Tứ Thanh Tịnh Giới (Catupārisuddhisila)

Tứ Thanh Tịnh Giới (Catupārisuddhisila)

    PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - THERAVĀDA
    -----

    LUẬT XUẤT GIA

    Quyển hạ

    TỨ THANH TỊNH GIỚI (CATUPĀRISUDDHISĪLA)

    ---

    Soạn giả

    Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Tông

    (Vaṅsarakkhita Mahāthera)

     

    TỨ THANH TỊNH GIỚI (CATUPĀRISUDDHISILA)

    1) Biệt biệt giải thoát thu thúc giới (pātimokkhasaṃvarasīla);

    2) lục căn thu thúc giới (indriyasaṃvarasīla);

    3) chánh mạng thu thúc giới (ājīvapārisuddhisīla);

    4) quán tưởng thọ vật dụng giới (paccayasannisstasīla).

    I. BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀTIMOKKHASAṂVARASĪLA)

    Trong 4 giới trong sạch, xin giải về: “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới” là sự thu thúc theo điều học trong giới bổn trước.

    Giới mà đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: “Tỳ khưu trong giáo pháp này, đã thu thúc theo giới bổn, đều đủ cả ācāra và gocāra, là người đã thọ trì những điều học, hay có lòng lo sợ tội lỗi, dầu là nhỏ nhen chút ít. Như thế gọi là: “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”.

    Tiếng pātimokkha(1) nghĩa là “Pháp mà người đã thọ trì đúng đắn rồi, nó hằng làm cho người đó được thoát khỏi sự thống khổ, nhứt là khỏi khổ trong bốn đường dữ (cầm thú, a- tu-la, ngạ quỉ, địa ngục)”. Tất cả điều học mà đức Thế Tôn đã chế định, hiệp lại gọi là pātimokkha ấy, có thể làm cho người thọ trì theo được nhiều điều lợi ích cao thượng, như đã có giải. Câu nói: “Thu thúc theo pātimokkha”, là nói được thu thúc điều học mà đức Thế Tôn đã truyền răn để lại.

    1. Giải về tiếng ācāra và anācāra

    Phẩm cách người mong được điều hữu ích, phải cố gắng hành theo, gọi là ācāra, trái lại gọi là anācāra.

    Trước hết, xin giải về tiếng anācāra, vì hai pháp ấy có sự tương phản cùng nhau: anācāra về đàng dữ, ācāra về đàng lành. Tiếng anācāra là nói về sự hành ác, do nghiệp thân, nghiệp khẩu, hoặc luôn cả nghiệp thân và khẩu, tức là nói về sự phá giới.

    Còn sự nuôi mạng không chơn chánh, là nói về tỳ khưu nuôi mạng nhờ: 1) giả làm cách tề chỉnh; 2) giả làm cách vui vẻ; 3) nói ướm; 4) giả bộ dọa dẫm; 5) được nơi đây đem cho nơi kia, được nơi kia đem cho nơi đây; 6) cho tre; 7) cho lá cây; 8) cho bông hoa; 9) cho trái cây; 10) cho cây xỉa răng; 11) cho nước rửa mặt; 12) cho vật để tắm; 13) cho vật thoa dồi; 14) cho đất (của tăng); 15) tôn kính kẻ thế; 16) thật ít, dối nhiều; 17) giữ giùm con cho người; 18) làm tay sai cho người; 19) làm thầy thuốc cho người; 20) làm kẻ đem tin cho người; 21) chịu cho người sai khiến; 22) đem cơm cho người rồi đi khất thực sau mà ăn; 23) cho đi, cho lại; 24) xem thiên văn địa lý; 25) xem ngày tháng, sao hạn cho người; 26) xem tài tướng và xem thai đàn bà (đẻ trai hay đẻ gái). Nếu tỳ khưu có lòng ham muốn mong được lợi để nuôi mạng theo 26 điều tà mạng trên đây, chẳng được gọi là tỳ khưu (trừ ra không có lòng ham muốn thì không kể).

    Anācāra chia ra có 2 nghiệp: kāvika: hành tà do nghiệp thân; vācāsika: hành tà do nghiệp khẩu. Giải: tỳ khưu khi vào giữa giáo hội không lòng cung kính, đứng, ngồi, đụng, chạm, lấn lướt vị cao hạ hơn mình; đứng hoặc ngồi trước vị cao hạ, đứng hoặc ngồi cao hơn vị cao hạ; nói múa tay trước mặt vị cao hạ; vị cao hạ đi chân mà mình mang giày hoặc vị cao hạ ở thấp mà mình ở cao; đứng hoặc ngồi không ngay thẳng; không cho phép vị thấp hạ ngồi; để củi trong nhà khói mà không cho vị cao hạ hay; đi tắm không nhường cho vị cao hạ; lúc tắm và khi tắm xong lên, đi vào xóm hoặc ra xóm cũng như thế; hoặc đi đến nhà nào, vào buồng của người đã khép cửa; có phụ nữ ngồi đâu lại đi vào nơi ấy; vò đầu kẻ trai hoặc gái, các sự hành động như thế gọi là anācāra; hành tà do nghiệp thân.

    Có vị tỳ khưu khi vào giữa giáo hội nói những lời vô lễ, không bạch trước với vị cao hạ mà thuyết pháp, hỏi hoặc giảng giới bổn (pātimokkha) đứng nói, múa tay; nếu đi vào xóm thấy phụ nữ, trẻ, hoặc già, kêu nói: cô này, có cháo không? Có cơm không? Có bánh không? Có gì ... ta ăn, uống? ... Có chi dùng? Các cô này! Có chi dâng cho ta v.v... Những lời nói ấy là anācāra, hành tà do nghiệp khẩu.

    Còn về ācāra tức là thu thúc theo giới luật trái hẳn với anācāra như đã giải trên, và cũng chia ra có 2 nghiệp: nghiệp thân và nghiệp khẩu, giống nhau. Người học Phật nên lấy đó làm nơi xu hướng.

    Tóm lại, tiếng ācāra để nói về phẩm cách vị tỳ khưu có lòng tôn kính và nghiêm trì giới luật, có sự hổ thẹn và gớm ghê những điều tội lỗi, ăn mặc theo điều “Ưng học pháp” (sekhiyavatta), đi tới, thối lui, xem trước nhắm sau, ngồi, đứng phải phép đáng cho người kính nhường, mắt ngó xuống, oai nghi chơn chánh, lục căn thanh tịnh, có sự tiết độ, có trí nhớ, có sự biết mình satisampajañña, ít tham muốn, có độ lượng, không hay trà trộn cùng kẻ thế, hoặc thiên vị theo đảng phái, biết đền ơn trả thảo, tôn kính người đáng tôn kính ...

    Những sự hành động ấy gọi là ācāra, hành đúng luật do nghiệp thân và nghiệp khẩu.

    2. Gocāra và agocāra.

    Cảnh vật(2) mà lục căn thường xu hướng theo gọi là gocāra.

