Tuổi già

Tuổi già

    HIỂU BIẾT TRỌN VẸN

    Những Bài Pháp Ngắn do Hòa Thượng Silānanda giảng

    Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính

    Sư Khánh Hỷ soạn dịch

    29. TUỔI GIÀ

    Người ta ít muốn nghe hay đề cập đến vấn đề tuổi già. Ngay đến hai chữ tuổi già cũng là hai chữ bất hạnh trong ngôn ngữ. Chẳng ai thích chuyện tuổi già, chẳng ai muốn thấy hay nghe hai chữ già nua. Nhưng tuổi già đang đến, dầu ta không muốn thấy hay nghe đến nó. Không ai tránh khỏi tuổi già, bởi vì tuổi già là một thực tại hiển nhiên trong cuộc sống của chúng ta. Từ khi ta có mặt trong cuộc sống này, tuổi già đã đi song hành với ta.

    Theo Vi Diệu Pháp, tiến trình già đi liền sau thức tái sinh (thức đầu tiên trong cuộc sống). Và một khi tiến trình tuổi già khởi sinh thì không có cách gì để chận đứng hay hay bắt tiến trình này quay trở lại. Chẳng khác nào chiếc đồng hồ chạy bằng pile, một khi đã bỏ pile vào nó sẽ chạy mãi cho đến khi hết điện.

    Cũng vậy, từ tiểu sát na thứ hai của tâm đầu tiên trong cuộc sống tiến trình già nua tiếp tục diễn biến không ngừng nghỉ nơi nào. Cho đến khi ở tuổi sáu hay bảy mươi, ta mới nghĩ rằng mình đã già hay đang già. Nhưng thật ra trong từng phút giây, trong mỗi sát na, ngay khi còn trẻ, ta đã trở nên già hơn. Lúc còn nhỏ ta nói ta "đang lớn lên". Đôi khi ta còn có ý tưởng là mình "đang trưởng thành", mình đang trở thành một thanh niên hay một thiếu nữ v.v... Thật ra, sự lớn lên hay sự trưởng thành đó chính là sự già. Như vậy, sự già đến với ta từng giây phút, từng sát na. Không phải chỉ khi ta ở tuổi sáu mươi hay bảy mươi, tuổi già mới đến. Sự già đã đến cùng với sự sinh của chúng ta. Bởi thế, không làm sao tránh được sự già.

    TẠI SAO NGƯỜI TA SỢ TUỔI GIÀ?

    TẠI SAO NGƯỜI TA KHÔNG THÍCH GIÀ?

    Tôi nghĩ rằng tuổi già kéo theo bệnh hoạn. Khi ta già, các bộ phận của cơ thể trở nên yếu đuối, mắt mờ dần, không còn sáng như trước đây, muốn nhìn thấy gì ta phải dùng kính. Tai không còn nghe rõ nên ta phải dùng máy nghe. Tóc trở màu muối tiêu, ta không muốn ai thấy mình già nên phải nhuộm tóc. Có nhiều người do nhuộm tóc mà sinh ra bệnh, như ung thư chẳng hạn. Như vậy, có rất nhiều điều không toại ý khi tuổi già đến.

    Khi tuổi già đến, tuổi thanh xuân ra đi, ta không còn trẻ và khỏe mạnh như thời trai tráng. Khi ta trở nên già thì trí nhớ ta giảm sụt, ta quên nhiều thứ. Đó là chuyện thường tình xảy đến với mọi người ở tuổi già. Có thể đây là một hình thức nhẹ của bệnh mất trí nhớ. Biết bao nhiêu bất tiện, bao nhiêu sự khổ cùng đến với tuổi già. Càng nghiên cứu tìm hiểu sâu xa về sự già người ta càng chán ngán.

    Không những thế, người trẻ lại không thích sống chung với những người già. Điều này khiến người già cảm thấy cô đơn buồn tủi.  Họ có thể than phiền: "Ông già này hay bà già này đã cản trở hay xâm phạm vào công chuyện của ta". Họ than phiền đủ mọi chuyện.

    Thế đấy, khi bạn già, bạn sẽ dần dần bị lánh xa, và bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Bạn sẽ dần dần cảm thấy cô đơn, buồn tủi, bất hạnh. Đó cũng là những hậu quả đáng thương của tuổi già.

    Lúc già còn có hiện tượng "Nhi đồng hóa" nữa. Nhiều người lúc già họ trở thành như trẻ con. Đó cũng là một loại đau khổ nữa. Biết bao nhiêu chuyện, bao trở ngại, bao đau khổ xảy đến với người già. Tuổi già sức yếu, đi đứng không vững, cơ thể không còn chìu theo ý muốn mình, té lên té xuống, bầm mặt, bể đầu, gãy xương v.v...

