Tu là gì? Tu là sửa lòng, bỏ tà theo chánh, lánh giả tìm chơn. Giả là: “Thế sự vạn ban đô thị giả”. Chơn là: “Thiên địa hoại Niết-bàn bất hoại”.
Tu phải lấy chi làm căn bổn? Phải quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Phật là: kính tin theo lời Phật, học theo tánh Phật là từ, bi, hỷ, xả. Quy y Pháp là: thực hành theo kinh, luật, luận của Phật đã giáo truyền, nhưng mình phải nhớ, Phật có dạy A-Nan-Đa Tôn giả rằng: “A-Nan-Đa này! Khi Như Lai diệt độ rồi, ngươi chớ nên tưởng, không còn ai là thầy của các ngươi nữa. Tuy Như Lai nhập Niết-bàn nhưng Như Lai còn để Pháp lại, Pháp ấy tức là thầy của các ngươi đó. Nhưng các ngươi phải nhớ lời Như Lai dặn: Dầu ngày sau, có ai nói rằng: Ta có nghe Phật giảng dạy cách này, hoặc cách kia, ngươi cũng khoan tin vội, mà cũng đừng bỏ vội. Nghe rồi hợp phải xét lại nếu đúng theo chơn lý, ấy là lời của Như Lai giáo hóa, bằng không là lời bịa đặt, các ngươi phải dè dặt lấy.” Quy y Tăng là: Phải mặc theo Phật, giữ giới luật cho chín chắn, tu hành theo con đàng của Phật tổ Thích Ca đã giáo truyền.
Vậy, nay được sớm thức tỉnh biết tu là cội phước, mình tu, cũng khuyên cha mẹ, vợ con, bậu bạn cùng tu theo. Bằng thân quyến chưa chịu, mình phải ráng chí tu, khi đã thành công trở về độ cho phụ mẫu, thê nhi, hoàn viên phước quả rồi thì được an vui đời đời kiếp kiếp. Dường ấy đối với cha mẹ mới thật là người đại hiếu, với vợ con mới gọi là chỗ thậm tình cho.
Trích: Phật giáo lược luận, Phật ngôn trích dịch, soạn giả Tỳ Khưu Hộ Tông
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.