    Giải: lục dục nếu nói cho tột lý thì có cả dữ và lành. Dữ là tư cách làm cho phát sanh tội, nhất là phạm giới. Lành là tư cách làm cho phát sanh phước, nhất là gìn giữ giới luật cho trong sạch.

    Giải về tiếng agocāra, đức Phật có tự thuyết rằng: “Tỳ khưu thường hay thân cận phụ nữ, bán nam, bán nữ, tỳ khưu ni, hàng rượu hoặc lưu luyến theo vua chúa, quan lại, người cao sang, phú hộ, kẻ dữ, người không tín ngưỡng tam bảo, hạng khinh rẻ Phật pháp, hay gây gổ cùng tín đồ và tăng chúng. Xu hướng theo những điều ấy gọi là agocāra, trái lại là gocāra”.

    Gocāra chia ra có 3 điều: 1) upanissayagocāra: nơi nương nhờ có thể làm cho đức hạnh phát sanh, như thân cận cùng bậc thiện trí thức; 2) ārakkhagocāra: cái có thể gìn giữ lục căn thanh tịnh, như trí nhớ; 3) upanibandhagocāra: phương pháp trau dồi có thể buộc chặt cái tâm, như phép Tứ Niệm xứ. Giải: những bậc thiện trí thức có đủ 10 lời nói trong sạch(3) hoặc cao minh, hằng tế độ người nương theo Phật pháp, cho được nghe chơn lý chưa từng nghe, nghe được rồi càng thêm ngưỡng mộ, làm cho người hết sự hoài nghi, phát sanh chánh kiến. Những bậc có đủ các pháp: tín, giới, văn(4), thí, tuệ, mà người nào đã nương theo rồi hằng được hưởng điều hạnh phúc, như thế gọi là upanissayagocāra.

    Giải về tiếng ārakkhagocāra, đức Phật có tự thuyết rằng: tỳ khưu khi đi vào xóm hoặc đi ngoài lộ, mắt thường ngó xuống, xa lối 1 sải, đi đứng cẩn thận, nghiêm trang không xem xe cộ, ngựa, voi, ... nhất là không để ý đến kẻ bộ hành (trai, gái), không ngó phía trên, nhìn phía dưới ... như thế gọi là ārakkhagocāra.

    Còn về upanibandhagocāra, đức Thế Tôn chỉ ngay về pháp Tứ Niệm xứ(5) dạy người tu Phật phải dùng pháp ấy để buộc chặt cái tâm như sau này:

    Yathāthambhe nibandheyya vacchaṃ damannaro idha bandheyyevaṃ sakkaṃ cittaṃ satiyā rammanedalham.

    Nghĩa là: trong vũ trụ này, những người khi tập luyện bò con, cần phải buộc chặt nó đứng yên nơi cây trụ, ví như hành giả, khi tu tâm cũng phải dùng pháp Tứ Niệm xứ để buộc chặt cái tâm, mới có thể gìn giữ tâm được yên tịnh. Đó gọi là upanibandhagocāra.

    Đức Như Lai kể ācāra và gocāra vào trong giới bổn vì là: giới của tỳ khưu được trong sạch là nhờ có hành thêm ācāra và gocāra. Nhơn đó, đức Phật mới để pháp ācāra và gocāra chung với giới bổn.

    3. Giải về tiếng “lo sợ nhỏ nhen chút ít”

    Trong điều ưng học pháp sekkhiyavatta và khandhakavatta v.v... điều học nào thuộc về vô ý mà phạm thì cũng bị tội cho nên gọi là tội “nhỏ nhen chút ít”.

    Đối với bậc trí tuệ, dầu là tội nhỏ nhen chút ít, các ngài cũng chẳng dám dể duôi phạm đến. Sự lo sợ của các ngài làm cho các ngài thấy những tội ấy lớn bằng núi Tu-di, cao đến 84000 do tuần. Bằng không, với tội nhẹ hơn hết, như tội ác khẩu, các ngài cũng rất lo sợ, xem như đại tội “Bất cộng trụ”. Chẳng phải cũng chỉ thế thôi, cho đến những nghiệp nhỏ nhen mà đức Phật nói “không phải là tội, không phải là sự dể duôi”, các ngài cũng chẳng phạm. Phẩm cách của bậc trí tuệ lo sợ tội lỗi nhỏ nhen chút ít là như thế ấy.

    Thọ trì một việc nào là việc phụ thuộc của những điều học “9 điều của đức Phật đã chế định”(6) và gìn giữ hành theo cho đều đủ, như thế gọi là đều đủ theo tất cả điều học.

    Tất cả pháp đã giải đều gọi là biệt biệt giải thoát giới – pātimokkha saṃvarasīla.

    4. Kết luận trong Biệt biệt giải thoát thu thúc giới

    Thật vậy, “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới” mà được trong sạch là nhờ có đức tin. Điều học mà đức Phật đã chế định ấy, vược qua khỏi tuệ lực của chư Thinh văn, nên chính mình đức Phật mới có thể chế định được. Nhân đó, các tỳ khưu phải thọ trì điều học, chẳng nên tiếc sự sống mà phạm giới, phải hành theo bài kệ sau đây: Pātimokkhaṃ visadhento appevajīvitaṃ jahe paññattaṃ lokanāthena na bhinde sīlasaṃvaraṃ. Nghĩa là: người có đức tin, khi đã thọ trì giới bổn, nên liều thác, chẳng nên phạm giới của đức Phật đã chế định.

    Giải rằng: Chim tê-hoạch liều chết ráng gìn giữ trứng của nó thế nào, thú cāramī liều chết ráng gìn giữ lông nó thế nào, người bá hộ có một trai, rất trìu mến, ráng gìn giữ đứa con đó thế nào, kẻ hư 1 mắt ráng gìn giữ mắt lành kia thế nào, thì các người phải ráng thọ trì giới của mình như thế ấy. Hãy lấy nó làm nơi chí thiết, làm cho giới được trong sạch hoàn toàn cũng như mấy điều kể trên đây.

    II. LỤC CĂN THU THÚC GIỚI (INDRIYASAMVARASĪLA)

    Đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: “Tỳ khưu đã thọ trì giới bổn rồi, nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, tâm biết các pháp mà chẳng cảm xúc, tinh tấn gìn giữ lục căn, không cho ác pháp (tham, sân, si) đè nén được, như thế gọi là lục căn thu thúc giới”.

    1. Giải về tiếng “chẳng cảm xúc”

    Chẳng cảm xúc là chẳng vì sự tiếp xúc mà cảm động, phân biệt rằng đây là phụ nữ, đây là nam nhân, đây đẹp, đây không đẹp, đây ngon, đây không ngon, v.v... chỉ phải ở trong phạm vi thấy nghe mà thôi.

    2. Giải về tiếng “tinh tấn gìn giữ lục căn”

    Phải tinh tấn cẩn thận, chăm chỉ không cho lục trần thâm nhập lục căn, ngăn ngừa không cho cảnh nghịch làm cho phát sanh sự thương ghét vào nhiễu loạn tâm linh. Nếu có cảnh nghịch tiếp xúc, phải dùng trí nhớ cản ngăn, nghĩa là, đừng hững hờ để cho tâm duyên theo hoàn cảnh. Phải tinh tấn hành theo pháp ācāra và gocāra cho đều đủ (như đã giải trong đề Biệt biệt giải thoát thu thúc giới).

