Tu Nữ Cũng Là Cái Bóng Của Ni Đoàn Tỳ Kheo Ni
Không biết duyên lành từ đâu đã đưa tôi sinh trưởng trong gia đình truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda và được lớn khôn trong chiếc nôi ấy. Sau ngày tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi cất bước lên đường xuất gia theo lý tưởng mà tôi đã nung nấu bây lâu nay.
Sau lễ xuất gia, tôi đã trở thành người Tu Nữ Nam Tông cùng với bốn chị gái tôi: Mỹ Hồng, Mỹ Xuân, Mỹ Thanh, Mỹ Nhung. Là tâm trạng của chú chim non vừa rời tổ ấm nhà trường, tôi hăm hở vui mừng học từng trang kinh tụng dưới ngọn đèn dầu đủ để soi sáng tâm hồn yêu đạo của tôi lúc ấy. Cũng như không gì ngần ngại khi mỗi ngày chị em chúng tôi vượt qua trên 10 cây số đến Chùa Siêu Lý tham dự các lớp giáo lý dưới sự hướng dẫn cuả Ngài Giáo Thọ Sư Giác Giới và chư Tăng bổn tự. Sau hai năm học tập ở quê nhà, chúng tôi lặng lẽ lên Sài Gòn để tiếp bước con đường học vấn.
Tuy nhiên, trong tâm trạng vui tươi và tràn trề sức sống đó, tôi cũng có lúc choáng váng trước những câu nói mà thiên hạ ban tặng cho Tu Nữ chúng tôi:
“Tu Nữ cũng là cư sĩ giữ tám giới thôi, có gì đâu mà phải xuất gia!!!”.
Có người đặt câu hỏi thắc mắc trong đêm đầu đà rằng:
“Đã biết người nữ vào tu là hại giáo pháp, sao các cô xuất gia làm gì ?”
Hay có cụm từ mà phần đông dành gọi cho Tu Nữ chúng tôi là “Bạch Y Cư Sĩ”.
Nhìn chung, trong tầm mắt của nhiều người, giới Tu Nữ Nam Tông không có chổ đứng trong hội chúng và không được xem là bậc xuất gia.
Có lẽ không ít người thấy sao tôi quá nhỏ bé khi đau lòng những chuyện không đáng vào đâu. Vì đến với giáo pháp là đi vào sự tu tập diệt phiền não, tìm cái an lạc bên trong là quan trọng, chứ đâu phải tìm danh dự, chỗ đứng hay lợi lộc. Cốt lõi giáo pháp không nằm ở những từ ngữ danh xưng, hay địa vị, hay sắc phục che thân. Và để được gọi là con trai, con gái cuả Như Lai khi nào “gánh nặng đã đặt xuống, sau đời sống này không còn đời sống khác”.
Vâng! Đúng như vậy! Tôi hiểu. Nhưng làm sao khỏi chao động tâm hồn khi tôi còn là phàm phu hoan toàn, đang trong độ tuổi mới chập chững bước vào đời bằng những vốn liếng kiến thức sách vỡ mà Thầy Cô chỉ dạy. Thầy Cô tôi, ngoài việc truyền dạy kiến thức khoa học nhân văn, còn dành nhiều lời lẽ động viên khích lệ học sinh hướng đến lợi ích tương lai cho đời mình, cho xã hội, và cho tổ quốc mình. Những câu nói của Bác đã ăn sâu vào đời sống học sinh qua năm điều Bác dạy và những kì vọng khẳng định giá trị hiện hữu và công sức nổ lực của mỗi học sinh chúng tôi rằng:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.
Đó! Như vậy đó! Tôi đã lớn lên với tất cả niềm hăng say rèn luyện đạo đức bản thân mình và luôn mong mỏi những nổ lực của mình sẽ đem đến lợi ích cho xã hội. Điều đó như là một nhu cầu cần thiết khẳng định giá trị tồn tại của một con người đang có mặt trên coi đời này.
Thế nhưng khi vào đạo thì…..ngọn gió đời càng thổi mạnh. Có lúc tôi cảm thấy hụt hẫng, chới với giữa dòng đời chảy xiết. Có nhiều đêm thổn thức bên chồng sách vở, tôi đã ôm ghì lấy quyển kinh áp sát vào lồng ngực mà ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Đối với tôi, tôi rất tin vào Đức Phật. Với trí tuệ của bậc Toàn Giác, Ngài thấy và biết rõ điều gì cần làm. Và vì sao phải cần làm như vậy. Sau khi tìm hiểu luật tạng tỳ kheo ni, tôi nhận ra rõ rằng truyền thống tỳ kheo ni theo luật tạng nam truyền Theravāda đã mất đi, tức không còn được duy trì đến hôm nay là điều hợp lí và hợp pháp.
Có lần, Ngài Giáo Thọ Sư Giác Giới đã có lời sách tấn hàng Tu Nữ trong đêm đầu đà rằng: “các cô xuất gia Tu Nữ cũng là cái bóng của ni đoàn tỳ kheo ni”. Ngài Thượng Tọa Giác Chánh cũng có lần khuyến khích chị em chúng tôi nên đọc luật tỳ kheo ni, rồi dần dần tu tập theo. Dẫu chỉ một lần nói qua thôi, nhưng đối với tôi là cả một niềm an ủi to lớn.
