-khưu-giới |
1- Điều-giới Pārājika có 2- Điều-giới Saṃghādisesa có 3- Điều-giới Aniyata có 4- Điều-giới Nissaggiya pācittiya có 5- Điều-giới Suddha pācittiya có 6- Điều-giới Pāṭidesanīya có 7- Điều-giới Sekhiya có 8- Điều-giới Adhikaraṇasamatha có |
4 điều-giới Tổng 227 điều giới |
Tên điều-giới | Tỳ-khưu-ni giới |
1- Điều-giới Pārājika có 2- Điều-giới Saṃghādisesa có 3- Điều-giới Nissaggiya pācittiya có 4- Điều-giới Suddha pācittiya có 5- Điều-giới Pāṭidesanīya có 6- Điều-giới Sekhiya có 7- Điều-giới Adhikaraṇasamatha có |
8 điều-giới Tổng 311 điều giới |
Phạm giới Āpatti
Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni phạm giới Āpatti có 7 loại
1- Pārājika āpatti: Phạm giới bại hoại. Mất phẩm hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu ni.
2- Saṃghādisesa āpatti: Phạm giới hành phạt. Xin chư Tăng hình phạt.
3- Thullaccaya āpatti: Phạm giới nặng. Lỗi kém thua hai giới trên.
4- Pācittiya āpatti: Phạm giới sám hối lỗi.
5- Pāṭidesanīya āpatti: Phạm giới sám hối riêng rẽ.
6- Dukkaṭa āpatti: Phạm giới hành bậy.
7- Dubbhāsita āpatti: Phạm giới nói bậy.
Phạm giới āpatti có 7 loại chia làm 2 loại chính:
1- Phạm giới āpatti nặng có hai loại
* Pārājika āpatti: Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào phạm một trong những điều-giới nặng này thì tỳ-khưu, tỳ- khưu-ni ấy bị mất phẩm-hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, họ phải hoàn tục trở lại người tại gia (hoặc xuống trở thành sa-di suốt đời).
* Saṃghādisesa āpatti: Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào phạm một trong những điều-giới nặng này thì tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni ấy tuy còn phẩm-hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, nhưng vị ấy phải biết xin chịu hành phạt theo luật của Đức-Phật ban hành: hành parivāsakamma, hành mānatta-kamma và hành abbhānakamma, để cho giới của mình được trở lại trong sạch
2- Phạm giới āpatti nhẹ có 5 loại
Thullaccaya āpatti, pācittiya āpatti, pāṭidesanīya āpatti, dukkaṭa āpatti, dubbhāsita āpatti. Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào phạm một trong 5 loại giới này thì tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni ấy có thể xin sám hối với một vị tỳ-khưu khác, để cho giới của mình được trở lại trong sạch.
Quả báu của sự giữ gìn giới
Trong Tạng Luật Pāḷi bộ Parivāra Pāḷi, Đức-Phật thuyết dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, có được quả báu theo nhân quả tuần tự như sau:
1- Giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn đem lại lợi ích là giữ gìn cẩn trọng 6 môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) được thanh-tịnh.
2- Có giữ gìn cẩn trọng 6 môn được thanh-tịnh đem lại lợi ích là tâm không nóng nảy, tâm mát mẻ.
3- Tâm mát mẻ đem lại lợi ích là có tâm hài lòng hoan hỷ.
4- Tâm hài lòng hoan hỷ đem lại lợi ích là pháp-hỷ.
5- Pháp-hỷ đem lại lợi ích là pháp an-tịnh.
6- Pháp an-tịnh đem lại lợi ích là pháp an-lạc.
7- Pháp an-lạc đem lại lợi ích là pháp thiền-định.
8- Pháp thiền-định đem lại lợi ích là trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của ngũ-uẩn.
9- Trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của ngũ-uẩn đem lại lợi ích là trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán ngũ-uẩn. 10- Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán ngũ-uẩn đem lại lợi ích là diệt tận được tham-ái bằng 4 Thánh-đạo-tuệ.
11- Diệt tận được tham-ái đem lại lợi ích là giải thoát khổ bằng 4 Thánh-quả-tuệ.
12- Giải thoát khổ bằng 4 Thánh-quả-tuệ đem lại lợi ích cho trí-tuệ quán-triệt biết rõ giải thoát khổ rồi.
13- Trí-tuệ quán-triệt biết rõ giải thoát khổ rồi đem lại lợi ích là tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Hành-giả giữ gìn giới được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng đem lại nhiều lợi ích cho mọi thiện-pháp, cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, cho đến lợi ích cao thượng là chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Quả báu của việc học Tạng Luật Pāḷi
Trong Tạng Luật Pāḷi bộ Parivāra Pāḷi, Ngài Trưởng- lão Upāli bạch hỏi Đức-Thế-Tôn về quả báu của việc học Tạng Luật Pāḷi. Đức-Phật dạy rằng:
– Này Upāli! Tỳ-khưu học Tạng Luật Pāḷi có được 5 quả báu là:
1- Chính mình biết giữ gìn giới luật được trong sạch.