    Sự tinh tấn như thế chỉ để ngăn ngừa lục căn không cho ác pháp (tham, sân, si) vào làm hại thiện pháp trong tâm. Bởi vì ác pháp vào được rồi, thì nó làm tiêu hoại các điều lành trong tâm, ví như đạo tặc vào nhà vậy.

    3. Thu thúc và không thu thúc

    Trong Lục căn thu thúc giới có những điều để phân biệt pháp thu thúc với pháp không thu thúc, khi những điều ấy chưa phát sanh thì không thể gọi là thu thúc hoặc không thu thúc được.

    Thế nào gọi là pháp thu thúc (samvaradharma), thế nào gọi là pháp không thu thúc (asamvaradharma)?

    5 pháp để phân biệt thu thúc là: sīlasaṃvara: pháp thu thúc tức là giới; satisaṃvara: pháp thu thúc tức là trí nhớ; nānasaṃvara: pháp thu thúc tức là trí tuệ; khantisaṃvara: pháp thu thúc tức là nhịn nhục; viriyasaṃvara: pháp thu thúc tức là tinh tấn. 5 pháp để phân biệt không thu thúc: dussīla: phá giới; mutthasacca: hay quên; aññāna: không trí tuệ; akkhanti: không nhịn nhục; kosajja: lười biếng.

    Giải: Khi 1 trong 6 trần tiếp xúc với 1 căn nào mà có 1 trong 5 pháp thu thúc phát sanh thì phải biết rằng căn ấy tỳ khưu đã thu thúc trong sạch rồi. Trái lại, nếu có 1 trong 5 pháp không thu thúc phát sanh, thì nên biết rằng căn ấy, tỳ khưu không thu thúc. Sự thu thúc và không thu thúc chẳng phải chỉ phát sanh trong 1 căn thôi đâu (chúng nó có thể phát sanh trong tất cả lục căn).

    Muốn biết những sự thu thúc và không thu thúc phát sanh, cần phải biết con đường đi từng bậc của tâm. Đây xin giải: con đường đi của tâm trong nhãn căn. Khi sắc trần tiếp xúc mắt thì những hiện tượng biết động tiếp tục phát sanh, trước hết: 1) bhavanga: tâm thường tịnh phát sanh 2 sát-na (khana), nghĩa là rung động tâm thường tịnh 2 sát-na(7) rồi diệt; 2) kiriyāmanodhātu: là cái tâm tìm kiếm sắc trần làm cho sự tìm kiếm (āvajjanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 3) cakkhuviññāna: nhãn thức, nghĩa là sự biết sắc trong nhãn căn làm cho sự thấy (dussanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 4) vipākamanodhātu: tâm dung nạp sắc trần làm cho sự dung nạp ấy phát sanh lên 1 sát-na rồi diệt; 5) vipākahetuka manoviññānadhātu: tâm xem xét chu đáo làm cho sự xem xét chu đáo (santīranakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 6) kiriyāhetuka manoviññānadhātu: tâm ghi chép sắc trần làm cho sự ghi chép (voṭṭhapanakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt; 7) sau rốt javana: tâm tốc lực(8) tùy theo trạng thái của cảnh giới, làm cho phát sanh pháp thu thúc hoặc không thu thúc.

    Khi tâm thường tịnh (bhavanga) mới phát sanh thì chưa được gọi rằng thu thúc hoặc không thu thúc. Chỉ đến khi sát-na javana phát sanh mới có thể nhất định được. Bởi tất cả các pháp để phân biện cho biết có thu thúc cùng không thu thúc đều chỉ phát sanh trong sát-na cuối cùng là javana thôi.

    Chỗ nói “phải cẩn thận trí nhớ và ráng gìn giữ 6 căn không cho các pháp là tham, sân đè nén được” là chỉ rõ rằng: khi tham, sân không đè nén được thì gọi là thu thúc. Nếu để chúng nó đè nén được thì gọi là không thu thúc. Xin ví dụ cả thân thể như nhà, 6 căn như cửa ngoài nhà, đường đi của tâm ví như buồng trong nhà, trí nhớ như người giữ cửa. Tất cả 5 pháp thu thúc ví như cửa cái, 1 trong 6 trần ví như kẻ dắt đường, tham và sân ví như kẻ cướp; cả 5 pháp không thu thúc ví như bọn tùy tùng của kẻ cướp. Khi người gác cửa tức là trí nhớ quên phận sự mình thì tất nhiên kẻ dắt đường, chính là 1 trong 6 trần, sẽ thừa dịp ấy dẫn kẻ cướp, tức là tham và sân, vào nhà. Kẻ cướp ấy tức là tham, sân, ắt đem theo bọn tùy tùng, tức là 5 pháp không thu thúc xông vào phá buồng trong nhà, tức là đường đi của tâm, để cướp lấy tài sản, tức là thiện pháp (pháp thu thúc).

    Vì vậy, cho nên cần phải tinh tấn giữ gìn 6 căn cho cẩn thận, chớ nên hờ hững để cho giác quan phóng túng như mắt hay xem sắc, tai hay nghe tiếng v.v... Những lời đã giải gọi là: “Lục căn thu thúc giới”

    4. Kết luận Lục căn thu thúc giới

    Nhờ có trí nhớ mà tỳ khưu gìn giữ 6 căn được thanh tịnh, làm cho các ác pháp, nhất là tham, sân không thể đè nén cái tâm trong sạch được.

    Có lời khen rằng “Thu thúc lục căn giới mà được kết quả mỹ mãn rồi, có thể bảo tồn giới bổn được lâu dài, ví như cây lúa mà người gìn giữ tốt tươi, là nhờ có hàng rào kín đáo, ví như tỳ khưu không thể bị đạo tặc phá quấy, tức là các phiền não vào làm hại, hoặc giả ví như 1 xứ kia được quan quân canh giữ các cửa thành rất cẩn thận làm cho bọn giặc không sao xâm nhập được”. Hiệp theo Phật ngôn rằng: Rupesu saddesu adhorasesu gandhesu, phassesu, ca rakkhatindriyaṃ ete hi dvārā pidahitā susamvutā na haranti gāmamva parassa hārino. Nghĩa là: Con người phải gìn giữ lục căn không cho điều nguy hiểm tai hại phát sanh, vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, bởi khi các cửa nhất là nhãn căn, mà người đã đóng khít khao rồi, thì chẳng bị cái chi là hại được, ví như trong xứ mà người đã đóng kín cửa thành chắc chắn, thì đạo tặc cũng không sao vào phá hại dân chúng được.

    Lại nữa, nếu tỳ khưu nào đã thu thúc lục căn rồi, vì lòng tham dục không sao phá hại tâm của vị đó được, ví như giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà đã lợp khít khao vậy. Đúng theo Phật ngôn rằng: Yathā agāraṃ succhannaṃ vuṭṭhi na samativījjhati evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ rāgo na samativījjhati. Nghĩa là: Giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà mà người đã lợp khít khao thế nào, lòng tham dục cũng không sao xâm nhập vào tâm của người đã trau dồi đúng đắn được.