Thêm điều may mắn khác là trong thời gian đang tu học tại Thái Lan, tôi đã gặp Sư Chánh Đạo, một vị Sư người Pháp gốc Việt đã xuất gia tỳ kheo tu học xứ Phật giáo Miến Điện từ năm 2002 và hiện nay đang là sinh viên tiến sĩ tại trường Phật học Mahachulalongkornrajavidyalaya ở Thái Lan. Với kinh nghiệm nếm trải đường đời và khả năng chiêm nghiệm giáo pháp, Sư đã giải tỏa đi rất nhiều thứ u uất trong tôi. Nhờ sự chỉ dạy của sư, tôi đã biết hạnh phúc khi ngắm nhìn những cảm giác đang diễn ra trong tôi và hơi thở đã trở thành người bạn lành có mặt mọi lúc mọi nơi khi tôi vào chơi cùng với nó. Tôi đã tôn kính Sư như một người Thầy.
Thỉnh thoảng, Sư Chánh Đạo hướng dẫn tôi đến thăm viếng và học hỏi từ Ngài Hòa Thượng Tịnh Giác (Visuddhasāro). Nhờ vậy, tôi biết được Ngài Tịnh Giác là một vị Tăng sĩ Nam Tông Việt Nam, đã xuất gia tỳ kheo tu học từ năm 1962 tại chùa Wat Samphraya ở Băng Cốc, Thái Lan. Có thể nói, Ngài được xem như là người Việt Nam đầu tiên đã học đỗ đạt thành công tới Pāli Badộtbẹt ( Pāli VIII) tại trường chuyên Pāli tại vương quốc Thái Lan.
Với trình độ hiểu biết uyên thâm về giáo lý kinh điển Pāli, Ngài Tịnh Giác đã chỉ dạy tôi rằng Tu Nữ Nam Tông dù không phải tỳ kheo ni, nhưng cũng là bậc xuất gia trong ý nghĩa là người thực hành giới hạnh.
Từ “sῙlacārinῙ” trong tiếng Pāli là chỉ cho Tu Nữ hôm nay. Nghĩa là người sống thực hành giới luật trọn đời hay còn có thể gọi theo từ ngữ ngày nay là nữ tu sĩ. Bên cạnh đó, Sư Chánh Đạo cho biết thêm ở Phật Giáo Miến Điện thì dùng từ “tῙla-shin” để gọi cho các cô Tu Nữ. Từ “tῙla” được gọi chạy ra từ chữ “sῙla” nghĩa là giới; từ “shin” gọi tắc từ chữ “Ashin” nghĩa là master = người thầy. Đây là lối dùng từ mang tính tôn trọng người nữ xuất gia hay có thể hiểu là bậc thực hành giới hay tu Sayalay trong tiếng Myanmar để gọi cho Tu Nữ một cách tôn trọng.
Đúng là mở rộng thêm sự hiểu biết giúp tôi tháo gỡ đi bao gút mắc mà tôi lặn lội tìm câu trả lời “Tu Nữ là ai khi thiên hạ cho rằng không phải người xuất gia?”. Tôi vô cùng tri ân Ngài Tịnh Giác đã cho tôi biết từ Pāli “sῙlacārinῙ” dùng chỉ cho Tu Nữ Nam Tông. Điều này là yếu tố không kém phần quan trọng để xác định rõ Tu Nữ Nam Tông là nữ tu sĩ trong Phật giáo.
Càng ngẫm nghĩ tôi càng cảm kích tấm lòng từ bi của Chư Tăng. Vì rằng truyền thống tỳ kheo ni không còn nữa trong Phật giáo Nam Truyền Theravāda, nhưng các Ngài đã mở ra con đường cho nữ giới bằng hình thức xuất gia Tu Nữ sῙlacārinῙ để những ai muốn sống đời phạm hạnh, khép mình theo giới luật, thọ trì giáo pháp thì có thể xuất gia trở thành sῙlacārinῙ. Nhờ vào hình thức đó như là điều kiện tốt để giảm bớt những ràng buộc thế tục mà tập trung tâm hồn vào rèn luyện giới hạnh và đầu tư thời gian vào việc học Phật Pháp.
Hôm nay, nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được ban Tôn Giáo và Ban Trị Sự Phật giáo thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đã chứng minh và công bố quyết định thành lập chùa cho nhóm Qúy Cô Tu Nữ Nam Tông chúng tôi. Đó là Chùa Như Pháp ở làng Cái Đôi trên quê hương tôi. Sự có mặt Chùa Như Pháp trong danh sách chùa của tỉnh nhà, điều này đã xác định giá trị có mặt của Tu Nữ trong giáo hội Phật giáo và vai trò trách nhiệm của Tu Nữ Nam Tông góp phần làm tốt đạo đẹp đời cho tổ quốc Việt Nam.
Tôi không phải là đứa con rơi! Đúng không?
TN: Mỹ Thúy
Ghi chú: Bài viết nguyên thuỷ có tựa đề “Tôi Không Phải Là Đứa Con Rơi” của Cô Tu Nữ Mỹ Thuý. Nhưng xét thấy, đây là một trong những vấn đề đang được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo Chư Tăng, Cận sự nam – nữ. Nên Admin có chút thay đổi tiêu đề để cuốn hút hơn, và tiêu đề cùng là một đoạn trong bài viết của Cô.
Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.