    Bởi những điều bất hạnh của tuổi già kể trên nên người ta không muốn già. Mặc dù không muốn già, nhưng tuổi già vẫn đến, và con người ngày càng già hơn. Ngày nay có nhiều người nói hay viết rằng họ có phương pháp giúp bạn ngăn cản tuổi già, bạn có thể trở nên trẻ trung trở lại. Nếu tin tưởng họ, bạn sẽ trở nên nghèo túng vì bạn phải mua các sản phẩm của họ.

    Tôi muốn hỏi họ rằng:

    "Bạn có thể trẻ hơn trước đây không?"

    Ngay cả khi bạn viết câu này. Và khi bạn viết đến phần cuối câu, lúc ấy bạn già hay trẻ hơn? Chẳng hạn bạn viết như vầy: "Chúng tôi hay các bạn có thể quay ngược lại tiến trình của sự già". Khi viết đến chữ cuối của câu, bạn đã già đi mấy giây rồi. Bạn không thể nào trẻ trở lại. Nhưng khi nghe nói hay đọc được rằng có phương thuốc hay cách thức làm cho bạn trẻ trở lại thì bạn sẽ hăm hở mua sản phẩm chống già của họ. Nhưng tuổi già là một tiến trình tự nhiên. Không thể nào trở lại tuổi trẻ được. Không thể tránh được tuổi già. Tuổi già đến cùng với đời sống của ta, khi bạn có đời sống thì bạn phải có sự già. Chúng ta không thể trốn chạy tuổi già. Chúng ta phải sống với tuổi già.

    THÁI ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI TUỔI GIÀ NHƯ THẾ NÀO?

    Đức Phật dạy Chư Tăng, Ni cũng như Thiện Nam Tín Nữ hằng ngày phải chuyên cần suy niệm đến năm điều: già, bệnh, chết, xa lìa người thân yêu, và nghiệp lực.

    Về tuổi già ta phải suy niệm như sau: "Chuyện đương nhiên là Ta phải già, Ta không thể nào tránh khỏi sự già". Câu này có nghĩa là ta không thể nào thoát khỏi sự già. Hằng ngày phải suy niệm liên tục điều này. Đó là lời khuyên của Đức Phật.

    Và Đức Phật còn giải thích lý do tại sao ta phải suy niệm về sự già. Bởi vì nếu không suy niệm về sự già bạn sẽ trở nên tự mãn về sự trẻ trung của mình. Vì tự mãn về tuổi trẻ của mình, bạn sẽ có những hành động sai trái hay bất thiện dẫn bạn tái sinh vào khổ cảnh. Để tránh khỏi các tai hại của tính tự cao ngã mạn về tuổi trẻ và sức khỏe của mình, bạn phải suy niệm về sự già. Điều này có nghĩa là bạn phải đơn thuần quán sát sự già, nó thế nào hãy nhìn nó như thế đó, đừng thêm gì vào, đừng chạy quanh nó. Một điều không thể tránh là chúng ta phải già và chúng ta phải chấp nhận điều này. Nói cách khác, suy niệm về sự già thực ra là chấp nhận sự già. Một khi đã chấp nhận sự già thì sự già không còn quấy rầy ta nữa.

    Chúng ta biết rõ ràng rằng khi còn có thân ngũ uẩn thì ta còn phải già, điều này không thể nào tránh khỏi. Và một khi có thân ngũ uẩn thì phải có sự chết đi liền. Thật vậy, một điều thật tệ hại của sự già là: già sẽ dẫn đến chết. Không phải đơn thuần chỉ có sự già thôi. Cái già sẽ dần dần dẫn đến cái chết. Và cuối cùng ta sẽ gặp cái chết. Khi ta gặp cái chết thì ngũ uẩn không còn vận hành nữa, ta không còn sống nữa, thế rồi ta chết. Thân thể và tâm trở nên yếu đến nỗi phải chết. Đó là lúc chúng ta gặp cái chết. Như vậy, già không phải chỉ đơn thuần là già, già dẫn ta tiến dần đến cái chết trong từng giờ, từng phút, từng giây. Đức Phật đã dạy: "Giống như người chăn bò dẫn trâu bò về chuồng, sự già dẫn đến cái chết". Bởi vì có sự già này, nên cái chết ngày nào đó sẽ đến, không thể nào thoát khỏi sự chết.