    Những hành giả nào khi đã thấy rõ các đức của sự thu thúc và những tội của sự không thu thúc thì chẳng nên giải đãi, phải hết lòng tinh tấn gìn giữ lục căn theo lời chú giải sau này: Makkato va yāvajivika araññamhi vane bhanto migo viya bālo viya ca uttāsito na chavelolalocano adhe khipeyya cakkhūni yugamattadasso siyā vanamakkatalolassa na cittassa vasaṃ vaje. Nghĩa là: những người nào mong được sự lợi ích, thì mắt chẳng nên láo liên như khỉ trên cây, như thú nhút nhát trong rừng(9), như trẻ con sợ hãi vì xa thân quyến. Theo giới luật thì trong khi đi đứng phải ngó xuống, xem chung quanh mình lối 2 thước, chẳng nể chiều theo vọng tâm, xét cái này, suy cái khác như khỉ trong rừng vậy.

    III. CHÁNH MẠNG THANH TỊNH GIỚI (ĀJĪVAPĀRISUDDHISĪLA)

    Cách nuôi mạng theo lẽ chánh của tỳ khưu, không phạm 6 điều học mà đức Phật đã chế định vì nguyên nhân tà mạng, hoặc chẳng phạm nhất là 5 ác pháp, như thế gọi là giới nuôi mạng trong sạch.

    1. Giải về 6 điều học

    Sáu điều học này mà đức Phật đã chế định là: 1) tỳ khưu chỉ vì nguyên nhân nuôi sanh mạng, có sự tham muốn xấu xa, bị lòng tham đè nén rồi khoe pháp của bậc cao nhơn (pháp đại định hoặc là pháp thánh) mà mình chưa đắc, phạm tội bất cộng trụ; 2) tỳ khưu chỉ vì nuôi sanh mạng, làm mai dong, nói cho trai vừa lòng gái, gái đẹp lòng trai phạm tội tăng tàn; 3) tỳ khưu khoe pháp của bậc cao nhơn, nói không ngay, chỉ nói mí rằng “các ngài hãy xem tỳ khưu nào ở trong tịnh xá của các ngài, chính vị tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán vậy”, cách khoe mình như thế chỉ vì sự nuôi sanh mạng phạm tội. Trọng tội; 4) tỳ khưu vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật cao lương để dùng, phạm ưng đối trị; 5) tỳ khưu ni vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật thực để dùng, phạm ưng phát lộ; 6) tỳ khưu vô bịnh xin vật thực để dùng phạm tác ác.

    2. Giải về 5 ác pháp

    Năm ác pháp là pháp đê hèn, tội lỗi mà bậc tu hành phải xa lánh là: kuhanā, lapanā, nemittikatā, nippesikatā, lābhenalabhaṃ nijjigimsanatā.

    - Trong ác pháp thứ nhất - kuhanā giải rằng: tỳ khưu dục lợi muốn được người tôn kính và khen tặng, nói dối để khoe đạo đức cao thượng mà mình không có và tìm nói dối như mấy cách sau này:

    Paccayapatisevana: Phương pháp nói dối về sự thọ lãnh vật dụng. Giải: có hạng tỳ khưu được thí chủ thỉnh đến dâng cúng 4 vật dụng, tuy tâm mong mỏi được mấy món ấy, nhưng giả bộ từ chối, làm cho người tưởng rằng mình là kẻ ít tham, không cần vật quí giá, chỉ dùng vật thấp hèn thôi (như dùng y dơ của người bỏ). Vì lẽ ấy nên thí chủ thật lòng tín ngưỡng mình. Lần sau họ đem nhiều vật đến dâng cúng mới chịu thọ lãnh và kiếm thế chữa mình rằng: “Ta chẳng phải tham dùng các món ấy, nhưng muốn cho quí ngài vui lòng được phước, nên phải buộc mình thọ lãnh”. Chẳng phải chỉ giả dối trong những nơi ấy, mà còn làm ra dáng cao thượng nữa, cho người càng thêm tôn trọng mình. Các cách hành động như thế gọi là dối trá về sự thọ lãnh vật thực.

    Sāmantajappana: tỳ khưu dục lợi, muốn được người khen ngợi, giả trá bằng cách nói mí rằng: “Các ngài nên xem tỳ khưu nào mặc y như vầy, thầy tế độ và thầy giáo thọ của vị tỳ khưu ấy như vầy, tỳ khưu ở trong tịnh xá như vầy v.v... Tỳ khưu như thế là bậc Sa-môn cao thượng, bởi ngài có đạo đức thanh cao”. Hoặc nói nhiều cách khác nữa, hoặc tự khoe mình để cho người khác tán tụng. như thế gọi là sāmantajappana

    Iriyapathas ghanisita: hoặc sự giả dối xấu xa bằng cách oai nghi đi đứng. Giải: Có hạng tỳ khưu dục lợi bằng cách đê hèn, muốn được danh lợi nên khoe rằng mình có đạo đức cao thượng, thu thúc oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) theo dáng bậc cao nhơn, làm cho người lầm tưởng rằng mình có đầy đủ trí tuệ, hoặc đã đắc đại định. Như thế gọi là dối trá bằng cách giả bộ thu thúc oai nghi.

    - Trong ác pháp thứ nhì - lapanā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa, mong được tài vật và danh tiếng, khi thấy người đến chùa thì niềm nở hỏi han. Nếu người nói đến thỉnh chư tăng thì tự mình đi thỉnh thế cho, hoặc tự khoe rằng: “Ta được từ vua, chí các quan lớn nhỏ đều kính mến”. Hoặc nói lời này tiếng nọ làm cho thí chủ phải dâng cúng vật dụng cho mình. Như thế gọi là lapanā.

    - Trong ác pháp thứ ba - nemittikatā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa mong được vật dụng và danh dự, hành động hoặc nói để cho người phải bố thí tài vật đến mình. Như tỳ khưu thấy, người có vật thực ngon ngọt, làm tuồng như không thấy, giả bộ hỏi thăm bằng thế này thế kia, cho người biết rằng mình cần dùng vật ấy, khiến người phải buộc lòng đem dâng cho mình. Các cử chỉ như thế gọi là nemittikatā.

    - Trong ác pháp thứ tư - nippesikatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, mong được tài vật và danh vọng, ỷ quyền chửi mắng(10) thí chủ, dùng lời này tiếng kia, trách người không biết điều, không tín ngưỡng Phật pháp; nói lén hoặc nói xấu người, hoặc đem đến chuyện xấu nhà này nói nhà kia... như thế gọi là nippesikatā.

    - Trong ác pháp thứ năm - lābhenalābham nijigimsanatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, muốn được tài vật danh tiếng, lấy vật được nơi đây đem cho nơi kia, nhà này để cho nhà nọ, mong được của cải thêm nhiều, như thế gọi là lābhenalābham nijigimsanatā.