2- Mình là nơi nương nhờ của những người khác, họ đến học hỏi để hiểu rõ giới luật.
3- Người có thiện-tâm dũng cảm trong các hội chúng.
4- Người thắng kẻ thù bên trong là phiền-não và kẻ thù bên ngoài bằng chánh-pháp.
5- Người hành theo chánh-pháp để duy trì chánh-pháp được trường tồn.
Đó là 5 quả báu của việc học rành rẽ Tạng Luật Pāḷi.
Tạng Kinh Pāḷi (Suttantapiṭakapāḷi)
Tạng Kinh Pāḷi là tạng gồm có nhiều bài kinh, bài kệ mà Đức-Phật đã thuyết giảng, cũng có một số bài kinh, bài kệ có lời của chư Thánh A-ra-hán, chư-thiên, chư phạm-thiên, Đức-vua, Sa-môn, Bà-la-môn, … trong các bài kinh ấy. Những bài kinh, bài kệ ấy được Đức-Phật nhắc lại hoặc xác nhận thì xem như lời dạy của Đức-Phật.
Tạng Kinh Pāḷi gồm có 5 bộ lớn:
1- Trường-Bộ-kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi): gồm có những bài kinh dài.
2- Trung-Bộ-kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi): gồm có những bài kinh loại trung.
3- Đồng-Loại Bộ-kinh Pāḷi (Samyuttanikāyapāḷi): gồm những bài kinh có điểm giống gom thành nhóm.
4- Chi-Bộ-kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāyapāḷi): gồm những bài kinh có chi-pháp rõ ràng.
5- Tiểu-Bộ-kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi): gồm những bài kinh, bài kệ không có trong 4 bộ trên, được gom vào Tiểu-Bộ-kinh này.
Tạng Kinh Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
1- Đức-Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp (vohāradesanā).
2- Đức-Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng-sinh (yathānulomasāsana).
3- Đức-Phật thuyết dạy chúng-sinh diệt được tà-kiến (diṭṭhiviniveṭhanakathā).
1- Đức-Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp như thế nào?
Đức-Phật thuyết pháp bằng cách dùng ngôn ngữ thích hợp đối với mỗi chúng-sinh. Cho nên, Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh gồm có nhiều hạng chúng-sinh khác nhau như tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự- nữ, Vua chúa, Bà-la-môn, dân chúng, cho đến chư-thiên, chư phạm-thiên, v.v…
Mỗi khi chúng-sinh lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, họ đều hiểu rõ ràng chánh-pháp, bởi do ngôn ngữ thích hợp theo trình độ riêng của mỗi chúng-sinh. Vì vậy, sau khi nghe pháp xong, có số trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, có số trở thành bậc Thánh Nhất-lai, có số trở thành bậc Thánh Bất-lai, có số trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.
Cũng có số chúng-sinh chưa trở thành bậc Thánh-nhân, họ đang tạo duyên lành, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật để chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả trong thời vị-lai kiếp này, hoặc kiếp sau.
2- Đức-Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng-sinh như thế nào?
Đức-Phật có hai loại trí-tuệ đặc biệt là:
1- Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ biết rõ 5 pháp-chủ già dặn hoặc non nớt của mỗi chúng-sinh.
2- Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ biết rõ phiền-não trầm luân ngấm ngầm của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Phật biết rõ được chúng-sinh có duyên lành chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, hoặc không chứng đắc, nên Đức-Phật thuyết pháp tế độ phù hợp với duyên lành của chúng-sinh ấy. Khi chúng-sinh ấy lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được phiền-não, tham-ái, trở thành bậc Thánh-nhân.
Ví như một vị thầy thuốc có tài đức, biết chẩn bệnh chính xác, biết rõ căn bệnh của bệnh nhân, liền bốc thuốc tốt nên bệnh nhân mau lành bệnh.
3- Đức-Phật thuyết dạy chúng-sinh diệt tà-kiến như thế nào?
Đức-Phật biết rõ mỗi chúng-sinh có tà-kiến khác nhau (trong 62 loại tà-kiến), nên Đức-Phật thuyết dạy chúng-sinh ấy phát sinh chánh-kiến, nên diệt được tà-kiến theo chấp ngã, các loại tà-kiến khác cũng bị diệt cùng một lúc, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân một cách dễ dàng.