    Cái già thật tệ hại, nhưng ta hãy dùng sự già này làm bàn đạp để thực hiện những điều lợi ích và tốt đẹp cho chúng ta, ngay cả để thoát khỏi sự già, nhưng không phải thoát khỏi sự già ngay trong kiếp sống này. Trong kiếp sống này, chúng ta không thể làm được việc gì khác để thoát khỏi sự già. Nhưng ta có thể làm được một việc đó là thực hành Thiền Minh Sát để thoát khỏi sự già trong trong tương lai. Bằng cách này ta có thể dùng tuổi già làm bàn đạp, làm đà nhấn hay làm điểm khởi đầu cho việc hành thiền của chúng ta hầu thoát khỏi vòng tái sinh.

    Đức Bồ Tát của chúng ta sống trong dục lạc ngũ trần trong mười ba năm. Trong suốt mười ba năm đó, Bồ Tát chẳng hề chú tâm đến sự tái sinh hay già chết. Nhưng một ngày nọ, khi dạo chơi trong vườn thượng uyển, Ngài gặp một người già. Ngài trầm tư về người già này và thấy rằng có sự già, và không ai tránh khỏi sự già. Một này nào đó Ngài cũng sẽ già, vua cha cũng sẽ già v.v... Thấy rõ già là một thực tại không thể tránh được, Ngài quyết định phải làm một cái gì đó để thoát khỏi tiến trình của già nua. Đó là phải thoát khỏi đời sống thế tục, thực hành thiền để loại trừ tất cả mọi phiền não trong tâm.

    Bằng cách này, chúng ta có thể sử dụng tuổi già như một sự khích lệ để làm một cái gì đó có lợi cho chúng ta. Đồng thời cũng dùng tuổi già để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sẽ đi đến chỗ già nua một ngày gần đây. Bạn hãy nỗ lực làm việc thiện ngay bây giờ, hãy tích cực hành thiền ngay bây giờ trước khi tuổi già đến quấy nhiễu, trước khi bạn trở nên quá yếu. Bạn hãy khích lệ mình, hãy khuyên nhủ mình thực hành thiền để thoát khỏi tuổi già. Khi nói thoát khỏi sự già nua cũng có nghĩa là thoát khỏi chính đời sống, thoát khỏi vòng tái sinh.

    Bao lâu còn tái sinh thì còn có sự già. Nếu ta không muốn có sự già nua thì ta phải không muốn có sự tái sinh. Nếu ta nói: "Tôi muốn tái sinh làm một vị trời hay tái sinh vào cảnh người, nhưng không muốn già", điều đó không thể nào có được. Đó là ta đã mong muốn cái không bao giờ đạt được. Nếu bạn không muốn có tuổi già thì bạn phải không muốn có ngũ uẩn, không muốn có thân tâm. Đó là điều bạn cần phải hiểu. Nhiều người nghĩ rằng giải thoát là được sinh vào một nơi nào đó, và bạn sẽ sống vĩnh viễn ở đó mà không bao giờ chết. Điều đó không thể nào có được. Một khi có tái sinh, một khi có khởi đầu, thì phải có phần giữa và phần cuối. Nếu bạn không muốn có phần cuối, bạn phải không muốn có phần giữa và phần đầu. Đó là phương cách để thoát ra khỏi sự tái sinh, già và chết.

    Tiếp cận tuổi già một cách đúng đắn là chấp nhận nó là một thực tại, chấp nhận nó là một sự kiện không thể tránh trong đời sống. Và khi dùng sự già như một đà nhấn thì ta phải hành thiền để loại trừ tất cả những phiền não làm khởi sinh đời sống tương lai.

    Theo Đức Phật, nếu bạn muốn thắng tuổi già, thì bạn phải chấp nhận nó rồi phải hành thiền. Mặc dầu bạn đang già đi trong khi hành thiền nhưng bạn đang tiến gần đến chỗ chấm dứt sự già, đến chỗ tất cả phiền não đều dứt sạch, do đó không còn tái sinh nữa. Khi không còn tái sinh thì không còn già chết. Phương cách duy nhất để thoát khỏi sự già là hành thiền, không có phương pháp nào khác. Thực hành các đường lối khác chỉ là si mê hay ảo tưởng mà thôi.

    Ngày nay người ta thường đi giải phẫu để đương đầu với sự già. Sau khi giải phẫu bạn có thể nhìn thấy trẻ ra, nhưng bạn không thực sự trẻ ra mà chỉ nhìn thấy trẻ ra thôi. Ngay cả trong khi đang nằm trên giường giải phẫu bạn cũng đã già đi vài giây rồi. Và sau khi giải phẫu xong bạn lại già hơn nữa. Nhưng bạn trông có vẻ trẻ hơn hay không trẻ hơn tùy theo kết quả của cuộc giải phẫu. Nhiều người sau khi giải phẫu xong còn thấy tệ hại hơn lúc trước. Dầu cho cuộc giải phẫu có làm cho bạn thấy trẻ ra đi nữa, nhưng bạn chỉ thấy trẻ ra thôi chứ thật sự bạn đã già đi rồi. Ngày qua ngày bạn trở nên già hơn. Trong khi đang nằm trên giường giải phẫu, bạn cũng đang già dần. Cố gắng thắng sự già bằng cách này chẳng có hiệu quả gì cả mà chỉ chuốc lấy thảm bại vì bạn không thắng được sự già dầu cho bạn có được thấy trẻ ra thôi.

