Vấn: “Vô nhơn” nói rằng không hiệp theo nhơn vì sao “Sát vô nhơn tâm” (santīraṇa ahetukacitta) là cái đi thọ sanh?
Đáp: Vô nhơn không hiệp theo nhơn thiệt, còn tâm xem xét cảnh giới khi hấp hối, không có năng lực cho đi thọ sanh theo ý mình, chỉ có quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) dẫn đi thọ sanh, ví như người biết thảo đơn, chỉ thảo đơn cho họ rồi có kẻ khác biết viết, nhưng không biết thảo, chỉ chờ chép đơn đã thảo sẵn, trật trúng do nơi người thảo thế nào quả hữu nhơn tâm (vipākasahetukacitta) như người thảo đơn, sát vô nhơn tâm (santīrana ahetukacitta) như người chờ chép đơn đã thảo sẵn, cũng ví như thế ấy.
Vấn: Trong thời gian thọ sanh (patisandhikāla) 35 ngày, nói rằng: “chỉ là phước, không có tội”, tại sao có chúng sanh đầu thai được 7 ngày, nửa tháng, hoặc một tháng rồi lưu sản (23) vậy do cớ nào mà lưu sản, nếu không có tội?
Đáp: Lưu sản ấy không phải vì tội, mà vì hết phước, bởi phước chút ít, không có thế cấu tạo cho thành người được.
(23) Đẻ non, chưa đến kỳ mà đẻ.
Vấn: Chúng sanh ấy tạo nghiệp như thế nào mà gọi là ít phước?
Đáp: Vì phước mà người đã làm là phước chút ít, mỏng manh (katattākamma) đi thọ sanh đến chừng ấy thôi, không có nghiệp nào cho quả.
Vấn: Tội cho quả trong lúc nào?
Đáp: Tội cho quả trong thời nối tiếp (pavatikāla).
Vấn: Thời nối tiếp kể từ đâu, đến đâu?
Đáp: Kể từ ngày thứ 36 sấp lên.
Vấn: Chúng sanh chết rồi uẩn nào đi, uẩn nào ở?
Đáp: Chúng sanh chết, cả 5 uẩn đều đi hết, không còn sót uẩn nào.
Vấn: Nói cả 5 uẩn đều đi, sao sắc uẩn còn lại đó?
Đáp: Sắc mới sanh ra nương theo sắc cũ, ví như lúa gieo trong ruộng chỉ còn vỏ lúa, lúa mọc lên được cũng nương hột lúa cũ, thế nào, sắc sanh ra cũng nương theo sắc cũ vậy. Lại nữa, cái quả (vipāka) chụp lấy 5 uẩn đi thọ sanh, ví như người chụp bóng, chụp lấy sắc dính với kiến, sắc thân kia cũng vẫn còn như cũ, nhưng bóng dính với kiến, thế nào, sắc thân cũ chết nằm trên đất, song cái quả chụp lấy dấu vết sắc thân cũ đi đầu thai cũng như thế ấy.
Vấn: Phước và tội mà người đã làm trú tại nơi đâu?
Đáp: Trú trong tâm.
Vấn: Trú trong tâm, trú như thế nào? Như vậy thì lẫn lộn nhau rồi?
Đáp: Phước là danh pháp, tội cũng là danh pháp giống nhau, mà trú trong tâm, ví như sự thông rõ các chi đạo không lẫn lộn, gặp đạo nào biết đạo nấy, thế nào, phước và tội phần nào cho quả trước thì thọ quả ấy, cũng như vậy.
Vấn: Phước và tội trú trong tâm đến khi chết, tâm ra trước phước và tội, hay là phước và tội ra trước tâm?
Đáp: Tâm, phước và tội đồng ra một lượt ví như người đổ nước trong lu ra, nước và sự trong cũng ra một lượt, nước như tâm, trong như phước; hoặc nước với đục ra một lượt, nước như tâm, đục như tội, tâm cùng phước và tội đồng ra một lượt cùng nhau, vì như thế ấy.
Vấn: Phước cũng trú trong tâm, tội cũng trú trong tâm giống nhau, vậy đến khi sanh lên trời, tội ở nơi nào, còn nếu sa địa ngục, phước trú nơi đâu?
Đáp: Nếu sanh lên cõi trời, tội cũng đi cùng nhau, bằng sa địa ngục, phước cũng dính theo với nhau. Phước và tội ví như bóng và hình, hình đi đến đâu bóng cũng đến đó, thế nào, tâm cùng tội và phước, nếu tâm ở đâu, phước và tội cũng ở đó.
Vấn: Tội đi lên cõi trời bằng cách nào? Phước xuống địa ngục như thế nào?