Đó là ba đặc tính đặc biệt của Tạng Kinh.
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭakapāḷi)
Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm những chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) cao siêu, vi diệu, là những pháp có thật-tánh rõ ràng như: thiện-pháp (kusaladhamma), bất-thiện-pháp (akusaladhamma), không phải thiện-pháp, không phải bất-thiện pháp (abyākatadhamma), …
Những pháp ấy được phân chia ra là ngũ-uẩn, 12 xứ, 18 tự tánh, … tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa), Niết-bàn (Nibbàna), thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, … chỉ là những thật-tánh-pháp mà thôi.
Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi được Đức-Phật thuyết tại cung trời Tam-thập-Tam-thiên vào mùa hạ thứ 7 của Đức-Phật, để tế độ Phật-mẫu mà kiếp hiện-tại là vị thiên-nam Santussita ở cõi trời Đâu-suất-đà-thiên. Vị thiên-nam Santussita hiện xuống cung trời Tam-thập-Tam-thiên lắng nghe Đức-Phật thuyết Tạng Vi-diệu-pháp này suốt ba tháng hạ.(1) Vị thiên-nam Santussita trở thành bậc Thánh Nhập-lưu cùng với 800 tỷ chư-thiên, chư phạm-thiên cũng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn cao thấp tùy theo năng lực của pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm- pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị.
Ghi chú (1). Thời gian 3 tháng hạ ở cõi người so với ở cõi trời Tam-thập-Tam-thiên là khoảng 3 phút 36 giây, bởi vì một ngày một đêm ở cõi trời Tam-thập-Tam-thiên bằng 100 năm ở cõi người.
Đức-Phật thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi trên cung trời Tam-thập-Tam-thiên, mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức-Phật-hóa tiếp tục thuyết giảng, còn Đức-Phật thật ngự đi khất thực nơi Bắc-cưu-lưu-châu, rồi ngự đến hồ nước Anotatta tại rừng núi Himavanta, Đức-Phật thọ thực. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta mỗi ngày đến hầu phục vụ Đức-Phật. Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật thuyết giảng lại Vi-diệu-pháp tóm lược ngày hôm ấy cho Ngài Đại-Trưởng-lão.
Đức-Phật ngự trở lại cung trời thay thế Đức-Phật-hóa tiếp tục thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trở về dạy lại bằng cách khai triển đầy đủ cho nhóm 500 đệ-tử của Ngài. Như vậy, suốt ba tháng hạ mùa mưa, Đức-Phật thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi trên cung trời Tam-thập-Tam-thiên, thì tại cõi người, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cũng giảng dạy lại cho nhóm 500 đệ-tử thông thuộc, thấu suốt Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi. Về sau Tạng Vi- diệu-pháp Pāḷi được lưu truyền rộng rãi đến các hàng thanh-văn đệ-tử cho đến ngày nay.
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi gồm có 7 bộ
1- Bộ Dhammasaṅgaṇīpāḷi: Bộ Pháp-hội-tụ gồm tất cả các chân-nghĩa-pháp thành nhóm Mātikā pháp đầu đề, có tất cả 132 mātikā chia làm hai loại:
– Tika mātikā: Pháp đầu đề có ba chi-pháp gồm có 32 mātikā, Duka mātikā: Pháp đầu đề có hai chi-pháp gồm có 100 mātikā, …
2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích gồm các pháp phân tích thành 18 loại, uẩn (khandha), xứ (āyatana), tự tánh (dhātu), v.v…
3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại gồm các pháp phân loại thành ngũ-uẩn (khandha), 12 xứ (āyatana), 18 tự-tánh (dhātu), tứ đế (sacca)…
4- Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ Pháp-nhân-chế-định phân biệt các hạng người khác nhau.
5- Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh-pháp.
6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với nhau từng cặp.
7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ giải về 24 duyên (paccaya) có quan hệ với nhau.
Bộ Pháp-duyên-hệ này là bộ lớn và rộng nhất, sâu sắc và vi-diệu nhất trong Phật-giáo.
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
1- Đức-Phật thuyết giảng về chân-nghĩa-pháp (Paramatthadesanā).
2- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy theo căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã (yathādhamma- sāsana).
3- Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh-pháp (nāmarūpaparicchedakathā).
1- Đức-Phật thuyết giảng về chân-nghĩa-pháp như thế nào?
