Đạo Phật là đạo cứu khổ, cứu đời, nhưng cứu khổ cứu người không phải cứu toàn bộ nhân loại, mà chỉ cứu những người có duyên lành với Phật pháp, là người có trí tuệ suy xét tìm làm những điều lợi ích cho mình và cho nhân quần xã hội.
Cứu là cứu từ một người, mà người được cứu ấy phải là người hiểu biết được đạo Phật và thực hành y theo lời Phật dạy. Hiểu theo đạo Phật mà không tinh tấn hành theo, Phật cũng chẳng biết làm sao cứu được. Không gia công sưu tầm học hỏi, không dùng trí tuệ suy xét, gặp đâu tin đó hoặc cố chấp theo cổ tục tập quán sai lầm, rồi đinh ninh rằng mình tu Phật, tu như thế chẳng khác nào lấy cát để mong nấu thành cơm.
Cụm từ “cứu từ người” nghĩa là mỗi người tự mỗi cứu lấy, tự buộc mình phải thông hiểu giáo lý của Phật để tự khai sáng cho mình và tự tiến trên con đường thanh cao tốt đẹp. Không dùng năng lực cá nhân để tự độ, tự giác mà cứ mong nhờ Phật cứu độ và tìm nơi sự ủng hộ của thần linh là sai lầm.
Tự độ là tự cứu khổ cho mình. Muốn cứu khổ cho mình phải tự giác. Trước nhất phải nhìn về cái thực tại của đời và suy xét coi cái đời phải là khổ như lời Phật dạy chăng? Cái khổ ở đời là một sự hiển nhiên, không ai chối cải được. Mà khổ ấy do ở đâu? Phải chăng là nơi do lòng tham sống? Có tham sống mới có hành động tạo tác, quanh năm quẩn tháng, danh lợi cạnh tranh. Tự mình đem cái cực đến cho mình, mà chẳng hay biết rằng hành động tức là tạo nghiệp. Có tạo nghiệp mới có nghiệp báo. Có nghiệp báo ắt phải luân hồi, luân hồi là sống chết, chết sống đời đời kiếp kiếp.
Tùy theo nghiệp lực lành dữ, cứ phiêu dạt trong thời gian vô tận, khi lên bổng, lúc xuống trầm, luân chuyển mãi mãi trong ba cõi sáu đường. Biết số phận làm người là khổ như thế ấy, hàng thức giả bao giờ cũng tìm đường thoát khổ, dầu là đương sống trong chốn cao sang quyền quý, hay đã sanh nhầm nhà hàn vi dân giả.
Muốn thoát khổ phải thực hành phương pháp diệt khổ. Phương pháp ấy có hai:
1. Trước nhất phải làm thế nào để giảm phần khổ não cho mình và cho những người chung quanh; nghĩa là tránh các việc ác, làm các việc lành. Làm những việc nào có lợi cho mình, hại cho người, là làm việc ác.
Làm những việc nào lợi cho mình mà không hại cho người, hoặc lợi cho mình mà cũng lợi cho người, là làm lành. Không làm lợi cho người mà cũng không làm hại cho người, chưa phải tư cách của người lành. Ví như đi đường gặp kẻ hoạn nạn đói khổ, mà không thí ơn cứu giúp; người như thế không phải là người ác, nhưng không thể gọi là người lành, bởi thiếu lòng từ thiện. Hành động ấy không chút ảnh hưởng tốt đẹp đến mình và đến người. Trong thế gian chẳng ai có thể sống cô lập một mình được, mà cần phải sống chung để nhờ sự giúp đỡ lẫn nhau: người giàu có giúp tiền cho kẻ tàn tật đơn côi, nhân công thợ thuyền giúp việc cho các ông chủ xưởng, người nông phu giúp lúa gạo cho anh thợ dệt, anh thợ dệt giúp hàng lụa cho người nông phu. Cách giúp đỡ tuy khác nhau, nhưng không ngoài mục đích chia sớt sự sống cho nhau. Nếu không sống ngoài sự giúp đỡ của những người ở chung quanh, thì chúng ta luôn luôn biết ơn họ. Hạn chế sự tham lam ích kỷ, chia sớt tài lợi cho nhau, để cải thiện đời sống của mỗi cá nhân về phần vật chất lẫn tinh thần, hầu mưu cầu hạnh phúc cho nhau. Muốn có hạnh phúc, tất phải làm cho người hạnh phúc. Chính đó là chủ nghĩa từ bi, bác ái của Phật, là phương pháp diệt khổ cho đời. Làm được như vậy, gọi là thực hành các pháp Ba-la-mật của Phật. Nếu mỗi người, như trăm vạn người, như toàn thể nhân loại, đều làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội y như Phật dạy, thì thế gian sẽ trở thành một cảnh giới cực lạc. Ngoài Phật giáo, không còn có chủ nghĩa nào duy trì được luật điều hòa trong vũ trụ.
