Tâm vấn đáp
Vấn: Tâm dịch như thế nào?
Đáp: Tâm dịch là suy nghĩ cảnh giới hay là gom thu cảnh giới.
Vấn: Tâm có mấy loại, là cái chi?
Đáp: Tâm có bốn loại là: tâm đeo níu trong Dục giới (kamāvacara citta), tâm đeo níu trong Sắc giới (rūpavacara citta), tâm đeo níu trong Vô sắc giới (arūpavaca racitta), tâm xuất thế (lokuttaracitta)
Tâm đeo níu trong Dục giới ‒ Kamāvacaracitta
Vấn: Tâm đeo níu trong Dục giới có mấy?
Đáp: Có 54 là: 12 ác tâm (akusalacitta), 18 vô nhân tâm (ahetukacitta), và 24 hữu nhân tâm (sahetukacitta).
Vô nhân tâm (ahetukacitta)
Vấn: Vô nhân tâm nghĩa như thế nào?
Đáp: Vô nhân tâm là tâm không hạp theo nhân, không có thể làm cho các đức cao thượng như thiền định phát lên được.
Vấn: 18 vô nhân tâm là cái chi?
Đáp: Là: 7 ác quả (akusalavipāka), 8 thiện quả (kusalavipāka), 3 vô nhân hành (kiriyā).
Bảy ác quả:
1) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi (anitthārammaṇa) là sắc cảnh (rupāramana) trong nhãn môn hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāsahagata cakkhuviññāṇa);
2) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là nhĩ cảnh (saddārammaṇa) trong nhĩ môn hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhāsahagata sotaviññāṇa);
3) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là tỉ cảnh (gandhārammaṇa) trong tỉ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata ghānaviññāṇa);
4) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là vị cảnh (rasārammaṇa) trong thiệt môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagatajivhāviññāṇa);
5) Tâm biết rõ cảnh giới không nên mong mỏi là xúc cảnh (phassārammaṇa) trong thân môn hợp theo khổ dụng nạp (dukkhasahagata kāyaviññāṇa);
6) Tâm biết rõ năm cảnh giới không nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sampaticchanna);
7) Tâm xem xét cả năm cảnh giới, không nên mong mỏi, nhứt là sắc cảnh trong năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata santīrana).
Tám thiện quả (kusalavipāka) là:
1) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi (itthārammaṇa) là sắc cảnh trong nhãn môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata cakkhuviññāṇa);
2) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là thinh cảnh (saddārammaṇa) trong nhĩ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sotaviññāṇa);
3) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là hương cảnh trong tỉ môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata ghānaviññāṇa);
4) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là vị cảnh trong thiệt môn hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata jivhāviññāṇa);
5) Tâm biết rõ cảnh giới nên mong mỏi là xúc cảnh trong thân môn hợp theo hạnh phúc ý dụng nạp (sukhasahagata kāyaviññāṇa);
6) Tâm thọ cả năm cảnh giới nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong cả năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata sampaticchanna);
7) Tâm xem xét cả năm cảnh giới nên mong mỏi nhứt là sắc cảnh trong cả năm cửa hợp theo hỷ ý dụng nạp vừa lòng (somanassasahagata santīraṇa);
8) Tâm xem xét cả năm cảnh giới nên mong mỏi trong cả 5 cửa hợp theo vô ký ý dụng nạp (upekkhasahagata santīrana).
Ba vô nhân hành (ahetukakiriya):
1) Tâm suy nghĩ tìm tòi cảnh giới trong cả năm cửa hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata pañcadvārāvajjana);
2) Tâm tìm tòi cảnh giới trong cửa ý hợp theo ý vô ký dụng nạp (upekkhāsahagata manodvārāvajjana);
3) Tâm tươi cười hợp theo vừa ý dụng nạp (somanassasahagata hasituppāda). Hasituppāda chỉ có trong tâm bực vô lậu (kūnassaba), không khi nào có trong tâm phàm nhơn và hàng hữu học.
Vấn: Cảnh giới không nên mong mỏi như thế nào?
Đáp: Nói về cảnh giới phát sanh do quả dữ, nhứt là sắc cảnh trong năm cửa.
Vấn: Cảnh giới nên mong mỏi như thế nào?
Đáp: Nói về cảnh giới, nhứt là sắc cảnh phát sanh do quả lành.
Vấn: Vô ký trong các nơi khác đều hợp theo nhân, nếu không hợp theo nhân phước, cũng hợp theo nhân tội, trong tâm dữ cũng có vô ký, trong tâm lành cũng có vô ký. Vô ký trong vô nhân tâm này khác nhau, như thế nào mà nói là phước cũng không phước, tội cũng không tội.
Đáp: Vô ký trong chỗ khác hợp theo nhân đầu tiên, như vô ký trong tâm xan tham là tâm quyến luyến trong cảnh giới nhứt là sắc cảnh, là nơi nên mong mỏi. Về phần vô ký trong tâm lành hợp theo nhân là không xan tham, cho nên gọi là alobho dānahetu. Tâm không mắc dính mới bố thí được. Vô ký trong vô nhân tâm mà nói là không hợp theo nhân, vì tâm này là trung lập (abyākrita) hoàn toàn lìa cả 6 nhân, nên gọi là phước cũng không phải mà tội cũng không phải, là tâm bơ thờ, lợt lạt bực trung, không hợp theo nhân, như đã giải.