    Những lẽ giải trên đây gọi là sự tà mạng do 5 ác pháp.

    3. Giải về sự biết vô ích

    Sự biết vô ích, là tư cách hiểu biết thấp hèn, không có ích lợi chi. Tư cách ấy có nhiều thể thức khác nhau, nhưng đây chỉ lược thuật 8 thể thức: 1) biết sách giải về thân thể học (āngaṃ); 2) biết sách giải về các nguyên nhân khác (nimittaṃ); 3) biết sách giải về thiên văn học (uppātaṃ); 4) biết sách giải về pháp đoán điềm mộng (supinaṃ)(11); 5) biết sách giải về thần tướng học (lākkhanaṃ); 6) biết sách giải về y phục bị chuột cắn(12) (musikacchinnaṃ); 7) biết sách giải về sự cúng dường lửa (aggihomaṃ); 8) biết phương pháp cúng dường vá(13) (dobbihonaṃ).

    Tỳ khưu thọ dụng những vật thực của thí chủ có lòng tín thành dâng cúng cho, chẳng nên học hỏi sách tướng để tìm cách nuôi mạng bằng sự biết không hữu ích như giải trên.

    Tư cách của tỳ khưu, nhất là sự xa lánh 5 ác pháp và 8 điều biết không hữu ích để tìm thế nuôi mạng trong sạch gọi là hành theo chánh mạng vậy.

    4. Kết luận trong pháp chánh mạng

    Tỳ khưu chánh mạng do sự tinh tấn, thu thúc theo giới luật, nghĩa là nhờ có sự cố gắng thì pháp chánh mạng mới được trong sạch. Sự trì giới này chỉ nhờ đức tinh tấn chơn chánh, hằng xa lánh các ác pháp và sự biết vô ích như đã giải trên, mới có thể tìm vật dụng một cách trong sạch được. Theo lẽ ấy, tỳ khưu mong được điều lợi ích, chẳng nên thọ lãnh vật dụng nhơ nhớp đê hèn, trái lẽ đạo.

    Phải biết vật dụng thế nào là trong sạch thế nào là không trong sạch. Đối với các hạng tỳ khưu không tu hạnh đầu đà, những vật dụng của thiện tín thông luật pháp bố thí đến chư tăng hoặc đến 1, 2, 3 vị tỳ khưu, đều gọi là vật trong sạch. Tuy nhiên, vật dụng được do sự hành khuất, lượm lặt của người thí chủ có tâm thỏa thích trong pháp đầu đà dâng cúng, mới đáng gọi là vật dụng trong sạch. Hoặc vật dụng quí giá hay thấp hèn đã được trong một thời kỳ, tỳ khưu không dùng vật quí, đem dâng cho vị khác và để vật hèn lại cho mình, như thế mới đáng gọi là vật trong sạch cao thượng.

    Vật dụng không trong sạch là vật dụng được do sự tà mạng như đã giải trong “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”, trong anācāra, trong 6 điều học, trong 5 ác pháp và trong 8 điều biết vô ích, hoặc vật dụng do sự bom dỗ, làm thầy thuốc mà có hay tự mình mua, đổi. Những vật ấy gọi là vật không trong sạch.

    Có lời khen rằng: “Yỳ khưu nào, dầu có sự tai hại đến sanh mạng mình, cũng chẳng thối chuyển trong sự hành theo chánh mạng, thà chết chớ chẳng chịu dùng vật thực không trong sạch, mới đáng gọi là bậc chơn chánh”. Như đại đức Xá Lợi Phất, một thuở nọ, ngài đau bụng gió, tôn giả Mục Kiền Liên hỏi rằng: “Thường khi sư huynh mang bịnh ấy, vậy chớ sư huynh dùng thuốc chi để chuyên trị?” Đức Xá Lợi Phất đáp “Khi còn ở thế bị bịnh này, tôi dùng cơm nấu với sữa tươi không có lộn nước thì bịnh hết”. Trong lúc ấy có 1 vị tỳ khưu nghe được, bèn bảo người nấu cơm y như lời đức Xá Lợi Phất đã nói khi nảy. Ông ta đi khất thực rồi đem về dâng cho đức Xá Lợi Phất, nhưng ngài chẳng chịu dùng, vì cho rằng cơm này phát sanh do lời nói của mình. Ngài bèn thuyết rằng:

    “Vacīvaññatti vipphārā
    Uppannaṃ madhupāyasaṃ
    Sace bhutto bhoveyyāhaṃ
    Sājīvo garahito mama
    Yadipi me antagunaṃ
    Nikkhamitvā bahī care
    Nevabhindeyyamājīvaṃ
    Cajamānopi jīvitaṃ
    Ārādhemi sakaṃ cittaṃ
    Vivajjemi anesanaṃ
    Nāhaṃ buddhapatikkuṭṭhaṃ
    Kāhāmi ca annesanaṃ.”

    Nghĩa là:

    Nếu tôi dùng cơm sữa phát sanh do lời nói của tôi, thì ắt bậc trí tuệ khinh bỉ được.
    Dầu ruột phải lòi ra ngoài, tôi cũng cam chịu chết, chớ không thối chuyển, để làm hư hoại pháp chánh mạng của tôi.
    Tôi làm cho tâm tôi phải theo tôi, tôi phải xa lánh vật thực tìm được do tà mạng và không khi nào dám phạm tà mạng mà đức Phật đã răn cấm đâu.

    Có lời kệ rằng:

    Anesanāya cittampi ajanetvā vicakkhano ājīvaṃ parisodheyya saddhāpabbajito yati.

    Nghĩa là: Những hành giả có trí tuệ, đã xuất gia theo Phật pháp do lòng tính ngưỡng chơn chánh, phải làm cho sự nuôi mạng được trong sạch, không nên chiều theo vọng tâm, thọ lãnh vật dụng thuộc về tà mạng.

    IV. QUÁN TƯỞNG VỀ THỌ VẬT DỤNG GIỚI (PACCAYASANNISSITASĪLA)

    Giới nương theo 4 vật dụng là nói về tư cách dùng 4 món ấy được trong sạch, nhờ phép quán tưởng.

    Tiếng “vật dụng” là nói về vật phải dùng mới có thể sống được. Vật dụng ấy có 4 loại là: civara: vật để mặc, đắp, trùm cho kín thân thể; piṇdapāta: vật để duy trì thân thể; senāsana: chỗ ngồi, chỗ nằm để cho thân thể an nghỉ; gilānabhesajja: thuốc chữa bịnh để hộ thân thể.

    Tất cả chúng sanh trong thế gian đều phải dùng 4 vật ấy dầu thế nào cũng phải nhờ 1 trong 4 món ấy mới có thể sống còn được, nên gọi là vật dụng.

    1. Cách thức quán tưởng

    Về Dhātupaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy chỉ là nguyên chất “dhātu”, để dứt bỏ sự cố chấp là “ta” hay là “của ta”.