Đáp: Tội lên cõi trời, phước xuống địa ngục, ví như bông và cát. Bông là vật nhẹ bay giữa trời được, nhưng nếu bông nhiều cũng có thể bọc cát bay lên giữa trời được. Cát ví như tội, bông ví như phước. Lại nữa, cát rớt xuống nước và bọc bông dính theo do năng lực của cát, bông cũng chìm xuống nước; cát như tội, bông như phước dính chung với tội đi địa ngục, phước và tội trú chung cùng nhau, nếu đi lên trời thì tội không có quyền cho quả, về phần phước cho quả, nếu xuống địa ngục, phước không có quyền cho quả, về phần tội cho quả, lại cũng ví như bóng của người vào dưới bóng cây, bóng cây lớn hơn chụp trên đầu bóng của người mất, nếu cho rằng bóng của người chạy đi đâu cũng không được, thế nào về phần phước và tội trú khác chỗ cũng không có quyền cho quả như thế ấy.
Vấn: Phước và tội cái nào mạnh hơn?
Đáp: Phước mạnh hơn.
Vấn: Cớ sao nói phước mạnh hơn?
Đáp: Vì những người làm phước rồi hồi hướng phần phước đến kẻ khác, họ vui lòng thọ lãnh được, hoặc rãi đến Chư thiên, Chư thiên cũng dụng nạp được. Về phần tội, người nào làm người ấy được, đem chia cho kẻ khác, không ai chịu, hoặc như bọn cướp bị bắt khai tội cho nhau họ cũng không vui thích, hoặc tội đã làm rồi hồi hướng cho ngạ quỉ, địa ngục cũng không sao hồi hướng được, cớ ấy nên nói tội yếu hơn phước như thế.
Vấn: Người làm dữ do tâm nào?
Đáp: Do 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.
Vấn: Chúng sanh chết đi luân hồi, làm cầm thú ngạ quỉ, địa ngục, vì nhơn nào?
Đáp: Vì làm quấy trong 12 tâm ác và 14 tâm sở ác.
Vấn: Tâm nào đưa chúng sanh đi thọ khổ?
Đáp: 11 ác tâm đưa chúng sanh đi thọ khổ.
Vấn: Tâm nào đi thọ sanh chịu khổ?
Đáp: “Ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn” (akusalavipāka upekkhāsahagata santīrana ahetuka) là chính mình chúng sanh đi đầu thai và chịu khổ.
Vấn: Cái chi tạo ra địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú để cho chúng sanh?
Đáp: Tất cả nghiệp dữ mà chúng sanh đã làm tạo ra đường địa ngục, ngạ quỉ và cầm thú, để cho chúng sanh.
Vấn: Người làm dữ chỉ có cái tâm thôi, hay là chính mình chúng sanh đi thọ khổ làm cầm thú, ngạ quỉ địa ngục, do nhiều tâm hay là một tâm, tâm ấy gọi là gì?
Đáp: Người làm dữ do nhiều tâm là: xan tham với si mê, hoặc sân hận với si mê, hoặc chỉ có si mê thôi. Chính mình chúng sanh đi chịu khổ làm cầm thú, ngạ quỉ, địa ngục chỉ vì 11 tâm ác (trừ phóng tâm) và “ác quả vô ký” hiệp theo “sát vô nhơn tâm”. Cái quả (vipāka) đi thọ khổ ấy gọi là: ác quả vô nhơn tâm (akusalavipāka ahetukacitta).
Vấn: Người bố thí, trì giới, tham thiền được, do tâm nào?
Đáp: Do 21 tâm lành.
Vấn: Người chết đi thọ sanh làm trời và làm người, do tâm nào?
Đáp: Do tâm lành thọ cảnh giới vừa lòng hoan hỉ (somanassa) trong khi hấp hối.
Vấn: Tâm nào dẫn chúng sanh đi làm trời làm người?
Đáp: Thiện quả vô nhân tâm (kusalavipaka ahetukacitta) là chính mình chúng sanh đi đầu thai làm người và trời.
Vấn: Cái chi tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc (sampatti) để cho chúng sanh?
Đáp: Tất cả sự lành của chúng sanh đã làm, tạo chủng tộc, cõi và hạnh phúc để cho chúng sanh.
Vấn: Người làm lành do mấy loại tâm?
Đáp: Do lai loại tâm là: 3 nhơn (trīhetu) và hai nhơn (duhetu).
Vấn: Tâm lành tạo chúng sanh làm người, trời, cớ sao người và trời không giống nhau, có người thấp hèn, có người cao sang, có hạng sanh lên cõi trời, làm phước bằng cách nào mà khác nhau như thế?
Đáp: Bố thí, trì giới, tham thiền khác nhau. Bố thí, trì giới, tham thiền bực hạ, tạo chủng tộc, cõi, hạnh phúc bực hạ. Bố thí, trì giới, tham thiền bực trung cho hưởng quả bực trung. Bố thí, trì giới, tham thiền bực thượng thọ quả bực thượng, cho đến hàng chư thiên, tạo phước khác nhau như thế ấy.