Đức-Phật chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Đức-Phật thông hiểu thấu suốt tất cả các chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) đó là tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa) và Niết-bàn (Nibbāna). Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có Ñeyyadhamma (1) đầy đủ năm pháp đặc biệt, nên Đức-Phật có khả năng chế định ra ngôn ngữ để thuyết giảng chân-nghĩa-pháp, thuyết dạy Tạng Vi-diệu-pháp này. Ngoài Đức-Phật ra, không có một vị đạo-sư nào có khả năng thuyết giảng chân-nghĩa-pháp này, bởi vì họ không phải là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Ghi chú (1) Ñeyyadhamma có 5 pháp 1- Saṅkhāra: Các pháp-hành cấu tạo. 2- Vikāra: Các pháp biến đổi. 3- Lakkhaṇa: Các trạng-thái của các pháp. 4- Paññatti: Các chế-định-pháp. 5- Nibbāna: Niết-bàn.
2- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy theo căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã như thế nào?
Đức-Phật biết rõ tà-kiến theo chấp ngã của chúng-sinh khác nhau như:
Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp sắc-pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp ngũ-uẩn (pañcakkhandha) là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong ngũ-uẩn có 4 danh-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp là pháp vô-ngã (anattā), còn một sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp cũng là pháp vô-ngã.
Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp sắc-pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp danh-pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng-sinh này, Đức-Phật thuyết pháp 12 xứ (12 āyatana) là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong 12 xứ, có 10 xứ: nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-xứ, thân-xứ, và sắc-xứ, thanh-xứ, hương-xứ, vị-xứ, xúc-xứ thuộc về sắc-pháp là pháp vô-ngã (anattā). Còn lại ý-xứ thuộc về danh-pháp và phần pháp-xứ thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là pháp vô-ngã.
Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp và sắc-pháp tương đương cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp 18 tự-tánh (18 dhātu) là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong 18 tự-tánh, có 10 tự-tánh: nhãn-tự-tánh, nhĩ-tự- tánh, tỷ-tự-tánh, thiệt-tự-tánh, thân-tự-tánh, và sắc-tự-tánh, thanh-tự-tánh, hương-tự-tánh, vị-tự-tánh, xúc-tự- tánh thuộc về sắc-pháp là pháp vô-ngã (anattā). Còn lại 7 tự-tánh khác: nhãn-thức-tự-tánh, nhĩ-thức-tự-tánh, tỷ-thức-tự-tánh, thiệt-thức-tự-tánh, thân-thức-tự-tánh, ý-tự-tánh, ý-thức-tự-tánh thuộc về danh-pháp là pháp vô-ngã (anattā). Riêng pháp-tự-tánh thuộc về danh-pháp và sắc-pháp là pháp vô-ngã, v.v…Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp là pháp vô-ngã (anattā), không phải ta, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, … để diệt tà-kiến theo chấp ngã.
3- Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh-pháp như thế nào?
Đức-Phật thuyết giảng phân tích cho chúng-sinh thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thuộc về pháp hữu-vi; mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp có thật-tánh-pháp, có trạng-thái riêng, có sự sinh, sự diệt, nên có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để diệt tâm tà-kiến thấy sai chấp lầm từ danh-pháp, từ sắc-pháp cho là tự ngã của ta, diệt tâm tham-ái trong sắc-pháp, danh-pháp cho là của ta, diệt tâm ngã-mạn chấp sắc-pháp, danh-pháp cho là ta hơn người, bằng người, kém thua người, …
Đó là ba đặc tính đặc biệt của Tạng Vi-diệu-pháp.
Quả báu của sự học Tam-Tạng Pāḷi
Hành-giả theo học và hành nghiêm chỉnh đúng đắn theo Tạng Luật Pāḷi, giữ gìn giới đức trong sạch trọn vẹn.
Hành-giả có giới trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, nương nhờ giới, thực-hành pháp-hành thiền-định và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tam- minh(1) do năng lực quả báu của pháp học Tạng Luật Pāḷi.
Hành-giả học thông-thuộc Tạng Kinh Pāḷi có giới trong sạch thanh-tịnh làm nền tảng, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc bát-thiền.(2)
Ghi chú (1) Tam minh: Tiền-kiếp-minh, Thiên-nhãn minh, Trầm-luân-tận-minh. (2) Bát thiền: 4 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
Hành-giả dùng bậc thiền làm nền tảng, nương nhờ bậc thiền làm đối-tượng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với lục thông(1) do năng lực quả báu của pháp-học Tạng Kinh Pāḷi.
Ghi chú (1) Lục thông: Đa-dạng-thông, thiên-nhãn-thông, thiên-nhĩ-thông, tiền-kiếp- thông, tha-tâm-thông, trầm-luân-tận-thông.
Hành-giả học thông-thuộc Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi có giới và định làm nền tảng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ phân-tích,(2) do năng lực quả báu của pháp-học Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Ghi chú (2) Tứ-tuệ-phân-tích: Nghĩa phân-tích, Pháp phân-tích, Ngôn-ngữ phân tích, Tuệ-ứng-đối phân-tích.