    Về patikūlapaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy là vật không sạch, đáng nhờm gớm, để dứt bỏ sự phân biện sai lầm, cho là đẹp là sạch. Nếu trong piṇḍapātapaccaya thì kể vào trong phép thiền định aharapatikūla manasikāra.

    Về taṃkhaṇikapaccavekkhana phải quán tưởng trong khi dùng.

    Còn về atītapaccavekkhaṇa thì phải quán tưởng thêm khi đã dùng rồi, nội ngày ấy để ngừa, e quên không được quán tưởng trong khi dùng, hầu ngăn lắp lòng ái dục không cho tâm khắn khít trong vật dụng, nhất là để phá huỷ tình dục, sân hận, si mê và ngã chấp không cho phát sanh vì sự thọ dụng ấy.

    Nếu tỳ khưu dùng vật dụng mà không quán tưởng, thì sự thọ dụng đó nó chỉ đem lại những thống khổ trong đường dữ, như có Phật ngôn rằng:

    Ayasāva malaṃ samutthāyataddutthāya, tamava khādati evaṃ atidhonacārinaṃ sānikammāni nayanti duggatiṃ.

    Nghĩa là: Vật đó sanh từ nơi sắt(14), ra từ nơi sắt, trở lại ăn sắt thế nào, thì các điều tạo tác phát khởi trong tâm, hằng dắt dẫn người làm sái, không cho quán tưởng vật dụng rồi dùng, nên phải chịu sa vào cảnh khổ, cũng như thế ấy.

    2. Giải về 4 phần thọ dụng

    Sự dùng vật dụng chia ra có 4 phần: 1) dùng như kẻ trộm (theyyaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu phá giới; 2) dùng như kẻ mắc nợ (inaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu có giới nhưng không được quán tưởng; 3) dùng như của di sản phải được (dāyajjaparibhoga): là sự dùng của bậc hữu học(15); 4) dùng như của người chủ (sāmiparibhoga): là sự dùng của hàng vô học (A-la-hán).

    Trong sự dùng thứ nhất theyyaparibhoga giải rằng: tỳ khưu phá giới, rồi ẩn mình núp lén thọ vật dụng của thí chủ chung với tăng gọi là trộm vật dụng của thí chủ đem dùng, vì thí chủ chỉ tìm dâng cúng đến tỳ khưu có giới để mong hưởng được nhiều quả phước. Chẳng phải họ tìm dâng đến tỳ khưu phá giới đâu, tỳ khưu phá giới cố ý che mắt người, thọ lãnh và dùng vật dụng, cho nên gọi là trộm của thí chủ. Chẳng những chỉ thế thôi cũng còn gọi là cướp của các tỳ khưu có giới trong sạch nữa. Vì các vật họ dâng cho sự tín ngưỡng ấy, đức Thế Tôn chỉ cho phép các bậc tỳ khưu có giới được thọ hưởng, mà tỳ khưu phá giới lại ẩn mình, che mắt thí chủ, nhận lãnh để dùng. Cho nên gọi là cướp đoạt vật dụng của tỳ khưu có giới.

    Trong inaparibhoga giải rằng: tỳ khưu có giới trong sạch, nhưng dùng vật mà không được quán tưởng trong 3 thời, theo 1 trong 4 phép quán tưởng, như thế gọi là dùng vật như kẻ mắc nợ. Tỳ khưu mắc nợ của thí chủ không có thể vẫy vùng cho khỏi khổ sanh tử được, ví như người thiếu nợ không sao đi đến xứ nào theo sở thích được. Bởi cớ ấy, tỳ khưu có giới trong sạch nên quán tưởng trong ý mỗi lần mặc, trong mỗi miếng cơm, trong mỗi chỗ ở, mỗi khi đi vào ngủ. Lúc dùng thuốc, phải quán tưởng luôn trong khi thọ lãnh và trong khi uống.

    Trong dāyajjaparibhoga giải rằng: Bậc thánh nhơn hữu học như con của đức Thế Tôn đều được phép thọ lãnh di sản của Ngài. Bốn món vật dụng mà thí chủ hằng bố thí bằng đức tin, ví như di sản của Ngài để lại cho các con. Bởi cớ ấy, sự dùng 4 món vật dụng của bậc hữu học, gọi là dùng di sản mà các bậc hữu học có quyền phải được. Sự dùng của tỳ khưu có giới và được quán tưởng gọi là không mắc nợ (ānanaparibhoga). Như thế cũng được, vì trái hẳn với inaparibhoga hoặc gọi là dāyajjaparibhoga cũng được, vì tỳ khưu có giới ví cũng như bậc hữu học vậy.

    Trong sāmiparibhoga giải rằng: Các bậc vô học đã thoát khỏi vòng nô lệ của sự ham muốn. Các ngài được danh hiệu là chủ của vật dụng, vì các ngài dùng vật của người nào, hằng làm cho người ấy được mãn nguyện.

    Trong 4 phần thọ dụng ấy có sāmiparibhoga là cao thượng hơn tất cả, dāyajjaparibhoga cao thượng bực trung, còn theyyaparibhoga và inaparibhoga thì không gọi là cao thượng được.

    Trong 4 món vật dụng và 4 phép quán tưởng, nếu tỳ khưu không được quán tưởng đều đủ cả vật dụng, đều đủ các phép quán tưởng, chỉ được quán tưởng 1 vật dụng và 1 phép nào trong ngày 1 đêm, vậy paccayasannitasīla của tỳ khưu ấy có hư hoại không, có phạm tội không, do cớ nào? Như thế, paccayasannissitasīla, chưa hư hoại vì giới ấy trong sạch do sự quán tưởng. Miễn là được quán tưởng rồi, dầu chỉ quán tưởng 1 phép trong vật dụng nào 1 lần, hoặc 2 lần cũng được gọi là chưa hư hoại. Trừ ra đến mặt trời mọc lên mà không được quán tưởng lần nào, mới gọi là hư hoại, và tỳ khưu ấy phải bị ở trong vòng inaparibhoga nữa. Ấy là nói về 3 vật dụng trên. Còn về thuốc men, phải quán tưởng trong khi thọ và khi dùng mới nên, nếu không được quán tưởng trong khi thọ, chỉ phải quán tưởng trong khi dùng cũng được. Nếu không được quán tưởng khi dùng, dầu có quán tưởng trong khi thọ cũng phạm tác ác, pātimokkhasamvarasīla cũng hư hoại nữa, nhưng paccayasannissitasīla chưa sao, chỉ khi giới hạn của atītapaccavekkhaṇa đã qua rồi mới hư hoại vì tamkhanikapaccavekkhaṇa trong gilānapaccava gìn giữ được cả pātimokkhasamvarasīla và paccayasannissitasīla, còn atītapaccavekkhaṇa chỉ gìn giữ được paccayasannissitasīla thôi, nghĩa là nếu chỉ được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa rồi atītapaccavekkhaṇa không cần quán tưởng cũng được. Cả 2 giới cũng không hư hoại, nếu không được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa, dầu có quán tưởng atītapaccavekkhaṇa, thì chỉ được có paccayasannissitasīla, còn pātimokkhasamvarasīla phải hư hoại vì tỳ khưu ấy đã phạm tác ác rồi.