Đó là giai đoạn thứ nhất của con đường diệt khổ. Người tại gia hay xuất gia cũng phải trãi qua giai đoạn ấy. Trước đây gầy dựng hạnh phúc tương đối rồi sau mới tiến đến hạnh phúc tuyệt đối được. Không có con đường nào là đường tắt, vì con đường đi đến nơi diệt khổ chỉ có một, không hai.
2. Nghiệp ác không tạo, duyên lành đầy đủ, nhiệm vụ làm người ở đời được toàn vẹn, muốn ra khỏi nẻo luân hồi, chỉ còn một cái hy sinh cuối đời là từ bỏ hạnh phúc tương đối, giả tạm ở thế gian, như quyền tước, sự nghiệp, theo gương Hoàng tử Siddhatta (Sĩ Đạt Ta), tìm nơi thanh vắng, tĩnh tọa tham thiền, minh sát quán tưởng, vững bước trên con đường hành trình của chư Phật, mới mong khai mở trực giác, ngộ đạo chứng quả. Con đường này là con đường siêu việt của một số ít người, đã tận tụy hy sinh trong nhiều đời nhiều kiếp, trong sự xây dựng hạnh phúc cho nhân quần xã hội, xứng đáng cho nhân loại lễ bái cúng dường.
Trên đời có mấy ai tiến hóa đến mức cùng tột ấy, thế mà có lắm người, nhân đạo chưa tròn, nghĩa vụ chưa xong, lại tin rằng sẽ được làm Phật một cách dễ dàng.
Nhiều người lại chứng tỏ tấm lòng từ bi rộng hơn Phật, không màng quả vị Phật, nhất nguyện chờ độ tận chúng sanh rồi mới chịu thành Phật. Kẻ khác lại đâm ra lo sợ, cho rằng tu theo Phật, có ngày nhân loại phải bị tiêu diệt. Họ cố chạy theo văn minh vật chất, và cam chịu sống trong cảnh phập phồng lo sợ, trước họa chiến tranh nguyên tử.
Muốn thành Phật là một điều cao thượng, nhưng muốn không tự tu, tự độ, ngày tối cứ tụng niệm khẩn cầu cho thần linh gia hộ, ỷ lại nơi tha lực mà mong thành Phật nên Tổ, nghĩ cũng buồn cười. Mong độ tận chúng sanh, giữ hạnh Bồ tát mà vui chịu làm nô lệ cho thần linh, để cầu giải thoát, lại còn tự tôn tự trọng, gây mầm chia rẽ ra tông này phái nọ, cấu kết oan trái oán thù, thì chắc rằng hạng Bồ tát này phải luân kết chuyển theo chúng sanh trong vòng nghiệp báo triền miên và ngày vào Niết-bàn ắt không có được.
Nhân loại còn phải luân hồi tái sanh mãi mãi, để thọ quả gây nhân, thì khổ vẫn còn. Thà tiêu diệt trong chỗ không tái sanh của Phật giáo hơn là sống sót trong cảnh tương sát tương tàn của văn minh vật chất.
Lại có nhiều người muốn chấn hưng Phật giáo mà không ai chịu học Phật tận nguồn, tận gốc, chẳng chịu bỏ những thành kiến xưa nay, cứ lấy bổn cũ soạn lại, mà gọi là chấn hưng, thật là mỉa mai. Một tòa nhà đã dựng lên với những vật liệu hỗn hợp, tạp nhạp, sắp siêu đổ, không thể nào sửa chữa cho hoàn bị. Phải phá hủy ra bình địa, rồi dùng đồ nguyên gốc, kiến tạo lại đúng kiểu mẫu của tòa tháp “chơn lý” của ông Giáo chủ Gotama, ấy mới gọi là chấn hưng. Dùng biện pháp hủ bại để cải thiện những tập quán hủ bại, kết quả cũng huờn hủ bại.
Đạo Phật là đạo trí tuệ và thực tế, chúng ta cần phải xét đoán và can đảm sửa chữa những cổ tục không còn phù hợp với thế hệ này nên dứt bỏ những thành kiến nào có nguy hại cho tinh thần tự lập, lấy Chánh pháp làm nền tảng khuynh hướng, bồi đắp lại tình đoàn kết thân mật giữa Phật tử, hầu cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc tương lai.
Mong thay! Mong thay!
Trích: Chọn đường tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)