    Cách hay nhất để đương đầu với tuổi già là hãy chấp nhận tuổi già và đừng quá ưu tư lo lắng về sự già nua.

    Vậy thì, ta phải có thái độ như thế nào đối với tuổi già. Phải luôn luôn suy niệm rằng: "Tuổi già là một thực tại, một điều có thật, tôi chấp nhận tuổi già và điều tôi cần làm là tìm cách thoát ra khỏi vòng luân hồi tái sinh để không còn phải chịu cảnh già chết nữa."

    Vì không thể chống lại tuổi già hay thoát khỏi sự già bằng những đường lối khác với việc hành thiền nên thái độ thích đáng của chúng ta là chấp nhận tuổi già và không lo lắng băn khoăn hay sợ hãi tuổi già. Lo lắng sợ hãi sự già nua còn tệ hại hơn cả sự già nua nữa. Nếu bạn chấp nhận tuổi già: "Được, tuổi già đến, ta chấp nhận nó, ta không thể trốn thoát nó" thì là bạn an vui và có thể đương đầu với tuổi già.

    Cũng như sự mất ngủ. Lo lắng về sự mất ngủ còn tệ hại hơn chính sự mất ngủ. Đừng lo sợ về sự mất ngủ. Có bao nhiêu người mất ngủ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ mà họ có sao đâu. Cái làm cho bạn đau khổ là sợ mất ngủ hay nghĩ đến những hậu quả tai hại của sự mất ngủ. Cũng vậy, đối với sự già ta cũng có thái độ tương tự. Hãy để tuổi già đó, bởi vì nó đã có mặt sẵn đó rồi. Chúng ta không thể làm gì được với nó. Hãy chấp nhận nó rồi tìm cách sống với nó và diệt nó bằng đường lối thực hành của Đức Phật. Đó là phương cách duy nhất và hiệu quả nhất để đương đầu với tuổi già.

    Các bác sĩ thẩm mỹ chắc không thích tôi, nhưng họ có không nghe tôi thì cũng chẳng có gì quan trọng. Không cần giải phẫu, chỉ cần hành thiền, hành thiền rẻ hơn nhiều.

    Đức Phật chỉ cho ta thấy: Dứt trừ phiền não là con đường duy nhất để loại trừ, không những sự già nua, mà còn cả sự tái sinh, sự chết, lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, và các đau khổ khác. Và muốn loại trừ phiền não thì phải thấy rõ thực tướng của sự vật. Chỉ khi nào thấy rõ thực tướng của sự vật thì phiền não mới được loại trừ. Chúng ta luôn luôn bị dính mắc vào chuyện này hay chuyện kia. Bởi vậy, cần thấy rõ thực tướng của sự vật để không còn dính mắc vào chúng nữa. Chúng ta muốn thoát khỏi tham đắm, dính mắc thì phải nỗ lực hành thiền, và nếu nỗ lực, cố gắng chúng ta sẽ thành công.

    Điều quan trọng là thấy rõ thực tướng của sự vật, đó là thấy rõ đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của sự vật. Muốn thấy rõ đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của sự vật chúng ta phải hành Thiền Minh Sát. Chỉ có Thiền Minh Sát mới giúp ta thấy rõ chân tướng của sự vật.

    - Trước tiên chúng ta thực hành chánh niệm.

    - Khi tâm chánh niệm khắng khít vào đề mục ta sẽ có định tâm. Đó là tâm trong sáng, an tịnh tĩnh lặng.

    - Khi tâm an tịnh tĩnh lặng và trong sáng ta sẽ bắt đầu thấy rõ chân tướng của sự vật.

    Vậy hãy trở về với những thực tập căn bản của chánh niệm. Nếu chúng ta thực hành chánh niệm, nếu chúng ta tích cực thực hành một cách nghiêm túc, một ngày nào đó chúng ta sẽ vượt thắng, không những sự già nua mà cả sự tái sinh, bệnh tật và chết chóc. Có nghĩa là chúng ta đã thoát ra khỏi vòng luân hồi tái sinh.

     

     

    Trang Website được thành lập và quản lý bởi các cận sự nam, cận sự nữ trong Phật Giáo. Mục đích nhằm lưu trữ, số hoá kinh sách và tài liệu Phật Giáo Nguyên Thuỷ - Theravāda.