    3. Kết luận trong thọ vật dụng giới (avasānakathāpaccayasannissitasīla)

    Thật vậy, thọ vật dụng giới này, hành giả được kết quả nhờ thế lực của trí tuệ, nghĩa là trí tuệ là pháp hỗ trợ cho được kết quả. Giới ấy chỉ có người trí tuệ thấy rõ tội và phước trong cách thọ 4 vật dụng, mới có thể thành tựu được.

    Bởi cớ ấy, hành giả nên dứt sự sa mê theo 4 vật dụng và nên dùng trí tuệ để quán tưởng theo cách thức như đã giải trước, rồi mới nên dùng.

    Có lời khen rằng: nếu tỳ khưu hành theo cách thức như thế, tỳ khưu ấy đuợc gọi là người vừa theo lời nguyện đầu tiên(16) của mình đúng theo kệ ngôn như vầy:

    Piṇḍaṃ vihāraṃ sayanāsanañca
    Āpañca saṅghātirajūpavāhanaṃ
    Sutvāna dhammaṃ sugatenadesitaṃ
    Sankhāya seve varapaññāsāvako
    Tasmāhi piṇḍe sayanāsane ca
    Āpe ca saṅghātirajūpavāhane
    Etesu dhammesu anūpalitto
    Bhikkhu yathā pokkhare vārivindu
    Kālena laddhā parato anuggahā
    Khajjesu bhojjesu ca sāyanesu ca
    Mattaṃ sojañña satataṃ upaṭṭhito
    Vaṇassa ālepanarūhane yathā
    Kantāre puttamaṃsamva akkhassabbhañjanaṃ yathā.
    Evaṃ āhati āhāraṃ yāpanāya amucchito.

    Nghĩa là:

    Hàng thinh văn, người có trí tuệ thanh cao, khi được nghe pháp mà bậc Thiện Thệ đã giảng giải rồi, cần phải quán tưởng trước rồi mới nên dùng: vật ăn, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp. Bởi cớ ấy, tỳ khưu không nên say mê trong vật thực, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp ấy đâu, phải có tư cách trơn tru không dính mắc, như giọt mưa rớt trên lá sen vậy. Tỳ khưu là người có trí nhớ luôn luôn, cần phải tiết độ trong vật ngọt, vật mặn và các vật thực mà mình đã được theo thời, để tiếp độ thí chủ cũng như dè dặt trong sự rờ rẫm mụt ghẻ do sự thoa thuốc vậy.

    Người đi đường xa, cực chẳng đã phải ăn thịt con để gìn giữ sinh mạng trong khoảng đường nguy hiểm, người xa phu bất đắc dĩ mới ăn dầu thoa ốc xe thế nào, thì hành giả buộc lòng thọ thực để duy trì sanh mạng của mình cũng như thế ấy, chẳng nên vì lẽ gì, mà say mê trong vật thực.

    4. Phép quán tưởng (Paccayavekkhaṇa)

    Những người xuất gia tu Phật phải biết phép quán tưởng ầy hằng ngày, phải học nó cho thông thuộc nằm lòng, cả tiếng Phạn và nghĩa lý.

    Các phép quán tưởng ấy có 4 là: y phục để cho người xuất gia dùng nhất là y ca-sa; vật thực để cho người xuất gia được phép ăn từ mặt trời mọc đến đứng bóng, nhất là cơm và bánh; chỗ ngụ để cho người xuất gia an nghỉ; Thuốc để cho người xuất gia dùng ngừa bịnh.

    Trong mỗi phép ấy đều có cách quán tưởng khác nhau là: quán tưởng về nguyên chất y phục, quán tưởng về nguyên chất vật thực, quán tưởng về nguyên chất chỗ ở, quán tưởng về nguyên chất thuốc men.

    a) Phép quán tưởng về nguyên chất y phục (dhātupaccavekkhaṇa)

    Phép quán tưởng này dạy phải thẩm xét trong khi thọ lãnh 4 món vật dùng ấy cho thấy rõ nguyên chất của nó.

    Khi thọ lãnh y phục phải quán tưởng bằng cách này:

    Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ civaraṃ tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño

    ‒ Y phục này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

    Khi thọ lãnh món ăn phải quán tưởng bằng các này:

    Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ pindapāto tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño

    ‒ Món ăn này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

    Khi thọ lãnh chỗ ở phải quán tưởng bằng các này:

    Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ senāsanam tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño

    ‒ Chỗ ở này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

    Khi thọ lãnh thuốc men phải quán tưởng bằng các này:

    Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ gilānappaccaya bhesajja parikkhāro tadupabhuñjakoca puggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño

    ‒ Thuốc men để cho người bịnh dùng đây hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.

    b) Phép quán tưởng về vật đáng ghê gớm (patikūlapaccavekkhaṇa)

    Phép này dạy phải quán tưởng trong khi sắp dùng 4 vật dụng ấy cho thấy rõ là vật đáng nhờm gớm.

    Khi sắp mặc y phục, phải quán tưởng bằng cách này:

    Sabbānipanimānicīvarāni ajigucchanīyāni imampūtikāyaṃ patvā ativiyajiguc chanīyānijāyanti

    ‒ Những y phục này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

    Khi sắp dùng vật thực, phải quán tưởng bằng cách này:

    Sabbopanāyaṃ piṇḍapāto ajigucchanīyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti

    ‒ Những món ăn này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

    Khi sắp vào chỗ ở, phải quán tưởng bằng cách này:

    Sabbānipanimānisenāni ajigucchanīyāni imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyānijāyanti

    ‒ Những chỗ ở này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

    Khi sắp dùng thuốc men, phải quán tưởng bằng cách này:

    Sabbopanāyaṃ gilānappacceyabhesajjaparikkhāro ajigucchaniyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti

    ‒ Những vật để bảo dưỡng thân thể tức là thuốc men dành riêng cho người bịnh dùng, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.

    c) Phép quán tưởng trong khi dùng các vật dụng (taṃkhaṇikapaccavekkhaṇa)

    Phép này dạy phải quán tưởng trong khi dùng 4 vật dụng:

    Khi mặc y phục phải quán tưởng bằng các này:

    Paṭisaṃkhāyoniso civaraṃpatisevāmi yāvadevasītassapatighātāya unhassapatighātāya ḍaṃsamakasavātātapasirimsapa sam phassānaṃpatighātāya yāvadevāhirikopinappaticchādanatthaṃ

    ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta mặc y phục đây để ngừa sự lạnh, nóng, muỗi mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn và để che thân thể cho khỏi hổ thẹn (lõa thể) vậy thôi.

    Khi ăn phải quán tưởng bằng các này:

    Paṭisaṃkhāyoniso piṇḍāpataṃpaṭisevāmi nevadavāyana madāya namandaṇāyanavibhūsanāya yāvadeya imassa kāyassathitiyā yāpanāyavihiṃsu paratiyā brahmacariyānuggahāya itipurānañcavedanaṃ paṭihaṃkhāmi navañcavedanaṃnauppādessāmi yātrācamebhavissati anavajjatācaphāsuvi hārocāti.

    ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta thọ thực đây chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, cũng chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm được mạnh khỏe, đặng chánh sự khó nhọc, hầu tu hành theo đạo cao thượng, cho ta diệt trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi sẽ phát sanh đến cho ta nhờ sự thọ thực này.

    Khi vào chỗ cư ngụ, trong thất, nhà, phải quán tưởng bằng các này:

    Paṭisaṃkhāyoniso senāsanaṃpaṭi sevāmiyāvadevasītassapati ghātāya unhassapatighātāyaḍam samakasavātātapasiriṃ sapasaṃphassānaṃ patighātāya yāvadeva utuparissayavinodanaṃ paṭisallānārāmatthaṃ

    ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng chỗ ở đây để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn, tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.

    Khi dùng thuốc để ngừa bịnh, phải quán tưởng bằng các này:

    Paṭisaṃkhāyoniso gilānappaccayabhesajjaparikkhāraṃpatise vāmi yāva deva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti

    ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng thuốc để dưỡng thân đây là thuốc mà người bịnh dùng để ngừa những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi, cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.

    d) Phép quán tưởng các vật dụng đã dùng rồi (atītapaccavekkhaṇa)

    Phép này dạy phải quán tưởng 4 vật dụng khi đã dùng rồi trong ngày ấy, nghĩa là vật dụng khi đã dùng qua 1 ngày, 1 đêm, phải hồi tưởng trước khi mặt trời mọc. Trong mỗi món dùng phải quán tưởng 1 hoặc 2 lần, 3 lần cũng được.

    Khi quán tưởng y phục phải quán tưởng bằng cách này:

    Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ civaraṃ paribhuttaṃ taṃyāvadevasītassapaṭighātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakassavātā tapasirimsappasaṃphassānaṃpaṭighātāya yāvadevahirikopinappaṭicchādanatthaṃ

    ‒ Y phục nào mà ta chưa quán tưởng mà ta mặc trong ngày nay rồi, y phục ấy ta mặc để ngừa sự lạnh, sự nóng, muỗi, mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn, cho đặng che thân thể và tránh điều hổ thẹn (lõa thể).

    Khi quán tưởng vật thực phải quán tưởng bằng cách này:

    Ajjamayā appaccavekkhitvāyo piṇḍapāto paribhutto sonevadavāyanamadāyananam danāya navibhū sanāya yāvadeva imassakāyassathitiyā yāpanāyavihimsuparatiyābrahmacariyā nuggahāya itipūrānañcavedanaṃpatihamkhāmi navañcavedanaṃna uppādessāmi yātrācamebhavissatiana vajjatāca phāsuvihārocāti

    ‒ Vật thực nào ta chưa quán tưởng mà ta dùng trong ngày nay rồi, vật thực ấy chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm mạnh khỏe, đặng tránh sự khó nhọc cho đặng tu hành theo đạo cao thượng, để trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi, chỗ phát sanh đến ta là do nhờ sự thọ thực này.

    Khi quán tưởng chỗ ở phải quán tưởng bằng cách này:

    Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ taṃyāvedevasītassapatighāhātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakasavātāta pasiriṃsapasamphasānaṃ paṭighātāya yāvadeva utuparissayavino danaṃ paṭisāllānārāmatthaṃ

    ‒ Chỗ ở nào ta chưa quán tưởng mà ta đã vào cư ngụ trong ngày nay rồi, là để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.

    Khi quán tưởng thuốc uống phải quán tưởng bằng cách này:

    Ajjamayā appaccavekkhitvāyo gilānappaccayabhesajjaparikkhāro paribhutto soyāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānampaṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti

    ‒ Thuốc uống để dưỡng thân là thuốc để cho người bịnh dùng, ta đã dùng rồi trong ngày nay mà ta chưa được quán tưởng. Thuốc ấy ta dùng để trừ khước những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi và cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.

    ---

    -oo0oo-

    (1) Tàu âm là Ba-la-đề-mộc-xoa.
    (2) Lục dục: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
    (3) 10 lời nói trong sạch (katthāvatthu) là: 1) appicchakathā: lời nói làm cho phát sanh sự ham muốn ít; 2) sandutthikathā: lời nói làm cho phát sanh sự biết đủ (tri túc); 3) pavivekakathā: lời nói làm cho phát sanh sự yên lặng; 4) asamsaggakathā: lời nói không cho sự quyến luyến; 5) viriyarambhakathā: lời nói làm cho phát sanh sự tinh tấn; 6) sīlakathā: lời nói làm cho giới được trong sạch; 7) samādhikathā: lời nói làm cho phát sanh thiền định; 8) paññākathā: lời nói làm cho phát sanh trí tuệ; 9) vimuttikathā: lời nói làm cho phát sanh sự giải thoát; 10) vimuttiñanādassanakathā: lời nói làm cho phát sanh trí tuệ thấy rõ sự giải thoát.
    (4) Văn: nghe.
    (5) Xin xem cuốn Tứ niệm xứ.
    (6) 9 điều chế định là: 1) mūlapāññatti: điều chế đầu tiên trong mọi điều học; 2) anupaññatti: điều chế nối tiếp trong điều học đã có cấm nhiều lần; 3) anuppannapaññati: điều chế để ngừa sự xảy đến (nói về 8 trọng pháp của tỳ khưu ni); 4) sabbatthapaññatti: điều chế đối với tất cả tỳ khưu trong xứ; 5) padesapaññatti: điều chế đối với tất cả tỳ khưu trong xứ Trung Ấn Độ; 6) sādhāranappaññatti: điều chế chung cho tỳ khưu và tỳ khưu ni; 7) asādhāranappaññatti: điều chế riêng cho tỳ khưu và tỳ khưu ni; 8) ekatopaññatti: điều chế chỉ đối với tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni; 9) ubhatopaññatti: điều chế đối với cả 2 bên.
    (7) Khana – sát-na: thời gian rất ngắn của tốc lực tâm.
    (8) Javana là cái sức mau chóng của tâm bắt lấy và hưởng dụng sắc trần.
    (9) Thú trong rừng thường hay sợ người bắt giết hay là bắt nó. Nên khi đói đi kiếm ăn lỡ ra ngoài rừng thì mắt dáo dác ngó bên này dòm bên kia không ngớt.
    (10) 10 cách chửi mắng : người là kẻ cướp, người là kẻ dữ, người là kẻ lầm lạc, người là bò, người là thú..
    (11) Mộng là những triệu chứng mà người thường cảm giác trong lúc ngủ.
    (12) Khoa này thuộc về Bà-la-môn giáo
    (13) Phép cúng dường (vá múc canh) theo đạo Bà-la-môn.
    (14) Chất sét của sắt.
    (15) Từ Tu-đà-huờn đến A-na-hàm.
    (16) Lời nguyện đầu tiên là nói về lời của vị kiết-ma dạy bảo 4 pháp nương trong khi vừa thọ xong cụ túc giới, mà mình thọ bằng tiếng āma bhante trong mỗi câu.

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.